Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềKhúc hồn tử sĩ tại nghĩa trang huyện Di Linh

Khúc hồn tử sĩ tại nghĩa trang huyện Di Linh

Tác giả: Đức Anh
Mấy chục năm qua, bất kể nắng gió, mưa lạnh, ông chưa một lần vắng mặt trong các buổi lễ tưởng niệm diễn ra tại huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng). Ông đến đó để biểu diễn khúc nhạc Hồn tử sỹ cho anh linh các liệt sỹ và những người còn sống…

Khúc nhạc tri ân

Tôi biết chuyện này khi cùng Nhạc sĩ Trần Khánh Nam (Hội viên Hội nhạc sĩ tỉnh Lâm Đồng) đi Trường Sa trong tháng 4 vừa qua. Ông cho tôi xem hàng chục bức ảnh của ông và tôi nhớ bức ảnh đặc biệt: Nhạc sĩ Nam đứng nghiêm trang bên chiếc đàn, bấm từng nốt nhạc giữa không gian mênh mang của nghĩa trang liệt sĩ.

Tháng 7 tri ân - Bài cuối: 37 năm và khúc Hồn tử sỹ tại nghĩa trang ảnh 1

Nhạc sĩ Trần Khánh Nam đánh đàn tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Di Linh

“Mấy chục năm qua, trong các buổi lễ tưởng niệm diễn ra tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Di Linh, tôi đều tham dự và tự tay đánh khúc nhạc “Hồn tử sỹ”, Nhạc sĩ Nam nói. Hồn tử sỹ – sáng tác đặc biệt của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước thường được sử dụng trong những giây phút linh thiêng xúc động tiễn đưa, tưởng niệm những người đã khuất, những chiến sĩ đã bỏ mình vì sự trường tồn của Tổ quốc. Với giai điệu chầm chậm, linh thiêng như nhịp bước của đoàn tử sĩ, khúc nhạc gợi lên sự bi hùng về cái chết của người tử trận.

Tháng 7 tri ân - Bài cuối: 37 năm và khúc Hồn tử sỹ tại nghĩa trang ảnh 2

Nhạc sĩ Trần Khánh Nam được mời trao đổi với học sinh về các chuyến đi thực tế

Nhạc sĩ Nam bảo rằng, giữa thiên nhiên, không gian mênh mông đầy trang nghiêm trong lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ khúc ca “Hồn tử sỹ” phát qua loa đài có vẻ không hợp. “Tôi đánh đàn organ với mong muốn đưa sự nhẹ nhàng, khí, chất của khúc nhạc với độ nhạy của bàn phím sẽ dễ đi vào lòng người. Và lớp các lão thành cách mạng ở địa phương đã nghe quen và bảo tôi cố gắng làm. Tôi mong muốn các anh hùng liệt sĩ được nghe thấy âm hưởng của khúc nhạc. Đó cũng là cách để chia sẻ, tri ân với những người chồng, người cha, người con liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập tự do, sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là sự tôn trọng, việc làm chân thật. Tôi nghĩ các anh hùng liệt sĩ sẽ cảm nhận được thông qua thân nhân của họ. Điều thiêng liêng đó luôn thôi thúc tôi làm bất kể nắng, mưa”, Nhạc sĩ Nam chia sẻ.

“Các em có thể được cha mẹ cho đi du lịch khắp nơi nhưng một địa chỉ đỏ là nghĩa trang liệt sĩ, các em cũng cần phải biết. Đó là cách để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn; từ đó nhân lên tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”.
Nhạc sĩ Trần Khánh Nam

Tôi mang chuyện Nhạc sĩ Nam kể như trên, hỏi Bí thư Huyện ủy Di Linh Đinh Văn Tuấn. Ông Tuấn cho hay, Lâm Đồng có 3 nghĩa trang lớn, ở Đà Lạt, Bảo Lộc và Di Linh, nhưng có người trực tiếp đánh đàn trong lễ tưởng niệm là điều đặc biệt, chỉ có ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Di Linh. Điều đó thể hiện sự trang trọng, lòng biết ơn đối với công lao, xương máu của các anh hùng liệt sĩ. “Có anh đánh đàn, lễ tưởng niệm càng thêm trang trọng, đầy sự thành kính trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ. Những người tham dự buổi lễ đều rất xúc động và luôn động viên anh cố gắng duy trì”, Bí thư Huyện ủy Di Linh chia sẻ.

Giáo dục lòng biết ơn cho thế hệ trẻ

Nhạc sĩ Nam là nhân viên đo đạc bản đồ tại Lâm Đồng. Nhờ đó, ông mới biết quả đồi nằm ở cửa ngõ huyện Di Linh, lúc bấy giờ chưa phải là nghĩa trang liệt sĩ. Ông nghĩ trong đầu: “Tại sao mình không đề xuất làm một quả đồi tình nghĩa?”. Sau đó, ông khoanh quả đồi lại và đề xuất lãnh đạo đưa vào kế hoạch sử dụng đất của huyện. Mục đích là xây dựng một đồi tình nghĩa ở cửa ngõ vào huyện Di Linh. Việc đó nhận được sự nhất trí cao và được làm ngay sau đó.

Đến năm 1986, những đoàn viên, thanh niên được huyện Di Linh huy động để trồng cây thông trên đồi tình nghĩa này. Sau gần 40 năm, những cây thông ở đây mọc thẳng và vươn cao vút. “Một số người đề nghị tỉa bớt cho thoáng như những khu du lịch ở Đà Lạt nhưng tôi nói không nên, vì cây thông khi tỉa sẽ to chứ không cao như bây giờ. Và nếu cây thông to ra, thì tán sẽ rộng, cảm giác sẽ rất âm u”, nhạc sĩ Nam chia sẻ.

Những ký ức về quá trình xây dựng nghĩa trang được tái hiện trong dòng cảm xúc của nhạc sĩ Nam. Ông kể về lần đầu tiên dâng hương tại nghĩa trang, được nghe khúc “Hồn tử sỹ” kéo dài tới 2 phút. “Do phương tiện kỹ thuật lúc đó còn kém, bài nhạc thu được từ dàn nhạc quân đội, không có công nghệ cắt, cúp nên người phụ trách nhạc không biết dừng ở đoạn nào cho đúng. Người tham dự đứng lâu, chân mỏi, khúc nhạc tắt đột ngột, mất ý nghĩa thiêng liêng của một phút mặc niệm. Tôi mới nảy ra ý định: Tại sao mình không mang đàn ra và đánh? Và tôi nghĩ rằng, người chết cũng như người sống, thích những điều chân thật, cần nghe nhạc sống chứ không muốn nghe băng đĩa. Và tôi bắt đầu đánh đàn ở nghĩa trang liệt sĩ từ đó”, Nhạc sĩ Nam nói.

Nhạc sĩ Nam kể tiếp, những ngày trời lạnh, ông đánh nhạc ngắn lại, trời mưa thì đánh vừa vừa, còn trời nắng thì đánh khúc nhạc dài 45 giây. “Mỗi lần lên nghĩa trang, tôi đều hình thành và đánh theo ý nghĩ đó, chứ không phải làm khoán. Hay những ngày đặc biệt như ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, bất kể thời tiết thế nào, tôi cũng xin đánh khúc nhạc đúng 1 phút”, nhạc sĩ Nam cho biết.

Kể từ ngày đó, suốt 37 năm qua, cứ khi được huyện thông báo lịch tổ chức lễ kỉ niệm trên nghĩa trang liệt sĩ, nhạc sĩ Nam lại sắp xếp công việc để dự và đánh đàn. Không những thế, ông còn là người đến sớm để lo nhang, đèn, sắp lễ. Và ngày mùng 1 Tết hàng năm, việc đầu tiên của gia đình ông là lên nghĩa trang liệt sĩ thắp hương. Cũng giống như chuyến công tác của Đoàn số 6 đi Trường Sa vừa qua, ông cũng được mời làm chủ lễ đại diện tàu Kiểm ngư KN-490 mỗi khi lên đảo vào chùa dâng lễ.

Rồi ông kể tiếp, cách đây hơn chục năm, ông đưa học sinh ra Huế thi âm nhạc và căn chỉnh để kịp về tham dự lễ kỷ niệm Ngày giải phóng huyện Di Linh. Thế nhưng, lịch làm lễ kỷ niệm bị thay đổi tổ chức sớm hơn 3 ngày. Lãnh đạo huyện điện thoại nói ông cố gắng sắp xếp về xuống dự và đánh đàn. Ngay trong đêm đó, ông bàn giao học sinh cho một người trong đoàn phụ trách, tức tốc bắt xe khách qua rất nhiều chặng, đến sáng thì ông kịp về đến nơi dự lễ. Sau hôm đó, ông lại bắt xe trở ra Huế để đón học sinh về.

Nhạc sĩ Nam cho biết, mỗi năm ông lên thăm, tham dự kỉ niệm ở nghĩa trang liệt sĩ khoảng 9 lần. Trong những lần đó, có vợ, con của ông đi cùng, có lần là những học sinh của ông. Ông đưa con cùng học sinh lên nghĩa trang để giáo dục lòng biết ơn, lòng yêu nước, yêu đồng bào.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY