Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024
Trang chủNhân vậtNhạc sĩVăn Chung - Nhạc sĩ của dân cày

Văn Chung – Nhạc sĩ của dân cày

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

Kỷ niệm 110 năm sinh nhạc sĩ Văn Chung

Ông là một trong những tác giả tân nhạc đầu tiên mơ màng thưởng nguyệt say hoa, nhưng chỉ ít lâu sau tên tuổi ông lại gắn vào một biệt danh chắc nình nịch: “nhạc sĩ của dân cày”.

Ông là một trong các vị cao niên nhất của nền nhạc mới Việt Nam, ấy vậy mà cho đến cuối đời, và cả mai sau nữa, “nhân vật cựu trào trong làng nhạc Việt”[1] vẫn chẳng bao giờ già bởi ông mãi mãi là “nhạc sĩ của tuổi thơ”.

Vẫn chưa đầy đủ và không công bằng nếu nói đến Văn Chung mà quên nhắc đến những đóng góp mang ý nghĩa tiên phong trong buổi bình minh của nền nhạc mới: ông rất sớm ý thức về việc kế thừa nhạc cổ trong sáng tác mới. Thế nên có “câu truyền miệng” giữa anh em làng nhạc với nhau về bộ tứ trụ cột đề cao tính dân tộc trong nhạc mới: Nhuận – Khoát – Chung – Duy[2]. Thêm nữa, Văn Chung còn là người dựng múa ngay từ cái thuở “trứng nước” của lĩnh vực nhạc đàn Việt Nam.

Quê gốc ở Tiên Lữ, Hưng Yên, nhưng cậu bé Mai Văn Chung chào đời tại một làng nhỏ ngoại thành Hà Nội vào ngày 20-6-1914. Nhà cậu quanh năm nghèo túng. Người cha giỏi chữ Nho, chẳng may bị lòa mắt, thành thử gánh nặng gia đình dồn cả lên đôi vai người mẹ. Không những khéo tay với nghề dệt thảm, người mẹ còn có tài lẩy Kiều, có tiếng hát ru dịu ngọt chẳng ai trong xóm ngoài thôn sánh được. Những điệu dân ca, những chuyện Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai… qua lời ru giọng kể của mẹ ngấm dần và đọng mãi trong ký ức tuổi thơ như bài học đầu tiên về vốn cổ truyền dân tộc cho một tâm hồn say nhạc mê thơ.

Cậu bé thường đưa bà ngoại đi lễ chùa. Vì bà tóc trắng, mắt sáng, gót son, nhà lại bán cao Bồ Tát nên sư sãi và các bạn cùng đi lễ chùa vẫn gọi bà là “cụ Bồ Tát”. Vốn liếng chữ Nho học được từ bố qua từ quyển Tam tự kinh đủ để cậu đóng vai ông giáo nhỏ dạy “cụ Bồ Tát” đọc kinh Phật. Thực ra cậu bé chẳng tin vào đức thần thánh linh thiêng nào hết. Mỗi lần hộ tống bà ngoại tới chùa, cậu lại leo trèo vặt quả phá phách vườn chùa, ăn vụng oản chuối đồ cúng ngay trên bệ thờ Phật mà chả thấy bị quở phạt ốm đau gì cả.

Những trò nghịch ngợm tinh quái chưa phải là cái mà cậu bé ham thích nhất. Điều tuyệt diệu nhất nơi cửa Phật này chính là âm nhạc. Cậu thông tỏ tất tật âm sắc và “vai vế” các nhạc cụ khác nhau trong dàn gõ. Đôi lúc thiếu người, cậu cũng được các sư cho vào thế chỗ gõ mõ hoặc chũm chọe.

Thấy nhà cậu bé túng quá, ông cậu ruột nhận nuôi cháu làm con, thế là cậu bé cũng được đi học ở Hà Nội. Cậu được ông bố nuôi dạy chơi đàn thập lục và đàn tam các bản Kim tiền, Bình bán, Long đăng, Đối ngũ, Lâm khốc, Tứ đại cảnh… Không khí sinh hoạt đàn hát trong gia đình, trong ngõ phố Hà Nội thời đó đã tích dần cho cậu bé một vốn nhạc cổ khá phong phú. Bao nhiêu bài Xẩm ở đầu đường góc chợ bến tàu xe cứ thấm đọng mỗi ngày, nào là Hành vân, Sa mạc, Bồng mạc, Xẩm chợ, nào là Thập ân, Nhị thập tứ hiếu… Cậu hiểu được cái hay cái độc đáo trong các làn điệu Chèo nhờ quen thân gần gũi với các nghệ nhân như cụ Nghị, bà Lý, bác Dịu Hương, bác Năm Ngũ, vợ chồng kép Phẩm, bác Vũ Tuấn Đức…

Ở trường, cậu bé tiếp xúc với dân ca Pháp và nhiều bài hát Hướng đạo, cậu còn tập đánh mandoline. Một hôm đem bạn về nhà hòa nhạc với nhau bị ông bố nuôi ghét Tây ghét luôn nhạc Tây bắt gặp, thế là cậu bị ăn một trận đòn tơi bời. Bẽ mặt với bạn, cậu bỏ về ở với mẹ, cam chịu cuộc sống cơ cực thiếu thốn.

Sống với mẹ ở khu Đấu xảo tuy kham khổ nhưng được tự do tiếp xúc tìm hiểu về nhạc phương Tây. Pháp quốc Viễn Đông nhạc viện mở ngay khu Đấu xảo có lực hút mạnh mẽ như nam châm đối với những thanh niên tân tiến lúc bấy giờ. Chàng thiếu niên nghèo đứng ké bên ngoài say sưa nghe người ta học nhạc học đàn, rồi về tự tập xướng âm, mò mẫm các sách lý thuyết. Vốn hiểu biết về khúc thức vững dần còn nhờ mối quan hệ thân thiện với những người thổi kèn trong dàn nhạc kèn nhà binh, trong đó có nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên. Hàng tuần chàng trai trẻ đều đặn đến nhà kèn xem lớp ballet của trẻ con Tây, vỡ ra dần khái niệm về một lĩnh vực mới mẻ: nhạc múa.

Từ kinh nghiệm đặt lời mới cho các điệu Chèo, Cải lương, bài hát Tây Tầu để kiếm tiền cộng với vốn kiến thức nhạc Tây tự tích lũy, chàng trai 21 tuổi đã viết bài hát đầu tiên mang tên Tiếng sáo chăn trâu hay còn gọi Tiếng sáo mục đồng (năm 1935), rồi tiếp đến Cười trong nắng xuân, Khúc ca ban chiều, Bên hồ liễu (1936), Bóng ai qua thềm, Hồ xuân và thiếu nữ, Những phút vui, Sóng vàng (1939 – 1940)…

Cùng với việc tự sáng tác, nhạc sĩ trẻ tìm mọi cách để phổ biến bài hát mới của người Việt. Nhờ đã từng kiếm sống bằng nghề in, Văn Chung rủ người bạn đồng cảnh đồng chí hướng là Lê Yên, sau thêm Doãn Mẫn, thành lập nhà xuất bản TRICÉA – ba chữ C và ba chữ A (Colection des Chants Composée par des Artistes Annamites Associés)[3]. Nhà xuất bản TRICÉA lần lượt in Vườn xuânBẽ bàng của Lê Yên, Gió thuBiệt ly của Doãn Mẫn, Nhớ quê hương của Phạm Ngữ, Khúc ca ban chiềuCười trong nắng xuân của Văn Chung… Với mục đích truyền bá âm nhạc Việt Nam, nhà xuất bản này còn là nơi dạy nhạc, bán sách nhạc, tổ chức hòa nhạc, trao đổi các sáng tác mới của người Việt với các nhóm nhạc khác như ban Myosotis của Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước, nhóm Hoàng Quý ở Hải Phòng, các nhóm của Nguyễn Đình Phúc, Lê Thương, Hoàng Giác, Hùng Lân ở Hà Nội và Đặng Thế Phong ở Nam Định.

Năm 1946 Hà Nội nổ súng chống Pháp. Vợ chồng Văn Chung gửi con lại cho mẹ để cùng một số văn nghệ sĩ lặn lội lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Gắn bó với cuộc sống vừa chiến đấu vừa sản xuất, nhạc sĩ toàn tâm hướng tới đề tài nông nghiệp trong một loạt bài hát động viên người dân “vừa cấy cày vừa đánh giặc giữ làng” phục vụ bộ đội “ăn no đánh thắng”. Tập bài hát Lúa vàng được in li tô năm 1947 gồm những bài hát liên quan tới việc đồng áng, trong đó có mấy bài đi đâu cũng thấy dân và quân ca hát là Lỳ và Sáo, Trâu ơi, Tôi đi cấy.

Vào một đêm chống càn nằm giữa trời sao, nhạc sĩ xót xa thương nhớ đứa con gái nhỏ vừa được tin đã chết. Mới ngày nào còn dạy con bập bẹ tập đếm theo cách dân gian: một ông sao sáng, hai ông sáng sao…, bé mà lẫn lộn sao sáng thành “sang sáo”, hay sáng sao thành “sáo sang” thì hai bố con cùng đếm lại từ đầu. Rưng rưng trong nỗi đau mất con, một giai điệu sáng trong đã thành hình. Bài hát Đếm sao về sau được nhạc sĩ dựng múa cho thiếu nhi và tiết mục này đã được ghi lại trong những thước phim tài liệu quí giá của thời kháng chiến chống Pháp.

Cuối năm 1947 cả hai vợ chồng chính thức tòng quân. Thấm thía khẩu hiệu “Dân tộc – khoa học – đại chúng”, nhạc sĩ cố gột bớt chất mềm mại ủy mị đặc trưng của trí thức thành thị để hòa mình vào cái khỏe khoắn giản đơn của cộng đồng những người nông dân mặc áo lính. Cùng sống chết bên người lính, nhạc sĩ càng ý thức hơn với nguyên tắc sống và viết vì mục đích chung, vì quyền lợi tập thể. Ngày vợ trở dạ, ông chỉ kịp ghé qua nhà đưa vợ đến quân y, dặn dò nếu con gái lại lấy tên Thụy Liên của đứa con đã mất coi như trời thương lại trả con về nhân gian, còn trai thì đặt Trung Du – tên chiến dịch bố đang đi, rồi vội vã lên đường.

Chiến dịch cũng là nơi ông đã “hoài thai và sinh hạ” những đứa con tinh thần: Hò dân cày, Đợi anh về (thơ Simonov, theo bản dịch của Tố Hữu), Quân Trung du, Ăn no đánh thắng, Pì noọng ơi, Vào Đông Khê Hò dân cày được bộ đội rất yêu thích và, như một minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của âm nhạc trong chiến tranh, bài hát biến thành khẩu lệnh chiến đấu của một đại đội trong chiến dịch Biên giới năm 1950. “Khi nào Tây kéo đến làng thì ta dùng gậy tầy lựu đạn súng trường giết Tây, này anh em ơi!” – các chiến sĩ vừa hát vừa xông lên và cùng với lời ca bình dị ấy, họ đã đánh lui các đợt tấn công của hàng ngàn lính Tây.

Năm 1951, nhạc sĩ được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng ba vì thành tích sáng tác và biểu diễn phục vụ chiến dịch Biên giới và Vĩnh Phúc.

Vốn lắm tài và đã được tôi luyện trong cuộc sống sớm tự bươn trải trước đây, nhạc sĩ Văn Chung trở thành một chiến sĩ văn nghệ đa năng: viết kịch và dựng múa, đạo diễn kiêm diễn viên, phụ trách công việc in ấn và gây dựng phong trào ca múa cho thiếu nhi, vừa tổ chức các đội văn công phục vụ sản xuất và chiến đấu, vừa kèm cặp lớp đàn em bước vào nghề nhạc múa. Đội văn nghệ của Tổng cục chính trị do ông xây dựng và phụ trách chính là hạt nhân đầu tiên cho Đoàn Văn công quân đội sau này.

Văn Chung đã cùng đoàn dân công hỏa tuyến trải qua bao hiểm nguy cực nhọc mà vẫn rôm rả bàn hết việc đồng áng lại chuyển sang trận đánh này chiến dịch nọ. Ông đàn hát, tâm tình, kể chuyện vui chiến đấu và cả tiếu lâm nữa để giảm bớt căng thăng tâm lí và động viên tinh thần anh em trước giờ xuất kích. Ông cùng anh chị em văn công không chỉ phục vụ văn nghệ mà còn lo cáng thương và làm hộ lý chăm sóc bệnh binh. Ông chứng kiến cái chết của đồng đội, chứng kiến nỗi đau đớn của thương binh. Ông đứng hát suốt ca phẫu thuật cưa chân bằng cưa thợ mộc không có thuốc gây mê cho một chiến sĩ và tiếng hát chính là liều thuốc tinh thần giúp anh thương binh vượt qua cơn đau thể xác. Ông bám theo đơn vị chiến đấu, đào công sự dưới mưa bom, rồi lại sáng tác và dựng tiết mục cho lễ mừng công sau chiến dịch.

Các chiến dịch nối nhau đi qua đời chiến sĩ của Văn Chung: Trung Du tới Cao Lạng, rồi Biên giới tới Vĩnh Phúc, Hoàng Hoa Thám sang Hòa Bình rồi Tây Bắc và Điện Biên. Quê tôi giải phóng ra đời ngay sau chiến thắng Điện Biên khi tác giả được phân công đưa đoàn văn công về Bắc Ninh chuẩn bị tiếp quản Hà Nội và bài hát đã đoạt giải thưởng trong Đại hội Văn công toàn quốc.

Hòa bình lập lại, khi người nông dân mặc áo lính trở về với nghiệp nhà nông cũng là lúc “nhạc sĩ dân cày” cởi áo lính trở về với sở trường của mình: viết về nông nghiệp và thiếu nhi. Đi thực tế ở nhiều vùng nông thôn, xuống đồng cấy lúa cùng bà con xã viên, nghe họ cà kê chuyện nhà cửa chuyện ruộng vườn, nhạc sĩ rất thấu hiểu và cảm thông với những nỗi niềm của người nông dân trong cuộc sống mới. Ông tham gia vận động bà con từng bước đổi thay cách làm ăn bằng những bài hát giản dị, gần gũi, gắn với những công việc đồng áng cụ thể. Trong ba thập niên 1954 – 1974, ca khúc về nông nghiệp chiếm số lượng rất lớn trong sáng tác của Văn Chung, trong đó có chuỗi bài về đi cấy: Gái thôn Đoài trai thôn Thượng (thơ Phạm: Huyền), Tính hẹn cùng Tình, Lúa cấy thẳng hàng, Ba cô gái đảm (thơ: Phạm Ngọc Vị), Cấy lúa xuân (thơ: Nguyễn Đăng Khoa); về đi cày: Cày sâu xếp ải, Đội máy cày quê ta, Có ba trâu; về thủy lợi: Tát nước đêm trăng, Đoàn quân thủy lợi, Khơi nguồn than trắng, Đẹp đôi chúng mình

Tích cực gây dựng các tổ chức nghệ thuật, như Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Vụ Âm nhạc và múa, Văn Chung còn là người đầy nhiệt huyết với phong trào ca hát quần chúng, nhất là phong trào thiếu nhi. Đi thăm Triều Tiên trong dịp trao đổi văn hóa giữa hai nước, ông không những chú trọng tìm hiểu nghệ thuật nhạc kịch mà còn hết sức quan tâm đến kinh nghiệm giáo dục âm nhạc cho thiếu nhi. Ông viết cho các lứa tuổi khác nhau từ mẫu giáo, nhi đồng đến thiếu niên: Chú ếch con, Thơm bé đi nào, Chào cô ạ, Dung dăng dung dẻ, Lượn tròn lượn khéo, Bông phượng đỏ… Trẻ thơ luôn chiếm vị trí đặc biệt trong tình cảm và trong sáng tác của vị nhạc sĩ cao niên này. Trong một buổi nói chuyện với các em, nhạc sĩ già xưng “anh” rất tự nhiên và hóm hỉnh giải thích rằng khi bước sang tuổi cổ lai hi ông vẫn là một người anh của thiếu nhi, vì ông làm việc cho các em bằng sức lực của ba người trẻ tuổi cộng lại và cái tuổi bảy mươi chia cho ba thanh niên trong ông thì rõ ràng ông đang ở tuổi đôi mươi!

Tuổi cao sức yếu, nhạc sĩ vẫn trăn trở với những vấn đề thời cuộc trong sáng tác nảy sinh sau ngày đất nước thống nhất. Ông băn khoăn cho sự chìm nghỉm của đề tài nông nghiệp, lý giải thực chất của cái gọi là “nhạc nhẹ” và về phong trào ca khúc chính trị trong đầu những năm 80… Nằm trên giường bệnh, mũi truyền oxi, tay tiếp huyết thanh, mắt ngắm trần nhà, ông thầm hát trong đầu giai điệu Gìn giữ lấy Việt Nam, khẳng định ý chí quật cường của dân tộc trước sự kiện chiến tranh biên giới. Những tưởng đấy là lời trăng trối cuối cùng, nhưng nhạc sĩ – chiến sĩ Văn Chung đã vượt qua cơn bạo bệnh và dù liệt nửa người vẫn tiếp tục sống cho âm nhạc.

Ông ra đi ngày 27-8-1984, vừa tròn 70 tuổi đời và gần tròn nửa thế kỷ làm âm nhạc.

Giản dị, hồn nhiên, hóm hỉnh và giàu chất dân ca, nhiều bài hát của Văn Chung cũng một cách tự nhiên như những làn điệu cổ truyền đã đi vào lòng người và sống trong quần chúng lao động với sức sống của bài dân ca mới. Tâm huyết với âm nhạc và rất chú trọng đến hiệu quả xã hội của âm nhạc, ông đã để lại những ca khúc in dấu những giai đoạn lịch sử chiến đấu và dựng xây đất nước.

Và ông sẽ còn trẻ mãi trong tiếng hát tuổi thơ: “Một ông sao sáng, hai ông sáng sao…”.

2003

[1] Lê Hoàng Long: Nhạc sĩ Văn chung – Nhận xét và phê bình. Quê hương, số 20, 1953.
[2] Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Phạm Duy.
[3] Sưu tập bài hát của các nghệ sĩ An Nam.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY