Thứ Năm, Tháng Năm 16, 2024
Trang chủNhân vậtNghệ sĩIsaac Stern (1920-2001)

Isaac Stern (1920-2001)

Tác giả: Cobeo tổng hợp

TIỂU SỬ
TÀI LIỆU LIÊN QUAN
“Khi bạn tin vào một điều nào đó,  bạn có thể dịch chuyển cả núi” –Isaac Stern

 Nghệ sĩ violin bậc thầy Isaac Stern được coi là một trong những violinist vĩ đại nhất của thế kỉ 20 cùng với những tên tuổi lớn khác như David Oistrakh, Jascha Heifetz, Yehudi Menuhin, Nathan Milstein hay Leonid Kogan. Bên cạnh đó ông còn được biết đến như là người rất nhiệt thành trong việc truyền bá âm nhạc cổ điển. Đã có rất nhiều bài báo khen ngợi ông, rất nhiều mĩ từ dành tặng ông nhưng với bản thân mình Stern chỉ coi mình đơn giản là: “một người chơi đàn violin”, đơn giản và bình dị.

 Isaac Stern sinh ngày 21 tháng 7 năm 1920 tại Kremenetz, Ukraine trong một gia đình có nguồn gốc Do Thái. Tuy nhiên, khi chỉ mới được hơn 10 tháng tuổi cả gia đình cậu bé phải di cư sang Mĩ vì cuộc nội chiến xảy ra tại Nga. Định cư tại San Francisco, cả bố và mẹ Isaac đều từng học nhạc và cậu bé được mẹ – một ca sĩ chuyên nghiệp từng theo học tại Nhạc viện St. Petersburg bắt đầu dạy chơi piano khi lên 6 tuổi. Không phải là một thần đồng đúng nghĩa, Isaac chỉ bắt đầu học chơi violin khi lên 8 tuổi. Cậu theo học 3 năm tại Nhạc viện San Francisco với người thầy giáo đầu tiên là Robert Pollack và sau đó là với nhà sư phạm, nghệ sĩ violin nổi tiếng Louis Persinger – Stern trở thành một trong 3 học sinh xuất sắc nhất của Persinger, 2 người còn lại là Yehudi Menuhin và Ruggiero Ricci. Tuy nhiên, Isaac lại đánh giá rất cao Nahum Blinder – concertmaster của San Francisco Symphony Orchestra, người mà cậu theo học sau đó cho đến khi 15 tuổi và luôn coi là người thầy thực sự duy nhất trong sự nghiệp của mình. Sau này khi đang ở đỉnh cao của sự thành công, Stern vẫn luôn dành cho Blinder những lời nhận xét hết sức trân trọng: “Ông đã dạy tôi cách như thế nào để tự học và đó là điều quan trọng nhất mà một người thầy có thể truyền đạt lại cho học sinh của mình”!

 Kể từ thời điểm theo học với Nahum Blinder, trình độ chơi đàn của Stern đã thăng tiến một cách chóng mặt đồng thời bản lĩnh sân khấu của cậu cũng ngày càng được củng cố do Stern rất tích cực tham gia biểu diễn thính phòng – điều mà Stern luôn duy trì trong những năm tháng sau này, cậu thường xuyên chơi các tứ tấu, ngũ tấu đàn dây với những thành viên của San Francisco Symphony Orchestra. 14 tuổi, Stern đã có 1 recital đầu tiên và một năm sau, vào ngày 18 tháng 2 năm 1936, Stern đã có một concert đầu tiên của mình với màn trình diễn Violin concerto số 3 giọng Si thứ của Camille Saint-Saens cùng San Francisco Symphony Orchestra và nhạc trưởng Pierre Monteux – chương trình được phát thanh rộng rãi trên toàn nước Mĩ. Sau đó Stern còn tiếp tục hợp tác với San Francisco Symphony Orchestra trong một vài tác phẩm khác như Violin concerto giọng Rê trưởng, Op. 61 của Johannes Brahms với chỉ huy là Willem van den Berg; Double concerto cho 2 violin giọng Rê thứ, BWV. 1043 của Johann Sebastian Bach cùng với người thầy yêu quí của mình và Violin concerto giọng Rê trưởng, Op. 35 của Peter Ilyich Tchaikovsky tại Los Angeles cùng với nhạc trưởng Otto Klemperer.

 Vào ngày 11 tháng 10 năm 1937, Isaac Stern có buổi biểu diễn ra mắt tại Town Hall, New York – nơi mà cậu còn quay trở lại đây vào ngày 18 tháng 2 năm 1939. Sáng hôm sau, hàng loạt những tờ báo đăng những lời ngợi khen chàng trai trẻ và từ đó, Stern đã trở nên nổi tiếng trên khắp nước Mĩ bất chấp tuổi đời còn quá trẻ của mình. Chiến tranh thế giới thứ 2 xảy ra nhưng sự nghiệp của Stern không hề bị gián đoạn, cậu liên tục thực hiện hàng loạt buổi biểu diễn cho Quân đội Mĩ tại Iceland, Greenland và Nam Thái Bình Dương.

 Ngày mùng 8 tháng 1 năm 1943, Stern đã có buổi biểu diễn đầu tiên của mình tại Carnegie Hall, New York – một trong những phòng hoà nhạc nổi tiếng nhất thế giới. Một năm sau, ông thực hiện 2 chương trình đáng nhớ cùng với New York Philharmonic dưới sự chỉ huy của Dimitri Mitropoulos và Arthur Rodzinski – mở đầu cho một sự cộng tác kéo dài gần 4 thập niên sau đó. Năm 1945, cùng với hãng Columbia ông đã có bản thu âm đầu tiên của mình. Lúc này Stern đã trở nên vô cùng nổi tiếng và ông thường xuyên biểu diễn cùng nhiều nhạc trưởng xuất sắc như Sir Thomas Beecham, Dimitri Mitropoulos, Bruno Walter, Eugene Ormandy, Leonard Bernstein hay George Szell. Trong sự thành công của Stern không thể không nhắc đến sự giúp đỡ, hướng dẫn của nhà tổ chức biểu diễn danh tiếng Sol Hurok. Bên cạnh việc được biết đến như là một nghệ sĩ violin, thập niên 40 của thế kỉ 20 cũng chứng kiến sự tham gia của Stern trong các bộ phim của Holywood. Mở đầu là vai bóng ma của nghệ sĩ violin trong bộ phim Humoresque vào năm 1946 – có sự tham gia của ngôi sao điện ảnh John Garfield và sau đó là bộ phim về cuộc đời của Sol Hurok: Tonight We Sing mà Stern vào vai nghệ sĩ vĩ cầm danh tiếng người Bỉ Eugene Ysaye. Bên cạnh đó, ông còn đảm nhận phần độc tấu violin trong bộ phim giành được giải Oscar dành cho nhạc nền: Fiddler on the Roof.

 Sau chuyến lưu diễn tại Australia vào năm 1947, Isaac Stern xuất hiện lần đầu tại châu Âu vào năm 1948 khi ông biểu diễn tại Lucerne Festival cùng với nhạc trưởng Charles Munch. Ông cũng được mời biểu diễn tại Prades Festival – liên hoan âm nhạc do nghệ sĩ cello lỗi lạc Pablo Casals tổ chức từ năm 1950 đến năm 1952 (trong đó liên hoan tổ chức vào năm 1950 là để long trọng kỉ niệm 200 năm ngày qua đời của nhà soạn nhạc thiên tài Johann Sebastian Bach) và tại Edinburgh Festival vào năm 1953. năm 1956, Stern có chuyến lưu diễn đáng nhớ tại Liên Xô để đáp lại chuyến viếng thăm của Emil Gilels tại Mĩ một năm trước đó – mở đầu cho sự trao đổi văn hóa nói chung và nhạc cổ điển nói riêng giữa 2 cường quốc bất chấp cuộc chiến tranh lạnh đang xảy ra.

 Cuộc gặp gỡ với Casals hẳn nhiên đã đem lại những ảnh hưởng to lớn đối với Stern. Chính Casals đã khơi lại nguồn cảm hứng biểu diễn các tác phẩm thính phòng đối với Stern, vốn đã bị lãng quên kể từ khi ông rời bỏ thành phố San Francisco. Trong thập niên 50, cùng với những nghệ sĩ khác như Eugene Istomin, Alexander Schneider, William Primrose và Paul Tortelier, Stern đã tích cực hơn trong việc trình tấu các violin sonata, trio, string quartet, string quintet của những nhạc sĩ danh tiếng. Và đến năm 1960 tam tấu Stern (violin) – Istomin (piano) – Rose (cello) ra đời. Họ đã trở thành một trong những tam tấu nổi tiếng nhất thế giới và cùng nhau thực hiện rất nhiều buổi biểu diễn cho đến khi Leonard Rose qua đời vào ngày 16 tháng 11 năm 1984. Không chỉ là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất nước Mĩ, Stern còn được biết đến như là một nhà hoạt động xã hội xuất sắc. Cũng trong năm 1960, Stern đứng ra thành lập một nhóm người với mục đích bảo vệ Carnegie Hall. Tại sao một phòng hoà nhạc nổi tiếng mà hầu hết các nghệ sĩ được biểu diễn ở đây đều cảm thấy vinh dự lại cần được bảo vệ? Vốn là New York Philharmonic – dàn nhạc trước đây thường xuyên biểu diễn tại Carnegie Hall đã chuyển đến một phòng hoà nhạc mới tại Lincoln Center. Khi đó có nguồn tin cho rằng ngân sách của thành phố New York không đủ để chi trả cho 2 phòng hoà nhạc lớn và như vậy có thể Carnegie Hall sẽ bị phá bỏ để xây một toà nhà thương mại chọc trời. Tuy nhiên dưới sự phản đối quyết liệt của nhóm người do Stern cầm đầu, điều nực cười này đã không xảy ra và Carnegie Hall Cooporation – hiệp hội phi lợi nhuận với mục đích bảo vệ, giám sát và quản lí Carnegie Hall ra đời và không có gì ngạc nhiên khi Stern được bầu là Chủ tịch hội – cương vị mà ông đảm nhận trong hơn 35 năm.

 Có quan điểm trái ngược với người đồng nghiệp Yehudi Menuhin – cũng mang trong mình dòng máu Do Thái, Isaac Stern luôn từ chối việc đến biểu diễn tại Đức sau thảm cảnh quân phátxít thảm sát những người Do Thái trong cuộc chiến tranh thế giới thứ 2. Stern luôn nhiệt thành trong việc đoàn kết những người Do Thái lại với nhau. Ngay sau khi xảy ra sự kiện Six Days War (cuộc chiến diễn ra trong 6 ngày từ ngày mùng 5 đến ngày 10 tháng 6 năm 1967 giữa quân đội Israel và liên quân Ai Cập, Syria, Iraq, Jordan, Saudi Arabia) cùng với Leonard Bernstein và Israel Philharmonic, Stern đã biểu diễn bản violin concerto giọng Mi thứ, Op. 64 của Felix Mendelssohn tại đỉnh Mt. Scopus. Chúng ta có thể thưởng thức buổi hoà nhạc đáng nhớ này trong bộ phim A Journey to Jerusalem (Cuộc hành trình tới Jerusalem). Stern cũng là chủ tịch của American – Israel Cultural Foundation, chủ tịch và sáng lập viên của Jerusalem Music Centre – một trung tâm có nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển của những tài năng trẻ Israel. Stern đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng, dạy dỗ những nghệ sĩ violin trẻ của Israel như Itzhak Perlman, Pinchas Zukerman và Shlomo Mintz.

 Nếu như ở Heifetz là một nền tảng kĩ thuật đầy kích thích; Oistrakh là sự chuẩn mực đáng khâm phục; Menuhin thần đồng tinh tế và tài hoa, Milstein là một tổng thể hài hoà, Kogan là sự góc cạnh và mạnh mẽ thì với Stern, cây đàn violin luôn tấu lên những âm thanh da diết đến nao lòng. Khán giả khi lắng nghe Stern thường lặng đi trước một tiếng đàn violin ấm áp và cháy bỏng, đặc biệt là ở những chương chậm. Danh mục biểu diễn của Stern trải dài từ Antonio Vivaldi đến Henri Dutilleux. Không chịu bó buộc trong các violin concerto chuẩn mực thường gặp, Isaac Stern được thừa nhận là nhà vô địch trong việc giới thiệu những tác phẩm mới của các nhạc sĩ đương đại. Ông chính là người biểu diễn đầu tiên trên phạm vi thế giới các tác phẩm cho violin và dàn nhạc của William Schuman (1950), Leonard Bernstein (1954), George Rochberg (1975), Krzysztof Penderecki (1977), Henri Dutilleux (1985) và Peter Maxwell Davies (1986) và trên phạm vi nước Mĩ là các violin concerto của Bela Bartok và Paul Hindemith. Với Stern, có lẽ một trong những lời nhận xét chính xác nhất là của New York Times: “Isaac Stern dường như không chỉ là một nghệ sĩ violin mà lần lượt là Johann Sebastian Bach, Joseph Haydn, Wolfgang Amadeus Mozart, Bela Bartok và Karol Szymanowski. Chìm đắm trong âm nhạc với tinh thần của Stern và kĩ thuật điêu luyện của ông, chính không gian hiếm có này đã làm cho âm nhạc đến được với người nghe”.

 Trong suốt sự nghiệp biểu diễn lừng lẫy hơn 60 năm của mình, Stern đã xuất hiện tại hầu hết những phòng hoà nhạc nổi tiếng và bên cạnh đó ông còn được biết đến với hơn 100 bản thu âm gồm hơn 200 tác phẩm của 63 nhà soạn nhạc. Hầu hết những đĩa nhạc này được Stern thực hiện với hãng ghi âm Sony Classical (trước đây tên là CBS Masterworks và trước nữa là Columbia). Năm 1985, nhân dịp kỉ niệm 40 năm cộng tác giữa Stern và Sony Classical ông đã được phong tặng danh hiệu “nghệ sĩ danh dự” như một sự chứng nhận cho một mối quan hệ bền chặt. Và mười năm sau, năm 1995, Sony Classical cho phát hành một tuyển tập các bản thu âm trước đây của ông với tựa đề: Isaac Stern: A Life in Music (Isaac Stern: Một cuộc đời âm nhạc) gồm 44 CD. Đây xứng đáng được coi là cuốn nhật kí ghi chép lại toàn bộ sự nghiệp của một con người, một nghệ sĩ violin vĩ đại. Pinchas Zukerman – người thường xuyên hoà tấu violin và viola cùng Stern đã nhận xét về tuyển tập này: “Những bản thu này của Isaac Stern phải có trong bất kì thư viện âm nhạc nào, ông là một nghệ sĩ bậc thầy của thế kỉ 20 với một vẻ đẹp trang nhã diệu kì. Tôi phải nói ra những điều này để cho thấy lòng biết ơn của tôi đối với ông, rằng ông là nghệ sĩ mẫu mực không chỉ đối với tôi mà còn đối với cả nền âm nhạc thế giới. Tôi hi vọng rằng ông còn tiếp tục cống hiến những lời khuyên, tình yêu và sự hiểu biết như ông đã từng làm trong suốt sự nghiệp của mình”.

 Một điểm nhấn đáng chú ý nữa trong cuộc đời của Isaac Stern là bộ phim “From Mao to Mozart: Isaac Stern in China” nói về một lần viếng thăm Trung Quốc của ông, trong đó Stern được coi như một nhà truyền bá âm nhạc cổ điển cho những học sinh trẻ ưu tú của Trung Quốc đã giành được giải Oscar dành cho phim tài liệu vào năm 1981 và được nhận giải thưởng đặc biệt lại Liên hoan phim quốc tế Cannes, Pháp.

 Sau khi nghệ sĩ cello Leonard Rose qua đời năm 1984, Stern ngừng biểu diễn tam tấu và tứ tấu trong một thời gian và chỉ quay trở lại vào năm 1987 với một êkíp mới với Yo-Yo Ma (cello), Jaime Laredo (viola) và Emanuel Ax (piano). họ đã cùng nhau thu âm cho Sony Classical rất nhiều piano quartet của Ludwig van Beethoven, Johannes Brahms, Antonin Dvorak, Gabriel Faure, Robert Schumann và Wolfgang Amadeus Mozart. Bên cạnh đó, họ đã cùng nhau thực hiện chuyến lưu diễn vào tháng 2 năm 2000 tại Carnegie Hall cũng như Los Angeles và San Francisco. Trong thập niên 90 của thế kỉ 20, cũng cần phải chú ý đến sự kết hợp của Stern với nghệ sĩ piano người Nga gốc Do Thái Yefim Bronfman. Họ đã cùng nhau biểu diễn tại Nga vào năm 1991 và thu live các trọn bộ các violin sonata của Brahms. Tháng 5 năm 1995 là với 2 violin sonata của Bartok tại nhà hát Champs-Elysées, Paris. Và vào mùa thu năm 1999, cùng với Bronfman, Stern đã thực hiện được một trong những tâm nguyện lớn nhất của mình: thu âm trọn bộ các violin sonata của Mozart. Cũng trong năm 1999 này, với sự giúp đỡ của nhà văn Mĩ Chaim Potok, Stern cho xuất bản cuối hồi kí “My first 79 years”. Trong đó ông nhấn mạnh rằng những nghệ sĩ như Nathan Milstein và Arthur Grumiaux đã tạo ra ảnh hưởng chính đến phong cách biểu diễn của mình.

 Stern đã sử dụng nhiều cây đàn violin trong sự nghiệp của mình. Trong đó gắn bó nhất với ông phải kể đến Guarneri del Gesù (1737) mà ông mua được vào năm 1947. Ông đã bán lại nó vào năm 1994. Năm 1996, Vadim Repin đã mượn lại cây đàn này để ghi âm các violin sonata của Maurice Ravel và Mikolai Metner từ người chủ của nó là David Fulton. Một cây đàn khác cũng được Stern ưa thích là Guarneri del Gesù (1740) trước đây thuộc về Eugene Ysaye và rất nổi tiếng với chữ kí và dòng chữ của Ysaye: “Cây đàn violin là người bạn chung thuỷ trong sự nghiệp của tôi”. Stern sở hữu nó vào năm 1965 và người chủ trước đó là nhạc trưởng, nghệ sĩ violin Charles Munch. Một số nghệ sĩ violin nổi tiếng khác cũng từng biểu diễn với cây đàn này là Yehudi Menuhin và Ivry Gitlis. Ngoài ra, Stern đã từng chơi trên một số cây violin như Straviari (1721) “The Kruse”, G. B. Guadagnini (1750 và 1754) hay J. B. Vuillaume (1846) “The Tsar”.

 Không thể kể hết những giải thưởng mà ông được trao, những danh hiệu danh dự mà ông được phong tặng nhưng có lẽ đối với Stern tất cả những điều đó không phải việc mà ông quan tâm. Với Stern, ông chỉ cần được biểu diễn, được đón nhận, được sẻ chia những kinh nghiệm, kiến thức của mình và được chứng kiến tình yêu nhạc cổ điển lan toả trong mỗi một con người. Những người yêu nhạc cổ điển luôn nhớ tới ông như là một trong những nghệ sĩ, nhà truyền bá âm nhạc vĩ đại nhất thế kỉ 20. Trái tim cao cả đó đã vĩnh viễn ngừng đập vào ngày 22 tháng 9 năm 2001. Isaac Stern đã mãi mãi xa lìa chúng ta ở độ tuổi 81.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY