Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Anh sẽ là…

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

Anh sẽ là dòng sông
Để em là biển rộng
Anh sẽ là gió lộng
Để em là mây bay…

Trong sáng và an lành tựa nắng mai, nhẫn nại và hào phóng như dòng chảy, vô hình mà mạnh mẽ cùng ngọn gió, tận tâm và khiêm nhường làm lối nhỏ đưa em vào đời, cho đời em được rộng mở, nở hoa, tỏa hương, cất cánh, tung bay, rực cháy… Chừng ấy đã đủ làm nên mùa xuân cho riêng em.

Phép so sánh được sử dụng liên tiếp suốt bài, mỗi câu đều ví anh hay em là gì, chỉ duy nhất câu cuối không còn từ “là” nữa, nhưng ngầm chốt lại hai vế tương đương: những gì anh muốn dành cho em đều tinh khôi như mùa xuân. Tình yêu có cho có nhận, nhưng với tấm lòng bao dung lặng thầm, anh chỉ cho mà quên nhận. Cho đi để có niềm vui được thấy em hạnh phúc, đó cũng là “nhận” rồi.

Những hình ảnh so sánh của nhân vật anh đều giả định với từ “sẽ”, mơ đấy mà thực đấy. Tất cả vẫn chỉ là ước ao, là khát khao, song tình anh là thật. Mọi thứ vẫn ở thì tương lai, nhưng hứa hẹn một mùa yêu đang tới và nhất định sẽ tới.

Đời em là chim én bay
Đời em là hương tỏa đâu đây
Đời em là bình minh rực cháy
Đời em là hạnh phúc tràn đầy.

Nhờ những liên tưởng thi vị và cách gieo vần cuối câu mà lời ca tách khỏi nhạc vẫn gợi cảm và mang âm điệu một bài thơ. Rất ý thức về chất văn học trong ca từ, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn luôn chau chuốt câu chữ và để tâm đến sự chuẩn xác dấu giọng trong mối quan hệ hữu cơ giữa nhạc với lời. Lối nhỏ vào đời bình dị như tên gọi, ngắn gọn mà vẫn chứa đựng nhiều nét đặc trưng cho phong cách sáng tác của ông, từ lời ca giàu hình ảnh và ý thơ, đến giai điệu rành mạch khúc triết mà không bị gò theo khuôn mẫu cứng nhắc.

Với hình thức hai đoạn đơn phát triển mở rộng và không có phần tái hiện như đa số ca khúc nổi tiếng của Phạm Minh Tuấn, Lối nhỏ vào đời thoạt đầu tưởng vuông vắn, nhưng cấu trúc cân đối đã bị “phá sản” do đoạn đầu ngân dài âm kết, còn điệp khúc nối thêm vài nhịp lặp lại câu cuối để lần nữa nhấn mạnh: “Anh đã cho em mùa xuân”.

Giai điệu mềm mại nhờ những nét luyến vuốt lên, đặc biệt “rất Phạm Minh Tuấn” ở dấu luyến cuối câu nối hai hoặc ba âm cho một từ có dấu hỏi (lối nhỏ, hoa đỏ). Vẻ mềm mại còn tăng thêm nhờ chùm ba (triolet) trong âm hình tiết tấu lặp lại như một hạt nhân phát triển của điệp khúc. Giao động trong khoảng âm khá rộng, giai điệu đoạn đầu hơn một lần lắng xuống nốt thấp nhất, sang điệp khúc mới vút lên theo hình ảnh “chim én bay”, rồi dập dềnh như cánh diều hạ dần xuống và cuối cùng lại vươn tới nốt cao nhất ứng với từ “xuân”. Lối kết “lên đỉnh” khá quen thuộc với một người lạc quan, sẵn lòng khẳng định niềm tin yêu dù trong hoàn cảnh nào. Giữa thập niên 80, vào lúc sân khấu ca nhạc thị trường đang ào ạt những ca khúc dễ dãi đơn điệu trong tình sầu tình bi tình dối lừa, Lối nhỏ vào đời vẫn lung linh những cảm xúc hướng thiện, hồn hậu, yêu đời, yêu người, vẫn tô đậm thêm những nét riêng cho chân dung âm nhạc Phạm Minh Tuấn.

Còn một điểm riêng nữa, đó là những chỉ dẫn cường độ sắc thái biểu hiện. Đoạn đầu tâm tình trong âm lượng nhỏ (mp), đoạn sau dâng lên cao trào với âm lượng lớn hơn (mf), nhưng không cường điệu ồn ã, mà bình dị và dịu dàng trong lời ca gắn với câu hát ru, với sáo diều vi vu… và với xuân.

Lối nhỏ vào đời là bài hát viết cho phim Ngỡ ngàng (1986), được thể hiện qua tiếng hát của nam ca sĩ Thái Châu. Sau đó được rất nhiều giọng ca ăn khách thuộc các thế hệ khác nhau đưa vào chương trình ca nhạc như Duy Quang, Cẩm Vân, Phương Thanh, Thanh Thảo, Trọng Tấn, Đàm Vĩnh Hưng, Nhật Tinh Anh, Hồ Trung Dũng, Cao Thái Sơn… Phiên bản được tác giả ưng ý nhất là của ca sĩ Mỹ Tâm. Vừa sâu lắng vừa bay bổng, bài hát giản dị này đã vượt khỏi những thước phim nhựa không mấy ai còn nhớ đến, để sống cuộc đời độc lập, góp thêm cho đời một bài ca không quên về tình yêu, về mùa xuân.

7-1-2023

Nghe tác phẩm: https://www.youtube.com/watch?v=5cmvEJ0dAog

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY