Chủ Nhật, Tháng Năm 19, 2024
Trang chủBài viết“Mừng chiến thắng Tây Bắc” được phục sinh bằng fantasie cho Piano...

“Mừng chiến thắng Tây Bắc” được phục sinh bằng fantasie cho Piano và Dàn nhạc

Tác giả: Nguyễn Thụy Kha
Ngày Hải Phòng giải phóng 13/5/1955, sau khi tiếp quản Hà Nội 300 ngày, tuy còn nhỏ, nhưng tôi đã rất mê âm nhạc. Tôi được các anh bộ đội dạy hát nhiều bài hát cách mạng, trong đó có những bài hát về Tây Bắc và Điện Biên Phủ. Cũng trong số những bài hát đó, bài hát “Mừng chiến thắng Tây Bắc” của Đặng Đình Hưng hay và ngắn, dễ thuộc vô cùng: “Rừng chập chùng non caoẤm êm quê hương ta/ Đồng ruộng đầy hai mùa lúa chín thơm phơi ngoài ánh nắng vàng…”

Sau này được quen Đặng Đình Hưng, tôi hát ông nghe “Mừng chiến thắng Tây Bắc”, ông rất ngạc nhiên. Khi tôi kể tại sao tôi thuộc bài hát thì Đặng Đình Hưng rất cảm động. Ông chặc lưỡi: “Hay hoặc dở thì cũng là quá khứ rồi. Chắc chẳng ai nhớ đến nữa”. Lúc này, ông hoàn toàn giành tâm trí cho cuộc cách tân thơ của mình. 

Đặng Đình Hưng quê ở Hà Đông nhưng cùng em ruột Đặng Đình Áng ra Hà Nội học từ trước Cách mạng tháng Tám. Ông Hưng học luật. Còn ông Áng học toán. Hai anh em cùng đam mê âm nhạc. Khi đi theo Cách mạng, ông Hưng đã phát huy đam mê này đến độ được cử làm Đoàn trưởng Đoàn Văn công Nhân dân Trung Ương thành lập ở Việt Bắc năm 1951. Khi đại quân ta tiến vào Tây Bắc mà nhất là khi mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Hưng đã sáng tác “Mừng chiến thắng Tây Bắc” cho tốp nữ của Đoàn Văn công biểu diễn phục vụ bộ đội. Do hay và ngắn nên “Mừng chiến thắng Tây Bắc” đã thấm rất nhanh chóng đi vào tâm hồn nhiều người. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ rồi dẫn đến đình chiến và Hiệp định Genève được ký kết, ngày 10/10/1954, “Mừng chiến thắng Tây Bắc” và nhiều bài hát kháng chiến theo đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Hà Nội. Vào cuối năm đó, trong Hội diễn Toàn quốc, “Hò kéo pháo” của nhạc sỹ Hoàng Vân được trao Giải Nhất và  4 tác phẩm được trao Giải Nhì, trong đó có  “Mừng chiến thắng Tây Bắc” của Đặng Đình Hưng. Cuối năm 1957, khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập, ông rời Đoàn Văn công về văn phòng Hội làm  “Tạp chí Âm nhạc”, trở thành một trong vài chục Hội viên đầu tiên của Hội. 

Do số phận, tôi lựa chọn sự nghiệp văn nghệ của mình là làm báo và làm phê bình âm nhạc, chủ yếu là tìm hiểu, nghiên cứu âm nhạc cách mạng, tôi có dịp đào sâu và ngẫm nghĩ về “Mừng chiến thắng Tây Bắc” của ông. Rất tiếc, khi ấy, ông đã “tạ mùa đi” vào ngày 21/12/1990, vào đúng dịp tôi về làm “Tạp chí Âm nhạc” như ông thuở nào. 

Có thể nói “Mừng chiến thắng Tây Bắc” mang tính chất của một bài hát được viết cho hát múa cùng lúc. Nó có cấu trúc của một khúc Rondo, có thể hát đi hát lại nhiều lần bằng giai điệu ấyvới những lời ca khác nhau mà nhà văn Đào Vũ kết hợp với nhà biên đạo múa Thái Ly công phu soạn theo giai điệu đến 4 lời ca. Nó khác “Múa sạp” Việt Nam đã lừng danh thế giới, được rất nhiều phóng viên nước ngoài đến Việt Nam hết lời ca ngợi …

Những năm cuối đời, Đặng Đình Hưng mãn nguyện trong việc cách tân thơ Việt Nam qua những tác phẩm đỉnh cao như “Bến lạ”, “Ô mai”… Bởi thế, người đời nhất là những thế hệ sau đã quên hẳn hoặc không biết ông là tác giả bài hát múa “Mừng chiến thắng Tây Bắc” lừng danh một thời.

NSND Đặng Thái Sơn với Bố- Nhà thơ Đặng Đình Hưng và Mẹ – NSND Thái Thị Liên

70 năm qua đi, “Mừng chiến thắng Tây Bắc” đã không bị lãng quên, bởi trong dịp 70 năm Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong Chương trình nghệ thuật. đặc biệt “Điện Biên Phủ – Không bao giờ quên” diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm sẽ được phục sinh bằng một ngôn ngữ biểu đạt mới qua tài năng của Nhà soạn nhạc  Diran Tavityan – Macedonia.

Theo đó, trong trí nhớ và tình cảm của mình, Diran Tavityan đã biết về Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lãy năm châu, chấn động điạ cầu”; ngưỡng mộ tài năng của NSND Đặng Thái Sơn, con trai của Đặng Đình Hưng nên ông đã viết một bản Fantasie trên chủ đề “ Mừng chiến thắng Tây Bắc” cho Piano và Dàn nhạc, như một lời cảm kích trước lịch sử và con người của dân tộc Việt Nam.

Tác phẩm được phục sinh đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chưa biết sức sống của việc phục sinh này kéo dài bao lâu, nhưng chỉ cần “Mừng chiến thắng Tây Bắc” được phục sinh qua một dạng thước nhạc không lời đã khiến chúng ta thấy rằng việc dâng hiến hết mình của một văn nghệ sỹ với nhạc phẩm có giá trị đã không thể bị lãng quên.

Nhà soạn nhạc Diran Tavityan 

Diran Tavitjan là một nhà soạn nhạc và nghệ sĩ piano người Bắc Macedonia. Là người sáng lập ra nhóm Tavityan Brothers cùng với anh trai Garo Tavityan, Diran cũng là thành viên của ban nhạc Jazz Rock nổi tiếng Garo i Paramecium, đồng thời là cha đẻ của Festival âm nhạc Trái tim Macedonian đập vào ngày 7/8 với những giọng hát nổi trội nhất của vùng Balkan.

Nhà soạn nhạc Diran Tavityan

Hành trình âm nhạc của Diran khởi đầu từ sáng tác, sản xuất và chơi đàn với các nghệ sĩ đã thành danh. Tác phẩm của Diran Tavitjan được các nhà xuất bản quốc tế Zildjian, Vicfirth, Sonor và Modern Drummer phát hành. Là một trong những nghệ sĩ châu Âu có một sự nghiệp quốc tế xuất sắc, Diran Tavityan đã biểu diễn với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trên khắp thế giớitrong đó có Carnegie Hall và Blue Note ở New York.

Việc nhận viết tác phẩm Fantaisie trên chủ đề Mừng chiến thắng Tây Bắc của nhạc sĩ Đặng Đình Hưng đã cho Diran rất nhiều cảm hứng mặc dù đó là một thử thách không nhỏ trong thời gian rất ngắn.

(Nguồn: https://hoguomopera.com/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

MÊNH MANG TRỜI CHIỀU

MÙA HOA TRỞ LẠI

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY