Thứ Ba, Tháng Năm 7, 2024
Trang chủTin tứcTin HộiHội nghị Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam kỳ 7...

Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam kỳ 7 khóa X

Tác giả: Thanh Nhã

Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành khóa X tại Hà Nội vào chiều 22 tháng 12 năm 2023, nhằm tổng kết công tác 6 tháng cuối năm 2023 và đề ra Phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2024.

Hội nghị có mặt PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chủ trì Hội nghị, và các nhạc sĩ trong Ban Thường vụ: nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội; NSƯT Trần Vương Thạch – Phó Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Trưởng Ban Kiểm tra; các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành và lãnh đạo các Ban chuyên môn của Hội…

Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh – Chủ tịch Hội, báo cáo kết quả hoạt động của Ban Chấp hành trong thời gian vừa qua.

Hội nghị đánh giá cao báo cáo 6 tháng cuối năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam; trong đó có báo cáo của Trung tâm Bản quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam; Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam; Báo cáo của Phòng công tác hội viên về công tác quản lý chi hội, hội viên; Website, Tạp chí Âm nhạc Việt Nam; Công tác đầu tư hỗ trợ sáng tạo tác phẩm; báo cáo hoạt động và một số kiến nghị của các chi hội địa phương; báo cáo của các ủy viên Ban Chấp hành về công tác chi hội, hoạt động âm nhạc ở các địa phương, vùng miền… đặc biệt với kết quả hoạt động trên các lĩnh vực:

Về hoạt động sáng tác, biểu diễn:

– Tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 2 tại Hà Giang với sự tham gia của 22 Chi hội: (Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn); Đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ (Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị); Hà Nội: Chi hội Nhạc sĩ Quân đội và một số tỉnh, thành phía Nam. Kết quả: 12 giải A, 18 giải B.

– Tổ chức Chương trình nghệ thuật “Đàn Chim Việt” tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám vào tối 20/8/2023 trong thời điểm kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh mồng 2 tháng 9, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhạc sĩ – Thi sĩ – Họa sĩ Văn Cao (1923-2023), tác giả của bài Tiến quân ca, sau này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chọn làm Quốc ca Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đàn Chim Việt” với sự bảo trợ truyền thông của Đài Truyền hình Việt Nam, truyền hình trực tiếp trên sóng VTV. Tổ chức các hoạt động như Hội thảo khoa học thân thế sự nghiệp Nhạc sĩ Văn Cao; Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhạc sĩ Văn Cao (truyền hình trực tiếp trên sóng VTV); Xuất bản sách Tổng tập Văn Cao; Triển lãm các tác phẩm mỹ thuật của Nhạc sĩ Văn Cao.

– Phối hợp với Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Hội Việt – Mỹ tổ chức Buổi gặp mặt nhân Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhạc sĩ Xuân Oanh (1923- 2023) ngày 8/9/2023 tại Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

– Phối hợp với Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội tổ chức Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cố nhạc sĩ Trọng Loan (16/12/1923 – 16/12/2023), vào tối 21/12/2023 tại Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội.

– Tổ chức Chương trình nghệ thuật “Sóng nhạc Hồ Gươm xanh” tối 25/8/2023, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội, chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XIV (3/9/2010 – 3/9/2023). Chương trình được phát trực tiếp trên fanpage chính thức hoinhacsi.com của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và MUCA của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Đến dự chương trình có: đồng chí Võ Thị Ánh Xuân – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; đồng chí Trương Mỹ Hoa – Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Phó Chủ tịch nước; PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; đồng chí Nguyễn Minh Nhựt -Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ/Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và Hà Nội.

Cùng với chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Thủ đô Hà Nội, Ngày Âm nhạc Việt Nam năm nay được các chi Hội Nhạc sĩ Việt Nam ở nhiều địa phương trong cả nước tổ chức tại: Hải Phòng Nam Định, Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Bình Phước, Bình Dương, Phú Yên, Đồng Tháp, Cà Mau, Đắk Lắk…

– Liên hoan Dân ca các tỉnh phía Nam lần thứ IV năm 2023 với chủ đề “Dân ca 3 miền”, do Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam) và Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Gò Vấp phối hợp tổ chức từ ngày 19 đến 20/8/2023 tại TP Hồ Chí Minh, kỷ niệm ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9. Chương trình đã biểu diễn hơn 80 tiết mục của 25 đơn vị là các câu lạc bộ, đội nhóm đến từ các quận, huyện TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trên khắp cả nước: Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc, Kiên Giang, Rạch Giá, Bình Phước, Vĩnh Phúc và Bộ Công an. Kết thúc Liên hoan, Ban tổ chức đã trao tặng Giấy khen cho 20 tập thể Câu lạc bộ Nghệ thuật Âm nhạc dân gian không chuyên và Cúp Lưu niệm cho 15 cá nhân đã có thành tích xuất sắc tham gia Liên hoan.

Ban Chấp hành Hội thường xuyên tham gia Ban chỉ đạo, Ban giám khảo các hội diễn chuyên nghiệp, các cuộc thi, các Festival lớn trong toàn quốc nhằm thúc đẩy, động viên phong trào âm nhạc như: Cuộc thi nghệ thuật Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc; Liên hoan Âm nhạc chuyên nghiệp toàn quân; Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc; Cuộc thi Âm nhạc Mùa Thu… Qua những kết quả xuất sắc tại các cuộc thi, Hội đã trao tặng bằng khen và Ngôi sao Hy vọng.

Bên cạnh những hoạt động chuyên môn, Hội phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong việc tổ chức và thẩm định các tác phẩm như: Sống mãi với thời gian; Cuộc thi sáng tác ca khúc về ngành Dệt may Việt Nam; “Hào khí doanh nhân Việt Nam, Cuộc thi sáng tác ca khúc về thành phố Hải Phòng; “Cuộc thi sáng tác ca khúc khu vực Đông Nam Bộ lần thứ I – năm 2023; Cuộc thi sáng tác về ngành Tòa án; Cuộc thi sáng tác ca khúc về TP Hải Phòng; Cuộc thi sáng tác ca khúc về Yên Bái, Cuộc thi sáng tác ca khúc về Nghệ An, Cuộc thi sáng tác ca khúc về Quảng Ninh… và các cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật các tỉnh, thành trong cả nước…

2. Tổ chức Trại sáng tác, lớp tập huấn chuyên môn:

– Tổ chức Trại sáng tác Âm nhạc Quảng Ninh tại Trung tâm đào tạo tài năng trẻ và sáng tác, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 15/8 đến ngày 21/8/2023. Dự trại sáng tác có 15 nhạc sĩ tư các Chi hội, Đoàn Nhạc sĩ: Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Nam, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Ninh, Ninh Bình,  Cao Bằng, Chi hội Văn hóa và giáo dục Hà Nội, Trường Đại học sư phạm nghệ thuật Trung ương, Chi hội Quân đội Hà Nội, Chi hội Công an nhân dân…

Trong thời gian dự trại, các nhạc sĩ được đi tham quan thực tế sáng tác tại thành phố Móng Cái và thành phố Cẩm Phả, để có thêm chất liệu, cảm xúc sáng tác những tác phẩm tốt, phục vụ đời sống âm nhạc cho công chúng, phù hợp với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Kết thúc trại, Ban tổ chức đã nghiệm thu được 25 tác phẩm với các thể loại: 01 tổ hợp biến tấu, 03 romance và 22 ca khúc. Một số tác phẩm có chất lượng tốt, được dàn dựng và được các nghệ sĩ, ca sĩ của Quảng Ninh biểu diễn.

– Tổ chức Trại sáng tác Âm nhạc Cần Thơ năm 2023 tại Nhà sáng tác Cần Thơ, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật  thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức từ ngày 15 đến 25/9/2023. Dự trại sáng tác có 15 nhạc sĩ các Chi hội, Đoàn Nhạc sĩ:  Quân đội TP Hồ Chí Minh, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Tây Ninh, Cà Mau, Quảng Ninh, Chi hội Sáng tác 1, Sáng tác 2  TP Hồ Chí Minh…

Kết thúc trại, Ban tổ chức đã nghiệm thu được 19 tác phẩm chuyển giao cho Nhà sáng tác Cần Thơ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Gồm 6 tác phẩm khí nhạc, 13 tác phẩm thanh nhạc. 09 tác phẩm âm nhạc đã được dàn dựng và biểu diễn trong chương trình bế mạc với các thể loại: Romance, Acapella, tam tấu… khá phong phú về màu sắc và chất liệu âm nhạc.

– Mở các lớp bồi dưỡng tài năng âm nhạc tại Trung tâm Sáng tác và đào tạo tài năng trẻ Quảng Ninh. Trung tâm đã dần đi vào hoạt động có hiệu quả, thu hút được nhiều học sinh, chủ yếu hiện đang là các lớp thiếu nhi, tiến tới mở rộng mô hình có quy mô đào tạo lớn hơn.

3. Về công tác Lý luận phê bình:

Lãnh đạo Hội, các nhà lý luận phê bình âm nhạc: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Đức Trịnh, Nguyễn Thị Minh Châu, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm… tham dự và có bài tham luận tại các Hội thảo khoa học của Trung ương và địa phương, các Hội thảo khoa học do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các hội thỏa khoa học của Ban Tuyên giáo Trung ương, các hội nghị tập huấn chuyên đề của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tham dự các Hội thảo khoa học tại các Festival Âm nhạc quốc tế tại: Trung Quốc, Liên bang Nga, Nam Phi…

Nhạc sĩ Đức Trịnh – Chủ tịch Hội, tham dự Hội thảo kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam của Bộ Công an “Phát huy giá trị đề cương về Văn hóa Việt Nam trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” với tham luận “Hình tượng Người cán bộ chiến sĩ Công an Nhân dân và đề tài bảo vệ an ninh, trật tự trong các tác phẩm âm nhạc”; tham dự Hội nghị Văn hóa Hà Giang (tháng 10/2023) với tham luận “Hình ảnh đời sống văn hóa con người Hà Giang trong âm nhạc”…

Nhà LLPB âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu tham gia giảng dạy với đề tài “Vai trò và thực trạng Lý luận phê bình Âm nhạc” tại Trại viết Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật khu vực phía Bắc 2023; Hội thảo khoa học “Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay, xứng đáng; chấn hưng sự nghiệp văn hoá, văn nghệ của đất nước” (10/2023) với tham luận Hướng tới tác phẩm để đời (Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam); Tọa đàm khoa học của Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương “Thế giới nhạc, thơ, họa của Văn Cao” (11/2023) với tham luận “Giữa cuộc đời cao tiếng hát du dương”; Hội thảo của Trung tâm UNESCO mỹ thuật Việt Nam “Thân thế sự nghiệp Văn Cao” (11/2023) với tham luận Tính hội họa trong âm nhạc Văn Cao; Hội thảo khoa học của Hội đồng Lý luận phê bình Trung ương “Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất: thực trạng, định hướng và giải pháp phát triển” (12/2023) với tham luận Lý luận phê bình âm nhạc trong thời đại kết nối…

PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm tham dự Hội thảo Khoa học “80 năm đề cương Văn hóa Việt Nam”; Tọa đàm khoa học “Đội ngũ phê bình Văn học, nghệ thuật hiện nay: Thực trạng và định hướng phát triển” Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương; tham gia thực hiện bộ tổng tập Văn hóa Dân gian Nam bộ (2/14 tập); tham gia các hoạt động tổng kết 10 năm UNESCO ghi danh Đờn ca tài tử Nam bộ vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: hội thảo ở TP Hồ Chí Minh; tham gia viết tham luận các hội thảo của Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và TP HCM về Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật, 15 năm Nghị quyết 23/TW, 50 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, về Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh; phát động sáng tác tác phẩm âm nhạc, nghiên cứu lý luận… chuẩn bị kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam…

4. Về công tác đối ngoại:

Về hoạt động đối ngoại 6 tháng cuối năm 2023, Hội đã bám sát chủ trương đường lối đối ngoại nhân dân, thực hiện có sáng tạo các hoạt động nghiệp vụ, khẳng định tính chuyên nghiệp trong sáng tác và hoạt động biểu diễn âm nhạc chủ động, mở rộng quan hệ trao đổi âm nhạc với các nước trong khu vực và quốc tế. Giao nhiệm vụ cho Ban đối ngoại do NSND Ngô Hoàng Quân làm Trưởng Ban.

– Tham dự Festival Âm nhạc ASEAN – Trung Quốc lần thứ 12 tổ chức tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc, tháng 10/2023. Tuần lễ Âm nhạc Hiệp hội Âm nhạc đương đại Quốc tế (ISCM) được bảo trợ và do Đại học Nghệ thuật Quảng Tây chủ trì. Tác phẩm “Sắc xuân” viết cho dàn nhạc giao hưởng của PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân được Dàn nhạc quốc gia Đại học Nghệ thuật Quảng Tây và nghệ sĩ độc tấu đàn bầu Lê Thùy Linh (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) biểu diễn.

Đón Đoàn nhạc sĩ Liên bang Nga: nhạc sĩ Rashid Kalimullin – Chủ tịch Liên đoàn các nhà soạn nhạc Liên bang Nga, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Cộng hòa Tatarstan sang làm việc với Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh trao đổi, thảo luận về hoạt động tổ chức Hội; Kế hoạch phối hợp tổ chức Festival Âm nhạc mới Á – Âu lần thứ 4 năm 2024 tại Việt Nam.

– Tham dự Festival Âm nhạc Hàn lâm quốc tế Âm nhạc Ađưgêia (Liên Bang Nga), tháng 11/2023, do Bộ Văn hóa nước CH Ađưgêia, Quỹ Quốc gia về Văn hóa nước Cộng hòa Ađưgêia, Liên hiệp tổ chức biểu diễn nước Cộng hòa Ađưgêia, Hội Nhạc sĩ vùng Ađưgêia với mục đích giữ gìn và phát triển nghệ thuật âm nhạc dân tộc quốc gia và âm nhạc kinh điển thế giới; mở rộng quan hệ hợp tác về văn hóa giữa các dân tộc và các quốc gia. PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam; TS.nhạc sĩ Lê Tự Minh; nhạc sĩ Phạm Hồng Hà, cùng các nhà hoạt động văn hóa – xã hội của cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga tham dự chương trình Festival âm nhạc cổ điển Quốc tế “Adugeia Muzukalnaia” tại Nhà hát Quốc gia Philarmonhia, Thủ đô Maikop của nước Cộng hòa Adugheia. Tác phẩm “Tiếng vọng” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và ca khúc “Hồi sinh” của nhạc sĩ Lê Tự Minh do ca sĩ nổi tiếng của Hiệp hội biểu diễn Quốc gia nước Cộng hòa Đaria Umbina trình diễn.

– PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tham dự Festival Ngày Âm nhạc Mới Thế giới 2023 tại Johannesburg và Cape Town (Nam Phi), tháng 12/2023, do Hiệp hội Âm nhạc đương đại quốc tế (ISCM) tổ chức. Đây là một dịp lịch sử vì hai lý do: Đây sẽ là phiên bản Festival 100 năm của ISCM Những ngày Âm nhạc Mới Thế giới và là lần đầu tiên Festival diễn ra ở lục địa Châu Phi. Tác phẩm “String quartet No.3” của nhạc sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Tú – Giảng viên Khoa Jazz Pop Rock Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh được biểu diễn tại chương trình Festival.

5. Công tác Chi hội, hội viên:

Tính đến thời điểm hiện nay đã có 65 Chi hội nhạc sĩ Việt Nam trên toàn quốc. Chi hội nhạc sĩ tại các địa phương là cánh tay nối dài của Hội, giúp cho Ban Chấp hành nắm bắt và chỉ đạo hoạt động theo đúng đường lối của Đảng, chủ trương của Nhà nước. Ban chấp hành các Chi hội địa phương khá năng động và có tinh thần trách nhiệm tốt nên hoạt động âm nhạc ở địa phương đã được đẩy mạnh, các tác phẩm âm nhạc cũng như công trình nghiên cứu âm nhạc.

 Năm 2023 đã có gần 2.000 tác phẩm mới sáng tác của các nhạc sĩ trong cả nước chủ yếu là ca khúc với nhiều chủ đề về quê hương, đất nước, nhiều tác phẩm nhạc kịch và đi theo chiều hướng âm nhạc bác học. Một số Chi hội có số lượng tác phẩm lớn như: Chi hội sáng tác 1 và 2 (TP HCM), Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa…

Đại hội Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bình Dương lần thứ II, vào ngày 21/7/2023. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Chi hội nhiệm kỳ II (2023-2028) gồm 2 ủy viên; Nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Chi hội trưởng.

Đại hội thành lập Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hải Dương lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2023–2028) vào ngày 26/10/2023. Nhạc sĩ Phạm Mai Đoan được bầu làm Chi hội trưởng, Chi hội phó: NS Hoàng Văn Thành, Ủy viên: nhạc sĩ Vũ Văn Hoàn.

Phát huy những thành tích đã đạt được, Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đề ra Phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024:

Đổi mới hình thức, quy mô tổ chức Lễ trao Giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2023, dự kiến sẽ tổ chức tại thành phố Hải Phòng vào tháng 2/2024, biểu diễn liveshow, truyền hình trực tiếp trên VTV, nhằm tôn vinh các tác giả, phẩm, tạo dấu ấn đậm nét có sức lan tỏa và thu hút mạnh mẽ hơn trong xã hội.

Tổ chức các hoạt động âm nhạc có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ (7/5/1954 – 7/5/2024); 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), 35 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1979 – 22/12/2024); tổ chức phát động sáng tác âm nhạc chủ đề “Bài ca thống nhất” hướng tới kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (1975-2025).

Tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 đối với các chương trình biểu diễn. Phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng tác, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức 2 trại sáng tác âm nhạc tại Nha Trang và Đà Lạt. Mở một số trại sáng tác tại Trung tâm Hỗ trợ sáng tạo của Hội tại Quảng Ninh.

Củng cố công tác Chi hội và Hội viên trong cả nước, thúc đẩy mạnh vai trò của các Chi hội nhạc sĩ ở các tỉnh, thành phối hợp hoạt động với Hội cũng như các tổ chức liên quan giúp cho Chi hội hoạt động đạt hiệu quả tốt hơn. Chú trọng việc Hỗ trợ kinh phí đầu tư sáng tác hàng năm cho các Chi hội.

Tổ chức tập huấn chuyên môn tại các khu vực Miền Trung – Tây Nguyên và Khu vực các tỉnh thành Nam Bộ. Cụ thể hóa yêu cầu và tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong các hoạt động âm nhạc. Tăng cường tính phản biện tích cực trong đời sống văn hóa nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng.

Tiến hành các thủ tục thành lập một số Trung tâm Âm nhạc tại Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Triển khai hoạt động Câu lạc bộ nhạc sĩ trẻ Việt Nam. Tiếp tục triển khai dự án bảo tàng âm nhạc số, nhằm lưu giữ gia tài âm nhạc của đất nước bao gồm các thể loại âm nhạc dân gian, cổ truyền dân tộc, âm nhạc bác học, âm nhạc đại chúng qua các thời kỳ và đương đại.

Về công tác đối ngoại: Tham dự Festival Âm nhạc “Trung Quốc – ASEAN” lần thứ 13 tại Nam Ninh, Trung Quốc vào tháng 10/2024; tham dự Ngày Âm nhạc thế giới ISCM 2024 “World Music Days” của Hiệp hội Âm nhạc đương đại quốc tế tại Faroe Islands vào tháng 4/2024; tổ chức Festival Âm nhạc mới Á – Âu lần thứ IV tại Việt Nam vào tháng 12/2024…

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành đã thông qua Dự án chuyển đổi số, nghe báo cáo kết quả hoạt động giai đoạn I, với các nội dung: Báo cáo xây dựng website Hội Nhạc sĩ Việt Nam; trình diễn trải nghiệm thực tế website; kế hoạch phát triển và cập nhật tính năng; chiến lược chuyển đổi số diện rộng… do Công ty cổ phần công nghệ Mate Technology JSC thực hiện.

Nhân dịp này, Ban Chấp hành đã tổ chức xét kết nạp hội viên mới, với 44 hồ sơ, đã xem xét và bỏ phiếu, kết nạp được 34 hội viên mới (các chuyên ngành: Sáng tác: 19 ; Lý luận: 01; Biểu diễn: 14).

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY