Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềHÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 4)

HÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 4)

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

Ảnh: Internet

(Tiếp theo)

Khúc thứ hai: hùng ca bi tráng

Bầu trời vần vũ mây đen. Hè phố vật vờ những thân hình đói rét. Xe bò chồng chất xác người từng đoàn kéo lê ra bãi sông. Không kèn trống, không tiếng khóc, chỉ có gió sông Hồng than vãn, gào rú… Dòng sông mẹ ai oán khóc cho những kiếp người (chương I Mùa đông – khúc bi thương trong tổ khúc Thăng Long – Hà Nội những trang vàng – Huy Thục, thơ: Tạ Hữu Yên; khúc I Tháng 3-45 – Mùa đông ảm đạm trong tác phẩm độc tấu piano Ký ức Thăng Long – Hà Nội – Huy Thục).

Tiếng rền rĩ tang thương bị nhấn chìm trước những chuỗi âm thanh ngạo mạn của thực dân Pháp và hung hãn của phát xít Nhật. Hai con thú dữ tợn quần nhau để giành giật miếng mồi. Bỗng từ xa xăm vọng lại tiếng gọi ngàn xưa. Hồn núi sông lan tỏa khắp không gian. Dòng người cuồn cuộn khí thế nước vỡ bờ đã biến mùa thu năm 1945 thành khúc khải hoàn xán lạn (thơ giao hưởng số 1 Tháng Tám lịch sử – Doãn Nho).

Rồi một “sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội” năm 1946, người Hà Nội để lại “những phố dài xao xác gió heo may” cùng toàn dân bước vào cuộc kháng chiến trường kì. Súng đạn, máu lửa, xiềng xích, “dây thép gai đâm nát trời chiều” đã không thể ngăn cản đàn con cháu của “những người chưa bao giờ khuất” lại lần nữa rũ bùn đứng dậy (hợp xướng Đất nước – Đặng Hữu Phúc, thơ: Nguyễn Đình Thi).

Hành trình đi đến tự do phải trả bằng máu và nước mắt. Đeo đẳng tâm can là âm hưởng hành khúc tưởng niệm những hương hồn tử sĩ, để từ đó cảm nhận sâu sắc giá trị của nền độc lập dân tộc, của những làn điệu dân ca óng ả, những tiết tấu dân vũ rộn ràng, những bước đi oai hùng trong lễ duyệt binh tại quảng trường ngày chiến thắng (liên khúc giao hưởng Cuộc đối đầu lịch sử – Vĩnh Cát).

Bi tráng thay cuộc chiến đẫm máu giữa người Hà Nội với không lực Hoa Kỳ vào mùa đông 1972, một cuộc chiến giữa những âm thanh đối chọi tính cách và màu sắc, giữa hình tượng bầu trời Thủ đô chan chứa tình yêu thương với những cỗ máy tối tân hủy diệt sự sống được mệnh danh là Pháo đài bay, Con ma, Thần sấm… (tổ khúc giao hưởng Bão lửa Thăng Long – Lê Khiêm).

Những tháng ngày thử lửa ấy đã tạo nên cao trào cho bản hùng ca bi tráng của người Hà Nội. Vai trò không nhỏ trong đó thuộc về tuổi trẻ. Sức mạnh của tuổi trẻ là tình yêu và niềm tin. Thế hệ sinh ra và lớn lên trong mịt mùng bão táp luôn được thắp sáng bởi tình yêu thanh khiết dành cho thành phố tuổi thơ, bởi niềm tin bất diệt vào những gì cha anh đã làm trong quá khứ và những gì họ sẽ làm trong tương lai (thơ giao hưởng Số 3 ­– Hoàng Vân, hợp xướng Hồi tưởng – Hoàng Vân).

Như một đặc ân cho tuổi trẻ, tình yêu đã đem lại những khoảnh khắc trữ tình êm dịu, một sự dịu dàng mạnh hơn bạo lực. Đó là những khúc khải hoàn của tình yêu – tình đôi lứa giữa những người yêu nhau biết đợi chờ nhau cả trong những lúc tưởng như vô vọng nhất của cuộc chiến, tình vợ chồng dù kẻ Bắc người Nam vẫn trung kiên bất khuất trước kẻ thù nghiệt ngã nhất là khoảng cách không gian và thời gian (sonate-ballade Hồi tưởng– Hoàng Cương, romance Khúc nhạc tâm tình – Hoàng Dương).

Còn lưu lại nơi đây hình tượng Cụ Hồ, một công dân đặc biệt của Thủ đô. Ký ức cuộc đời Người, kỷ niệm ngày sinh của Người, cuộc tiễn đưa Người vào giấc ngủ nghìn thu, tất cả được kể lại bằng những câu chuyện âm thanh vừa giản dị và trữ tình như làn điệu dân gian, vừa tôn nghiêm và hoành tráng trong hành khúc ngợi ca (giao hưởng hợp xướng Ký ức Hồ Chí Minh – Quang Hải; thơ giao hưởng Người về đem tới niềm vui – Trọng Bằng, hợp xướng Nhớ Bác – Đỗ Dũng, thơ: Nguyễn Văn Dinh; khúc tùy hứng Ba Đình mùa thu ấy – Ngô Quốc Tính).

Trang sử giữ nước đánh đuổi ngoại xâm từ bao triều vua trên đất Thăng Long đã được người Hà Nội viết tiếp bằng hai cuộc kháng chiến ở thế kỷ XX. Đặc biệt, những lúc cùng cực nhất của thời cuộc lại làm nên những cao trào dũng mãnh trong khúc ca bi tráng ở thời đại Hồ Chí Minh (bản khởi nhạc Thắng lợi của tình yêu Tổ quốc – Nguyễn Đình Tấn, thơ giao hưởng Thu Hà Nội – Thanh Hà, hợp xướng giao hưởng Hà Nội ngàn năm – Hà Nội xuân – Nguyên Nhung, hợp xướng giao hưởng Vang vọng đất trời – Xuân Cửu, liên khúc Thăng Long – Hà Nội giọt thời gian – Lê Tịnh, đại hợp xướng Ngàn năm Thăng Long – Đỗ Dũng, thơ: Ngô Minh Thơm, ­giao hưởng Hồn đất Việt – Nguyễn Thiên Đạo).

Khúc thứ ba: cuộc sống đương đại

Bên cạnh cái siêu phàm vốn có trong các truyền thuyết thánh thần, cái siêu phàm xuất thần làm nên kỳ tích trong chiến tranh, còn có một Hà Nội đời thường dung dị trong cảnh quan thiên nhiên và bức tranh sinh hoạt, một Hà Nội hằng nhiên trong những suy tư về cuộc sống hiện tại xen lẫn hoài niệm quá khứ và ước vọng tương lai.

Trước mắt ta hiện ra những hình ảnh thân quen, nói theo một câu hát cũng rất thân quen: “Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây”[1]. Sông Hồng và hồ Tây – “thành trì nước” bao bọc Thăng Long xưa. Hồ Gươm – trung tâm Hà Nội thế kỷ XX (bởi trung tâm Hà Nội thế kỷ XXI có vẻ đang dinh lên mạn Tây Hồ!). Với các địa danh đặc trưng đó, sắc màu cơ bản mà thiên nhiên tô điểm cho thành phố sông hồ ắt phải là màu xanh rêu tảo và màu đỏ phù sa. Đấy cũng là hai “tông” chính trong bảng màu âm thanh Hà Nội đương đại: dịu mát nhẹ nhàng và nồng nhiệt mạnh mẽ.

Sông Hồng như bao đời vẫn thế không ngừng dập dềnh những con sóng mang màu đất để vỗ nhịp cho một dòng chảy khác trong lòng Hà thành, đó là dòng chảy miên man của sự sống. Thời gian chơi vơi tiếng hát đò đưa, tiếng gõ mạn thuyền dồn cá, tiếng sáo diều vi vút giỡn trăng trên bãi. Không gian chao đảo những cuộc đình đám lễ hội và ào ạt dư âm những trận cuồng phong liên tiếp của thiên tai địch họa. Hôm nay, dòng chảy ấy lại cuộn  trào sức lớn của chàng Gióng: những đường phố nối dài ra, những tòa nhà vươn cao thêm, những vành đai rộng mở hơn… (tổ khúc Kể chuyện sông Hồng – Huy Du, chương I Thành phố bên sông Hồng trong hợp xướng giao hưởng Hà Nội ngàn năm – Hà Nội xuân – Nguyên Nhung).

Dòng đời cứ hối hả cuộn trôi mà ngay giữa lòng Hà Nội vẫn lắng đọng một hồ Gươm lung linh thắp hồn xưa cho đời nay, một hồ Tây mờ ảo chút cõi mơ trong cõi thực, một Văn Miếu trầm tích lưu danh người hiền kẻ sĩ tới đời sau (dạ khúc Đêm hồ Gươm – Ngô Quốc Tính,  chương III Chiều hồ Tây trong hợp xướng giao hưởng Hà Nội ngàn năm – Hà Nội xuân – Nguyên Nhung, chương III Thăng Long văn vật sáng nghìn năm trong hợp xướng giao hưởng Thăng Long – Hà Nội những trang vàng – Huy Thục, thơ: Tạ Hữu Yên).

Thiên nhiên đi vào những trang tổng phổ không chỉ để tô vẽ những bức tranh phong cảnh thuần túy, mà cốt chuyển tải những khoảnh khắc xao động của thế giới nội tâm.

Còn được gọi là thành phố bốn mùa, Hà Nội có những bức tứ bình được ghép từ những mảnh ký ức về một thời không quên. Cùng trạng thái nhớ nhung, nhưng hoài niệm của mỗi mùa mỗi khác. Dự cảm mùa đông khắc khoải mà vẫn ấp ủ mầm tin cho sự hồi sinh, khát vọng mùa xuân gọi vạn vật bừng lên sức sống cho nhịp đời sinh sôi, tình ca mùa hè trẻ trung trong những ước mơ và rung động đầu đời, vẻ đẹp mùa thu nồng nàn sức quyến rũ của đất trời và lấp lánh ánh hào quang của quá khứ (Ký ức Thăng Long – Hà Nội – Huy Thục; chương I Mùa đông – khúc bi thương và chương II Bức tranh mùa xuân ấy trong hợp xướng giao hưởng Thăng Long – Hà Nội những trang vàng – Huy Thục, thơ: Tạ Hữu Yên; những khúc Hà Nội mưa mùa đông, Tiếng mùa xuân, Tình ca mùa hè trong hợp xướng 10 pièces a capella – Đặng Hữu Phúc; chương V Con nhớ thương Hà Nội vào thu trong Khúc tưởng niệm – Đỗ Dũng, thơ: Lê Anh Thư; thơ giao hưởng Thu Hà Nội – Thanh Hà; hòa tấu Sắc xuân – Đỗ Hồng Quân).

Đất trời rộng mở, chan hòa những cảm xúc thiêng liêng cao cả – những cảm xúc mà ta đã biết đến trong thế giới tâm linh hay trong khúc ca bi tráng. Đất đai vốn là biểu tượng mang tính truyền thống, nên tiếng đất thở trong không gian an bình hôm nay vẫn vang vọng âm thanh bao đời chinh chiến. Bầu trời, biểu tượng bất khả xâm phạm của Thủ đô thời đánh Mỹ, nay khơi gợi những tình cảm hướng thượng và vẫy gọi những ước mơ cất cánh bay lên (hợp xướng giao hưởng Vang vọng ngàn năm – Xuân Cửu, liên khúc Thăng Long – Hà Nội giọt thời gian ­- Lê Tịnh, tổ khúc Vũ điệu bầu trời ­– Lê Tịnh).

Cũng như đất trời và sông hồ Hà nội, bức tranh sinh hoạt hòa nhập vào thế giới nội tâm, nhân những rung cảm riêng thành hưng chấn chung, gửi những suy tư cá nhân vào nỗi niềm cộng đồng.

Còn gì lớn lao hơn niềm vui sum họp đại gia đình Bắc Nam, còn gì day dứt bằng những vết thương lòng thời hậu chiến dù hàn gắn cách nào cũng không lành lặn, còn gì bền bỉ như khát vọng vượt lên những va vấp trăn trở đời thường mà sống cho ngày mai tươi sáng hơn (bản khởi nhạc Chào mừng ­- Trọng Bằng, thơ giao hưởng Khát vọng ­– Nguyễn Thị Nhung, ballade Huyền thoại Mẹ – Nguyễn Thị Nhung).

Cuộc sống không ngừng đổi thay, giống như làn điệu dân gian biến tấu theo hành trình đời người từ câu hát ru đến khúc tình ca, hoặc như hình tượng Hà nội trong công cuộc đô thị hóa đã biến chuyển dần nếp sống từ làng quê ra phố phường, từ hương vị dân dã xóm thôn ra âm hưởng phồn hoa đô hội (biến tấu Những kỷ niệm quê hương – Hoàng Dương, tổ khúc Hương quê – Nguyễn Thị Nhung).

Sự đa dạng của đời sống tạo nên những sắc màu tương phản. Có những bức tranh mang tính cổ động và tả thực, tươi sáng và náo nhiệt không khí lễ hội (bản khởi nhạc tùy hứng Chào năm 2000 – chào thiên niên kỷ mới – Trọng Bằng, chùm tác phẩm của Nguyễn Thiếu Hoa: bản khởi nhạc Thăng Long ngàn năm bừng sáng, các concerto Thăng Long Thăng Long ngàn năm hội ngộ).

Lại có những khoảnh khắc bất định và đầy ngẫu hứng mới lạ, những cuộc thám hiểm vào thế giới bí ẩn của tâm thức, để kiếm tìm sự đa nghĩa mang tính triết lý bằng cách nhìn cái thực qua cái hư (concerto Thăng Long – Đàm Linh, giao hưởng ngẫu hứng Ngàn năm khoảnh khắc – Vĩnh Cát, Thăng Long thiên niên kỷ – Trần Trọng Hùng).

(Còn nữa)

Trích chuyên luận Hà Nội trong những tác phẩm “lớn hơn ca khúc” (2009)

 

Các phần khác: https://hoinhacsi.com/ha-noi-trong-nhung-tac-pham-lon-hon-ca-khuc-phan-1/

https://hoinhacsi.com/ha-noi-trong-nhung-tac-pham-lon-hon-ca-khuc-phan-2/

https://hoinhacsi.com/ha-noi-trong-nhung-tac-pham-lon-hon-ca-khuc-phan-3/

[1] Ca khúc Người Hà Nội – Nguyễn Đình Thi.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY