Chủ Nhật, Tháng Năm 12, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềHà Nội trong những tác phẩm "lớn hơn ca khúc” (Phần 7)

Hà Nội trong những tác phẩm “lớn hơn ca khúc” (Phần 7)

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

Ảnh: Internet

(Tiếp theo)

Nguồn thứ hai: ca khúc quần chúng

Mượn giai điệu bài hát mới thay vì dân ca có thể vẫn đảm bảo tính phổ cập và tính dân tộc, thêm vào đó còn là hiệu quả về tính thời sự và tính thời đại, bởi trong ca khúc, một sản phẩm của ngày hôm nay, dấu ấn thời cuộc rất đậm nét.

Tác phẩm khí nhạc trở nên quen thuộc, dễ hiểu hơn nhờ trích dẫn một nét nhạc, một câu nhạc hoặc toàn bộ giai điệu (đôi khi kèm cả lời ca) của bài hát đã ăn sâu trong tiềm thức dân chúng và dễ gợi nhớ đến thời điểm mà nó từng làm mưa làm gió.

Cứ lần theo những hành khúc cách mạng, ta sẽ đi tới khung cảnh sôi động của các sự kiện lịch sử đương đại ở Thủ đô.

Trước hết là khí thế Cách mạng tháng Tám bừng lên từ những nét nhạc hiệu triệu thôi thúc của các hành khúc tiền khởi nghĩa. Sinh ra ngay trước thời điểm cách mạng bùng nổ, những bài hát đầu tiên của dòng ca khúc cách mạng đã lập tức bay khắp không gian Hà Nội như những cánh chim báo bão. Trở thành bài ca vượt thời gian, những giai điệu hùng tráng đó còn tiếp tục đi cùng năm tháng qua sự tái sinh trong các tác phẩm khí nhạc và hợp xướng.

Hợp xướng Hồi tưởng (Hoàng Vân) trôi ngược về những tháng ngày “Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than/ Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang”. Nét nhạc hai câu mở đầu ca khúc Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi) tấu lên ở dàn nhạc để báo hiệu sự phản kháng tất yếu của toàn dân. Thế rồi sức mạnh “đồng tâm ta đều bước” của giai cấp cần lao đã nổi lên theo toàn bộ từ đầu chí cuối giai điệu và lời ca hành khúc Cùng nhau đi hồng binh (Đinh Nhu).

Dũng khí “ta quyết chí hi sinh” của dân nghèo dám “liều thân cho sự sống” vì không còn gì để mất ngoài giấc mơ về một “thế giới đại đồng” qua giai điệu Cùng nhau đi hồng binh (Đinh Nhu) lại dâng trào trong thơ giao hưởng Thu Hà Nội (Thanh Hà) và tổ khúc giao hưởng phổ thơ Hồ Chí Minh Tiếng sáo (Nguyễn Văn Nam).

Tinh thần đồng lòng nổi dậy “kiếm nguồn tươi sáng” cho nước nhà vào mùa thu Hà Nội năm ấy được khơi lại trong thơ giao hưởng Số 3 (Hoàng Vân) qua nét nhạc “Nào anh em ta cùng nhau xông pha” của Lên đàng (Lưu Hữu Phước).

Hình tượng cách mạng trong thơ giao hưởng Tháng Tám lịch sử (Doãn Nho) khởi đầu bằng tiếng kêu gọi của kèn đồng “Toàn dân nghe chăng sơn hà nguy biến” lấy từ Hội nghị Diên Hồng (Lưu Hữu Phước). Le lói trong tiếng gọi ngàn xưa, ngọn lửa cách mạng lan dần theo bước đi trầm hùng “Anh em ta đoàn quân du kích/ Cùng vác súng lên đường” của Du kích ca (Đỗ Nhuận) [thí dụ 9].

Vì ca khúc luôn theo sát các sự kiện lịch sử, nên thủ pháp trích dẫn ca khúc còn giúp sáng tác khí nhạc ghi tiếp những cột mốc đáng nhớ khác. Cái kết lẫy lừng của cuộc kháng chiến chống Pháp được tái hiện trong giao hưởng thanh xướng kịch Ký ức Hồ Chí Minh (Quang Hải) bằng chùm ba hành khúc nổi tiếng ra đời trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với hai ca khúc Hành quân xaGiải phóng Điện Biên (Đỗ Nhuận), bè cao “đi” theo diễn biến thế cuộc, từ lúc “Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ, vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi” cho đến ngày “Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc ta mừng vui”. Song hành cùng tiến trình đó luôn có bè trầm kiên định “Hò dô ta nào!” theo giai điệu hai câu mở đầu của Hò kéo pháo (Hoàng Vân) [thí dụ 10].

Cũng trong Ký ức Hồ Chí Minh (Quang Hải), hồi niệm thời chống Mỹ sống dậy qua âm hưởng toàn dàn nhạc đồng tấu câu hát “Vận nước đã đến rồi bình minh chiếu khắp nơi” lấy từ hành khúc Giải phóng miền Nam (Lưu Hữu Phước).

Ngoài âm điệu Giải phóng miền Nam luôn xuất hiện như nhân tố biểu hiện tinh thần quyết chiến, giao hưởng Cuộc đối đầu lịch sử (Vĩnh Cát) còn ám ảnh nỗi đau khôn cùng trong âm sắc dàn dây run rẩy, day dứt không chỉ một lần nét nhạc Hồn tử sĩ (Lưu Hữu Phước) [thí dụ 11].

Tượng đài Cụ Hồ trong khí nhạc được xây đắp bằng những giai điệu quen thuộc của một số ca khúc ngợi ca Người.

Thử nghiệm đầu tiên cho thủ pháp vận dụng ca khúc trong khí nhạc Việt Nam có lẽ thuộc về ca múa cảnh Hái hoa dâng Bác (Vĩnh Cát) với chương VIII Em vẽ Bác Hồ có giống không? hình thành từ chất liệu dung dị, hồn nhiên của hai bài hát thiếu nhi Em viết tên Bác HồEm vẽ ảnh Bác Hồ (Lưu Hữu Phước).

“Sao vàng phấp phới ánh hồng sáng tươi” – giai điệu câu mở đầu bài hát Ca ngợi Hồ Chủ tịch (Lưu Hữu Phước) lúc giữ nguyên dạng, lúc “biến thiên vạn hóa” trong bản khởi nhạc Thắng lợi của tình yêu Tổ quốc (Nguyễn Đình Tấn). Đóng vai trò thống nhất tác phẩm, nét nhạc chủ đạo vẫn tạo nên những tính cách khác nhau cho mỗi phần: cương quyết trong chủ đề 1 và trang trọng trong chủ đề 2 ở phần trình bày, bi thương trong phần phát triển, náo nhiệt rồi lại trầm lắng trong phần tái hiện và hào hùng trong đoạn kết.

Tên gọi của thơ giao hưởng Người về đem tới ngày vui (Trọng Bằng) có nguồn gốc từ câu hát của bài Ca ngợi Hồ Chủ tịch (Văn Cao). Cũng từ đó đã sinh ra giai điệu chính đầy chất ngợi ca và lòng biết ơn vô bờ.

Tiếng gọi “Hồ Chí Minh, Bác Hồ Chí Minh” từ bài Người là niềm tin tất thắng (Chu Minh) cất lên trong khúc tùy hứng Ba Đình mùa thu ấy (Ngô Quốc Tính) với những âm sắc nhạc cụ khác nhau: trang nghiêm tôn kính ở kèn đồng, thiết tha trữ tình ở đàn bầu; với cách phối khí khác nhau: hoặc xé lẻ từng nhóm nhạc cụ trong tiếng nấc nghẹn ngào ngày tiễn đưa Người vào giấc ngủ ngàn thu, hoặc “đồng thanh tương ứng” toàn dàn nhạc trong niềm tin tuyệt đối vào ngày toàn thắng.

Chương III Ngày trở về của giao hưởng thanh xướng kịch Ký ức Hồ Chí Minh (Quang Hải) kể lại câu chuyện một tiên ông ở ẩn trên núi rừng Việt Bắc bằng giai điệu không lời, nhưng vẫn ngầm nhắc lại trong tâm trí người nghe lời ca “song sinh” với nó, bởi đó là giai điệu lấy từ ca khúc quá quen thuộc – một trong những bài ca trữ tình và truyền cảm nhất về Cụ Hồ: Tiếng hát trên rừng Pắc Bó (Nguyễn Tài Tuệ).

Hình như khuôn khổ thể loại ca khúc chưa đủ thỏa mãn ý đồ sáng tác nên đôi khi chính tác giả lại tự nhân rộng chất liệu bài hát của mình trên quy mô hợp xướng và giao hưởng.

Hợp xướng Hồi tưởng (Hoàng Vân) lớn lên từ ca khúc thiếu nhi Ca ngợi Tổ quốc. Ở phần cuối tác phẩm, toàn bộ bài hát của dàn hợp xướng trẻ con được cổ vũ bởi sự song hành của dàn hợp xướng người lớn phổ thơ Ta đi tới (Tố Hữu). Nguồn lực lớn nhất cho “ta đi tới không thể gì chia cắt” chẳng phải là niềm tin ngày mai tươi sáng được gửi vào thế hệ của “bầy chim non hót ca vang, đàn bướm lượn bướm tung tăng lượn…” đó sao!

Cũng là kết quả nảy nở từ “hạt mầm” ca khúc, bản khởi nhạc Chào năm 2000 – chào thiên niên kỷ mới (Trọng Bằng) đã được phóng to từ bài hát cùng tên. Câu hát “chào năm 2000”  không ngừng reo vang khắp đó đây: hồ hởi cất lên ngay từ nét nhạc mở đầu, góp phần cấu thành chủ đề 1 và chủ đề 2 trong phần trình bày, tiếp tục tăng nhiệt cho bầu không khí đón mừng kỷ nguyên mới của các phần phát triển, tái hiện và đoạn kết hoành tráng [thí dụ 12].

Danh mục những bài hát được tái sinh bằng khí nhạc còn được bổ sung bằng một số ca khúc nước ngoài.

Ta đã biết cội nguồn âm nhạc của các nhân vật chính diện trong thơ giao hưởng Tháng Tám lịch sử (Doãn Nho): chất liệu dân gian dành cho dân chúng và bài hát yêu nước dành cho quân cách mạng. Thế nhưng xung đột lớn nhất ở màn kịch không lời này lại gắn với các nhân vật phản diện qua thủ pháp chuyển đổi tính cách giai điệu của các ca khúc nước ngoài. Thực dân Pháp sinh ra từ bài hát Pháp ngợi ca thống chế Pétain nhưng đã biến dạng trong sắc thái chếnh choáng giễu cợt của kèn đồng. Phát xít Nhật xuất thân từ bài hát Nhật Hoa huệ trắng nhưng xóa bỏ chất trữ tình vốn có ở ca khúc bằng âm sắc méo mó, tiết tấu khập khiễng, tốc độ lấn lướt và cường độ rầm rộ.

Khúc tùy hứng Thăng Long 990 (Thế Bảo) ngầm nhắc đến lời “sấm truyền” mang màu sắc tôn giáo về ngày tận thế vào năm 2000 (!), cũng là năm ra đời tác phẩm này. Qua nét nhạc mở đầu bài hát Thiên chúa giáo Dies irae (Ngày phẫn nộ – T.Tchelano), câu chuyện đồn đại trong nhân gian cứ thế lan truyền từ bè trầm đến bè cao của dàn dây với âm vực rộng thêm và âm lượng tăng lên.

Không thể không nhận ra nét nhạc quen từ một bài hát ngoại quốc đã được “quốc tế hóa” trên khắp hoàn cầu. Câu kết “L’internationale sẽ là xã hội tương lai” của Quốc tế ca dội vang từ âm sắc kèn đồng đã chỉ ra bến bờ cho con thuyền tư tưởng hướng tới trong Bao năm bôn ba tìm đường cứu nước – chương II giao hưởng thanh xướng kịch Ký ức Hồ Chí Minh (Quang Hải).

Thơ giao hưởng Số 3 (Hoàng Vân) đưa ta trở về thời thanh niên sôi nổi của Hà thành trước cách mạng qua nét nhạc thắm tình bằng hữu “Giờ đây anh em chúng ta cầm tay…” của Auld Lang Syne – một bài ca Scotland được giới trẻ đô thị thời ấy ưa thích [thí dụ 13].

Bên cạnh những bằng chứng cụ thể về tính kế thừa giai điệu vừa kể trên, sự lớn lên từ ca khúc của những hình thức “lớn hơn ca khúc” còn được biểu hiện qua những yếu tố khác.

Ảnh hưởng ca khúc quá rõ ràng trong những khúc nhạc giàu chất hát, giống như bản romance trữ tình cho “giọng ca” của nhạc cụ độc tấu, thật đúng nghĩa với cụm từ “bài ca không lời”.

Tính ca xướng làm nổi bật vai trò của nhạc chủ điệu – homophonie (tức các bè phụ làm nền đệm cho một bè chính duy nhất), tạo thế vượt trội cho giọng hát, đẩy dàn nhạc xuống vị trí chuyên lo dẫn dắt và hỗ trợ chứ ít có cơ hội đối thoại ngang tầm các bè hát.

Hiện tượng nhạc cụ bắt chước giọng người cũng là một biểu hiện của mối quan hệ ruột thịt giữa thanh nhạc và khí nhạc. Ngoài màn hát thế ả đào của cây đàn violon trong các tác phẩm khí nhạc như Chuyện nàng Kiều (Nguyễn Văn Nam), dạ khúc Đêm hồ Gươm (Ngô Quốc Tính), sonate-ballade Hồi tưởng (Hoàng Cương), ta còn bắt gặp đàn orgue trong vai tín đồ Phật tử luôn miệng khấn đều “a di đà Phật” trong khúc tùy hứng Thăng Long 990 (Thế Bảo), tựa như đã có được lời giải đáp cho sự vĩnh hằng để trấn an nỗi lo âu về ngày tận thế.

(Còn nữa)

Trích chuyên luận Hà Nội trong những tác phẩm “lớn hơn ca khúc” (2009)

Các phần khác:

HÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 1)

HÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 2)

HÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 3)

HÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 4)

HÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 5)

HÀ NỘI TRONG NHỮNG TÁC PHẨM “LỚN HƠN CA KHÚC” (Phần 6)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY