Thứ Năm, Tháng Năm 9, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềHÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 3)

HÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 3)

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

(Tiếp theo)

CHẶNG THỨ HAI: ĐỀ TÀI NỘI DUNG

Đến với những tác phẩm âm nhạc hàn lâm là cơ hội được chiêm ngưỡng Thăng Long – Hà Nội thẳm sâu trong truyền thuyết dân gian, thiêng liêng trong thế giới tâm linh, là cơ hội cùng Thủ đô đi qua những khoảnh khắc làm nên lịch sử trong chiến tranh và nếm trải những cung bậc buồn vui trong cuộc sống thời an bình.

Hà Nội là hình tượng chính của toàn bộ tác phẩm, hay của một chương hoặc một chủ đề âm nhạc trong không ít hợp xướng, hòa tấu thính phòng và giao hưởng. Trong một vài tác phẩm khác, Hà Nội tuy không được nhắc tên nhưng vẫn hiển hiện như bối cảnh câu chuyện.

Hình tượng Thăng Long – Hà Nội đa chiều, từ chiều dài lịch sử đến chiều rộng không gian và chiều sâu tâm thức đã được dựng lên bằng những khúc nhạc rất hùng và rất thơ, rất mơ và rất thực, rất ảo và rất đời.

Khúc thứ nhất: thế giới tâm linh

Không thua gì một “cỗ máy thời gian”, âm nhạc chở người nghe bay ngược về quá khứ xa xăm, nơi khởi nguồn những truyền thuyết, để từ hình ảnh và tình tiết huyền thoại, người nghe cảm nhận rõ hơn những ẩn chứa trong thế giới tâm linh.

Đây câu chuyện giữ nước vào đời Hùng Vương thứ 6. Ở làng quê nọ có cậu bé lên ba không biết nói cười cũng chẳng biết đi biết chạy, cứ như cố nấn ná tận hưởng hơi ấm từ vòng tay và lời ru yêu thương của mẹ. Đến một ngày đất nước lâm nguy, không gian thanh bình của làng quê bị khuấy đảo bởi bước chân của kẻ xâm lăng đang tiến gần. Cậu bé lặng câm bỗng bật lên tiếng nói đầu đời, rồi vươn mình thành người khổng lồ cưỡi ngựa sắt lao vào trận chiến. Dẹp xong giặc thù, chàng kỵ mã vô danh làng Gióng[1] tan biến giữa không trung như một thánh nhân bay về trời để trở thành bất tử trong lòng nhân gian (thơ giao hưởng số 2 Thánh Gióng – Doãn Nho, thơ giao hưởng Bức tranh Thánh Gióng – Đỗ Dũng, cảnh 2 Thánh Gióng ­trong giao hưởng Hồn đất Việt – Nguyễn Thiên Đạo).

Đây câu chuyện thất thủ thành Cổ Loa[2] vì cuộc tình oan trái của Mỵ Châu – Trọng Thủy. Tình cha con và nghĩa vợ chồng, số phận con người và vận mệnh quốc gia, ân và oán giữa người với người, giữa dân tộc với dân tộc, tất cả vì chồng chéo xuôi ngược trong vòng quay nghiệt ngã mà triệt tiêu nhau, mà mỗi người đã không thể cùng lúc giữ cho trọn cả đôi đường hiếu và tình. Trọng Thủy vì trọng chữ hiếu với phụ vương mình mà bội tình với vợ, Mỵ Châu vì trọng chữ tình với chồng mà bất hiếu với nước với cha, An Dương Vương đặt tình chung trên tình riêng khi đâm chết con gái yêu như hành quyết kẻ phản quốc. Song, tình yêu không có lỗi, mà lỗi lầm bắt nguồn từ sự man trá và thù nghịch. Tình yêu còn lại sau cái chết và trường tồn hơn thù hận. Dòng máu của Mỵ Châu và Trọng Thủy tìm đến nhau, quện lấy nhau và kết tủa thành ngọc trai, để qua những giọt nước mắt biển lóng lánh ấy gửi lại muôn đời sau khát vọng về một nhân gian không hận thù, không chinh chiến (nhạc kịch Mỵ Châu – Trọng Thủy – Nguyễn Thiên Đạo, tổ khúc giao hưởng Ngọc trai đỏ – Ca Lê Thuần, cảnh 3 Mỵ Châu – Trọng Thủy ­trong giao hưởng Hồn đất Việt – Nguyễn Thiên Đạo).

Còn đây bài học giữ nước và dựng nước mấy nghìn năm được thánh thần hiển linh truyền lại cho Lý Thái Tổ trong hành trình dời đô. Thánh Tản Viên nhắc nhở trong tứ họa thủy – hỏa – đạo – tặc thì lũ lụt là thứ giặc xếp hàng đầu đối với một địa dư thuộc nền văn minh lúa nước. Thánh Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung truyền tư tưởng mở rộng bang giao làm giàu cho nước. Phù Đổng thiên vương đúc kết từ trải nghiệm đời mình: “Thánh là dân!”. Dân giàu nước mạnh, cái giàu cái mạnh trước hết là nhờ cốt cách con người, chả thế mà thần mẫu Mỵ Nương dạy bài học gây dựng nhân cách bằng tiếng hát dân gian theo suốt một vòng đời: câu hát ru và nhịp đồng dao tuổi ấu thơ, tiếng dô hò và khúc giao duyên tuổi trưởng thành, đến cuối đời lại có bài chúc thọ ấm lòng tuổi già và khúc tiễn đưa cho người nằm xuống (thanh xướng kịch Hoa Lư – Thăng Long – Bài ca dời đô  – Doãn Nho).

Các truyền thuyết về những người anh hùng dân tộc, như Thánh Gióng, Hai bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…, đan xen cùng những câu chuyện tình ngàn đời còn rơi lệ của Mỵ Châu và Trọng Thủy, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, Kiều và Từ Hải. Sức mạnh của tinh thần chống ngoại xâm và cái đẹp của tình yêu nhân gian tạo nên những mảng màu tương phản mà tương ứng, mà tôn nhau lên để cuộn lên cao trào trong những khoảnh khắc bay bổng của Thăng Long một nghìn năm, của dân tộc mấy ngàn năm (giao hưởng Hồn đất Việt – Nguyễn Thiên Đạo).

Hành trình từ Hoa Lư đến Thăng Long được dựng lại không chỉ một lần và nội dung Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ được “phiên dịch” ra ngôn ngữ âm nhạc đâu chỉ theo một cách. Song có một điểm chung ở đây là tính sử thi hoành tráng bao trùm lên những bản nhạc kể về hào khí bao đời của cố đô Hoa Lư, về tầm nhìn xa trông rộng của bậc minh quân trẻ tuổi họ Lý nhắm vào nơi phong thủy đắc linh thế rồng chầu hổ phục, về cuộc chuyển dời trống gióng cờ bay theo “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” tới thành Đại La mùa thu canh tuất (1010), về huyền thoại một dáng rồng thiêng cuộn lên thành áng mây vàng phát lộ vầng sáng tương lai trên mảnh đất trầm tích mấy ngàn năm khí phách Âu Lạc, Văn Lang, Tản Viên, Phù Đổng… Cả hồn cố đô cũng theo về đây cùng các địa danh xưa của Hoa Lư nay “nhượng” lại cho đất Thăng Long, như Tràng Thi, Tràng Tiền, Cầu Dền, chùa Một Cột… (thơ giao hưởng Chiếu dời đô – Đinh Quang Hợp, liên khúc giao hưởng Ngàn năm nhớ về thuở ấy – Đinh Quang Hợp, đại hợp xướng giao hưởng Việt Nam tình non nước – Đinh Quang Hợp, thanh xướng kịch Hoa Lư – Thăng Long – Bài ca dời đô  – Doãn Nho, cảnh 6 Nghìn năm Thăng Long ­trong giao hưởng Hồn đất Việt – Nguyễn Thiên Đạo).

Kể từ khoảnh khắc xuất hiện tinh vân mang lại phúc phận cho kinh đô, rồng vàng vốn là biểu tượng cho sức mạnh vương quyền đã đóng triện lên mảnh đất này cái tên cổ tích: Thăng Long. Hình ảnh con rồng – đệ nhất vật linh trong bộ tứ long – ly – quy – phượng còn gợi lại xuất xứ giống nòi của một dân tộc “con rồng cháu tiên”.

Rồng – tiên tạo nên những âm thanh hùng tráng, những nét nhạc kiêu sa, kết tụ từ cái uy mạnh mẽ của người cha Lạc Long Quân và cái đẹp toàn mỹ của người mẹ Âu Cơ (khúc tùy hứng Thăng Long 990 – Thế Bảo).

Đất Thăng Long còn được bảo trợ bởi một vật linh khác là rùa. Nếu rồng tượng trưng cho cội nguồn dân tộc thì rùa là sự bền vững của quốc gia, là sự trường tồn của dân tộc. Thành ốc Cổ Loa xây mãi không xong cho đến lúc thần Kim Quy ra tay trợ giúp và thành trì chỉ bất khả xâm phạm khi chưa bị đánh cắp bùa hộ mệnh là nỏ thần chế từ móng rùa thiêng (tổ khúc giao hưởng Ngọc trai đỏ – Ca Lê Thuần, nhạc kịch Mỵ Châu – Trọng Thủy – Nguyễn Thiên Đạo).

Chất võ ẩn sâu dưới mặt hồ Gươm, tưởng như dưới đáy nước gương trời vẫn lấp loáng bóng dáng rùa thần, vẫn thì thầm câu chuyện cụ rùa hàng trăm năm tuổi nổi lên trao gươm báu của đức Long Quân như truyền sức mạnh tiền kiếp vào tay Lê Lợi, rồi vua Lê đã làm lễ thả bảo vật tổ tiên xuống làn nước xanh, giã từ chiến tranh sau khi hoàn thành nghĩa vụ giữ nước, nên từ ấy hồ Lục Thủy mang tên hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm (dạ khúc Đêm hồ Gươm – Ngô Quốc Tính; chương II Vượng cát Thăng Long phù vân thiên hóa trong đại hợp xướng Ngàn năm Thăng Long – Đỗ Dũng, thơ: Ngô Minh Thơm).

Chất văn tạc thời gian vào không gian trầm mặc hàng rùa đá giữa Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên trên nước Đại Việt, chứng tích ngàn năm cho truyền thống khoa bảng và tri thức của đất kinh kỳ (thơ giao hưởng Rồng bay rùa hát – Ngô Quốc Tính; chương III Thăng Long văn vật sáng nghìn năm trong tổ khúc Thăng Long – Hà Nội những trang vàng – Huy Thục, thơ: Tạ Hữu Yên; chương II Vượng cát Thăng Long phù vân thiên hóa trong đại hợp xướng Ngàn năm Thăng Long – Đỗ Dũng, thơ: Ngô Minh Thơm).

Tượng trưng cho sự phát triển hưng thịnh và trường tồn của một Thăng Long vững vàng qua mọi biến thiên, các vật linh, nhất là rồng, có ý nghĩa đặc biệt trong thế giới tâm linh. Là biểu tượng chung cho sự tôn nghiêm, cao quý, rồng đã kết nối đất đai với con người và thần quyền. Bên cạnh con rồng hồn phách của Thăng Long, con rồng quyền quý của đức vua, còn có con rồng linh thiêng của đạo Phật. Ta vẫn biết rằng từ đời Lý Thái Tổ – đứa con của nhà Phật, Phật giáo đã phát triển mạnh trên đất Thăng Long như một quốc giáo.

Những triết lý nhà Phật mang đậm chất nhân văn, hướng thiện và hướng thượng đã lan tỏa trong thế giới âm thanh. Biết mình biết người giữa những “sắc sắc không không” hình như càng dễ dàng đón nhận cảm giác thăng thiên giữa đất trời giao hòa nơi rồng đã từng bay (chương III Cửa Phật chuông ngân mừng Thăng Long ngàn tuổi trong đại hợp xướng Phật tích – Ngô Quốc Tính; chương VI Trời đất giao hòa trong hợp xướng giao hưởng Khúc nguyện cầu – Đỗ Dũng, thơ: Lê Anh Thư; đại hợp xướng Ngàn năm Thăng Long – Đỗ Dũng, thơ: Ngô Minh Thơm; chương VI Bay lên trong giao hưởng hợp xướng Khai giác – Nguyễn Thiên Đạo, thơ: Ngô Minh Thơm; cảnh 9 Thiền trong ­giao hưởng Hồn đất Việt – Nguyễn Thiên Đạo).

Nương náu một dáng rồng bay, hồn núi sông cũng thăng thiên theo những âm thanh uốn lượn, đan cuộn từ những con sóng cảm xúc và tâm thức, để nhân danh hiện tại gọi quá khứ cho tương lai, đem ngàn xưa đến mai sau trong một thể hợp nhất vẹn toàn (chùm tác phẩm của Nguyễn Thiên Đạo: giao hưởng hợp xướng Hồn non nước, giao hưởng Sóng hồn, giao hưởng Sóng thần, concerto Sóng nhất nguyên, cảnh 16 Việt Nam trong ­giao hưởng Hồn đất Việt; khúc IV Sóng gió rồng bay ­- Mùa thu Hà Nội trong tác phẩm độc tấu piano Ký ức Thăng Long – Hà Nội – Huy Thục).

Sau khi phiêu du trong truyền thuyết thánh thần và thăng hoa cùng thế giới tâm linh, đã đến lúc hạ cánh xuống cuộc sống hiện thực để trải nghiệm những được – mất đời thường, để đi qua những năm tháng chiến tranh và hòa bình cùng Hà Nội thời đại chúng ta.

(Còn nữa)

Trích chuyên luận Hà Nội trong những tác phẩm “lớn hơn ca khúc” (2009)

 Hà nội trong những tác phẩm “lớn hơn ca khúc” (phần 1) https://hoinhacsi.com/ha-noi-trong-nhung-tac-pham-lon-hon-ca-khuc-phan-1/

Hà nội trong những tác phẩm “lớn hơn ca khúc” (phần 2) https://hoinhacsi.com/ha-noi-trong-nhung-tac-pham-lon-hon-ca-khuc-phan-2/

[1] Nay là xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

[2] Nay là xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

Tiếng Đàn Ta Lư

HÀ NỘI VẪN CHỜ ANH

KỶ NIỆM MÁI NHÀ XƯA

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY