Thứ Bảy, Tháng Năm 4, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềHÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 6)

HÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 6)

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

Ảnh: Internet

(Tiếp theo)

Hồn vía dân tộc không chỉ toát ra từ chất liệu âm nhạc, mà còn ẩn sâu trong cấu tứ câu chuyện và phong cách diễn tấu.

Chuyện nàng Kiều (Nguyễn Văn Nam) là những màn kịch không lời được gói giữa chương đầu và chương cuối có lời dẫn giải theo lối kể có đầu có đuôi, qua giọng kể mang phong cách âm nhạc cổ truyền.

Cách ém hơi nhả chữ của ca trù trong âm điệu Bắc bộ dẫn dụ người nghe vào chuyện bằng câu nhập đề kiểu cổ tích “ngày xưa…”, tuy đây không phải một câu chuyện cổ tích có hậu.

Chuyện khép lại bằng lời đúc kết ngâm ngợi theo lối hát thơ Lục Vân Tiên của Nam bộ ở chương VI (final) Đoạn trường bất tử, vừa như triết lý, vừa như an ủi cho phận hồng nhan qua mấy câu thơ mượn cụ Nguyễn Du: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Cũng cần nói thêm là cái tài tương xứng với vẻ đẹp “mười phân vẹn mười” đã được diễn tả trong chương III Cung đàn bạc mệnh bằng âm nhạc không lời mang hơi hướng của canh hát ả đào, một sinh hoạt âm nhạc nở rộ trên đất Hà thành cuối thế kỷ XIX – đầu XX. Sau vài nhịp dẫn dắt của phách và trống đế, đàn violon ngân nga luyến láy thay cô đầu và nâng đỡ “giọng ca” là cây violoncelle nhấn nhá trong vai anh kép chơi đàn đáy [thí dụ 6].

Cô đào violon và anh kép violoncelle còn chơi thêm canh hát nữa trong dạ khúc Đêm hồ Gươm (Ngô Quốc Tính). Đóng thế quan viên cầm chầu vẫn là tay trống đế đĩnh đạc điểm vài tiếng đóng khung đầu và cuối câu hát, vừa khai mào vừa chấm hết câu, vừa báo hiệu vừa tán thưởng giọng hát tiếng đàn. Đảm trách tay phách giòn giã của đào nương là nhạc cụ gõ castagnetti [thí dụ 7].

Vài yếu tố hòa tấu cổ truyền đã được gieo lên mảnh đất thử nghiệm để kiếm tìm hiệu quả dân tộc trong sáng tác nhạc đàn. Thử hình dung xem điều gì xảy ra sau cơn choáng ngợp và cố bắt kịp kiến trúc cao tầng đồ sộ, khép kín của phương Tây? Đâu có lạ nếu một ngày ta bỗng thèm khát trở về ngôi nhà tổ tiên không hướng thượng mà hướng ngoại, với cấu trúc rộng mở đón gió trời cho thỏa cái cảm nhận thẩm mỹ phương Đông vẫn lặn sâu trong ta như một thứ “gien” di truyền ngủ quên bấy lâu. Chẳng gì thì kiến trúc tự nhiên cũng như nhân tạo trên đất Việt chằng chịt sông ngòi, kênh rạch, đê điều, mương máng từ bao đời rồi vẫn thiên về không gian dàn trải và thông thoáng theo chiều ngang.

Hành trình hướng về cội nguồn đó tình cờ bắt trúng nhịp những bước phá cách thời hiện đại. Nguyên lý cấu tạo cột dọc và kết nối hợp âm cổ điển đã lung lay trước xu thế phát triển tự do các tuyến giai điệu độc lập, từ đó ngẫu nhiên sinh ra những chồng âm nhiều màu sắc. Bắt đầu hé lộ những khía cạnh chưa từng biết đến ở hình tượng Hà Nội trong khí nhạc. Những chuỗi âm thanh mới lạ và bất định xuất hiện nhiều hơn, táo bạo hơn. Chúng đan kết thành tình tiết huyền ảo trong Rồng bay rùa hát (Ngô Quốc Tính), thì thầm câu chuyện bí ẩn trong Vũ điệu bầu trời (Lê Tịnh), xóa nhòa nếp nghĩ cố hữu trong Thăng Long (Đàm Linh), tô đậm mảng màu đương đại cho bức tranh đa sắc trong Thăng Long thiên niên kỷ (Trần Trọng Hùng), giăng mắc một cảm giác mơ hồ trước thềm thiên niên kỷ mới trong Khoảnh khắc ngàn năm (Vĩnh Cát), khuynh đảo cả thế giới thần tiên và ma quỷ trong chùm tác phẩm thuộc trường phái Tiên phong (Avant-garde): Hồn non nước, Sóng hồn, Sóng thần, Sóng nhất nguyên, Khai giác, Hồn đất Việt (Nguyễn Thiên Đạo).

Sử dụng nhạc cụ cổ truyền cũng là một “chiêu” khá thông dụng trong quá trình dân tộc hóa nhạc giao hưởng.

“Chiến tích” của các cuộc thử nghiệm hòa trộn âm sắc đàn cổ truyền của ta với dàn nhạc Tây thuộc về bầu, sáo trúc, tiêu, tranh, nhị, nguyệt, tỳ bà, t’rưng và các nhạc cụ gõ dân tộc.

Riêng đàn bầu – cây độc huyền quyến rũ đến độ người xưa phải có nhời răn đe “làm thân con gái chớ nghe đàn bầu!” – đã từng tham tấu cùng dàn nhạc giao hưởng trong hàng loạt tác phẩm: Bão lửa Thăng Long ­(Lê Khiêm), Chào mừng (Trọng Bằng), Hoa Lư – Thăng Long – Bài ca dời đô  (Doãn Nho), Thăng Long 990 (Thế Bảo), Ba Đình mùa thu ấy (Ngô Quốc Tính), Sóng thần (Nguyễn Thiên Đạo), Hồn đất Việt (Nguyễn Thiên Đạo)…

Cuộc đối thoại giữa nhạc cụ Tây và nhạc cụ ta khá linh hoạt và đa dạng, có lúc quen thuộc tựa như lối hòa tấu ngẫu hứng của các cụ ta xưa, có khi lại hoàn toàn khác lạ bởi những khám phá bất thường trong tính năng nhạc cụ dân tộc.

Bên cạnh sự kết hợp một hoặc đôi ba nhạc cụ cổ truyền với dàn nhạc giao hưởng trong khá nhiều tác phẩm, còn có cuộc gặp gỡ giữa hai dàn nhạc: dàn giao hưởng phương Tây và khối nhạc cụ truyền thống Việt Nam trong Sóng thần Hồn đất Việt (Nguyễn Thiên Đạo). Niềm hứng khởi giữa đất trời giao hòa được cộng hưởng với khát vọng xích lại gần hơn khoảng cách giữa hai phương trời Đông – Tây.

Khát vọng đó cũng nổi lên trong “canh hát giao duyên” giữa đàn bầu và violoncelle ở Sóng nhất nguyên (Nguyễn Thiên Đạo). Đó là cuộc đối đáp đầy bất ngờ với những nốt nhạc chấp chới trên dấu thăng và dấu bình như muốn tìm lại các bậc non – già cổ xưa, với cách “phát âm” tự do và lối diễn tấu tùy hứng của cặp đôi “nàng và chàng” đại diện cho hai thái cực Đông và Tây, nhu và cương, âm và dương [thí dụ 8].

(Còn nữa)

Trích chuyên luận Hà Nội trong những tác phẩm “lớn hơn ca khúc” (2009)

Các phần khác: https://hoinhacsi.com/ha-noi-trong-nhung-tac-pham-lon-hon-ca-khuc-phan-1/

https://hoinhacsi.com/ha-noi-trong-nhung-tac-pham-lon-hon-ca-khuc-phan-2/

https://hoinhacsi.com/ha-noi-trong-nhung-tac-pham-lon-hon-ca-khuc-phan-3/ 

https://hoinhacsi.com/ha-noi-trong-nhung-tac-pham-lon-hon-ca-khuc-phan-4/

https://hoinhacsi.com/ha-noi-trong-nhung-tac-pham-lon-hon-ca-khuc-phan-5/

https://hoinhacsi.com/ha-noi-trong-nhung-tac-pham-lon-hon-ca-khuc-phan-6/

 

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY