Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024
Trang chủTác phẩmNhạc đànTHẦN TƯỢNG ÂM NHẠC ĐẦU TIÊN VÀ GIAI ĐIỆU ÁM ẢNH TRĂM...

THẦN TƯỢNG ÂM NHẠC ĐẦU TIÊN VÀ GIAI ĐIỆU ÁM ẢNH TRĂM NĂM (TỪ PAGANINI ĐẾN RACHMANINOV)

Tác giả: Mai Hạnh

Tranh: Nicolo Paganini, Richard James Lane.

Nhắc đến “thần tượng âm nhạc”, có thể ở kỷ nguyên hiện đại ngày nay người ta sẽ nghĩ ngay đến Michael Jackson, Madonna…, và còn nhiều nhân vật gây tranh luận sôi nổi khác, thậm chí là các nhóm nhạc của ngành công nghiệp giải trí… Nhưng có lẽ, hiện tượng đầu tiên trên thế giới xứng với danh xưng đó là Niccolò Paganini, nghệ sĩ vỹ cầm sống vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 ở nước Ý, cái nôi của âm nhạc châu Âu.

Paganini đã là mẫu khuôn đúc ra hình tượng siêu sao âm nhạc, bởi tài năng âm nhạc xuất chúng, có thể tạo ra tiếng đàn mê hoặc người nghe khắp châu Âu. Chân dung Paganini được bày khắp nơi, tên ông được đặt cho những mẫu trang phục và công thức nấu ăn mới nhất. Cùng với bề ngoài có thân hình gầy guộc, cử động cứng nhắc kỳ dị, mái tóc đen dài, nước da ngăm, đôi mắt đen sâu thẳm và bộ đồ đen lập dị, nghệ thuật của ông đã gây ấn tượng nổi bật cho công chúng ở cấp độ khác thường. Đương thời, người ta đồn đoán ông bán linh hồn mình cho ma quỷ (đến mức nhà thờ vẫn còn nghi ngờ, và sau khi mất 5 năm, ông mới được an táng tử tế).

Trước Paganini, những nhạc sĩ tài năng, thành công nhất cũng dễ dàng bị rơi vào quên lãng sau khi mất; thế nhưng Paganini được tôn thờ một cách điên cuồng, không chỉ với người bình thường, mà còn cả những nhà soạn nhạc vỹ đại khác của lịch sử cũng say mê ông: nhờ những buổi dự nghe ông trình diễn violin, mà F. Liszt và F. Chopin đều được truyền lửa để nghiên cứu sáng tạo, nâng tầm hạn thể hiện nhạc cụ của họ – piano. Những Rossini, Schubert, Schumann…cũng vây quanh ông để tìm cách học tập, thúc đẩy khả năng diễn cảm cho âm nhạc. Cả sau khi Paganini qua đời, Brahms và Rachmaninov đã bày tỏ lòng kính trọng bằng cách viết các tác phẩm lớn sử dụng các chủ đề và kỹ thuật của ông.

Một trong những chủ đề nổi tiếng và được nhiều nhà soạn nhạc khác “tái tạo” nhất của Paganini là giai điệu khúc Caprice số 24 ở giọng La thứ. Vốn đây là giai điệu viết cho violin độc tấu, gồm chủ đề và 11 biến khúc, được Paganini soạn dần dần từ năm 1802 – 1817. Ai cũng tìm cách khơi lại sức hấp dẫn của Paganini: từ nét chủ đề điển hình rất ngắn gọn là một mô típ dễ nhớ, bắt tai (catchy), người ta triển khai thành các lần biến tấu khác nhau về thủ pháp hòa âm, thêm – bớt nốt, đảo ngược, thêm bè ẩn tạo kết cấu phức điệu, đa dạng phối khí (chia cho các nhạc cụ khác hoặc đối đáp dàn nhạc với cây đàn độc tấu)…, đồng thời thách thức nghệ sĩ biểu diễn ở những ngón đàn khó, sức bền bỉ, vừa thể hiện kỹ thuật lại vừa phải thể hiện nhạc cảm lay động người nghe.

Có thể kể đến các trường hợp “tái tạo” đó, chẳng hạn như: năm 1828 Chopin sử dụng giai điệu chủ đề Caprice số 24 của Paganini trong bản Rondo à la Krakowiak cho piano và dàn nhạc; 10 năm sau lại có Liszt lấy vào Tuyển tập Bài luyện ngón piano trên chủ đề Paganini (Études d’exécution transcendante d’après Paganini, S.140); hay Johannes Brahms viết Biến tấu trên chủ đề Paganini cho độc tấu piano (Variations on a Theme of Paganini, Op. 35) vào khoảng năm 1862–63.

Giai điệu chủ đề Caprice số 24 còn vang vọng mãi, đến hơn 130 năm sau, thế hệ cuối cùng của trường phái Lãng mạn, Rachmaninov, nhạc sĩ kiệt xuất người Nga, lại khơi dậy tinh thần Paganini ở tân lục địa – nước Mỹ xa xôi. Thật may mắn cho Rachmaninov, và cho tất cả chúng ta, bởi giai điệu ám ảnh trăm năm này đã có tác động đủ lớn đến người nhạc sĩ già, để ông lấy lại sức sáng tạo sau nhiều năm xa rời Tổ Quốc. Nhà soạn nhạc 61 tuổi một lần nữa được khơi dậy cảm hứng và “làm việc từ sáng đến tối theo đúng nghĩa đen” đã hoàn thành một kiệt tác sánh ngang với các tác phẩm thành công trước đó của ông.

Nhạc sĩ Lãng mạn cuối cùng – Rachmaninov đã sử dụng những nốt nhạc rất cũ để xây nên một tác phẩm mới, soạn cho piano đối đáp cùng dàn nhạc: mở đầu là một đoạn dẫn nhập, theo sau là 24 lần biến tấu trên chủ đề Caprice số 24 của Paganini. Vào tay Rachaminov, chủ đề Caprice số 24 được biến hóa thành nhiều phiên bản, chứa đựng nhiều tâm trạng và tính cách khác nhau, từ chủ nghĩa anh hùng của biến khúc thứ 14 đến sự dịu dàng của biến khúc thứ 18, phần nổi tiếng nhất của toàn bộ bản Rhapsody.

Nghe tác phẩm

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY