Thuật ngữ romance (tiếng Tây Ban Nha: romance/romanza, tiếng Ý: romanza, tiếng Đức Romanze, tiếng Pháp: romance, tiếng Nga: романс) có một lịch sử dài hàng thế kỉ. Bắt đầu là những ballad mang tính kể chuyện ở Tây Ban Nha, đến thế kỉ 18 nó đã được áp dụng đối với những tác phẩm trữ tình không chỉ viết cho giọng hát mà còn cho nhạc cụ. Romance, với hàm ý “lãng mạn, thơ mộng” (theo từ điển Grove Music), có thể là một tác phẩm viết cho giọng hát và phần đệm khí nhạc, đôi khi áp dụng cho những tác phẩm khí nhạc, thậm chí cho một chương của một tác phẩm lớn (ví dụ như chương hai violin concerto của Ludvig van Beethoven, chương hai piano concerto No. 20 giọng Rê thứ (K.466) của Wolgang Amadeus Mozart…)

Renata Scotto trên sân khấu Metropolitan Opera với vở “Norma” năm 1981.

Ảnh: Jack Mitchell/Getty Images.

 Romance cho giọng hát solo và phần đệm khí nhạc là một thể loại thơ-nhạc có khuôn khổ vừa phải. Xuất hiện vào giữa thế kỉ 18 đặc biệt là ở Pháp và Ý, nó thường đề cập đến các chủ đề tình yêu bằng âm nhạc ở hình thức đơn giản, thường là hai hay ba đoạn đơn. Tuy nhiên, cũng có khi còn gặp những romance có cấu trúc phức tạp hơn như ở hình thức rondo chẳng hạn.
 Vai trò phần đệm của nhạc khí trong romance rất quan trọng. Nó góp phần để diễn tả rõ hơn hình tượng của giai điệu, tạo màu sắc cho giai điệu, ví dụ như romance “Chim sơn ca” của Mikhail Glinka có phần đệm hoạ lại tiếng chim hót. Romance “Người thợ xay và dòng suối” và “Con cá hồi” của Franz Schubert có phần đệm như hoạ lại tiếng róc rách của nước chảy. Nhạc cụ đệm được đưa vào romance thường là clavecin, harp và nhất là piano. Tuy nhiên các cấu trúc khác có thể là giọng hát với phần đệm của một tam tấu hay tứ tấu đàn dây, một dàn nhạc thính phòng thậm chí cả một dàn nhạc đầy đủ. Trong những trường hợp khác, một nhạc cụ khác (bắt buộc) được dự định tạo ra một màu sắc đặc biệt cho tác phẩm (nó có thể cần đến flute, violin, horn…)
 Thể loại romance cho giọng hát solo và phần đệm khí nhạc đạt đến thời kỳ hoàng kim của mình trong thời Cách mạng Pháp và Đế chế Napoleon, rồi dần suy tàn dưới thời Trung hưng. Tuy nhiên nó cũng đạt tới thành công đủ tầm cỡ nhất là trong các salon và cả trong các buổi hòa nhạc. Romance cũng xuất hiện trong các phóng tác của thể loại trong các tác phẩm khác, đặc biệt là trong opera nhưng cũng cả trong âm nhạc tôn giáo nữa. Ta có thể thấy một romance ở cảnh 4 màn II vở hài kịch Mariage de Figaro ou la Folle journée (Ngày điên rồ hay Đám cưới Figaro) của Beaumarchais. Nó được lấy cảm hứng từ phong cách thời Trung cổ. Bản romance là một bài thơ dưới hình thức bài ca, toàn bộ dựa trên giai điệu của Marlbrough s’en va-t-en guerre (một bài ca cổ của Pháp mà phần lời lời được cho là của Madame de Sévigné) được dự tính để quyến rũ bà bá tước. Aria “Je crois entendre encore” trích trong opera Les pêcheurs de perles (Những người mò ngọc trai) của Georges Bizet cũng được liệt vào thể loại romance trong tổng phổ.
 Thể loại romance cho giọng hát solo và phần đệm khí nhạc sau đó nhường chỗ cho thể loại mélodie ở Pháp nhưng đặc biệt là được thay thế bằng thể loại lied có nguồn gốc Đức. Trong thế kỉ 18 và 19 các nhà soạn nhạc Nga đã phát triển nhiều loại romance Pháp thành thể loại romance tình cảm của Nga.
 Romance khí nhạc thường được viết cho một nhạc cụ chính (violin, flute…) kèm theo với phần đệm piano hay dàn nhạc. Chẳng hạn như hai romance cho violin và dàn nhạc (no. 1 G-dur, Op. 40 và no. 2 in F-dur, Op. 50) của Beethoven; Romance giọng Pha thứ, Op. 11, cho violin và piano của Antonin Dvorak; Drei Romanze cho violin và piano của Clara Schumann…   Ngoài ra cũng có các romance cho các nhạc cụ solo như piano, guitar… Robert Schumann đặc biệt ưa chuộng tiêu đề romance cho các tác phẩm piano của mình song ông cũng có romance cho nhạc cụ khác như 3 Romance cho oboe và piano bốn tay Op. 94 năm 1849.
(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)