Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đề"Số hóa văn hóa" - xu hướng đang lên trên toàn cầu

“Số hóa văn hóa” – xu hướng đang lên trên toàn cầu

Tác giả: Cẩm Anh

Trong vài năm qua, công nghệ kỹ thuật số đã thay đổi nhiều khía cạnh trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta – từ cách liên hệ tới trải nghiệm thế giới và cũng bắt đầu tác động sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa. Quá trình “số hóa văn hóa” không dừng lại ở các công nghệ quen thuộc như nền tảng website và phương tiện truyền thông xã hội mà còn mở rộng sang các công nghệ mới nổi nhanh chóng như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) cũng như máy bay không người lái (drone).

Xu hướng mang công nghệ vào quảng bá văn hóa

Các game drone đang ngày càng phổ biến trong những lễ hội ánh sáng. Đàn robot bay đã tạo ra những khung ảnh kỳ ảo ở khắp mọi nơi từ Thế vận hội Tokyo 2020 cho đến lễ đăng quang của Vua Charles III (Vương quốc Anh) vào năm 2023. Nhiều nơi trong số các địa phương tại Mỹ cũng đang nhắm tới công nghệ này để tổ chức sự kiện kỷ niệm, như TP Salt Lake và Boulder có kế hoạch sử dụng drone để trình diễn thay vì bắn pháo hoa trong lễ kỷ niệm Ngày 4/7 năm nay, với lý do giảm nguy cơ cháy rừng và ô nhiễm không khí.

Để chào đón Năm con Rồng 2024, vừa qua Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã chế tác tỉ mỉ Đình Rồng Vàng trên đường Yaowarat với chủ đề “Kỷ niệm năm Vàng thịnh vượng”. Điểm nổi bật của lễ hội là chương trình trình diễn ánh sáng (3D Mapping) từ ngày 10 – 12/2, theo đó tái hiện sống động những câu chuyện lịch sử về vị vua rồng thần thánh thông qua màn trình diễn ánh sáng và hình ảnh đầy mê hoặc. Các gia đình có thể tụ tập để chứng kiến cảnh tượng mê hoặc này, hòa mình vào thế giới thần thoại của rồng và những truyền thuyết cổ xưa.

Trung tâm Du lịch Malaysia (MaTiC) ở Kuala Lumpur lần đầu tiên ứng dụng công nghệ 3D Mapping trong sáng kiến nghệ thuật Terang năm 2023. Triển lãm trong khuôn khổ sáng kiến nghệ thuật trình diễn 34 tác phẩm 3D Mapping với mỗi tác phẩm là video dài một phút rưỡi lấy cảm hứng từ chủ đề “Warisan”(di sản). Từ một vở opera truyền thống và sự tôn vinh nhà làm phim quá cố Yasmin Ahmad, đến những khu rừng nhiệt đới các mẫu trang phục truyền thống của Mã Lai và áo khoác con công, các tác phẩm được thể hiện trong nhiều hình ảnh rực rỡ và đậm nét văn hóa truyền thống của quốc gia Đông Nam Á này.

Tương tác trực tuyến lên ngôi

Tại cuộc họp của khoảng 130 Bộ trưởng Bộ Văn hóa do UNESCO triệu tập vào tháng 4/2020 – theo hình thức trực tuyến – câu hỏi về việc duy trì khả năng tiếp cận văn hóa thông qua nền tảng kỹ thuật số là một trong những ưu tiên cao nhất. Trong thời điểm đại dịch Covid-19, bảo tàng Louvre ở Paris – vào thời điểm bình thường là bảo tàng được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới – đã chứng kiến lượng truy cập vào trang web tăng gấp 10 lần.

Công nghệ kỹ thuật số cũng ngày càng mở rộng cơ hội tiếp cận các bảo tàng và thư viện. Việc sử dụng thực tế ảo và thực tế tăng cường có thể được mở rộng để nâng cao trải nghiệm của du khách, có thể cho phép du khách khám phá các Di sản Thế giới ở hiện trạng hoặc trong tương lai. Thậm chí có thể cung cấp các bảo tàng trực tuyến được cá nhân hóa. Một báo cáo năm 2016 của Economist Intelligence Unit kết luận rằng các phòng trưng bày bảo tàng và nhà hát ở nhiều quốc gia đã đạt được những bước tiến đáng kể. Chẳng hạn như trong việc tạo ra các trang web phong phú, thân thiện với người dùng và sử dụng mạng xã hội để tiếp cận với những người yêu nghệ thuật. Những nỗ lực tương tự đang được thực hiện tại nhiều di sản thế giới khác.

Tại Hàn Quốc, Gyeongju là một trong những TP đi đầu trong nỗ lực trở thành“Thành phố du lịch thông minh”với kế hoạch tạo ra một không gian trực tuyến metaverse bao gồm các khóa trải nghiệm du lịch lịch sử. Công nghệ thực tế tăng cường được sử dụng để cho phép du khách và người dân địa phương gặp gỡ và trao đổi thông tin và dịch vụ. Là một trong những Thủ đô cổ xưa của Hàn Quốc, TP cố đô của Vương quốc Silla, Gyeongju đón hơn 10 triệu khách du lịch mỗi năm. Và con số này đã tăng 12% mỗi năm nhờ sự phát triển của Hwangridan-gil, ơi nhiều người trẻ đến để tận hưởng TP cổ với hơi hướng hiện đại. Xu hướng này được bắt đầu một phần bởi “Thế hệ MZ” của Hàn Quốc, coi trọng những trải nghiệm không điển hình. Thành công của Gyeongju đã thúc đẩy Gongju và Buyeo triển khai dự án quảng bá du lịch di sản, Smart Town Challenge (Thử thách thị trấn thông minh).

Được khởi xướng vào cuối năm 2020, dự án nhằm mục đích liên kết các dịch vụ trực tuyến và ngoại tuyến nhằm khuyến khích du khách ở lại Gongju và Buyeo lâu hơn, đồng thời góp phần khôi phục nền kinh tế địa phương. Sử dụng ứng dụng Smart Town Challenge, du khách có thể tìm thấy thông tin về các di sản và cơ sở vật chất du lịch như dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng, bãi đỗ xe và tủ khóa.

Thách thức vẫn còn đó

Một trở ngại trong việc sử dụng các công nghệ sẽ nằm ở chi phí. Allied Market Research cho biết chi phí sử dụng drone cao do việc ứng dụng phần mềm và công nghệ cần thiết để vận hành và đồng bộ hóa chúng để tạo ra màn hình trình diễn hiệu quả. Điều này cũng có thể dẫn đến phí vào cửa cao đối với người xem chương trình.

Một buổi trình diễn máy bay không người lái do Công ty Verge Aero có trụ sở tại Texas, Mỹ, cung cấp có thể có giá từ 50.000 – 200.000 USD, trong khi Công ty All Time Favorites ước tính rằng một màn bắn pháo hoa theo phương thức truyền thống vào ngày 4/7 ở New Jersey có chi phí tối thiểu là 25.000 USD.

Theo Allied Market Research, thị trường trình diễn ánh sáng bằng máy bay không người lái được định giá ở mức 1,3 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng thêm dưới một tỷ USD nữa vào năm 2031. Bên cạnh chi phí, việc sử dụng drone còn cần sự phê duyệt theo quy định tại một số quốc gia, bảo hiểm cũng như yêu cầu về an toàn.

Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ vào tiếp cận trải nghiệm và bảo tồn di sản mang lại lợi ích khá rõ ràng nhưng hiện vẫn có những thành phần “bị bỏ lại phía sau” trong cuộc cách mạng kỹ thuật số về văn hóa này. Ủy ban Băng thông rộng vì sự phát triển bền vững, được thành lập bởi ITU và UNESCO ước tính rằng 53,6% thế giới hiện có quyền truy cập vào công nghệ kỹ thuật số, nghĩa là gần một nửa nhân loại vẫn đang bị bỏ lại phía sau. Rõ ràng, mức độ bất bình đẳng trong việc tiếp cận công nghệ kỹ thuật số có ý nghĩa sâu sắc đối với văn hóa: trong khi mức tiêu thụ văn hóa trực tuyến tăng mạnh ở hầu hết các quốc gia, khoảng cách kỹ thuật số được phản ánh rõ ràng trong mô hình sản xuất và tiêu dùng văn hóa. Ví dụ: chỉ 5% số bảo tàng ở châu Phi và các Quốc gia Đảo Nhỏ đang phát triển có hiện diện trực tuyến.

(Nguồn: https://kinhtedothi.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY