Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềHÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 5)

HÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 5)

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

Ảnh: Internet

(Tiếp theo)

CHẶNG THỨ BA: NGÔN NGỮ ÂM NHẠC

Ca khúc không phải thể loại độc quyền của giới nhạc sĩ vì có những người chẳng rành nốt nhạc vẫn có thể viết bài hát. Với khí nhạc thì khác, khó mà biến đất dụng võ của các nhà chuyên môn thành sân chơi chung. Trong khi tính phổ thông được xem như yếu tố nổi bật ở ca khúc, thì tính học thuật vẫn là điều kiện tiên quyết trong sáng tác âm nhạc nhiều bè.

Tiếp nhận nghệ thuật âm nhạc hàn lâm phương Tây, giới nhạc sĩ ta được thừa hưởng luôn cả vốn bí quyết nhà nghề tích cóp mấy trăm năm, từ kinh nghiệm của các cụ tổ nhạc thính phòng giao hưởng châu Âu cho đến những thử nghiệm mới tinh khôi của thời đại bùng nổ thông tin toàn cầu.

Mọi khía cạnh đều rộng mở, đủ các thể loại nhỏ và lớn, hình thức đơn giản và phức tạp, âm nhạc có chủ đề và xu hướng không chủ đề, chủ đề có giai điệu hoặc không giai điệu, hòa thanh khuôn mẫu hoặc phá cách, phức điệu nghiêm khắc hoặc tự do, phối khí thưa mỏng hoặc dày đặc…

Những phương tiện biểu hiện không giới hạn ấy được vận dụng như thế nào, theo cách nào để âm nhạc nhiều bè trở nên gần gũi với công chúng Việt Nam, để hồn Việt có thể vượt qua biên giới Việt, đấy mới là điều đáng nói. Và từ đó cũng thấy rõ hơn những gì làm nên giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Những yếu tố Việt trong cách sử dụng ngôn ngữ âm nhạc chung của nhân loại – hay nói ngắn gọn hơn, quá trình Việt hóa âm nhạc nhiều bè – được phản ánh qua các sáng tác về Hà Nội đã hình thành từ mối liên hệ trực tiếp với các nguồn khác nhau, trong đó trữ lượng dồi dào nhất là kho tàng âm nhạc cổ truyền, tiếp đến ca khúc quần chúng, âm sắc và ngữ điệu tiếng nói.

Nguồn thứ nhất: âm nhạc cổ truyền

Đưa dân ca dân vũ vào khí nhạc chuyên nghiệp, cách làm xửa xưa của truyền thống châu Âu vẫn được vận dụng như thủ pháp hữu hiệu để dán mác quốc gia cho những nền khí nhạc còn quá non trẻ đang ngấp nghé cuộc chơi toàn cầu. Song, trước khi lấy phong trào giương cao ngọn cờ dân tộc làm điểm tựa cho xu thế hội nhập, thì mục tiêu ban đầu của việc khai thác di sản tổ tiên là để công chúng ở ta dễ hiểu, dễ chấp nhận một loại hình âm nhạc hoàn toàn mới lạ.

Người Việt vốn ưa nghe nhạc có giai điệu nên không gì đơn giản bằng mượn ông bà cụ kỵ những làn điệu dân ca giàu chất hát. Sự trích dẫn có thể rập khuôn nguyên cả bài, một câu nhạc hoặc một nét nhạc cô đọng, nhưng thường gặp hơn lại không phải những giai điệu “sao y bản chính”, mà là những “dị bản” ít nhiều được chế lại theo sở thích thời nay.

Để có một dẫn chứng về sự trích dẫn nguyên dạng, ta đến với dòng tự sự của Những kỷ niệm quê hương (Hoàng Dương), một tập “hồi ký không lời” có chủ đề chính hoàn toàn dựa trên giai điệu dân ca quan họ Bắc Ninh Xe chỉ luồn kim.

Còn gì êm ấm thanh bình bằng những tháng năm đầu đời nương náu trong vòng tay mẹ, thân thuộc và trọn vẹn như khúc hát quê nhà (I – Tiếng quê hương). Ký ức trôi qua tuổi học trò vô tư tinh nghịch trong âm hình nhảy nhót vui nhộn (II – Tuổi hoa), lướt tới tuổi thanh niên dịu ngọt dư vị tình yêu trong những đường nét giai điệu liền mạch và rộng mở (III. Khúc tình ca), để cuối cùng cuốn hút theo tiết tấu dồn dập, tràn trề sức sống, nghị lực và niềm tin vào những điều tốt đẹp nhất trong đời người (IV – Niềm vui).

Dù các biến khúc với cách diễn tấu phức tạp hơn cứ dẫn dắt xa dần chủ đề chính, ta vẫn nhận thấy từng bước lớn lên của người Hà Nội đều có chung một cội từ câu hát dân gian đã thuộc “nằm lòng” từ thuở ấu thơ [thí dụ 1[1]].

Rất có duyên với sáng tác nhạc đàn là làn điệu tứ quý Mừng hội cướp bông. Khơi dậy không khí hội hè hoặc lễ mừng chiến thắng, điệu Chèo quen thuộc đã đưa âm hưởng dân gian đặc trưng của vùng châu thổ sông Hồng vào các tác phẩm khí nhạc chuyên nghiệp.

Vẫn một nét nhạc ấy thôi, mà có thể cảm nhận được những trải nghiệm khác nhau của những thời điểm khác nhau. Tốc độ nhanh, chuyển động cuốn hút, đó là lúc cả cộng đồng đều hướng tới một ngày toàn thắng trong tương lai ở giao hưởng Cuộc đối đầu lịch sử (Vĩnh Cát). Tiết tấu chao đảo, trì hoãn gợi một chút hẫng hụt bất an còn đọng lại từ ký ức chiến tranh trong thơ giao hưởng Khát vọng (Nguyễn Thị Nhung) [thí dụ 2]. Giản đơn hơn, concerto Thăng Long ngàn năm hội ngộ (Nguyễn Thiếu Hoa) giữ nguyên vẹn vẻ mộc mạc, bộc trực cho không gian của những cuộc vui đình đám.

Câu dân ca Phú Thọ Bà rằng bà rí nhẹ nhàng, tươi sáng cùng các em thiếu nhi Thủ đô hân hoan chúc mừng ngày sinh lần thứ bảy mươi của vị Chủ tịch nước đầu tiên trong ca múa cảnh Hái hoa dâng Bác (Vĩnh Cát). Cũng câu hát ghẹo này ở concerto Thăng Long (Nguyễn Thiếu Hoa) lại pha chút bỡn cợt, chút làm duyên khi được tung hứng giữa hai bè hát đuổi nhau trong âm sắc nhạc cụ trúc và gỗ (sáo ta và kèn Tây clarinette), cứ như một cặp đôi trai gái đua tài đối đáp trong ngày hội dân gian kỷ niệm nghìn năm Thăng Long [thí dụ 3].

Cùng hội tụ trong hình tượng Hà Nội – trái tim Tổ quốc – còn có nhiều nét nhạc quen thuộc khác được rút tỉa từ gia tài dân ca ba miền Bắc – Trung – Nam.

Theo bảng phân vai trong màn kịch nhiều nhân vật của thơ giao hưởng Tháng Tám lịch sử (Doãn Nho), điệu Xuân thâng của người Tày gắn với hình ảnh một nhân vật chính diện: người dân vùng tự do thời chống Pháp. Niềm vui đón xuân chiến khu được nhân lên thành niềm tin vào ngày chiến thắng trở về Thủ đô. Và ngày mong đợi đã đến, biến bài hát mùa xuân tươi sáng bình dị chất núi rừng thành khúc hoan ca trang trọng, mở ra một mùa xuân đầy ước vọng cho một quốc gia vừa mới khai sinh quyền độc lập.

Điệu Xòe Thái cũng đưa bước nhảy nhịp nhàng từ núi rừng Tây Bắc hòa vào cuộc vui chung với Thủ đô. Qua âm điệu vùng cao, tưởng như hoa ban đã nở rộ và ngát hương ngay giữa lòng Hà Nội trong sinh nhật Cụ Hồ ở ca múa cảnh Hái hoa dâng Bác (Vĩnh Cát), tưởng như lấp loáng sắc màu hoa văn trên váy áo các nàng sơn cước trong ngày hội thống nhất đất nước ở thơ giao hưởng Khát vọng (Nguyễn Thị Nhung).

Có thể nhận ra ngay câu hát tình tứ “bướm lượn là bướm ối a nó bay” của bài Hoa thơm bướm lượn vùng Kinh Bắc bồng bềnh nâng cánh cho ước vọng tuổi hoa niên trong tác phẩm piano Ký ức Thăng Long – Hà Nội (Huy Thục)

Có thể thưởng thức những câu Hò mái nhì chính hiệu đưa đẩy cảnh nước nước non non xứ Huế vào dòng chảy “xuyên Việt”, làm mạch nối giữa một dải dân ca kéo dài từ chập chùng vùng núi phía Bắc tới không gian mênh mông sông nước Nam bộ trong khúc tùy hứng Thăng Long 990 (Thế Bảo).

Mọi miền dân ca đều là quê hương. Trong dòng chảy quê hương ấy không thể vắng mặt âm điệu Tây Nguyên huyền bí, mê hoặc mà thanh khiết như hơi thở đại ngàn. Khúc dân vũ nhịp nhàng lôi cuốn bởi tiết tấu cồng chiêng được tái tạo bằng những chùm âm màu sắc ngũ cung của bộ kèn đồng trong Hái hoa dâng Bác (Vĩnh Cát).

Cũng những bước nhún nhảy vừa duyên dáng, vừa khỏe khoắn của núi rừng Tây Nguyên đã đi vào thơ giao hưởng Khát vọng (Nguyễn Thị Nhung) để góp thêm một sắc thái tươi trẻ trong niềm vui cộng đồng.

Chưa hết đâu, còn đây Lý ngựa ô tung vó “có con ngựa ứ ngựa ô…” cho Hà thành ngất ngư cùng men tình phóng khoáng của người phương Nam trong concerto Thăng Long ngàn năm hội ngộ (Nguyễn Thiếu Hoa).

Còn đây Lý chiều chiều mùi mẫn cất lên tiếng lòng mung lung xao xuyến “thương ai thương trong lòng” qua âm sắc đàn bầu ở Sắc xuân (Đỗ Hồng Quân), rồi lại “chiều chiều ra đứng ư… Tây lầu Tây” trong âm vực cao vút của violon ở giao hưởng Sóng nhất nguyên (Nguyễn Thiên Đạo).

Đàn bầu còn đem nỗi nhớ bâng khuâng “chiều chiều ra đứng…” hòa quện với sáo trúc tình tứ một nét dân ca Chàm, tạo nên khúc mở đầu cảnh 4 Hai bà Trưng trong giao hưởng Hồn đất Việt (Nguyễn Thiên Đạo). Tiếp đó, sự xáo động càng gia tăng trong mảng pha trộn táo bạo chất liệu âm nhạc Bắc với Nam, cổ với kim. Cuộc tương ngộ khách tứ phương chưa từng thấy này tạo nên một hiệu quả âm thanh vừa quen vừa lạ. Trên nền những chùm âm chông chênh bất định theo phong cách hiện đại của dàn nhạc giao hưởng là khúc ngẫu hứng đa tầng của ban nhạc cổ truyền, trong đó mỗi nhạc cụ dân tộc độc tấu giai điệu riêng biệt lấy từ các nguồn khác nhau: sáo và tiêu luyến láy vài đường ngâm thơ, nguyệt vân vê mấy câu chầu văn, tỳ bà thổn thức theo Trường tương tư, bầu trầm bổng với Hành vân, tranh ngâm ngợi cùng Tứ đại cảnh [thí dụ 4].

Việc khai thác gia sản tổ tiên không dừng ở sự trích dẫn giai điệu dân ca nhạc cổ. Chẳng vay mượn một làn điệu, một câu hát cụ thể nào, mà chỉ cần học lấy vài ngón nghề của tổ tiên và khéo vận dụng một số yếu tố “gia truyền” – như màu sắc ngũ cung, đường nét luyến láy, những quãng đặc trưng, âm sắc nhạc cụ, phong cách diễn tấu, kinh nghiệm hòa tấu, cấu trúc tác phẩm… – cũng có thể gợi lại hương vị thân thuộc từ xa xưa.

Kìa tiếng trống chầu hối thúc già trẻ gái trai mau mau đến coi đêm diễn sắp bắt đầu. Âm thanh lay động cả xóm thôn năm nào vào mỗi đêm hát bội hát chèo, dường như lại trỗi dậy mời gọi ta lắng nghe câu chuyện không lời Thánh Gióng (Doãn Nho), rủ rê ta nhập vào cuộc vui Thăng Long ngàn năm hội ngộ (Nguyễn Thiếu Hoa). Họa lại tiếng trống báo hiệu giục giã, nôn nao cả lòng người là một cách đánh thức ký ức âm thanh, thứ âm thanh một thuở đầy ắp hồn làng, hồn quê và cả mệnh nước nữa, như ông bà ta đã nói trong ca dao: “Nghe rao trống chiến, không khiến cũng đi/ Nghe giục trống chầu, đâm đầu mà chạy”.

Sự căng thẳng kịch tính của nghệ thuật tuồng đã tiếp sức cho trận đấu một chọi trăm chọi ngàn của chàng Gióng. Ở thơ giao hưởng Thánh Gióng (Doãn Nho), giọng người tham chiến không khác gì các nhạc cụ hòa tấu không lời, tiếng hô xung trận “hơ hơ…” như trong tuồng đã đổ thêm dầu vào lửa cho tuyến kịch bốc lên cao trào.

Tiếng vuốt chồng chéo của dàn dây và kèn gỗ chen lẫn những cú đánh dữ dằn của kèn đồng và bộ gõ ở cảnh 2 Thánh Gióng trong giao hưởng Hồn đất Việt (Nguyễn Thiên Đạo) tạo nên những nét vẽ vun vút ngựa bay, kéo theo những vệt lửa ngùn ngụt cháy từ những cụm tre ngà nhổ bật gốc thay vũ khí. Cảnh này diễn ra song song với cảnh 3 Mỵ Châu – Trọng Thủy để đẩy lên cao độ tính kịch trong bức tranh âm nhạc đa tầng và đa tuyến, đối lập giữa chất hùng với chất bi.

Không chỉ diễn tả những pha hành động, những cú va chạm bên ngoài, mà sắc thái gay gắt cường điệu của tuồng còn kích động thêm những giằng xé nội tâm trong cuộc đối đầu giữa đạo với đời, giữa thiện với ác ở giao hưởng Khai giác (Nguyễn Thiên Đạo). Về các khúc Cuồng Nộ “rất tuồng” này tất nhiên cũng phải kể đến sự pha trộn kỹ thuật diễn tấu của nghệ thuật opéra phương Tây với một chút điên dại mang hơi hướng chèo qua những gây cấn đột ngột vì những quãng nhảy trong giai điệu và dấu lặng trong tiết tấu.

Chất dân dã mộc mạc của chèo quấn quýt đường nét luyến láy, tình tứ tiết tấu đong đưa, nhấn nhá những quãng đặc thù châu thổ sông Hồng thường được “vận” vào những khoảnh khắc hoài cổ. Như có bóng dáng anh hề chèo liến láu làm hoạt náo viên dẫn dắt chương trình trong đoạn chuyển tiếp giữa các chủ đề chính của bản khởi nhạc tùy hứng Chào năm 2000 – chào thiên niên kỷ mới (Trọng Bằng).

Đây chút hương đồng gió nội của chiếc chiếu chèo giữa đình làng xưa còn vương trên đường nét duyên dáng và những cú nhấn lệch ở giai điệu chủ đề chính trong tổ khúc Hương quê (Nguyễn Thị Nhung).

Và đây nữa, một chút quyến luyến với âm điệu Tứ quý trong thơ giao hưởng Số 3 (Hoàng Vân), tựa như một giọng chèo ngọt ngào cất lên trên nền đệm của dàn dây chơi thay anh kép kéo nhị.

Còn nhớ khởi đầu chặng đường này ta đã chứng kiến cảnh hội hè của liên khúc giao hưởng Cuộc đối đầu lịch sử (Vĩnh Cát), trong đó cũng tưng bừng điệu chèo Tứ quý Mừng hội cướp bông và đấy không phải là điệu dân ca duy nhất làm nên cuộc vui. Giữa không gian lễ hội còn vang lên một giai điệu đậm chất dân ca quan họ Bắc Ninh trải rộng tấm lòng quê hương đón những đứa con trở về, trước khi chuyển tiếp sang hành khúc tang lễ tưởng nhớ những đứa con không trở về.

Với chất hát ru Nam bộ trong trẻo qua âm sắc chuông phiến (campana), giao hưởng ngẫu hứng Ngàn năm khoảnh khắc (Vĩnh Cát) đã triết lý về tính bản thiện vốn có từ lúc cha sinh mẹ đẻ vẫn còn đó trong mỗi con người, và chân giá trị ấy sẽ trường tồn trong mọi thời đại.

Qua âm điệu ru và hò, ta có thể nghe thấy tiếng quê hương da diết vọng về từ kiếp nô lệ lầm than thời Pháp thuộc ở giao hưởng – thanh xướng kịch Ký ức Hồ Chí Minh (Quang Hải), có thể cảm được tình đất nước càng nồng thắm hơn sau thử thách của những tháng năm chia cắt đôi miền ở bản khởi nhạc Chào mừng (Trọng Bằng).

Nếu âm hưởng “hò ơ…” sóng sánh nỗi niềm tâm tư làm rung động một miền nhung nhớ trong giao hưởng, thì tiết tấu “hò dô!” tràn trề sức sống cộng đồng đã tạo dựng một khung nền vững chãi cho bức tranh thế tục trong hợp xướng.

Việt Nam tình non nước (Đinh Quang Hợp) nhịp nhàng tay chèo “hò khoan ấy hò khoan, khoan hò khoan” đưa thuyền thẳng tiến đến kinh thành mới với niềm tin vào những đổi mới cho xã tắc trong tương lai.

Hà Nội ngàn năm – Hà Nội xuân (Nguyên Nhung) cũng chèo thuyền “hậy dô, hấy dô, dô hấy dô hấy dô” vang dậy không khí hội xuân trên khúc sông Hồng lẫy lừng chiến công giữ thành giữ nước.

Đất nước (Đặng Hữu Phúc) duy trì tiết tấu lao động “là hò hấy dô” cho nhịp sống mới lan tỏa khắp muôn nơi, trên những cánh đồng, những nẻo đường, những dòng sông đỏ nặng phù sa [thí dụ 5].

(Còn nữa)

Trích chuyên luận Hà Nội trong những tác phẩm “lớn hơn ca khúc” (2009)

 Các phần khác: https://hoinhacsi.com/ha-noi-trong-nhung-tac-pham-lon-hon-ca-khuc-phan-1/

https://hoinhacsi.com/ha-noi-trong-nhung-tac-pham-lon-hon-ca-khuc-phan-2/

https://hoinhacsi.com/ha-noi-trong-nhung-tac-pham-lon-hon-ca-khuc-phan-3/

https://hoinhacsi.com/ha-noi-trong-nhung-tac-pham-lon-hon-ca-khuc-phan-4/  

[1] Những thí dụ trình bày dưới dạng rút gọn tổng phổ đều do người viết bài (NTMC) chuyển đổi.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY