Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềCác loại giọng trong dân ca Quan họ

Các loại giọng trong dân ca Quan họ

Tác giả: Đỗ Hữu Bảng

Hát Quan họ truyền thống là nghệ thuật hát đối đáp nam nữ, từ xưa đến nay khi tổ chức hát canh vẫn qui định hát từng đôi một.

Cặp đôi nữ của bọn Quan họ làng này hát đối đáp với cặp đôi nam ở bọn Quan họ làng khác, khi đã kết bạn. Chỉ hát đối đáp với nhau khi đã kết bạn với nhau (trừ khi bọn Quan họ mới thành lập chưa có bạn, phải đi tìm bạn để kết). Trong cặp đôi có một người hát chính gọi là hát dẫn giọng, một người hát phụ gọi là hát luồn giọng. Người dẫn giọng là người có giọng tốt, hát hay, thuộc nhiều bài bản và nhiều làn điệu, có khả năng đối đáp thuần thục, nhuần nhuyễn. Người hát phụ là người hát đỡ giọng cho người hát chính.

Đối giọng là bên hát trước hát một bài có làn điệu âm nhạc như thế nào, thì bên hát sau phải hát đối đáp lại một bài có làn điệu âm nhạc như thế. Khi bên nữ ca một bài (còn gọi là một câu), tiếp theo đó bên nam đối lại một bài (câu), bài đối yêu cầu phải có cùng giai điệu âm nhạc, nhưng lời ca đối lại phải khác. Chẳng hạn bên nữ hát bài Ngồi tựa song đào, bên nam đối lại bài Ngồi tựa mạn thuyền, hai câu này lời ca khác nhau, nhưng giai điệu âm nhạc giống nhau gọi là đối chuẩn.

Đối lời khác với đối giọng, vì giọng thuộc lĩnh vực âm nhạc, lời thuộc lĩnh vực thơ ca. Bên hát trước đã hát một một bài có lời ca nào đấy (hoặc một đoạn thơ nào đấy), thì bên hát sau cũng sử dụng làn điệu âm nhạc giống như bên hát trước, nhưng lời ca phải khác đi. Nhưng yêu cầu vẫn luôn phải gắn bó với tình, với ý và hình tượng trong lời ca của người hát trước để tạo nên hiệu quả: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”; tạo nên sự “đối ứng, tương hằng”. Ví dụ bên nam hát câu Cây kiêu bổng thì bên nữ đối lại câu Có hay chăng tá, hai câu này lời thơ khác nhau nhưng giai điệu âm nhạc giống nhau. Đối giọng thì đối âm điệu là chủ yếu, nhưng đôi khi còn đối cả ý. Ví dụ bài Thuyền mở lái chèo đối lại bằng bài Cắp nón đón đò là đối cả âm điệu lẫn đối ý, như vậy là hợp thức.

Có nhiều cách hiểu về nghĩa của từ Giọng

Một canh hát quan họ theo đúng trình tự phải trải qua ba chặng hát. Chặng mở đầu khi mới vào canh hát bắt buộc các đôi nam nữ quan họ phải ca những bài thuộc hệ thống giọng Lề lối (có nơi gọi là giọng cổ). Chặng thứ hai ca những bài thuộc hệ thống giọng vặt (có nơi gọi là giọng vụn). Chặng thứ ba ca những bài thuộc hệ thống giọng giã bạn, gọi tắt là giọng giã.

Nhưng trong mỗi chặng ca, từng bài hát cụ thể lại có một giai điệu riêng, ví dụ ở chặng lề lối, mỗi một bài: La rằng, Đường bạn, Tình tang, Lên núi lên nương, Cây gạo, Cái hời cái ả… lại có một âm điệu riêng, nhưng gọi chung là giọng Lề lối.

Cũng như vậy, giọng Vặt là nói tới một tổng số của hàng trăm bài, mỗi bài lại có một giọng khác nhau. Ví như bài Trăm khúc sông đổ dồn một bến (giọng Lý giao duyên – Nam bộ, Lý hành vân – dân ca Trị Thiên); bài Trăm thức hoa (Giọng Văn, dựa vào bài Văn 12 cô trong Chầu văn); bài Mười nhớ (giọng Hô Quảng); bài Khi tương phùng, khi tương ngộ (dựa vào giọng Tứ đại cảnh); bài Xe chỉ luồn kim (dựa vào giọng Lý tiểu khúc); bài Ca đàn (dựa vào giọng Thu trên đảo Kinh Châu của Lê Thương); bài Gọi đò của Thị Cầu (giọng Tuồng); bài Gọi đò của Hiên Vân (giọng Chèo); bài Thiết tha (giọng Chèo); bài Luyện Sơn trang (giọng Chầu văn); bài Lý con sáo, Lý cây đa, Lý thiên thai (Giọng Dân ca Nam bộ và Dân ca Nam Trung bộ), vv và vv… Lại còn có bài (giọng) Năm cung gồm tất cả năm giọng, đó là các giọng La rằng, Đường bạn, Tình tang, giọng Phú, giọng Sai. Thậm chí còn có bài Ba mươi sáu giọng gồm 36 giọng như giọng Lý, giọng Chèo, giọng Văn (chầu văn), giọng Bạn lan, giọng Tình tang, giọng Ố tình, Giọng Đào nương, giọng Huế, giọng Liện trang, giọng Nhà tơ, giọng Lượn, giọng Nhớ, giọng Thương, giọng Khoan đề, giọng Nguyệt tà, giọng Huỳnh, giọng Hãm, giọng Cung Kiếm… Ngoài ra còn có bài gọi là giọng Lão, vì phỏng theo bài hát chèo Lão say. Các bài Trấn thủ lưu đồn, Chẻ tre đan nón (gọi là giọng Lính, vì nội dung bài hát nói đến cuộc sống của người lính). Lại có bài dựa vào tính chất âm nhạc có giai điệu buồn gọi là giọng Ai… như bài Dọn quán bán hàng. Có người thắc mắc tại sao lại như vậy? Bởi vì quan họ là loại dân ca dung nạp, hay chịu ảnh hưởng của rất nhiều thể loại dân ca khác như tuồng; chèo; hát văn; hát xẩm; hát cò lả; hát trống quân, hát nhà tơ; các điệu Lý, hát dặm, hát phường vải ở Trung bộ… từ đó người ta lấy ý tứ của các loại dân ca đó rồi gọt giũa, chau chuốt để trở thành dân ca Quan họ.

Giọng Giã cũng là một tập hợp các bài giã bạn, nhưng mỗi bài lại mang một âm điệu (hay còn gọi là giọng) khác nhau như: Người về bỏ bạn sao đành, Chuông vàng gác cửa tam quan; Bây giờ kẻ ở người về; Chia rẽ đôi nơi; Kẻ bắc người Nam… Như vậy giọng trong trường hợp này không để chỉ dành riêng cho một âm điệu mà còn là tên gọi chung một tổng số âm điệu của nhiều bài hát khác nhau được qui vào thành một loại.

Trong nhiều bài hát Quan họ chúng ta thường thấy một giai điệu mở đầu cho một một giai điệu chính, hay kết hợp với một với một âm điệu khác, nghe rất quen tai, và rất giống nhau, đó là giọng Bỉ, còn gọi là Bỉ đầu, (hát chèo gọi là giọng Vỉ). Trong hát Chèo giọng Vỉa cho mỗi bài có làn điệu vỉa khác nhau, nhưng trong Quan họ âm điệu Bỉ đầu là chung, giống nhau cho tất cả các bài. Có khi Bỉ kết hợp với một giọng khác thì gọi cả hai tên, như Bỉ Chèo, Bỉ Hãm…Trường hợp đặc biệt duy nhất có bài hát từ đầu đến cuối toàn hát giọng Bỉ đó là bài Năm canh.

Còn khi ai đó nói tới giọng ca của liền chị này hay của liền anh kia, thực chất là muốn nói tới chất giọng của từng người, nói đến âm sắc của mỗi người khác nhau, có người giọng thổ, có người giọng kim…  Như vậy trong các bài bản dân ca Quan họ, khi nói đến giọng tức là nói tới lĩnh vực âm nhạc, còn khi nói đến câu tức là nói tới lĩnh vực lời ca. Dân ca của Việt Nam nói chung và dân ca Quan họ nói riêng là thể loại âm nhạc dân gian in đậm dấu ấn ngôn ngữ và âm nhạc dân tộc, ở đó mỗi âm điệu, mỗi lời ca, câu hát đều chất chứa tính dân tộc trọn vẹn nhất, vì vậy tìm hiểu về cách gọi tên các loại giọng trong dân ca Quan họ là một việc làm hữu ích nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc.

(Nguồn: http://www.baobacninh.com.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY