Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024
Trang chủNhân vậtNhạc sĩNhững bước chân nhạc sĩ - chiến sĩ

Những bước chân nhạc sĩ – chiến sĩ

Tác giả: Dương Viết Hòa

Ở Bình định hầu như ai cũng biết nhạc sĩ Vũ Trung với ca khúc Vó ngựa Quang Trung hào hùng mà ngọt ngào lời ru. Những người con Bình Định xa quê nghe các ca khúc của ông lại ấm lòng như đang bồng bềnh trên đỉnh Cù Mông hay dập dềnh con thuyền Thị Nại…

Đó cũng là mơ ước của những người sáng tác âm nhạc và cũng là phần thưởng xứng đáng cho ông – nhạc sĩ Vũ Trung – người con của Xứ Nẫu “Đất Võ Trời Văn”.

Nhờ giọng hát khỏe và tay đàn guitar, ông từng được chọn cùng Đoàn Nghệ thuật Mùa thu của Bộ VHTT (nay là Bộ VH&TT&DL) tham dự festival Ca khúc chính trị các nước XHCN tại Liên xô và Cu Ba (1985). Khởi đầu sự nghiệp bằng hoạt động văn nghệ quần chúng của Sở Công an, rồi bắt đầu sáng tác những bài ca về đơn vị và quê hương đất nước…

Âm điệu quê hương ngọt ngào, mộc mạc, lời ca dễ thuộc dễ nhớ với cấu trúc gọn ghẽ, ca khúc của ông lan tỏa trong đời sống một cách từ từ, người ta biến câu hát thành câu nói cửa miệng và còn chế lời bài hát của ông…

Ông đi nhiều. Với chí tiến thủ và tinh thần cầu thị, ông tìm tòi học hỏi mọi lúc mọi nơi: học Trường ĐHVH Hà nội, học tại chức sáng tác Nhạc viện TP HCM, học những người ông gặp… Với sự nhạy bén và khả năng thẩm âm tốt, ông từng bước vượt qua các chướng ngại kỹ thuật để từ những ca khúc quần chúng như Khúc ca Bình định, Tản mạn quê hương đến 2002 ông đã có giải thưởng đầu tiên của Hội nhạc sĩ VN với romance Giọt nhớ (giải nhì), rồi từ đó là hàng loạt giải thưởng khác: Về lại bến sông quê (giải khuyến khích, 2005), Trẩy hội đền Hùng (giải 3, 2006), Rùa vàng ngàn năm (giải 3, 2010), Giữa biển Đông vang Tiến quân ca (giải nhì, 2012), Tìm về nguồn cội (giải 3, 2013), Tìm lại lối về (à capella, khuyến khích). Ông còn đoạt giải nhất với Để mình nói cho Mị nghe do Bộ VH phát động sáng tác cho các Dân tộc thiểu số. Ngoài ra ông còn đoạt nhiều giải trong các cuộc thi sáng tác về các ngành nghề, địa phương, các công ty, xí nghiệp…

Nhạc sĩ Vũ Trung viết hầu hết mọi đề tài từ ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi lãnh tụ đến các ngành nghề. Ca khúc của ông đơn giản, dung dị, ngắn gọn, thường chỉ hai đoạn đơn tương phản, đôi khi thêm câu kết. Thủ pháp tiến hành giai điệu bình ổn, ít đột phá, ít kịch tính. Ông đã tạo được cho mình một dáng vẻ riêng mà người nghe dễ chấp nhận.

Dự án phổ nhạc các bài thơ trong sách giáo khoa các cấp Tiểu học và THCS của NXB Giáo dục do GS Lê Xuân Lít chủ trì (1986) có mời nhạc sĩ Vũ Trung phổ nhạc bài Đàn kiến nó đi (Tiếng Việt lớp một), bài hát đạt giải nhì của Hội nhạc sĩ VN năm 2004.

Càng về sau các tác phẩm của ông càng tỏ ra chắc tay với chất liệu âm nhạc các vùng miền. Ông thường sử dụng nét đặc trưng chung của vùng văn hóa nào đó. Khúc ca Bình Định dùng tiết tấu tẩu mã, yếu tố Tuồng, bả trạo, Bài chòi. Tìm về nguồn cội, Sài gòn nhớ Hà nội có nét Ca trù. Vu lan nhớ mẹ gần hát ru Bắc. Đây là sự tiếp nhận nguồn dân gian mang yếu tố khúc xạ tự nhiên, do âm hưởng dân gian thấm sâu vào tâm thức rồi xuất hiện một cách tự nhiên trong quá trình sáng tác.

Ông rất chú trọng độ dày chiều dọc và thường thêm bè vào ca khúc. Hòa thanh đơn giản nhưng khéo phối giọng nên hiệu quả thường rất tốt.

Trong số hàng trăm ca khúc của nhạc sĩ Vũ Trung được biết nhiều hơn là Hoa nưa, Trẩy hội đền Hùng, Rùa vàng ngàn năm, Tìm về nguồn cội, Tìm lại lối về… Đấy là những hạt vàng óng ánh.

Nghỉ hưu với hàm Đại tá, nhạc sĩ Vũ Trung vẫn chăm chỉ viết và không bỏ qua bất cứ cuộc thi lớn nhỏ nào với bất cứ đề tài nào. Ông càng viết càng khỏe. Mới đây đã tham dự các cuộc thi sáng tác của Hải Phòng, Quảng Ninh, TP HCM, Cần Thơ… Chỉ riêng đầu năm 2023 đã có 6 ca khúc đoạt giải.

Khi hỏi ông ngoài những sáng tác để dự thi, ông còn có dự tính gì, ông bảo từ giờ đến cuối đời chỉ mong sao cố viết được một bản hợp xướng nhiều chương và một Sonata.

Chúc ông thành công!

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY