Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềSỐ HÓA TÀI SẢN ÂM NHẠC - VẪN CHỈ LÀ ƯỚC MƠ?

SỐ HÓA TÀI SẢN ÂM NHẠC – VẪN CHỈ LÀ ƯỚC MƠ?

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

Từ ước mơ…

Dân nghiên cứu âm nhạc chúng tôi đã mơ ước ngay khi mới chớm bước sang thế kỷ XXI: xây dựng ngân hàng dữ liệu âm nhạc trên nền tảng công nghệ điện tử.

Nhạc mới cũng như nhạc cổ, chưa làm tốt khâu bảo tồn thì lấy gì mà phát huy, để rồi từ đó kế thừa và phát triển? Trong thời đại hòa nhập toàn cầu, vai trò bản sắc dân tộc được đề cao hơn bao giờ hết và ngày càng được nhìn nhận đúng hơn giá trị những tinh hoa được chắt lọc qua nhiều đời. Tuy nhiên, ở thời buổi loạn chuẩn mực này xác định đúng đâu là cội nguồn đã khó, gìn giữ được cái gốc càng khó hơn, nhất là trong lĩnh vực nhạc cổ vốn được lưu truyền theo phương thức truyền khẩu truyền ngón không văn bản. Với nhạc mới (sáng tác có văn bản) cũng chẳng mấy dễ dàng trong việc lưu trữ. Những gì không được sử dụng do không còn hợp thời hoặc bị cấm đoán thì chỉ còn lại trong ký ức trước khi mất hẳn như chưa từng tồn tại. Nhiều thứ giờ chỉ được “nghe nói”, nhiều di sản chỉ còn sót lại trong nhân gian. Chúng ta từng đối mặt với bao nhiêu bất lợi khách quan – do điều kiện thời tiết và chiến tranh, và cả chủ quan – do ý thức bảo vệ di sản kém, đã thiếu hiểu biết lại chưa thoát khỏi những định kiến ấu trĩ của một giai đoạn nào đó.

Sưu tầm, thống kê, phân loại, đánh giá, hệ thống, lưu trữ di sản rồi đưa vào sử dụng cần tiến hành bền bỉ, cẩn trọng và cấp bách, vì bắt đầu càng chậm trễ khó khăn càng chồng chất. Chúng ta may mắn được hưởng thành quả diệu kỳ của nền văn minh nhân loại, đó là internet, là công nghệ tin học. Dại gì mà không mau chóng tiếp cận và vận dụng văn minh nhân loại, lấy cái chung làm phương tiện gìn giữ cái riêng độc đáo của văn hóa dân tộc. Và thế là bắt đầu mơ…

Ước gì được đầu tư tiền của và nhân lực. Muốn thiết kế một không gian chẳng những đủ để lưu giữ, bảo toàn di sản âm nhạc nhiều đời nhiều thế kỷ, mà còn vận hành tra cứu dữ liệu sao cho hợp lý và tiện ích, đương nhiên cần có sự phối hợp liên ngành, đa ngành, bao gồm các chuyên viên kỹ thuật ngành điện tử, lưu trữ và thư viện, cũng như các nhà nghiên cứu âm nhạc và các chuyên gia từ nhiều ngành liên quan: lịch sử, địa lý, văn hóa, Hán Nôm, dân tộc học, xã hội nhân văn…

Ước gì kịp số hóa và xây dựng hệ thống thư mục một cách khoa học, có tính ứng dụng cao, có sự liên kết chéo cùng chủ đề giữa các tài liệu văn bản (chữ viết, bản nhạc), âm thanh (băng, đĩa nhựa, đĩa than, CD…) và hình ảnh (photo, DVD…). Nền tảng kỹ thuật số cho phép mở bảo tàng, thư viện, ngân hàng, trường học ảo – ảo mà hiệu quả thực, đáp ứng mọi đối tượng trên khắp địa cầu. Đào tạo trực tuyến có thể đem lại hiệu quả thú vị bất ngờ, bởi dạy học từ xa qua những bản thu âm thu hình của các nghệ nhân nhạc cổ vẫn duy trì được phương thức truyền khẩu truyền ngón của tổ tiên bất chấp mọi khoảng cách không gian và thời gian. Chưa kể hiệu quả tổ chức các cuộc hội thảo tọa đàm online, các chương trình biểu diễn giao lưu trực tuyến mà ta đã có dịp nếm trải trong mấy năm đại dịch covid vừa rồi.

Ước gì có một thư viện số tầm quốc gia trong lĩnh vực âm nhạc vừa là cơ sở bảo vệ tác quyền cho người sáng tạo, vừa là nguồn khai thác đáng tin cậy cho người sử dụng. Phải có nơi lưu giữ bản gốc âm nhạc cả văn bản và âm thanh để sử dụng và so sánh thì mới tránh được nhiều sự cố tranh chấp bản quyền, giảm bớt vấn nạn đạo nhạc đạo văn trong âm nhạc.

Ước gì có sự đồng lòng đồng tâm hợp lực giúp giới nhạc kịp lên kế hoạch dài hơi và cụ thể cho thư viện khổng lồ trong tương lai, rồi từng bước hiện thực hóa ước mơ đó qua các thế hệ nối tiếp nhau, chứ không theo “tâm lý nhiệm kỳ” chỉ nhăm nhe phá cũ xây mới cốt kiếm lời hưởng lộc cho riêng mình.

Và cứ đi tiếp vào chi tiết cụ thể sẽ còn nhiều nữa những “ước gì”.

…đến đời thực

Thực ra trong thập niên đầu thế kỷ Viện Âm nhạc đã làm được bước khởi đầu rất ý nghĩa: xử lý và số hóa nhiều tài liệu âm thanh, hình ảnh và văn bản cũ có nguy cơ mốc hỏng, lập phiếu miêu tả và xây dựng hồ sơ nhiều hạng mục, hệ thống dữ liệu sưu tầm nghiên cứu, dịch thuật và quảng bá tài liệu cổ (văn bản và âm thanh), xuất bản sản phẩm nhạc cổ (CD, DVD), giới thiệu cho đối tượng chuyên ngành nghiên cứu âm nhạc trong và ngoài nước…

Viện Âm nhạc đã gây dựng được bảo tàng nhạc cụ để quảng bá nhạc dân tộc không chỉ thông qua hiện vật, hình ảnh, thuyết trình, mà còn minh họa bằng âm thanh sống do các nhạc công biểu diễn trực tiếp. Viện cũng đã sưu tầm hàng chục nghìn trang nghiên cứu bình luận âm nhạc trên báo chí của thế kỷ XX, thu thập thông tin tác giả và bản thảo tổng phổ khí nhạc, rồi từ đó thực hiện một số công trình giá trị lâu dài, tiêu biểu là các bộ sách đồ sộ: Âm nhạc mới Việt Nam – Tiến trình và thành tựu (2000), Hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại gồm 5 tập (2002), Hợp tuyển tài liệu nghiên cứu – lý luận – phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX gồm 7 cuốn (2003); Âm nhạc Việt Nam – Tác giả tác phẩm gồm 5 tập (2006-2009), Những tác phẩm giao hưởng Việt Nam gồm 7 cuốn (2005-2011)… Sách xuất bản cũng như bảo tàng nhạc cụ đều là cơ sở dữ liệu quý giá cho ngân hàng điện tử mang tầm quốc gia trong tương lai.

Viện còn lưu giữ một khối tài liệu sinh động và cũng rất cảm động, đó là chương trình tác giả – tác phẩm đã ghi hình các buổi trò chuyện, trao đổi nghề nghiệp của các nhạc sĩ nổi tiếng và nhiều người trong số đó nay đã ra đi: Phan Huỳnh Điểu, Huy Du, Lương Ngọc Trác, Trần Văn Khê, Phạm Duy, Văn Dung, Nguyễn Thiên Đạo, Phó Đức Phương, Vũ Nhật Tân…

Phải nói đó là cả một núi công việc khổng lồ, mà thời gian thực hiện không thể tính bằng năm tháng, mà bằng thập kỷ và hơn thế nữa. Những gì làm được mới chỉ là khởi sự đáng ghi nhận cho công trình thế kỷ cần được tiếp tục thực hiện với sự hợp tác của nhiều chuyên gia nghiên cứu âm nhạc và các ngành liên quan. Song…

Khí hậu khắc nghiệt, thiếu điều kiện bảo quản trong nhiệt độ và độ ẩm phù hợp, thiếu chuyên viên lưu trữ và thư viện… Hệ thống máy móc của Nhật Bản được trang bị từ cuối thập niên 90 thế kỷ trước trở nên lỗi thời và bị virus xâm nhập. Ước mơ chưa kịp thành hiện thực đã đứt đoạn.

Tôi đã mang theo ước mong này sang Hội Nhạc sĩ Việt Nam, kể từ năm 2010 khi nhận phụ trách trang web của Hội. Chia sẻ ý tưởng và thuyết phục tính bức thiết của dự án số hóa tài sản âm nhạc không hiệu quả ngay lần đầu thì thêm lần thứ hai, thứ ba…, thứ n! Tiếc là vẫn không vượt qua được nếp nghĩ của con nhà nghèo: tốn kém quá, không khả thi, bao giờ đủ tiền sẽ tính. Chưa kịp có động thái gì thì họ hàng nhà mối xơi mất mấy tủ tài liệu văn phòng Hội, trong đó có không ít sách nhạc, hồ sơ và tổng phổ tác phẩm được giải thưởng thường niên, giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh…, khiến kho tài liệu vốn nghèo lại càng thêm nghèo. Ngay đến tòa soạn tạp chí âm nhạc cũng không lưu trữ nổi toàn bộ số báo giấy đã in ấn suốt mấy chục năm qua, nói gì đến số hóa.

Nhìn sang các kho nhạc trên mạng mà thèm, nào là youtube, zing, nhạc của tui, spotify…; nào là google đầy ắp thông tin liên quan đến tác phẩm, tác giả hoặc kiến thức và sự kiện âm nhạ…, rồi còn chatGPT nữa chứ!

Thôi thì nhà nghèo chơi kiểu… nghèo! Với kinh phí nhỏ nhoi dành cho trang website nội bộ, tôi cố gồng mình tạo một diễn đàn không chỉ cho riêng hội viên hay dân lý luận chuyên nghiệp, mà còn hướng tới độc giả “ngoại đạo”, những người chỉ cần được trang bị một thứ duy nhất dành cho âm nhạc, tạm thời chưa phải kiến thức mà là tình yêu. Tôi vẫn tin từ yêu sẽ dần hiểu hơn, hiểu rồi lại càng yêu hơn.

Bắt đầu đơn thương độc mã, tôi buộc phải ôm đồm mọi việc từ kỹ thuật (duyệt thiết kế trang, đăng bài) đến nội dung (viết bài, đặt bài, biên tập…). Thù lao nhuận bút thấp quá thì tôi biên tập không công cho người ta đăng bài ở báo khác để để tác giả được hưởng nhuận bút xứng đáng, rồi mới đăng lại trên website của Hội. Không đủ tiền trả nhuận ảnh thì tôi kiêm phóng viên ảnh làm phóng sự cho các hoạt động lớn nhỏ của Hội để giữ lại những khoảnh khắc quý giá. Có lẽ trước ống kính không chuyên nghiệp người ta thấy tự nhiên hơn nên tôi có cơ hội ghi lại hình ảnh các nhạc sĩ lão thành đúng với thần thái của họ. Điều đó khiến tôi không nề hà ôm máy chạy ngược xuôi dù trong các cuộc liên hoan âm nhạc ở các tỉnh tôi hay bị hạch sách: đi ra chỗ khác, phóng viên báo nào đây mà dám ngồi chỗ dành riêng lãnh đạo Hội!

Sau một nhiệm kỳ website may mắn được Hội Nhạc sĩ bổ sung thêm hai, rồi ba thành viên nữa để lập ban biên tập. Mỗi thành viên đều kiêm nhiệm vài việc để website gồng gánh trách nhiệm của báo điện tử. Trong mấy năm dịch covid, mọi hoạt động đóng băng, riêng website hoạt động không ngừng vì đây là nơi duy nhất còn giữ được mối liên kết cho giới nhạc chuyên nghiệp và công chúng yêu nhạc qua bài vở, qua các chương trình ca nhạc trực tuyến. Và lẽ dĩ nhiên, càng cố phát huy cường độ và mọi tính năng hoạt động thì càng dễ lòi ra những khiếm khuyết của mặt bằng kỹ thuật cũ kỹ. Kho dữ liệu quá tải, lỗi truy cập ngày càng tăng. Vào một ngày không đẹp trời có tác phẩm bỗng dưng không mở được âm thanh và tổng phổ, có bài phân tích tác phẩm công phu sâu sắc đột nhiên mất hết các đính kèm thí dụ nốt nhạc và âm thanh… Tệ nữa: nhiều bài giá trị không cánh mà bay, biến luôn nhiều chùm ảnh sự kiện quan trọng. Cứ đà này thì chẳng mấy nữa hơn chục năm “cày kéo” website của tôi hóa ra công cốc. Những tưởng cứ làm con ong cái kiến tha lâu đầy tổ thì ngày nào đó website của chúng tôi sẽ tích tụ được kho lưu trữ âm nhạc từ cổ chí kim, từ ta sang Tây để “lót ổ” cho dự án tương lai của Hội Nhạc sĩ: gây dựng thư viện số trong lĩnh vực âm nhạc chuyên nghiệp.

Thế đấy, lại đổ tại hàng loạt nguyên nhân bất lợi cho lưu trữ: môi trường khách quan (khí hậu nồm ẩm, kỹ thuật lỗi thời, kinh phí èo ọt, nhân lực mỏng manh…) và yếu tố chủ quan: ý thức con người (chưa đủ trân trọng giá trị di sản và chưa thấy hết tầm quan trọng của việc lưu giữ), nên là… đời không như mơ!

Thôi thì lại nuôi tiếp ước mơ đến ngày nào đó thế hệ con cháu chúng ta chỉ cần gõ từ khóa – tác giả, tác phẩm, nghệ sĩ, nhạc cụ, thể loại, trường phái, thời đại, giai đoạn, sự kiện…, là hiển thị đầy đủ thông tin đáng tin cậy bằng văn bản, âm thanh, hình ảnh đã được lưu giữ trong thư viện bách khoa toàn thư về âm nhạc trên nền tảng số.

02-11-2022

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY