Thứ Ba, Tháng Năm 21, 2024
Trang chủTin tứcTin chungNhạc kịch thiếu nhi: Dẫn dắt trẻ bước vào thế giới nghệ...

Nhạc kịch thiếu nhi: Dẫn dắt trẻ bước vào thế giới nghệ thuật

Tác giả: Hải Đường
Những vở nhạc kịch hay là kênh hữu hiệu kết nối trẻ với thế giới, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật sân khấu của thế hệ khán giả tương lai.
Khơi mở tâm hồn và tính thiện

Năm 2022, đi kèm với bộ sách Kể chuyện Trung thu do Lionbooks phát hành, nhạc kịch mang tên Chuyện mùa trăng đã được Lionbooks và Cremusic chuyển thể, gây nhiều ấn tượng với các em nhỏ. Tiếp nối thành công đó, ngày 23 – 24.9 tới, tại Rạp Hồng Hà, 51 Đường Thành, Hà Nội, êkíp thực hiện tiếp tục mang đến vở nhạc kịch Treo đèn đón trăng lên.

Vở nhạc kịch nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa Việt, nuôi dưỡng tình yêu với cội nguồn, mở ra không gian nghệ thuật độc đáo dành cho các em nhỏ.

Bước vào thế giới nghệ thuật -0

Nhạc kịch là sự kết hợp của âm nhạc và sân khấu.
Ảnh: Lionbooks

Sự kết hợp của âm nhạc và sân khấu đã cộng hưởng cảm xúc, thu hút khán giả, đặc biệt là trẻ em. Chuyên gia giáo dục cảm thụ âm nhạc bậc mầm non, tổng đạo diễn nhạc kịch Treo đèn đón trăng lên, nhạc sĩ Hà Thư cho biết sân khấu âm nhạc là một trong những công cụ hữu hiệu để kết nối trẻ em với thế giới, là cách để khơi mở tâm hồn và tính thiện trong mỗi em bé. Bởi lẽ, khi làm nhạc cho trẻ em, tính gần gũi, dễ nhớ, dễ thuộc và hồn nhiên, trong sáng sẽ được ưu tiên hàng đầu trong cả giai điệu, ca từ và hòa âm phối khí.

“Khi thực hiện nhạc kịch cho thiếu nhi, tôi thường sử dụng các chất liệu âm nhạc gần gũi với trẻ nên các bài hát như âm thanh trong tự nhiên, nhịp điệu của cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, thang âm ngũ cung của Việt Nam. Lời ca được lấy cảm hứng từ các chủ đề quen thuộc trong cuộc sống giúp trẻ dễ tiếp cận, các quãng âm liền bậc, cách bậc để trẻ dễ hát”, nhạc sĩ Hà Thư chia sẻ.

Nuôi dưỡng tình yêu với sân khấu

Dùng những câu chuyện gần gũi, giản dị, mượn ngôn ngữ của giai điệu, lời ca để đưa ra những thông điệp một cách nhẹ nhàng, nhân văn là hướng đi mà các vở nhạc kịch hướng đến. Điều này đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh, học mà chơi, chơi mà học cho trẻ em, vì thế ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng.

Đơn cử loạt dự án nhạc kịch tiếng Anh dành cho thiếu nhi như: Matilda, Không gia đình, Cô bé bán diêm, Phù thủy Phù thủy, Totto-chan – Cô bé ngồi bên cửa sổ, Hoàng tử bé… đã được nhóm Hanoi Arts for Youth (HAY) dàn dựng và công diễn những năm qua. Hầu như đêm diễn nào cũng “cháy vé”, cho thấy sức lan tỏa, hấp dẫn cũng như sự cộng cảm trong cộng đồng đối với loại hình nhạc kịch thiếu nhi.

Bước vào thế giới nghệ thuật -0

Vở nhạc kịch tiếng Anh được dàn dựng từ tác phẩm văn học “Không gia đình” do HAY dàn dựng. Ảnh: HAY

Nhạc kịch là loại hình nghệ thuật tổng hợp kết hợp sân khấu, âm nhạc, nhảy múa… Những vở diễn góp phần tạo ra thế giới quan về nghệ thuật, nhận thức thẩm mỹ nghệ thuật cho các em tốt hơn. Vì vậy, sản xuất nhạc kịch dành cho thiếu nhi là việc cần có trong đời sống nghệ thuật.

Bên cạnh đó, khán giả nhỏ tuổi của ngày hôm nay chính là khán giả sân khấu tương lai. Vì vậy, một trong những vai trò quan trọng của các đạo diễn, biên kịch là mang đến những vở diễn hay để nuôi dưỡng tình yêu với sân khấu trong khán giả nhỏ tuổi.

Trong bối cảnh sân khấu đang phải cạnh tranh gay gắt với các loại hình giải trí khác, chỉ có xây dựng cho các em nhỏ thói quen thưởng thức tác phẩm sân khấu từ khi tuổi còn nhỏ mới có thể hy vọng gìn giữ thói quen này khi họ trưởng thành. Và nhạc kịch là sợi dây kết nối hữu hiệu.

Mặc dù nhạc kịch dành cho thiếu nhi được đánh giá là ngày càng phong phú, sinh động nhưng rõ ràng các sản phẩm này vẫn mang tính mùa vụ. Sân khấu nhạc kịch chủ yếu được sản xuất, ra mắt vào những thời điểm như hè, Tết Trung thu, các ngày lễ… mà thiếu sự duy trì thường xuyên.

Chưa kể, các vở nhạc kịch vẫn còn ít so với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của thiếu nhi, hơn nữa hầu như chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Đây là những vấn đề đang được đặt ra, để nhạc kịch phát triển, đến gần hơn với khán giả nhỏ tuổi.

(Nguồn: https://daibieunhandan.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY