Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềTham quan bảo tàng "Trên mây"

Tham quan bảo tàng “Trên mây”

Tác giả: Lê Hải Đăng

Tựa như một web site với các “cửa sổ” dẫn lối vào từng chuyên mục, Bảo tàng Mở (Open Museum) “trên mây” của trường Đại học Nghệ thuật Quốc lập Đài Bắc (Taipei National University of Arts) được thiết kế trên cơ sở dữ liệu đã được số hóa cho phép người tham quan đến và đi một cách tự do, không giới hạn về thời gian, không gian. Đây có thể nói là một cách tiếp cận mới, mở ra nhiều triển vọng nhằm khai thác, phát huy giá trị di sản.

Trước thềm năm mới giáp thìn (2024), giáo sư Lý Tịnh Huệ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Âm nhạc học Truyền thống đã gửi cho tôi đường link giới thiệu về Bảo tàng Mở này.

Về tổng thể, nó gồm: “Chuỗi triển lãm theo chuyên đề”, “Hiện vật trưng bày”, “Triển lãm”, “Thông tin liên quan”, “Đăng nhập”.

Trong “Chuỗi triển lãm theo chuyên đề”, có “Thư viện tặng vật của đạo diễn Lý Hạnh”; “Festival Quan Độ” với rất nhiều hình ảnh, âm thanh, tư liệu động tĩnh…

Gian “Hiện vật trưng bày” có 803 hiện vật với các loại hình ảnh, tư liệu chép tay, ấn phẩm, thư tịch, văn kiện, hồ sơ, tư liệu hình ảnh động, âm thanh, văn vật, tác phẩm điện ảnh, nghệ thuật thị giác, nghệ thuật thính giác. Trong đó, có rất nhiều hiện vật, kỷ vật quý giá, như tư liệu chép tay, băng casette, pano chương trình biểu diễn nghệ thuật, bìa tạp chí… Đi kèm với nó là những yếu tố pháp lý, vấn đề bản quyền, phân loại hồ sơ, giới thiệu người sở hữu hoặc hiến tặng, mã số…

Gian “Triển lãm” giới thiệu kịch bản chép tay của tác giả Diệp Mỹ Cảnh với những câu chuyện về không gian, thời gian. Tìm hiểu quá trình chuyển hóa từ cổ vật đến bảo vật, những câu chuyện về “Trí tưởng tượng trong nghệ thuật hoa”, “Lắng nghe âm thanh bản địa Đài Loan”, “Lửa tri thức”, “Bức lam đồ của trường Nghệ thuật Đài Bắc”, “Sự hình thành Festival Quan Độ”, “Ba vòng quanh trường”, “Ghi chép phỏng vấn lịch sử nhà trường”… Tất cả đều phản ánh qua góc nhìn đa chiều.

Có thể thấy, hiện vật trong Bảo tàng Mở bao trùm các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… Một trong những đặc sắc của nó là cách thiết kế mang tính tương tác cao nhằm tạo nên sức sống, cũng như không gian sáng tạo. Bảo tàng “trên mây” của trường Đại học Nghệ thuật Quốc lập Đài Bắc chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2020. “Đây là không gian bảo tàng online về tư liệu lịch sử, một kho dữ liệu sản phẩm trí tuệ Mở của trường được triển lãm theo chuyên đề. Thông qua diễn đàn này nhằm cung cấp, chia sẻ thành quả nghiên cứu, giảng dạy, học tập, biểu diễn, hoạt động cộng đồng của Đại học Nghệ thuật Quốc lập Đài Bắc”.

Hiện tại, gian “Triển lãm” đang trưng bày bản thảo chép tay của tác giả Diệp Mỹ Cảnh (1905-2002), một trong những bậc thầy xuất sắc về nghệ thuật Bắc quản cuối thế kỷ 20 được ví như cuốn Từ điển sống trong âm nhạc Bắc quản với hiểu biết, kinh nghiệm giảng dạy phong phú. Triển lãm lần này giới thiệu 256 bản thảo của ông. Dự án do nhóm tác giả: Phan Nhữ Đoan, Lý Tịnh Huệ, Cao Tương Toàn, Lương Chính Nhất…khoa Âm nhạc học Truyền thống thực hiện.

Trưng bày hiện vật trên môi trường mạng đòi hỏi nhiều chỉ dẫn công phu, tỉ mỉ, mang tính gợi mở, khai sáng. Tính riêng bản thảo chép tay, ngoài hình ảnh scan đạt chất lượng, còn phải giải thích tường tận hình thức, nội dung, thậm chí chi tiết từng hiện vật để người quan sát thấy được giá trị nội tại.

Như chúng ta biết, giá trị di sản không nằm trên bản thân sự vật mà ở mối quan hệ giữa các chủ thể. Nếu dừng lại ở tính chất bảo tàng cổ vật, hiện vật khó thể tự chuyển hóa thành bảo vật. Nói cách khác, di sản thực sự phát huy trong môi trường tương tác cao độ, đặc biệt có sự tham gia của nhà thiết kế, cách sắp xếp nội dung nhằm kể những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, số phận con người…

Tham quan Bảo tàng “trên mây” thấy sự sắp xếp hiện vật đầy dụng ý, các đối tượng được mô tả, cung cấp tỉ mỉ về nội dung. Tuy không thể chạm vào từng hiện vật, nhưng lại thấy một cách rõ rệt những thông số liên quan, nhất là thông tin liên kết. Công trình này được thiết kế với những điểm nhìn có chủ đích. Vào đây không có tiếng ồn ào của khách tham quan, không có lời giới thiệu nhiệt tình của hướng dẫn viên. Tất cả đều diễn ra lặng lẽ, mỗi hiện vật hiện ra sau Clik của người tham quan. Bảo tàng Mở cũng không thiên về quy mô, chiều kích, nhưng lại đi vào chiều sâu nội tại, giống như tham quan báu vật, kỷ vật của một thời đã qua.

So với việc di chuyển dọc ngang trong không gian, Bảo tàng “trên mây” đưa ta chìm vào thế giới suy tưởng. Tuy không thể phóng tầm mắt bao quát toàn bộ không gian trưng bày, nhưng lại dễ dàng đi vào quan sát từng hiện vật nhỏ, chi tiết, đầy hối thúc. Bởi, đằng sau mỗi hiện vật chứa đựng những bí ẩn cần tìm hiểu, khám phá. Chúng vừa là miền ký ức cho tâm tưởng con người neo đậu, vừa là chân trời sáng tạo nhằm đánh thức giá trị di sản.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY