Thứ Ba, Tháng Năm 7, 2024
Trang chủTin tứcTin HộiHội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức: Hội nghị sơ kết giữa...

Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức: Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ (2020 -2025)

Tác giả: Thanh Nhã

Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ (2020-2025) tại Hà Nội vào 22 tháng 12 năm 2023 nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ và đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ X.

Dự Hội nghị có: PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; đồng chí Đinh Văn Thuần – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Phạm Chung Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Phi chính phủ, Bộ Nội vụ.

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh – Chủ tịch Hội; và các nhạc sĩ trong Ban Thường vụ: NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội; NSƯT Trần Vương Thạch – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Trưởng Ban Kiểm tra; nhạc sĩ Lê Xuân Hoan – Ủy viên Ban Thường vụ; các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội; các nhạc sĩ trong Ban Kiểm tra và lãnh đạo các Ban chuyên môn của Hội; cùng 65 các nhạc sĩ là Chi hội trưởng, Chi hội phó đến từ 65 Chi hội và Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam trên toàn quốc…

Hội nghị đã nghe báo cáo tổng kết nửa đầu nhiệm kỳ và phương hướng hoạt động của Ban Chấp hành trong nửa nhiệm kỳ tiếp theo, do Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh trình bày. Hội nghị đã đánh giá cao nhiều hoạt động chuyên môn chất lượng của Hội trong thời gian trong tình hình chung, đặc điểm lớn nhất là việc thay đổi, chức danh lãnh đạo cao nhất của Hội và Bí thư Chi bộ Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Bộ máy lãnh đạo cùng Ban Chấp hành đã phát huy tốt truyền thống Đoàn kết – Dân chủ – Sáng tạo – Hội nhập, tiếp tục đưa hoạt động của Hội tiếp tục phát triển và đạt nhiều kết quả tốt trên trong các lĩnh vực:

 Về hoạt động sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình, công tác đào tạo; tổ chức các chương trình nghệ thuật Ngày Âm nhạc Việt Nam (3/9) hàng năm; tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc tại các khu vực nhằm khuyến khích và biểu dương những sáng tác mới của anh chị em nhạc sĩ các vùng, miền đất nước; tổ chức Lễ kỷ niệm 65 thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957-2022); tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922 -2022) và chương trình nghệ thuật Đàn Chim Việt tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ – thi sĩ – họa sĩ Văn Cao (1923-2023).

Tham gia Ban chỉ đạo, Ban giám khảo xét giải thưởng các cuộc thi, hội diễn chuyên nghiệp, các Liên hoan, các cuộc vận động sáng tác âm nhạc của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là tham gia Hội đồng cơ sở chuyên ngành âm nhạc xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước” về văn học nghệ thuật năm 2022; tham gia Hội đồng sơ khảo chuyên ngành âm nhạc thẩm định giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021-2025.

Công tác khen thưởng, công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, tổ chức trại sáng tác, các lớp tập huấn chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần để các hội viên lao động nghệ thuật, tìm tòi sáng tạo, đi sâu thực tế cuộc sống, tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị, phối hợp với các ngành, hàng năm tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác cho các nhạc sĩ về các chủ đề: Biên phòng, Nông thôn mới, Biên giới, Hải đảo, Trường Sa…

Công tác lý luận phê bình, Hội đã cố gắng thúc đẩy công tác lý luận phê bình âm nhạc tiến lên một bước, tổ chức nhiều hội thảo khoa học tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương và tại các liên hoan âm nhạc toàn quốc, các vùng miền, khu vực..

Công tác đối ngoại, Hoạt động đối ngoại đến giữa nhiệm kỳ, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã bám sát đường lối đối ngoại của Đảng, thực hiện có sáng tạo các hoạt động nghiệp vụ, khẳng định tính chuyên nghiệp trong sáng tác và hoạt động biểu diễn âm nhạc, chủ động mở rộng trao đổi âm nhạc với các nước trong khu vực và quốc tế. Tham dự các chương trình Hòa nhạc, các Festival Âm nhạc châu Á và quốc tế.

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực từ các đại biểu về nội dung công tác xây dựng Hội, các chi hội địa phương, các hoạt động âm nhạc…

Nhà LLPB Âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội với các ý kiến về dự án chuyển đối số di sản âm nhạc và hệ thống dữ liệu lịch sử hoạt động Hội, xây dựng cổng thông tin điện tử của Hội tiến tới Báo điện tử và thư viện điện tử âm nhạc. Đây là dự án lớn và dài hơi cần phải đầu tư kinh phí, thời gian và nhân lực.

Nhạc sĩ Thế Long – Ủy viên Ban Chấp hành: Cần quan tâm việc mở trại sáng tác cho hội viên từ nay đến cuối nhiệm kỳ và trại sáng tác các tác phẩm dành cho thiếu nhi và tạo điều kiện quảng bá các tác phẩm mới của các nhạc sĩ; phối hợp tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác; các nhạc sĩ sáng tác trẻ còn ít, cần quan tâm phát triển lực lượng hội viên sáng tác trẻ.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Ủy viên Ban Chấp hành, Tổng Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, báo cáo về kết quả hoạt động của Trung tâm năm qua, đặc biệt tổng số thành viên ủy quyền tại Trung tâm tăng lên là gần 6 ngàn tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; đã thực hiện tốt các kỳ phân phối, chi trả tiền đến các tác giả, tăng 90% so với năm 2022.

PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm – Ủy viên Ban Chấp hành: Cần quan tâm mở các lớp tập huấn về lý luận phê bình, quan tâm đến đào tạo  lý luận âm nhạc.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm (Chi hội TP Đà Nẵng): Về tình hình Chi hội nhạc sĩ TP Đà Nẵng hiện nay cần hoạt động độc lập, để phát huy vai trò của Chi hội cũng như các nhạc sĩ hội viên Trung ương tại Đà Nẵng được tốt hơn trong các hoạt động âm nhạc tại địa phương.

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Nhật (Chi hội trưởng Chi hội NSVN tỉnh Quảng Ninh): Hội cần tạo điều kiện cho Ban kiểm tra làm công tác kiểm tra trong khu vực; năm vừa qua trong khu vực các chi hội, hội viên có tinh thần đoàn kết tốt, sai phạm ít.

Nhạc sĩ Đoàn Tiến Dũng (Chi hội trưởng Chi hội NSVN tỉnh Thanh Hoá): Hội cần có văn bản gửi về các cơ quan chức năng địa phương trước các hoạt động âm nhạc sắp diễn ra như: Liên hoan, ngày lễ lớn, Ngày âm nhạc… để tạo điều kiện thuận lợi cho các Chi hội có kinh phí tham gia các hoạt động.

Nhạc sĩ Duy Thái (Chi hội trưởng Chi hội NSVN TP Hải Phòng): Chi hội trưởng phải phát huy được năng lực, có uy tín tại địa, để khai thác các quan hệ tại địa phương, tạo điều kiện cho chi hội, các nhạc sĩ được thuận lợi, có sự ủng hộ về kinh phí cho các hoạt động của chi hội tại địa phương… và ngược lại các nhạc sĩ đã đóng góp những ca khúc hay cho địa phương.

Nhạc sĩ Nguyễn Thái Dương (Chi hội trưởng Chi hội NSVN tỉnh Thái Bình): Hội cần có các công văn gửi về các cơ quan của tỉnh trước khi tổ chức các Liên hoan, các sự kiện âm nhạc như Ban Tuyên giáo tỉnh ủy để đề xuất xin kinh phí cho Chi hội tham dự; trong các cuộc thi nhiều khi các nhạc sĩ sáng tác chỉ có bản nhạc, không có demo do ở địa phương thu âm tốn kém, nên đề nghị các cuộc thi xin Ban tổ chức cho nộp bản nhạc (không cần kèm demo).

Nhạc sĩ Nguyễn Thế Tuyên (Chi hội trưởng Chi hội NSVN tỉnh Bình Định): Tỉnh trạng có nhiều hội viên ở Chi hội nhiều năm không sinh hoạt, không sáng tác, không đóng hội phí; xin ý kiến lãnh đạo Hội để có hướng giải quyết.

Nhạc sĩ Võ Công Anh (Chi hội sáng tác 1 TP Hồ Chí Minh): Chi hội có số lượng hội viên lớn, số lượng lớn hội viên bị già hóa, số lượng hội viên trẻ ít. Cần  trẻ hóa đội ngũ hội viên và kết nạp những người thực sự có trình độ chuyên môn để nâng cao chất lượng hội viện.

Số hội viên không sinh hoạt quá đông, không đóng hội phí… cần có các giải pháp để họ có thể sinh hoạt Hội; cần phối hợp với các cơ quan lãnh đạo ở các địa phương để có sự ủng hộ trong các hoạt động âm nhạc. Về kinh phí hoạt động của các chi hội rất khó khăn, đặc biệt mỗi kỳ tham dự Liên hoan âm nhạc, nhiều khi hội viên tự đầu tư kinh phí cho tác phẩm và đi lại.

Nhạc sĩ Lê Hải (Chi hội Đăk Lăk): Muốn hiểu rõ thêm về qui định làm hồ sơ và giới thiệu hội viên đủ điều kiện giới thiệu kết nạp vào Hội viên Trung ương. Đề nghị xem xét hồ sơ và bỏ phiếu tại chi hội địa phương trước khi nộp lên Hội Trung ương cho khách quan.

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy (Ủy viên BCH, Chi hội Quân đội tại Hà Nội): Chi hội Quân đội mới được thành lập nhưng đã tổ chức được nhiều hoạt động đáng ghi nhận.

Qua báo cáo tổng kết giữa nhiệm kỳ, Hội đã làm được rất nhiều việc mới và lớn; phương hướng cho 2024-2025, có các sự kiện quan trọng: 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hội cần có công văn về Tổng cục Chính trị để phối hợp tổ chức đi thực tế cũng như sự ủng hộ về kinh phí.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, phát biểu kết luận Hội nghị:

“Qua báo cáo nửa nhiệm kỳ, trong 3 năm đầu và sự chuyển giao lãnh đạo Chủ tịch Hội, hoạt động Hội rất hiệu quả. Để bước vào giai đoạn 2024 – 2025, chuẩn bị mọi điều kiện và nhân sự cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI.

Trong năm nay có các mốc quan trọng, tổng kết nhìn lại 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943 – 2023), đây là Đề cương kim chỉ nam cho đến nay sau 80 năm vẫn hoàn toàn đúng đắn. Tổng kết 15 năm thực Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2008, của Bộ Chính trị khóa X “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, phải có được các tác phẩm chất lượng tốt, sống mãi với thời gian. Đối với âm nhạc, đi lên với 3 trụ cột: Dân tộc – khoa học – đại chúng, đã có rất nhiều hội thảo từ Trung ương tới địa phương chúng ta đã tham gia và có những tham luận rất hay.

Và điểm nhấn là kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, giới văn học nghệ thuật cả nước rất vinh dự được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và có bài phát biểu rất quan trọng, trong đó ghi nhận thành tích của giới văn học nghệ thuật trong suốt 75 năm, đồng thời đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ ra yêu cầu nhiệm vụ mà văn học nghệ thuật phải thực hiện, trong đó làm sao phải có được nhiều tác phẩm hay, có nhiều công trình có giá trị để đời, xúc động lòng người.

Nhìn lại 2 năm thực hiện chỉ đạo của Đại hội Văn hóa toàn quốc vào ngày 24/11/2021, Hội đã thực hiện rất tốt bằng việc tham gia các Hội thảo, viết các bài báo và nhìn lại thời gian vừa qua có sự chuyển biến, và các chi hội có sự gắn kết hơn với Trung ương Hội, điều đó biểu hiện bằng việc chúng ta đã nối dài các hoạt động với các chi hội như cánh tay nối dài đến các địa phương. Tổ chức 2 Liên hoan âm nhạc toàn quốc 2023 tại An Giang và Hà Giang đều có sự tham gia của các nhạc sĩ từ các chi hội từ Bắc vào Nam, các chi hội đã có nhiều khởi sắc mặc dù còn nhiều khó khăn.

Công tác đối ngoại là một mũi nhọn cũng là thế mạnh của Hội, vì đối ngoại là giao lưu bằng âm nhạc, bằng tác phẩm, bằng nghệ thuật biểu diễn nên đối ngoại rất thuận lợi, vì vậy Ban Bí Thư đồng ý cho Hội tổ chức Liên hoan Âm nhạc Á – Âu, tập hợp nhiều tác phẩm mới được các nhạc sĩ quốc tế sáng tác và trực tiếp đến Việt Nam dự Festival, có hàng trăm các nhạc sĩ nghệ sĩ nước ngoài tham dự. Vì vậy cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đối ngoại bằng các sự kiện âm nhạc mang tính quốc tế.

Năm vừa qua, có nhiều sự kiện âm nhạc quốc tế nổi bật mà chúng ta đã tham gia: Festival Âm nhạc ASEAN – Trung Quốc lần thứ 12 tại Nam Ninh, Trung Quốc; Festival Âm nhạc Hàn lâm quốc tế Ađưgêia (Liên Bang Nga), Festival Ngày Âm nhạc Mới Thế giới 2023 tại Nam Phi do Hiệp hội Âm nhạc đương đại quốc tế (ISCM) tổ chức.

Qua đây, thấy rằng Việt Nam luôn luôn được đề cao, các nhạc sĩ, nghệ sĩ quốc tế mong muốn năm 2024 Việt Nam tiếp tục được tổ chức Festival Âm nhạc mới Á – Âu lần thứ IV.

Và các năm tới, các nhạc sĩ tham gia các cuộc vận động sáng tác lớn như: Tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất, Sống mãi với thời gian, Bài ca thống nhất… thực hiện số hóa các tác phẩm, hệ thống lại các tác phẩm, tác giả và các thể loại cơ bản như một bảo tàng âm nhạc.

Tiến tới tổ chức Hội nghị các nhạc sĩ trẻ, những nhà hoạt động âm nhạc trẻ, làm nền tảng cho Câu lạc bộ nhạc sĩ trẻ và kết nạp hội viên mới trẻ hóa đội ngũ…”.

Phát huy những thành tích đã đạt được, Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ:

1. Về tư tưởng, đường lối hoạt động

– Xác định những nội dung, vấn đề trọng tâm, cốt lõi để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tập trung quán triệt các Chủ trương, Đường lối, Chính sách của Đảng và Nhà nước.

– Bám sát Nghị quyết Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025).

– Tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua trên các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức phát triển Hội, công tác đối ngoại, công tác xã hội, Hội cần đẩy mạnh sáng tác, quảng bá các tác phẩm, công trình về đề tài chiến tranh cách mạng, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới của đất nước.

– Đổi mới phương thức hoạt động của Hội nhằm tập hợp, động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhạc sĩ, nghệ sĩ hoạt động sáng tạo nhiệt tình, hào hứng, hiệu quả, tạo nên những tác phẩm có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, làm rung động lòng người, sống lâu dài trong đời sống tinh thần của nhân dân.

– Xây dựng đội ngũ nhạc sĩ kế cận để tiếp nhận sự chuyển giao thế hệ, kế tục con đường âm nhạc dân tộc với kiến thức, tài năng, ý thức xã hội sâu sắc.

– Kiên quyết chống xu hướng nghiệp dư hóa trong nghệ thuật, loại trừ thói lai căng, bắt chước tùy tiện, dễ dãi cả trong việc sáng tác, biểu diễn và hưởng thụ âm nhạc. Coi trọng và đề cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình và đào tạo.

2. Đầu tư phát triển dài hạn các lĩnh vực Âm nhạc 

– Tổ chức các hoạt động sáng tạo và quảng bá các tác phẩm âm nhạc có giá trị tư tưởng và nghệ thuật thông qua các việc tổ chức các Liên hoan âm nhạc, trại sáng tác và thực tế sáng tác tại các khu vực; Đẩy mạnh cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác tác phẩm âm nhạc về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

– Tiếp tục thực hiện và mở rộng chương trình hỗ trợ sáng tác tác phẩm âm nhạc có tính khái quát cao, các thể loại lớn như giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch.

– Đẩy mạnh giao lưu âm nhạc với các nước trong khu vực và thế giới.

– Thường xuyên tổ chức các trại bồi dưỡng sáng tác trẻ, phát hiện, tạo nguồn cung cấp cho các chi hội và hội viên của Hội. Nghiên cứu tổ chức Liên hoan Ban nhạc trẻ, thống nhất chỉ đạo, động viên nhạc sĩ, nghệ sĩ trẻ tích cực sáng tạo.

3. Về công tác chuyên môn

– Tổ chức các hoạt động âm nhạc có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước. Tuyên truyền, quán triệt cho các Chi hội và nhạc sĩ cả nước về nội dung, ý nghĩa của Kế hoạch tổ chức Tông kết nền văn học nghệ thuật sau 50 năm Đất nước thống nhất. Tổ chức phát động sáng tác âm nhạc chủ đề “Bài ca thống nhất” hướng tới kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất (1975-2025).

– Đổi mới hình thức, quy mô Tổ chức Lễ trao Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam, tạo dấu ấn đậm nét có sức lan tỏa và thu hút mạnh mẽ hơn trong xã hội.

– Tổ chức trại sáng tác phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng tác Bộ văn hóa, và tổ chức các Trại sáng tác tại Trung tâm đào tào và sáng tác tài năng trẻ Quảng Ninh. Triển khai hoạt động Câu lạc bộ nhạc sĩ trẻ Việt Nam. Triển khai tổ chức hoạt động Câu lạc bộ Bồi dưỡng tài năng nghệ thuật – Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

– Chú trọng công tác đối ngoại nhân dân. Tham dự các Festival Âm nhạc quốc tế: Festival Những ngày Âm nhạc mới Thế giới năm 2024, Hiệp hội Âm nhạc đương đại quốc tế (ISCM) tại Quần đảo Forbes vào tháng 6/2024; Festival Âm nhạc Asean – Trung Quốc vào tháng 10/2024; Festival Âm nhạc mới châu Á của Hiệp hội âm nhạc châu Á (ALC) tại Nhật Bản vào tháng 2/2025… và các năm tiếp theo. Tổ chức Festival Âm nhạc quốc tế Á – Âu lần thứ IV tại Việt Nam vào cuối năm 2024.

– Tổ chức chương trình nghệ thuật Ngày Âm nhạc Việt Nam 03/9 hàng năm với sức quảng bá, lan tỏa rộng rãi hơn với  mục tiêu trở thành Ngày Âm nhạc của toàn dân.

– Tiếp tục xây dựng đề án Chuyển đổi số tác phẩm âm nhạc Việt Nam. Từng bước số hoá kho tư liệu để hoàn thành công tác lưu trữ cũng như giao lưu, trao đổi âm nhạc với các đơn vị, tổ chức và cá nhân (cả trong nước và nước ngoài). Xây dựng đề án Bảo tàng Âm nhạc Việt Nam, nhằm lưu giữ gia tài âm nhạc của đất nước bao gồm các thể loại âm nhạc dân gian, cổ truyền dân tộc; âm nhạc bác học, âm nhạc đại chúng qua các thời kỳ và đương đại.

– Tổ chức và phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn Âm nhạc tại các khu vực trên toàn quốc. Cụ thể hóa yêu cầu và tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong các hoạt động âm nhạc. Tăng cường tính phản biện tích cực trong đời sống văn hóa nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng.

– Củng cố công tác Chi hội và Hội viên trong cả nước, có phương thức đẩy mạnh vai trò của các chi hội địa phương trong việc phối hợp hoạt động với các tổ chức Hội ở địa phương và Trung ương Hội.

– Xây dựng kế hoạch hướng dẫn tổ chức đại hội các chi hội nhiệm kỳ XI (2025 – 2030). Lập đề án quy hoạch cán bộ chủ chốt của Hội và phối hợp chặt chẽ với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chuẩn bị nhân sự Đại hội cho nhiệm kỳ 2025 – 2030.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY