Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang chủNhân vậtNghệ sĩTrịnh Minh Hiền: "Gia đình cho tôi học nhạc để có cuộc...

Trịnh Minh Hiền: “Gia đình cho tôi học nhạc để có cuộc đời nhẹ nhàng, éo le thay, mọi thứ không nhẹ nhàng cho lắm”

(Tác giả: Yến Thanh)

“Gia đình tôi chỉ có một mụn con gái, lo con vất vả, cha mẹ đưa tôi đi học nhạc cho “cuộc đời nó nhẹ nhàng”. Éo le thay, chặng đường sau đó lại không nhẹ nhàng cho lắm” – nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền chia sẻ.

Mới đây, nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền ra mắt album “Phượng Linh” – sản phẩm âm nhạc đánh dấu 20 năm biểu diễn và sáng tác nhạc chuyên nghiệp của cô.  Album có 12 tác phẩm, trong đó hầu hết là những ca khúc nổi tiếng của các nhạc sĩ tên tuổi của làng âm nhạc Việt Nam, được Trịnh Minh Hiền chuyển soạn cho cây đàn violon như: “Tiến quân ca” (nhạc sĩ Văn Cao), “Chiếc khăn piêu” (nhạc sĩ Doãn Nho), “Trên đỉnh Phù Vân” (nhạc sĩ Phó Đức Phương), “Tiếng trống Paranưng” (nhạc sĩ Trần Tiến)…

Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền trong album “Phượng Linh”. (Ảnh: NVCC)

Chị đã có cuộc trò chuyện về sản phẩm này cũng như những tâm niệm chị dành cho sự nghiệp âm nhạc:

“Tôi “cày” như trâu”

Tại sao chị lại đặt tên album đánh dấu 20 năm biểu diễn và sáng tác nhạc của mình là “Phượng Linh”?

“Phượng Linh” là sáng tác của tôi trong album, đúc kết chặng đường 20 năm theo nghiệp vĩ cầm. Tác phẩm sử dụng nhiều kỹ thuật phô diễn vẻ đẹp của tiếng đàn violin, được diễn tả dưới câu truyện về con chim phượng hoàng linh thiêng sống trên đỉnh núi tuyết cao nhất Tây Tạng. Hình tượng chim phượng hoàng vốn quen thuộc trong văn hoá cả phương Đông lẫn phương Tây, biểu trưng cho sức mạnh nội sinh, sự tái sinh, bất tử. Với tôi, một nguời nghệ sĩ chân chính cũng đi trên hành trình như vậy. Họ phải luôn khổ luyện, trau dồi, trải qua nhiều thử thách mới chắt lọc được tinh tuý trên con đường lao động nghệ thuật của mình. Các ca khúc khác trong album của tôi như “Chiếc khăn piêu”; “Trên đỉnh Phù Vân”; “Tiếng trống Paranưng”… cũng đều mang lại hình ảnh về núi rừng, thiên nhiên kỳ vĩ. Và bởi vậy, tôi thấy cái tên “Phượng Linh” rất phù hợp để đặt cho sản phẩm này.

Đâu là điểm khác biệt của album “Phượng Linh”?

Những năm qua, khi làm nghề, tôi nhận thấy rằng ở Việt Nam đang rất thiếu một miền âm nhạc nằm giữa chuyên môn và showbiz. Đó là những sản phẩm âm nhạc hội tụ đủ yếu tố chuyên môn nhưng cũng có yếu tố giải trí. Được đào tạo chuyên môn đầy đủ, lại đi diễn nhiều, đủ hiểu khán giả cần gì, muốn gì, tôi kết hợp tất cả những thứ đó mang vào album “Phượng Linh”.

Khi nhìn danh sách các ca khúc trong album, người nghe sẽ thấy không quá nặng nề, đó đều là những tác phẩm mọi người quen tên, quen giai điệu. Thế nhưng nếu họ thực sự lắng nghe, họ sẽ thấy những sáng tạo trong đó. Cũng như nhạc sĩ Thuỵ Kha có nhận định: “Cô Hiền không chuyển soạn, cô ấy đã biến tấu, sáng tạo trên chủ đề…”.

Không phải đến album “Phượng Linh”, những sản phẩm âm nhạc chị ra mắt trước đó cũng đều được đầu tư kỹ lưỡng cả về âm nhạc lẫn hình ảnh. Sự đầu tư ấy chắc hẳn khiến chị phải chi phí không nhỏ? Chị đã làm thế nào để có thể thoả sức “vẫy vùng” với đam mê như vậy?

Trước hết, cần khẳng định lại rằng, tôi không phải là một nghệ sĩ cổ điển. Từ năm 20 tuổi, tôi đã nghiên cứu nhiều phong cách âm nhạc và chọn ra một con đường riêng, một phong cách riêng để theo đuổi. Tôi luôn tự hào với điều đó.

Một nghệ sĩ không đơn thuần biểu diễn theo phong cách cổ điển sẽ có cơ hội đi diễn nhiều hơn. Vả lại, tại thời điểm tôi chơi ở Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia, các nghệ sĩ đồng nghiệp của tôi đều rất yêu nghề, rất tận tâm với nghề nhưng không ai sống bằng nghề. Họ đều có một công việc bên ngoài để nuôi đam mê của mình, tôi cũng không nằm ngoài thực tế đó.

Trên con đường của mình, tôi cũng gặp rất nhiều người bạn tốt. Họ nhìn thấy ở tôi tình yêu nghề, khao khát cống hiến cho nghệ thuật, dù tôi không phải là người dư dả về điều kiện. Bởi vậy, họ xuất hiện và giúp đỡ tôi tận tình. Thí dụ như các đạo diễn MV, tôi đâu có nhiều tiền trả cho họ, họ đồng hành cùng tôi bởi hiểu rằng những gì tôi đưa ra có giá trị và có chất lượng chuyên môn.

Trở lại câu chuyện lấy đâu tiền để làm, chỉ có một cách là lúc nào mình cũng trong tâm trạng phải làm nó, phải tìm cách có thể làm được nó. Bạn có thể hỏi tất cả bạn bè của tôi, ai cũng biết tôi “cày như trâu” – “cày” thật sự. Đương nhiên, được “cày” và có cơ hội “cày” cũng là may mắn.

Diva Thanh Lam là người thể hiện ca khúc duy nhất do chị sáng tác trong “Phượng Linh” – tác phẩm “Cây đời”. Mối quan hệ của chị và chị Thanh Lam chắc hẳn rất đặc biệt?

Tôi quen chị Thanh Lam từ một tour diễn xuyên Việt được tổ chức vào năm 2005. Khi ấy, hai chị em đồng hành suốt chiều dài đất nước, đi qua các vùng đất như Phan Rang, Châu Đốc, Cần Thơ… Trong quá trình đi, có nhiều thứ khó khăn, trắc trở. Tôi vẫn nhớ lời chị Thanh Lam trò chuyện với con gái Thiện Thanh (đi cùng đoàn và làm trợ lý cho mẹ): “Mẹ đưa con đi cùng mẹ lần này để con biết mẹ cũng vất vả lắm đấy, làm nghệ sĩ không phải lúc nào cũng sướng đâu”.

Câu nói của chị Lam tôi luôn giữ trong lòng, để thấy đằng sau tất cả danh tiếng, hào quang của một người nghệ sĩ thực thụ là những cống hiến thầm lặng. Từ chuyến đi đó, tôi thường xuyên có mặt tại những liveshow của chị Lam. Tôi cảm nhận được tình yêu nghề mãnh liệt của chị. Lam đam mê hết mình, cháy hết mình, thậm chí cháy rụi luôn. Chính vì điều đó mà chị giữ được tinh thần thép trong sự nghiệp.

Đến giờ, chị Lam vẫn đau đáu với nghề. Thi thoảng chị lại nhắn tôi: “Hiền ơi, chị đang muốn ra album đấy. Em xem có gì hay không bảo chị với nhé”. Chúng tôi chia sẻ với nhau nhiều thứ, như hai người đồng nghiệp, hai người bạn. Câu chuyện cuộc đời của chị Lam cũng mang lại cho tôi nguồn cảm hứng sáng tác ca khúc “Cây đời”, rằng đi qua những hỉ nộ ái ố ta sẽ tìm được hạnh phúc của chính mình. Có lẽ bởi vậy, Lam hát ca khúc đó rất hay và cảm xúc.

Tôi không muốn đi một mình

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân có nói: “Có được một nghệ sĩ violon tài năng, chuyên nghiệp với kỹ thuật trình diễn nhạc cụ phương Tây như Trịnh Minh Hiền không dễ. Trước dấu mốc 20 năm, mà chắc chắn Minh Hiền đã đến với cây đàn violon từ nhỏ, để từ đó cùng với tài năng, đam mê và sự nghiêm túc trong học tập mới có được Trịnh Minh Hiền hiện tại”. Chị có thể kể lại hành trình đến với cây đàn violin của chị?

Tôi tập chơi violin từ năm 6 tuổi. Gia đình tôi chỉ có một mụn con gái, lo con vất vả, cha mẹ đưa tôi đi học nhạc cho “cuộc đời nó nhẹ nhàng”. Éo le thay, chặng đường sau đó lại không nhẹ nhàng cho lắm. (cười).

Ngay từ những ngày đầu tôi cầm cây violon, các thầy cô đã dặn cha tôi: “Con bé này có năng khiếu đó, ngày ngày anh chị phải đảm bảo thời gian cho con tập đấy nhé”. Ông tuân thủ điều đó rất nghiêm ngặt. Trong khi bọn bạn đi chơi khắp nơi với đủ trò vui, tôi phải ở nhà tập luyện cho đủ số giờ.

Tại sao chị lại chọn violon?

Lý do rất đơn giản thôi! Ngày đó, chỉ có violin và piano là hai đại diện nổi trội trong số các nhạc cụ cổ điển. Ai cũng thích dương cầm, nhưng thời xưa, một gia đình phải rất giàu có mới có thể sở hữu chiếc đàn này. Cha mẹ tôi đều là giáo viên, cuộc sống không quá dư dả nên đã chọn violon.

Chặng đường tập luyện nhiều khó khăn và vất vả, đã khi nào chị nản lòng và muốn bỏ cuộc?

Những nghệ sĩ từng theo học Nhạc viện như chúng tôi đều được dạy một điều: Chúng ta đang được học để làm thứ chuyên nghiệp. Làm thứ chuyên nghiệp thì rất cần sự nỗ lực và không bao giờ có sự bỏ cuộc. Tôi biết ơn khi được vào trường từ bé và mang trong mình tâm niệm đó.

Đương nhiên, cái thích, cái mê không đến ngay đâu, bởi mình phải tập nhiều quá và chẳng biết bao giờ tới đích. Hơn thế nữa, violon lại là môn khó nhất trong các loại nhạc cụ, cần sự tập trung và kiên trì rất cao. Không ai thích violon từ đầu, nhưng nó sẽ tạo thành chất và ngấm dần trong mình lúc nào không biết. Ngày tôi tốt nghiệp, thầy ra ôm tôi và bảo: “Con đã kết thúc quá trình tập luyện vất vả rồi, bây giờ chặng đường tiếp theo như thế nào sẽ là do con. Thầy chỉ dặn con một điều rằng: Con hãy giữ vững những gì mà mình đã có được”.

Nhìn lại 20 năm trôi qua, tôi tự hào về những gì mình đã đạt được, nhưng luôn dặn mình cần cống hiến nhiều hơn nữa, định hình được cho mình một phong cách rõ rệt hơn nữa.

Những năm qua, chị cho ra mắt nhiều sản phẩm thể hiện tinh thần dân tộc. Đó là MV “Tiến quân ca” vào ngày 2/9/2022, gần đây nhất là MV “Đất nước trọn niềm vui” vào dịp 30/4/2023. Chắc hẳn, trong chị có một tình yêu mãnh liệt dành cho Tổ quốc?

Những sản phẩm này xuất từ điều mà tôi đã nói ở trên – đó là sự trăn trở, một đòi hỏi của tự thân tôi dành cho nghề nghiệp. Tôi luôn nghĩ một nghệ sĩ khi làm nghề phải có một cống hiến, và tôi chọn việc cống hiến cho đất nước. Những năm qua, tôi nhiều lần chơi những bản nhạc ca ngợi tổ quốc.

Tôi cũng đã đảm nhiệm vị trí Giám đốc âm nhạc của live corncert “Bài ca không quên” trong suốt 10 năm, trong khoảng thời gian đó, không biết bao nhiêu lần tôi rưng rưng bởi tình yêu quê hương, đất nước trong những tác phẩm âm nhạc.

Tôi luôn biết những dịp như 2/9, 30/4 sẽ rất ngắn, nhưng vẫn bỏ nhiều tâm sức để làm sản phẩm. Trước hết là dành cho chính mình, để sau này nhìn lại sẽ thấy những dấu mốc trong sự nghiệp.

Thêm nữa, qua câu hỏi của bạn, tôi cũng muốn nói rằng, tôi không muốn đi một mình. Tôi muốn mình sẽ cùng những nghệ sĩ khác cùng góp lên một tiếng nói có đủ sức nặng. Đó là tiếng nói của một thế hệ nghệ sĩ mới cùng nhau đóng góp cho Tổ quốc bằng tài năng, khả năng của mình. Tinh thần Việt Nam đã khởi phát từ hàng ngàn năm, chúng tôi chỉ kế tiếp và nhìn ra sức mạnh nội sinh ấy để thắp lên ngọn lửa. Nếu có sự đồng lòng, hợp sức, tôi tin rằng khán giả sẽ đồng cảm được tinh thần ấy, để chúng ta cùng vun đắp, xây dựng tổ quốc trường tồn.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

(Nguồn: https://danviet.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

MÌNH VỀ HÀ TĨNH

MẸ YÊU ƠI

HÀ TĨNH PHƯƠNG XA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY