Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềĐể ca khúc về TP HCM đi vào lòng người

Để ca khúc về TP HCM đi vào lòng người

Tác giả: Thanh Hiệp (thực hiện)

Theo dòng chảy thời gian, nhiều tác phẩm âm nhạc viết về TP HCM vẫn luôn được các thế hệ nhạc sĩ tâm huyết sáng tác.

Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác ca khúc mang chủ đề “Đất nước trọn niềm vui” do Báo Người Lao Động tổ chức, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2025), nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh – Chủ tịch Hội Âm nhạc TP HCM – đã trao đổi về hoạt động ý nghĩa này.

Phóng viên: Để ca khúc viết về TP HCM tiếp cận người nghe là điều không dễ. Theo ông, bên cạnh cuộc vận động của Báo Người Lao Động, cần phải làm gì để đưa những sáng tác đến với công chúng?

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

– Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh: Trước sự bùng nổ của công nghệ số, để quảng bá những sáng tác về TP HCM, rất cần tạo ấn tượng qua cách truyền thông.

Nhiều năm trước, những sáng tác về TP HCM đã giành trọn tình cảm của khán giả thông qua các chương trình được dàn dựng sinh động trên màn ảnh nhỏ, đài phát thanh. Hiện nay, những sáng tác về thành phố ít được khán giả nhớ đến, nhất là người trẻ. Điều này đặt ra cho người sáng tác lẫn nhà tổ chức bài toán khó.

Dựa vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ, chúng ta cần tận dụng thế mạnh của nó vào quá trình sáng tạo nghệ thuật. Chính nhạc sĩ, ca sĩ thể hiện, nhạc sĩ hòa âm cũng phải làm mới mình, đồng hành với Báo Người Lao Động để quảng bá “đứa con tinh thần”.

Báo Người Lao Động cần vận dụng các kênh TikTok, YouTube, Facebook… để quảng bá các ca khúc. Hình thức dàn dựng cần ngắn gọn, hấp dẫn, truyền tải lượng thông tin mời gọi sự chú ý, kèm theo hình ảnh minh họa về sự phát triển của TP HCM mà ca khúc đã viết.

Làm thế nào để các ca khúc mới viết về TP HCM có thể trở thành “hit” và đi vào lòng người?

– Nhiều ca khúc viết về TP HCM được người nghe yêu thích như: “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”, “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ”, “Con đường có lá me bay”, “Bài ca không quên”, “Chiều trên quê hương tôi”, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”, “Hát từ thành phố mang tên Người”, “Tuổi trẻ thành phố Bác Hồ”… Những ca khúc này dễ đi vào lòng người, dẫu chỉ với cây đàn guitar thùng cũng đủ để người nghe say đắm do có giai điệu đẹp, lời ca sâu sắc, có tính văn học.

Cuộc vận động sáng tác ca khúc của Báo Người Lao Động ra đời trong bối cảnh cả nước hướng về sự kiện lớn – 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sáng tác về thành phố mang tên Bác luôn cần thể hiện được chiều sâu, có độ rung cảm. Nhạc sĩ cần phải đi nhiều, quan sát thấu đáo, chọn được hình ảnh, câu chuyện về sự phát triển của TP HCM, về những gian khó đã vượt qua hay sự phấn đấu không ngừng của người dân, chính quyền và Đảng bộ thành phố để đưa vào sáng tác.

Với trình độ hòa âm, phối khí hiện nay, tôi tin nếu làm tốt, Báo Người Lao Động sẽ là “bà đỡ” rất vững vàng để đưa các sáng tác này đến với công chúng, trở thành bài “hit” trong giới trẻ.

Theo ông, dòng nhạc viết về TP HCM có là xu hướng âm nhạc truyền năng lượng tích cực cho người nghe?

– Âm nhạc là một trong những loại hình nghệ thuật gần gũi, quen thuộc với con người. Sáng tác về thành phố nơi mình sinh ra, lớn lên và làm việc thì âm nhạc là nơi để nhạc sĩ gửi gắm những tâm tư tình cảm, trăn trở, mơ ước… trong cuộc sống.

Với tính chất dễ dàng phổ biến trong đời sống nên đến nay, ca khúc vẫn là hình thức quen thuộc nhất với con người, dễ tiếp cận và dễ tạo cảm xúc cho người nghe. Vì thế, âm nhạc viết về thành phố mang tên Bác phải chia sẻ mọi cung bậc cảm xúc của những người đã gắn chặt với mảnh đất này. Những ca sĩ được mời tham gia thể hiện các ca khúc từ cuộc vận động này phải thật sự hiểu, có cảm xúc về những câu chuyện mà người sáng tác gửi gắm vào tác phẩm. Báo Người Lao Động cần tổ chức những buổi talkshow để nhạc sĩ, ca sĩ trao đổi xung quanh sáng tác được chọn vào vòng chung kết.

Trong cuộc đua để thu hút khán giả nói chung hiện nay, nhiều “chiêu trò” đã được các nhà tổ chức sử dụng. Tuy nhiên, không ít ca sĩ đã kiên định giữ vững sở trường thể hiện ca khúc truyền cảm hứng và năng lượng tích cực đến khán giả bằng chính tài năng của mình.

Tôi tin hành trình 30 năm Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động sẽ là nền tảng hiệu quả cho việc thể hiện, quảng bá tuyển tập 50 ca khúc sau cuộc vận động này. Bởi lẽ, lực lượng ca sĩ thể hiện các ca khúc này đã được bạn đọc, khán giả bầu chọn. Họ vẫn là những giọng hát có lượng khán giả hâm mộ đông đảo.

Có ý kiến nhận định rằng những ca khúc với ca từ giàu chất triết lý dựa trên trải nghiệm của người sáng tác luôn tìm được tiếng nói chung, nhất là khi viết về TP HCM?

– Dòng âm nhạc giàu hình ảnh, không quá khó hiểu, đi liền với giai điệu, tiết tấu phù hợp sẽ dễ đi vào lòng người.

Nếu cuộc vận động sáng tác ca khúc của Báo Người Lao Động tạo được hiệu ứng đồng bộ sẽ dễ dàng đọng lại trong lòng công chúng, nhất là giới trẻ. Họ sẽ đón nhận những sáng tác viết về nơi mình đang sống, về thành phố anh hùng, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Ở góc độ Hội Âm nhạc TP HCM, ông nhận định thế nào về việc phối hợp với Báo Người Lao Động để thực hiện cuộc vận động sáng tác ý nghĩa này?

– Hội Âm nhạc TP HCM hoan nghênh cuộc vận động sáng tác này. Chúng tôi đặt niềm tin qua sự nhiệt huyết của ban tổ chức, cuộc vận động sẽ gặt hái được thành quả. Tuyển tập 50 ca khúc hay và mới viết về TP HCM sẽ là món quà ý nghĩa dành tặng nhân dân thành phố chúng ta nói riêng và cả nước nói chung.

Ông có lời khuyên nào dành cho đội ngũ sáng tác trẻ đang tham gia cuộc vận động sáng tác ca khúc “Đất nước trọn niềm vui”?

– Với đội ngũ tác giả trẻ hôm nay, trong đó có nhạc sĩ, kể cả những nhóm hát, ca sĩ có khả năng sáng tạo, họ cần đầu tư về ca từ, giai điệu có nét riêng, nét mới để hoàn thiện ca khúc viết về thành phố. Người trẻ hiện có được lợi thế khi sáng tác, bởi họ dễ dàng tiếp cận nhu cầu nghe nhạc của khán giả trẻ. Vấn đề là họ phải chọn và phát huy phong cách sáng tạo tươi mới, giúp ca khúc viết về thành phố chạm đến nỗi lòng chung của số đông, dễ dàng tiếp cận khán giả trẻ hiện nay.

TP HCM là đô thị lớn, phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, là mảnh đất màu mỡ để người sáng tạo nghệ thuật tìm thấy sự rung cảm cho sáng tác của mình. Tôi tin cuộc vận động ý nghĩa của Báo Người Lao Động sẽ giúp người trẻ lột tả được những góc nhìn, tình cảm của con người TP HCM; giới thiệu đến người nghe những khoảnh khắc đẹp giữa đời thường. Việc quảng bá sau khi ca khúc được trao giải cần liên tục đổi mới với cách thức phù hợp.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh đã sáng tác nhiều ca khúc. Trong đó, các tác phẩm tiêu biểu gồm: “Ngọc Bích tình yêu”, “Lạc mất linh hồn”, “Mùa sen cạn”, “Hương sầu riêng”, “Cô nàng nặng cân”, “Dòng đời”, “Hoa nắng”, “Ba đâu có khóc”, “Tình còn đó”, “Gai hồng”, “Hãy nói anh yêu em”, “Mái ấm gia đình”… (nhạc phim) và các ca khúc “Lính đảo”, “Hồn thiêng đất Việt”, “Hoa là em”, “Giọng hò quê hương”, “Chỉ có thể là anh”, “Lời hối hận”…

Cuộc vận động sáng tác ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” do Báo Người Lao Động tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025) Ban Tổ chức sẽ chọn ra 20 tác phẩm xuất sắc nhất vào vòng chung kết.

Vòng chung khảo sẽ diễn ra vào tháng 2-2025. Trong thời gian nhận tác phẩm, sàng lọc sơ khảo, Ban Tổ chức sẽ chọn những tác phẩm hay để dàn dựng, giới thiệu trong lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 30 (khoảng tháng 1-2025). Song song đó, Ban Tổ chức cũng đưa các tác phẩm lên nền tảng mạng xã hội của báo để giới thiệu đến cộng đồng.

Lễ trao giải cuộc vận động sáng tác ca khúc sẽ diễn ra vào tháng 4-2025. Tổng giải thưởng của cuộc vận động trị giá 240 triệu đồng, trong đó giải nhất 100 triệu đồng.

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY