Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang chủTác phẩmNhạc đànBản giao hưởng của tình hữu nghị

Bản giao hưởng của tình hữu nghị

(Tác giả: Phan Đông Viên)

Để có cớ ném bom miền Bắc Việt Nam, đế quốc Mỹ dàn dựng sự kiện Vịnh Bắc bộ, cáo buộc hải quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tấn công 2 tầu khu trục Turner Joy và Maddox của hải quân Mỹ ở biển Đông. Khoảng 12h25 ngày 5/8/1964 Mỹ đã mở đầu cuộc tấn công miền Bắc Việt Nam bằng không quân: 64 lần chiếc máy bay trên 2 tầu sân bay Constellation và Ticonderoga đã ném bom đánh phá Hòn Gai (Quảng Ninh), Lạch Trường (Thanh Hóa), Bến Thủy (Nghệ An) và Cảng Gianh (Quảng Bình). Trước sự đề cao cảnh giác và phản công kiên quyết của quân dân ta, 8 máy bay Mỹ đã bị bắn rơi, 1 phi công bị bắt sống. Chính không quân Mỹ đã bị bất ngờ vì sự tiêu hao lực lượng trong 5 tiếng đồng hồ trên miền Bắc Việt Nam nên đến 17h ngày 5/8/1964 Mỹ đã phải tạm dừng cuộc tấn công.

Ngày 7/2/1965 Mỹ ném bom Đồng Hới, đảo Cồn Cỏ, chính thức và trực tiếp gây chiến tranh với nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bằng cả không quân và hải quân, với chủ trương đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá. Từ 5/8/1964 đến 1/11/1968 Mỹ đã trút xuống miền Bắc nước ta hàng chục vạn tấn bom đạn, tàn phá hàng nghìn công trình hạ tầng công cộng như: cầu cống, đê đập, nhà ga, bến cảng, bệnh viện, trường học, nhà trẻ, chợ búa … đánh sập hàng vạn ngôi nhà từ thành thị đến nông thôn, giết hại hàng nghìn dân thường Việt Nam. Được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, của các nước anh em, với truyền thống quật cường và lòng tự trọng dân tộc, theo lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Hồ Chủ tịch, toàn quân và toàn dân miền Bắc đã anh dũng kiên cường bằng tinh thần phản công quyết liệt đã bắn rơi 3243 máy bay các loại trong đó có cả máy bay ném bom chiến lược B52, bắn chìm 143 tầu chiến, loại khỏi vòng chiến đấu và bắt sống hàng trăm phi công Mỹ… buộc Mỹ phải ngừng ném bom từ ngày 1/11/1968 để tiếp tục họp Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Để làm nên chiến thắng lẫy lừng đánh bại không quân Mỹ – một trong những lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới – ngoài truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta, sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội phòng không không quân, đặc biệt là bộ đội tên lửa của ta, còn nhờ sự giúp đỡ tận tình của các nước trong phe XHCN, đặc biệt là Liên Xô, trong đó có hàng nghìn chuyên gia, cố vấn, sĩ quan không quân, tên lửa, pháo binh của Nga, Ukraine, Belarus, Kazakhstan…

Với tình yêu đất nước Việt Nam cùng sự cảm phục truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu của nhân dân Việt Nam, nhà soạn nhạc Ishenko của Ukraine đã sáng tác một tổ khúc giao hưởng nhan đề Việt Nam – Tổ khúc với bút tích ghi ở đầu sách: “Kính tặng dân tộc Việt Nam yêu tự do”, đây là một tổ khúc giao hưởng 4 chương có lẽ là duy nhất của nước ngoài viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta do NXB âm nhạc Ukraine xuất bản năm 1970 tại Kiev.

Nhạc giao hưởng có tiêu đề gồm nhiều thể loại như: Khúc mở màn (Ouverture), Khúc phóng túng (Fantaisie), Thơ giao hưởng (Poème symphonique), Tranh giao hưởng (Tableau symphonique), Tổ khúc giao hưởng (Suite symphonique)…

Tổ khúc giao hưởng do các nhà soạn nhạc Pháp đặt tên đầu tiên từ khoảng 3 thế kỷ trước, để chỉ các liên khúc piano + dàn nhạc có tiêu đề, liên khúc nhảy múa… mô tả một cách sinh động những sinh hoạt đặc sắc của nhân dân hoặc phong cảnh thiên nhiên huyền ảo thơ mộng, đôi khi mang tính sử thi, lấy chất liệu từ âm nhạc dân gian… Từ nửa cuối thế kỷ XIX tổ khúc giao hưởng đã phát triển, thường gồm nhiều chương khác nhau về tính chất âm nhạc, không bắt buộc liên quan chặt chẽ với nhau nhưng vẫn có sự phát triển logic của kịch tính với các hình tượng âm nhạc hợp lý và nghiêm ngặt, nhất quán theo cấu trúc của một bản giao hưởng.

Bản tổ khúc giao hưởng Việt Nam của nhà soạn nhạc Ishenko có 4 chương với các tiêu đề khác nhau:

Chương 1: Mặt trời vẫn tỏa sáng trên đất nước.

Chương 2: Quê hương yêu dấu đẹp tươi.

Chương 3: Phương Nam không chịu khuất phục.

Chương 4: Nhân dân tự do lao động dựng xây.

với một dàn nhạc phong phú gồm:

Nhà soạn nhạc Ishenko Yuri Iakovlevich là giảng viên Học viện Âm nhạc Ukraine, hội viên của Liên minh các nhà soạn nhạc quốc gia Ukraine. Chỉ những tác phẩm giao hưởng được lãnh đạo Liên minh xét duyệt đánh giá cao mới được biểu diễn hoặc xuất bản.

Đất nước Ukraine tuy không phải là trung tâm âm nhạc của châu Âu nhưng là nơi giao thoa âm nhạc Đông – Tây, đã có nền âm nhạc chuyên nghiệp phát triển từ thế kỷ XVIII, với nhiều nhà soạn nhạc danh tiếng như: Berezovsky, Bortnyansky, Vedel, Verbitsky, Lysenko, Gliere, Leontovich, Prokofiev, Tiomkin, Kolessa, Silvestrov, Skoryk… Tại các Học viện nghệ thuật và Nhạc viện Ukraine nhiều nhạc sĩ và nghệ sĩ Việt Nam đã được đào tạo theo các hình thức từ đại học, nghiên cứu sinh, thực tập sinh, tu nghiệp sinh như: Vân Đông, Nguyễn Đức Toàn, Ca Lê Thuần, Vĩnh Bảo, Doãn Nho, Hồ Mộ La, Trung Kiên, Hồ Bông, Thanh Trì và nhiều người khác.

Từ trước đến nay để ca ngợi công cuộc kháng chiến của nhân dân ta, có tới hàng nghìn ca khúc Việt Nam và một số ca khúc quốc tế, nhiều ca khúc vẫn sống mãi với thời gian, tuy nhiên rất hiếm tác phẩm khí nhạc – nhất là giao hưởng – đặc biệt là giao hưởng quốc tế. Vừa qua chương trình ca nhạc kỷ niệm 50 năm Điện Biên Phủ trên không cũng hầu hết là ca khúc quần chúng, vì vậy bản tổ khúc giao hưởng của Ishenko thực sự là một tác phẩm độc đáo duy nhất của nước ngoài viết về Việt Nam, dành cho Việt Nam.

Hiện nay ở Việt Nam có 4 dàn nhạc giao hưởng chính đang hoạt động, trong đó có 3 dàn nhạc của Nhà nước: Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội, Dàn nhạc giao hưởng thành phố Hồ Chí Minh và 1 Dàn nhạc giao hưởng tư nhân của tập đoàn Sun group.

Thiết nghĩ, để có thêm những tác phẩm âm nhạc phong phú, đa dạng thể loại ca ngợi cuộc kháng chiến của nhân dân ta, ngành văn hóa và âm nhạc nên đầu tư dàn dựng tác phẩm tổ khúc giao hưởng quốc tế này, đó không phải chỉ đơn giản là một tác phẩm âm nhạc mà còn là một chứng tích văn hóa quốc tế đã tôn vinh cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Chúng ta đang có những nhạc trưởng chuyên nghiệp, danh tiếng, với bề dày cống hiến đáng nể như nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Lê Phi Phi và những nhạc trưởng tốt nghiệp nước ngoài, trẻ và đầy triển vọng như Trần Nhật Minh, Đồng Quang Vinh cùng với tập thể nghệ sĩ tài năng của các dàn nhạc đã và đang biểu diễn thường xuyên nhiều chương trình giao hưởng của các nhà soạn nhạc lẫy lừng thế giới từ những thế kỷ xa xưa đến nay, thì việc dàn dựng, biểu diễn và thu thanh một bản tổ khúc giao hưởng như thế này là việc nằm trong tầm tay.

Hy vọng một ngày không xa, công chúng Việt Nam sẽ được nghe tác phẩm tổ khúc giao hưởng quốc tế ngợi ca một thời hào hùng của nhân dân mình./.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY