Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang chủTin tứcTin HộiTrung tâm bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam: Hội nghị...

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam: Hội nghị tổng kết công tác năm 2023

Tác giả: Thanh Nhã

Sáng 19 tháng 1 năm 2023, tại Hà Nội, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đã tổ chức Lễ tổng kết hoạt động năm 2023.

Tới dự có: PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; NSND Thanh Hoa – Chủ tịch Hội bảo vệ bản quyền ca sĩ biểu diễn; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Bản quyền tác giả, Cục An ninh – Chính trị – Nội vụ, Bộ Công An; đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành Trung ương; các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh – truyền hình.

Về phía Trung tâm có nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam; ông Hoàng Văn Bình – Phó Tổng Giám đốc, kiêm Phó Giám đốc chi nhánh phía Nam; và đông đảo các thế hệ nhạc sĩ là tác giả thành viên của Trung tâm.

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra; NSND Nguyễn Quang Vinh – Ủy viên Ban Chấp hành, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội; nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh – nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, và các nhạc sĩ, nghệ sĩ của Thủ đô.

Báo cáo tại Hội nghị, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC cho biết: Năm 2023, là một năm thành công của VCPMC. Số lượng thành viên trong năm 2023 tăng thêm 398 tác giả; tổng số thành viên ủy quyền tại VCPMC đến nay là: 5.782 tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Tổng số tiền bản quyền mà VCPMC đã thu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là: 344.120.862.896 đồng. Số tiền bản quyền thu tại Việt Nam (chưa tính nguồn thu từ CMOs quốc tế) tăng khoảng 29% so với năm 2022, vượt 10% so với chỉ tiêu đề ra. VCPMC đã thực hiện 4 kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả và tiếp tục đối soát, xử lý dữ liệu được tăng cường hơn nữa nhằm phân phối, chi trả tối đa tiền tác quyền đến các tác giả, chủ sở hữu.

Về công tác đối ngoại, quan hệ hợp tác song phương, hiện nay, VCPMC đã ký thoả thuận uỷ quyền với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền với phạm vi điều chỉnh ở 154 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thể giới.

Dự Hội thảo ủy ban châu Á – Thái Bình Dương của CISAC diễn ra tại Thái Lan, CISAC và các CMO bàn bạc, trao đổi về thị trường âm nhạc trên thế giới và trong khu vực, những rủi ro và thách thức mà ngành công nghiệp âm nhạc đang phải đối mặt trong thời kỳ công nghệ 4.0; tham gia khóa đào tạo do CISAC tổ chức về nghiệp vụ phân phối truyền hình, truyền hình trả tiền tại Malaysia; tham dự cuộc họp lần hai trong năm 2023 của Ủy ban châu Á – Thái Bình Dương (CISAC) tại Ấn Độ. Kết hợp trong chuyến công tác lần này, VCPMC và Google đã có buổi gặp mặt tại Văn phòng của Google ở tại Mumbai – Ấn Độ nhằm trao đổi một số nội dung về việc phối hợp giữa hai bên trong việc xử lý, trao đổi dữ liệu và kế hoạch đào tạo trong thời gian tới. Phía đại diện của Youtube Music của Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á cũng có nhận định tiềm năng của thị trường âm nhạc Việt Nam và cho biết Việt Nam là thị trường chiến lược của Google trong khu vực.

Làm việc với phái đoàn SESAC – MINT DIGITAL tại Hà Nội, bàn thảo về chiến lược hợp tác ủy quyền quản lý tác phẩm của VCPMC trên cơ sở đa lãnh thổ, bao gồm toàn bộ khu vực châu Âu, châu Phi và một phần của châu Á; tổ chức Hội thảo quốc tế “Bản quyền âm nhạc VCPMC 2023” với sự đồng hành của CISAC, Công ty Meta (Facebook) và các đối tác, các tác giả thành viên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua Hội thảo, các nhạc sĩ, tác giả thành viên của VCPMC đã có dịp tiếp cận với những quy định mới của pháp luật Việt Nam về quyền tác giả cũng như thảo luận những vấn đề chuyên môn trong thực tiễn ở Việt Nam và quốc tế. Bên cạnh đó, qua những chia sẻ của khách mời, Hội thảo cũng đã góp phần vào việc nâng cao hiểu biết của các thành viên VCPMC về việc chuyển giao quyền tác giả, mang đến cái nhìn đa chiều về thực tiễn chuyển giao quyền tác giả đối với tác phẩm nhạc tại Việt Nam. Đồng thời, Hội thảo cũng đã tạo cơ hội để các tác giả học hỏi và trao đổi thông tin về việc khai thác tác phẩm trên các nền tảng mạng xã hội và lan tỏa những câu chuyện thành công của nhạc sĩ, nghệ sĩ.

PGS.TS.nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu, nhấn mạnh:

“Năm 2023, Trung tâm và các cán bộ nhân viên đã có một thành tích vượt bậc, với những thành quả đó chúng ta có đầy đủ điều kiện để bước sang năm mới 2024, tiếp tục sự nghiệp bảo vệ quyền tác giả âm nhạc thành công hơn nữa.

Qua chặng đường 20 năm, trải qua nhiều khó khăn, thành tích ngày càng tăng trưởng đi lên vững chắc, cho thấy đây là một tập thể đoàn kết nhất trí của đội ngũ những người làm công tác khoa học và trái tim nghệ sĩ đầy năng lượng trí tuệ, hướng tới mục đích chính đáng là bảo vệ quyền lợi của những nhà sáng tạo trong đó có các nhạc sĩ sáng tác và nhà thơ – người đồng sáng tạo.

Trong thời đại công nghiệp 4.0, chuyển đổi số như vũ bão trong tất cả các lĩnh vực, một trong những bài học đó là VCPMC đã đi tiên phong, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, VCPMC không chỉ hoạt động một cách đơn lẻ, mà ngay từ đầu đã liên kết với các tổ chức quốc tế như một thế giới phẳng, ở đó có quyền lợi của những nhà sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc thì đều được coi trọng và được bảo vệ.

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật có hơn 4 vạn văn nghệ sĩ trong 10 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và 63 Hội Văn học nghệ thuật của 63 tỉnh thành trên toàn quốc, với mô hình như VCPMC cần mở rộng hơn nữa để bảo vệ sáng tạo của giới văn nghệ sĩ trí thức Việt Nam, đó là sự nghiệp không chỉ ở giới văn nghệ sĩ chúng ta mà còn là sự nghiệp bảo vệ đất nước. Có như thế chúng ta mới thực hiện được chương trình mục tiêu quốc gia là phát triển văn hóa, phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, phát biểu đã nhận xét:

Trong năm qua, Trung tâm có nhiều khó khăn thử thách nhưng những con số tăng trưởng đã nói lên tất cả, số lượng thành viên mới tăng lên, số thành viên đăng ký ủy quyền tác giả trong nước và quốc tế tăng lên, chứng tỏ vị thế và sự tin cậy ngày càng cao. Đối với quyền lợi của các nhạc sĩ thì Trung tâm đã làm rất tốt bằng sự sáng tạo của mình, phải nói rằng có những mục, Trung tâm đã làm trúng mũi nhọn, mềm dẻo và kiên quyết, tận tụy sáng tạo và đã mang lại nhiều thành công, cũng như Trung tâm bám rất chắc và bám rất sâu vấn đề hội nhập quốc tế. Đây là thắng lợi chung của chúng ta, vui mừng vì các nhạc sĩ Việt Nam đã nhận được quyền lợi chính đáng từ sáng tạo của bản thân mà quyền tác giả mang lại. Trong năm mới còn khó khăn, nhưng tin tưởng rằng Trung tâm sẽ làm tốt những mục tiêu đề ra”.

NSND Thanh Hoa – Chủ tịch Hội bảo vệ bản quyền ca sĩ biểu diễn, phát biểu đã chia sẻ: “VCPMC là một tấm gương đi đầu trong việc bảo vệ quyền lợi của những người làm âm nhạc, được các đồng nghiệp quốc tế đánh giá rất cao, các bạn quốc tế đã ca ngợi VCPMC là bước tiến nhảy vọt để các nước khác học tập và chúng tôi luôn luôn tự hào rằng Việt Nam có VCPMC bảo vệ bản quyền cho tất cả các nhạc sĩ, không những thế và trong những năm gần đây VCPMC cũng đã ký kết và có kế hoạch giúp đỡ Hội bảo vệ bản quyền ca sĩ biểu diễn của chúng tôi và ký kết để bảo vệ quyền lợi cho những người biểu diễn”.

Trong năm qua, Trung tâm đã có chương trình trợ cấp, thăm hỏi, động viên các nhạc sĩ có hoàn cảnh khó khăn.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY