Thứ Tư, Tháng Năm 8, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềHà Nội trong những tác phẩm “Lớn hơn ca khúc” (Phần 8)

Hà Nội trong những tác phẩm “Lớn hơn ca khúc” (Phần 8)

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

Ảnh: Internet

(Tiếp theo)

Nguồn thứ ba: âm điệu tiếng nói

Xây dựng giai điệu nhạc đàn trên ngữ điệu và âm sắc tiếng nói dân tộc là một thủ pháp độc đáo của khí nhạc Việt Nam mà ta vừa tiếp cận qua câu khấn giả giọng người “a di đà phật” ở đàn orgue trong Thăng Long 990 (Thế Bảo).

Với âm nền tụng kinh rì rầm không đứt đoạn, giai điệu chính của chương kết cất lên ở kèn đồng một cách tự hào và trang trọng, khẳng định lần nữa nhân tố chủ đạo của Thăng Long 990 trên ngữ điệu “rồng – tiên, tiên – rồng”, một tuyên ngôn về giống nòi của các con dân đất Việt [thí dụ 14].

Nếu nhạc cụ hát theo dân ca hay ca khúc phổ thông tạo cảm giác dễ nghe dễ gần hơn, thì ta cũng thấy thú vị và dễ hiểu hơn khi chợt nhận ra giai điệu tuy không lời mà như thầm nói điều gì đó có ngữ nghĩa, có nội dung cụ thể.

Tự thân tiếng Việt vốn ẩn chứa đường nét trầm bổng nên ngữ điệu tiếng nói dễ dàng biến thành nhân tố phát triển cho giai điệu không lời. Lại thêm một đặc điểm chung của khí nhạc Việt Nam được phát lộ qua sáng tác về Hà Nội.

Không khó gì trong việc giải mã những nét nhạc “biết nói”, vì chúng thường ngắn gọn súc tích như khẩu hiệu, tiếng gọi, tiếng hô hào và được lặp lại nhiều lần trong vai trò hạt nhân phát triển để nhấn mạnh thông điệp chính của tác phẩm.

Ta đã biết nét nhạc mang ngữ điệu “rồng – tiên” hay còn có thể được hiểu là “Việt Nam” chất chứa niềm tự hào dân tộc trong Thăng Long 990 (Thế Bảo).

Ta cũng nghe lời khấn “Nam mô, nam mô, di đà Phật, a di đà Phật” trong giai điệu lắng sâu, trầm mặc ở khúc Phật nghìn tay nghìn mắt của tổ khúc piano Con cò trắng (Nguyễn Văn Nam).

Ta còn nghe tiếng gọi “Hồ Chí Minh” tràn đầy sự tôn kính ngưỡng mộ trong khúc tùy hứng Ba Đình mùa thu ấy (Ngô Quốc Tính) và phần cuối thơ giao hưởng Người về đem tới ngày vui (Trọng Bằng).

Lại thêm “Thành phố bên sông Hồng” là tiêu đề và cũng là giai điệu chính của chương đầu đã được nhân rộng thành motif ngợi ca trong chương cuối của hợp xướng giao hưởng Hà Nội ngàn năm – Hà Nội xuân (Nguyên Nhung).

Không thể bỏ qua nét nhạc mang ngữ điệu “giải phóng Điện Biên” thời chống Pháp hay “giải phóng miền Nam” thời chống Mỹ. Tách khỏi giai điệu ca khúc xuất xứ và chỉ giữ nguyên dấu giọng của tiếng nói, nét nhạc đầy tính khẩu hiệu này diễn tả hành động cụ thể trong trận chiến trực diện với kẻ thù ở chương I giao hưởng Cuộc đối đầu lịch sử (Vĩnh Cát), cũng như ý nghĩa khái quát cho truyền thống chống ngoại xâm trong chương kết của tác phẩm piano Ký ức Thăng Long – Hà Nội (Huy Thục) [thí dụ 15].

Trở lại với giao hưởng thanh xướng kịch Ký ức Hồ Chí Minh (Quang Hải) để thấy rõ thêm một chi tiết liên quan đến vai trò tiếng nói: chủ đề âm nhạc chính là con đẻ của ngữ điệu tiêu đề chương nhạc.

Khi gợi ý trực tiếp bằng tiêu đề là người viết đã trao cho người nghe chìa khóa giải mã nội dung cụ thể của chủ đề âm nhạc. Tên gọi của ba trong số năm chương đã được nhạc cụ tấu thành giai điệu: Bao năm bôn ba tìm đường cứu nước (chương II), Ngày trở về (chương III), Không có gì quý hơn độc lập tự do (chương V) [thí dụ 16].

Giao cho giọng đọc thơ vai trò nhạc cụ độc tấu và biến ngữ điệu lời thơ thành một bè giai điệu độc lập cũng là một cách tôn vinh tiếng nói dân tộc trong các giao hưởng Ký ức Hồ Chí Minh (Quang Hải), Hồn non nước, Khai giác Hồn đất Việt (Nguyễn Thiên Đạo).

Hòa trộn với bè đọc thơ trong chương V giao hưởng hợp xướng Khai giác (Nguyễn Thiên Đạo) còn có cả một biển ngữ điệu dày đặc không ngừng lượn sóng. Âm nền trầm bổng, càng lúc càng dồn dập ấy được hình thành từ hàng chục giọng sư tăng đồng loạt tụng kinh Bát nhã. Sự uyển chuyển và sống động tựa lối đàn ca ngẫu hứng cổ truyền được kết hợp với âm điệu tiếng nói dân tộc đã biến cảnh Thiền nhập định thành khoảnh khắc ấn tượng nhất trong câu chuyện về đức Phật.

Cảnh 6 Thiền và cảnh 13 Kiều trong giao hưởng Hồn đất Việt (Nguyễn Thiên Đạo) tiếp tục phát triển nhiều tầng ngữ điệu đọc thơ theo lối đồng loạt nhưng không đồng đều. Sự khác thường ở đây chính là tính động và mở (gần với kết cấu nhạc cổ truyền) được hình thành từ mối kết hợp không đóng khung cứng nhắc giữa các bè hợp xướng. Các bè lúc rì rầm, lúc dõng dạc xướng lên những câu thơ khác nhau, ngay cả mỗi thành viên trong một bè tuy đọc cùng lời thơ nhưng vẫn tùy ý ngẫu hứng về cao độ và nhịp độ.

Nhạc kịch Mỵ Châu – Trọng Thủy và các giao hưởng Khai giác, Hồn đất Việt (Nguyễn Thiên Đạo) đôi khi còn giải phóng lời ca khỏi nhiệm vụ chính là chuyển tải ngữ nghĩa. Ca từ chứng tỏ quyền độc lập tự do tuyệt đối của mình đến độ không còn nhất nhất trung thành với dấu giọng nữa. Từ ngữ không cần được hiểu rõ ý nghĩa nội dung, mà hướng tới chức năng mới là tạo ra những màu âm thanh khác nhau cho quá trình mở rộng “tính năng nhạc cụ” cho giọng người. Lúc này, ngữ điệu tiếng nói vốn hình thành từ mối tương quan giữa các từ với nhau đã nhường ngôi cho âm sắc tự thân ở mỗi từ riêng biệt, cho nên xảy ra không ít trường hợp trái dấu hay còn gọi là “cưỡng âm”. Từ đây ta có thể nghe thấy những cách phát âm không theo giọng “chuẩn” Hà thành: Hà Nối, a di đà Phất, hoặc “vút bay lên” thành vụt báy lến

Đã gặp hiện tượng nhạc cụ giả giọng người rồi, tới đây ta còn biết trò “đóng thế” thỉnh thoảng lại hoán đổi vai vế. Không ít điệp từ tượng thanh rộn rã vang lên biến các bè hợp xướng thành các “tổ, bộ” nhạc cụ:

– “Chát, đùng, sập, keng” hoặc “chát chát, sập sập” nhại lại tiếng nhạc cụ gõ trong Hồn non nướcHồn đất Việt (Nguyễn Thiên Đạo);

– “Boong boong, cốc cốc” họa theo tiếng chuông và tiếng mõ nhà chùa trong Cửa Phật chuông ngân mừng Thăng Long ngàn tuổi – chương III của đại hợp xướng Phật tích (Ngô Quốc Tính);

– “Tình tính tang” bắt chước tiếng đàn gảy hoặc “tùng tùng tùng” giả làm tiếng trống rung trong đại hợp xướng Việt Nam tình non nước (Đinh Quang Hợp) [thí dụ 17].

***

Tới cuối chặng đường này, ta đã phần nào nhận thấy các tác phẩm “lớn hơn ca khúc” về Hà Nội chẳng những đa chiều, đa dạng, đa nghĩa trong nội dung đề tài, mà còn đa tầng, đa màu, đa sắc trong ngôn ngữ âm nhạc.

Trong nhiều cái “đa” ấy, vai trò của sự kế thừa truyền thống dân tộc luôn được đề cao với niềm tin: đi tới tận cùng dân tộc là con đường ngắn nhất dẫn đến nhân loại. Song, điều đáng ghi nhận nhất ở đây vẫn là dấu ấn thời đại, bởi những màu sắc và đường nét dân tộc, những chất liệu hay phương thức cổ truyền đều được nhào nặn qua bàn tay con người thời đại, theo cảm quan thẩm mỹ thời đại.

Hiển nhiên là những tác phẩm hợp xướng, thính phòng, giao hưởng Hà Nội mang hơi thở cuộc sống hiện tại, lưu giữ cái chưa từng có trong quá khứ và chắc hẳn sự sáng tạo chẳng bao giờ chịu dừng bước để lặp lại những thứ giống như thế trong tương lai.

Và cũng chắc hẳn đến lượt mình, các nhạc sĩ trẻ hôm nay và mai sau sẽ kéo dài danh mục khí nhạc Hà Nội bằng những tác phẩm có thể mới mẻ đến mức ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.

Thêm một điều đáng ghi nhận nữa, chỉ riêng sáng tác về Thủ đô cũng đã phản ánh những nét cơ bản của khí nhạc nói chung, chứng tỏ số lượng tác phẩm về Hà Nội và tình cảm giới nhạc sĩ dành cho Hà Nội quả là không nhỏ.

Đại lễ kỷ niệm Thủ đô tròn nghìn tuổi làm nóng thêm ý nghĩa của việc gìn giữ những chứng tích truyền thống cho Thủ đô, tìm hiểu những giá trị đã đi vào lịch sử và sẽ đi vào lịch sử Thăng Long – Hà Nội.

Có những giá trị phi vật thể tuy vô hình nhưng còn trường tồn hơn cả vật thể, còn bền lâu hơn cả nhiều thứ nhìn thấy và sờ nắm được bằng mắt bằng tay.

Những giá trị như thế đáng được đầu tư sáng tác và dàn dựng, đáng được đón nhận và gìn giữ cho Hà Nội mai sau.

Còn gì bằng nếu ngay tại điểm kết thúc chuyến du ngoạn vô hình này lại khởi đầu trong người đọc mong muốn khám phá bằng âm thanh thực sự những tác phẩm thính phòng, giao hưởng và hợp xướng, một trong những tài sản nghệ thuật mang tính kinh viện của Hà Nội thời đại chúng ta.

Trích chuyên luận Hà Nội trong những tác phẩm “lớn hơn ca khúc” (2009)

Các phần khác:

HÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 1)

HÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 2)

HÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 3)

HÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 4)

HÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 5)

HÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 6)

Hà Nội trong những tác phẩm “lớn hơn ca khúc” (Phần 7)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

Họa Mi hót trong mưa

Lời nguyện ước

VIỆT NAM TƯƠI ĐẸP

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY