Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024
Trang chủNhân vậtNhạc sĩNhạc sĩ Đoàn Bổng - Người hát tình ca không tuổi

Nhạc sĩ Đoàn Bổng – Người hát tình ca không tuổi

Tác giả: T.Toàn

Năm 2023 ghi một dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời nhạc sĩ Đoàn Bổng khi ông được Đảng, Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. 2023 cũng là năm ông đã ở tuổi 80, nhưng người nhạc sĩ tài hoa này dường như vẫn còn nhiều năng lượng lắm…

1. Tháng 10/2023, nhạc sĩ Đoàn Bổng cho ra mắt tập thơ “Bắt đầu từ đôi mắt” – tập thơ thứ 5 của ông. Buổi ra mắt tập thơ của nhạc sĩ – nhà thơ Đoàn Bổng thu hút rất nhiều chia sẻ, cảm nhận của các nhà chuyên môn và bạn hữu văn chương, trí thức… Nói về tập thơ này, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhà văn Phùng Văn Khai chia sẻ: “Tình ý lúc nào cũng chan chứa mà vẫn mực thước khang trang. Lý trí đến tận cùng mà những ngân rung cũng muôn nẻo khơi xa lắm…”. Còn nhà thơ Quang Hoài nhận xét, tập thơ này cho thấy, con người Đoàn Bổng “nhạc sĩ và thi sĩ đan xen hòa quyện trong nhau, nhạc chắp cánh cho thơ, thơ là hồn cốt cho nhạc”.

Nhạc sĩ Đoàn Bổng. Ảnh: NVCC

Riêng về âm nhạc, Đoàn Bổng sở hữu “gia tài” đồ sộ hơn 300 tác phẩm, mà phần lớn trong đó là những ca khúc trữ tình. Giới nhạc thường bảo nhau, viết một bài hát, thấy tác phẩm của mình sống trong lòng công chúng được khoảng 5 năm là mừng lắm. Đoàn Bổng có nhiều hơn thế.

Ngoài tác phẩm đã làm nên tên tuổi của ông trong làng âm nhạc Việt Nam “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em”, người yêu nhạc còn được biết đến Đoàn Bổng với các ca khúc “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi”, “Hát về Người”, “Về Hà Tây đi em”, “Đêm sông Cầu”, “Nghe trong tiếng yêu”…

Ông vẫn kể lại một cách tự hào khi mình là tác giả duy nhất có 3 ca khúc được dàn nhạc giao hưởng Rouen của Cộng hòa Pháp trình diễn trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội hồi năm 2010.

“Khúc quân ca Trường Sa” cũng ghi dấu ấn đáng nhớ khi đây là bài hát đặc biệt được những người lính đảo Trường Sa cất tiếng hát vang trước biển trời bao la. Bài hát cũng được nhiều đoàn công tác ra thăm quân, dân huyện đảo tổ chức luyện tập và hát trong suốt hải trình ra hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Và mới đây, trong dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống, tác phẩm “Bài ca Mặt trận Tổ quốc” của ông đã trở thành ca khúc truyền thống của MTTQ Việt Nam…

2. Đoàn Bổng đến với âm nhạc khi còn rất trẻ, lúc ông còn là học sinh phổ thông. Năm 1966, ông là thí sinh duy nhất ở khu vực Hà Nội thi đỗ vào Khoa Sáng tác của Nhạc viện Hà Nội. Khi về công tác tại Đài Phát thanh Giải phóng, ông có những ca khúc “Dòng nước ân tình”, “Niềm vui trọn vẹn”… Nhưng phải đến bài hát “Dòng sông quê em, dòng sông quê anh”, Đoàn Bổng mới khẳng định tên tuổi như một nhạc sĩ có phong cách dân gian.

Chia sẻ hoàn cảnh sáng tác và những kỷ niệm về ca khúc “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em”, nhạc sĩ Đoàn Bổng kể lại: Năm 1978, trong một dịp ghé vào thăm anh em ở Ty Văn hóa Hà Sơn Bình thì ông gặp nhà văn Quách Vinh, lúc đó là Trưởng ty (như Giám đốc Sở bây giờ). Nhà văn Quách Vinh đưa cho Đoàn Bổng tờ tạp chí của Hội Văn nghệ Hà Sơn Bình và nói: “Bổng xem trong này có bài thơ nào phù hợp thì phổ nhạc xem sao”. Trong cuốn tạp chí này có bài “Dòng sông của anh, dòng sông của em” của nhà thơ – họa sĩ Lai Vu.

“Về đến nhà, đọc bài thơ của Lai Vu, tôi thấy thích mấy cái tứ ở trong bài thơ quá. Vài hôm sau, khi cảm hứng đến, tôi ngồi vào bàn và viết một mạch khoảng 2 tiếng đồng hồ là xong” – nhạc sĩ kể lại.

Sau khi bài hát hoàn thành, ông đạp xe vào Hà Đông, tiếp xúc với tác giả Lai Vu và xin phép được đổi chữ “của” thành chữ “quê”. Quả là “quê anh, quê em” hay hơn “của anh, của em”.

“Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” ra đời lập tức được công chúng nhiệt tình đón nhận. Nhiều thế hệ ca sĩ đã thể hiện thành công bài hát này, còn giới nhạc sĩ đánh giá, với “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em”, tên tuổi nhạc sĩ Đoàn Bổng “thực sự đã bay bổng trên dòng sông quê nhà cùng dòng sông âm nhạc mà ông suốt đời gắn bó”.

Hơn 40 năm qua kể từ khi ra đời, bài hát vẫn được người yêu nhạc mến mộ và nó vẫn vang lên không chỉ ở các phương tiện thông tin đại chúng, ở các kỳ hội thao, hội diễn mà trong cả những không gian riêng tư. Nhiều bạn trẻ vẫn hát ca khúc này như để nói lên những tình cảm, nói lên câu chuyện riêng của chính bản thân mình.

Nhà thơ, nhạc sĩ Đoàn Bổng chia sẻ tại lễ ra mắt – trao tặng sách “Bắt đầu từ đôi mắt”.

3. Nhiều người đánh giá, các ca khúc của Đoàn Bổng luôn trẻ trung, tươi mới và tràn ngập niềm khát khao tình yêu của tuổi trẻ. Những ca khúc ông sáng tác từ cách đây 50 năm hay ngay cả bây giờ vẫn luôn mang tới cảm xúc trong sáng, yêu đời, giống như suy nghĩ của một chàng trai tuổi mới lớn. Điều này khiến không ít người nhầm tưởng, những sáng tác này là của một tác giả nào đó còn trẻ tuổi, chứ không ai ngờ rằng, đó lại là một “ông già” đã ngót nghét 80.

Không chỉ thể hiện trong các tác phẩm âm nhạc, sự trẻ trung, nhiều năng lượng của nhạc sĩ Đoàn Bổng còn toả ra trong cuộc sống thường nhật. Tiếp xúc với ông, lúc nào cũng thấy ông tươi trẻ, nhiệt huyết, khát khao tình yêu và tràn đầy đam mê cuộc sống. Nhạc sĩ cho biết, ông có nhiều bạn bè, trong đó phần đa là người trẻ. Ông và họ vẫn thường hò hẹn giao lưu, cùng nhau “chém gió”, không phân biệt tuổi tác. Nhạc sĩ cũng khoe rằng, những cuộc đi ấy ông vẫn tự mình phóng xe máy đến chỗ hẹn. Mãi gần đây, do nhiều người có ý kiến không nên vì tình hình giao thông phức tạp, ông mới chuyển sang dùng các phương tiện khác.

Trong câu chuyện, Đoàn Bổng “tự trào” rằng, mỗi năm qua đi thì đó là tuổi của thời gian vật lý chứ không phải tuổi của tâm hồn, bởi vậy, ông chỉ là người “sống dài hơn người khác” còn trái tim mình thì vẫn mãi tuổi 20. Với ông, dù lúc còn trẻ hay khi đã nghỉ hưu, tình yêu vẫn là đề tài không bao giờ cũ: “Người ta hay nghĩ rằng, tuổi nào viết nhạc ấy nhưng tôi lại nghĩ khác. Ngày mười tám đôi mươi, tôi rung động về tình yêu đẹp thì bây giờ tôi vẫn nghĩ vậy và còn có phần lãng mạn hơn nhiều. Vì tình yêu không có tuổi nên dại gì mà buồn, dại gì mà già”.

Với quan niệm đó và tự nhận có “số đào hoa”, nên dù chỉ một câu chuyện rất nhỏ, chợt bắt gặp một hình ảnh nhân văn, một nụ cười hay một ánh mắt cũng khiến người nhạc sĩ có thể “bật” ra ngay một tứ thơ, một ý nhạc.

Chia sẻ thêm, nhạc sĩ Đoàn Bổng cho biết, trong sáng tác, ông chú trọng khai thác chất liệu âm nhạc dân gian, tìm ra những cao trào, những điểm nhấn và đặc biệt giai điệu phải đẹp. Vì thế, các nhạc phẩm của ông dễ nghe, dễ hát nhưng chứa đựng trong đó nhiều chất thơ, nhất là những ca khúc ông viết về tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa.

Có lẽ để nói về người nhạc sĩ tài hoa xứ Đoài bằng một câu ngắn gọn, không gì đầy đủ hơn nhận xét của nhạc sĩ Hoàng Long, một người bạn cùng trang lứa với ông: “Nhạc sĩ Đoàn Bổng cả một đời gắn bó với sự nghiệp văn hóa. Nhiều ca khúc của ông xứng đáng là những ca khúc Đi cùng năm tháng”.

(Nguồn: https://www.congluan.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY