Chủ Nhật, Tháng Năm 19, 2024
Trang chủBài viếtThời của những huyền thoại

Thời của những huyền thoại

Tác giả: Bùi Trọng Hiền

Trong một lễ kỷ niệm tại Viện Âm nhạc hồi cuối tháng 10/2020, khi đó GS Tô Ngọc Thanh chân đã yếu, đi lại khó khăn hơn trước. Tôi đỡ ông vào hội trường, hai thầy trò chọn chỗ ngồi ở đầu hàng ghế trống cho thoáng. Lát sau, có một vị khách già lẫm chẫm tiến đến, vịn tay từ từ ngồi xuống chiếc ghế ngay phía trên thầy tôi. Thoáng trông, thấy ông cũng có vóc dáng nhỏ bé, miệng rộng, trán cao với đôi lông mày xếch ngược, toát lên vẻ rắn rỏi cương nghị. Thầy Thanh ghé tai tôi mỉm cười nói nhỏ: “Đây là chú Nguyễn Tài Tuệ”. Vừa ngồi chưa ấm chỗ, lão nhạc sĩ của “Xa khơi”, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” đã xoay hẳn người xuống ôm lưng ghế bắt chuyện với ông thầy tôi, chẳng cần chào hỏi gì, như thể hai người bên nhau lâu lắm rồi.

GS Tô Ngọc Thanh

– Thanh, mày có nhớ không? Cái hồi nó đánh tao, kiểm điểm lên kiểm điểm xuống… Nào là tại sao đang chiến tranh bom đạn ác liệt, mà lại dám viết những giai điệu buồn lãng mạn… Rồi đất nước đang chia cắt, anh viết “chiều tỏa nắng đôi bờ”, “thuyền em dong khơi”, “thương anh cách vời” để làm gì? Rồi những “con chuồn còn bay nơi nơi, con giang chiều gọi bạn”… là có ý gì? Rồi chúng nó đánh tao lên bờ xuống ruộng…

Thầy tôi chỉ nhe răng ra cười, chốc chốc gật gù thông cảm với ông bạn già. Còn tôi há hốc mồm lắng nghe từng câu, nuốt lấy từng chữ. Chú Nguyễn Tài Tuệ cũng chẳng cần đếm xỉa gì đến sự có mặt của người lạ (là thằng tôi), cứ thế tuôn trào hết chuyện này đến chuyện khác, toàn những thâm cung bí sử thuở nào… Mới hiểu, dù năm tháng đã trôi qua, những người trù dập ông phần đông cũng đã khuất bóng, vậy mà lòng căm hờn, phẫn uất khi xưa như vẫn còn nguyên vẹn. Đủ biết thời của các ông, cuộc sống làm nghề dữ dội, nghẹt thở đến nhường nào!

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ

Năm 1959, sau khi tốt nghiệp khoa sáng tác khóa 1 Trường Âm nhạc VN, Tô Ngọc Thanh được phân về Ban nghiên cứu âm nhạc (thuộc Vụ văn học nghệ thuật – tiền thân của Viện Âm nhạc). Năm 1962, theo “chủ trương hạ phóng” cán bộ, ông được điều động lên khu tự trị Tây Bắc. Thời đó, lệnh điều động công tác tựa như “quân lệnh”. Cán bộ đi đâu, làm gì đều do tổ chức sắp đặt, không được phép cưỡng lại. Hơn thế nữa, vị trí công tác sẽ kèm theo lương, tem phiếu, tiêu chuẩn các thức… Chống lệnh phân công thì không những có cơ “chết đói” mà còn phải chịu các mức án kỷ luật kiểu “nâng cao quan điểm”… Giai đoạn này, không chỉ Tô Ngọc Thanh mà còn nhiều cán bộ khác thuộc diện “có năng lực” cũng lần lượt được “hạ phóng”. Điển hình như nhạc sĩ Hồng Thao – bạn học sáng tác cùng khóa với Tô Ngọc Thanh, cũng thuộc dạng “trai tài Hà Nội”, năm 1965 được điều động lên Hà Giang, mãi đến năm 1971 mới xin chuyển được về Ty Văn hóa thông tin Hà Bắc.

Nhạc sĩ- nhà nghiên cứu Hồng Thao

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi đó khu tự trị Tây Bắc vẫn là vùng miền núi hẻo lánh, xa xôi cách trở trăm bề. Mấy ai lại muốn rời Hà Nội lên đóng đô lập nghiệp, sống cả đời người ở nơi “rừng thiêng nước độc” làm chi. Trong gia đình, Tô Ngọc Thanh lại là con trưởng, sau khi cha ông – danh họa Tô Ngọc Vân hy sinh trong kháng chiến, mẹ già và các em thơ rất cần có ông bên mình. Chưa kể ông học sáng tác âm nhạc, lên miền núi làm cán bộ văn hóa thông tin cơ sở là trái nghề. Hơn thế, đã ra đi là không có hẹn ngày về. Mới hiểu cái giây phút bị điều động lên miền heo hút, lòng người đau khổ và phẫn uất như thế nào. Ông kể rằng lúc xách balô từ biệt đồng nghiệp, rời khỏi Ban nghiên cứu âm nhạc, ông còn quay lại chửi thề tay lãnh đạo đã ra lệnh “hạ phóng” ông, rằng “…rồi có ngày mày sẽ phải đánh ô tô đón tao về nơi này..!”

Lên Tây Bắc, Tô Ngọc Thanh được phân công về làm ở Sở Văn hóa khu tự trị Tây Bắc, lấy nhà tù Sơn La làm đại bản doanh. Nhà cán bộ ở thì được dựng dạng lán trại, cửa gỗ ván, vách liếp tạm bợ đúng với hoàn cảnh núi rừng thời chiến tranh… Rừng núi khi đó còn hoang sơ heo hút lắm, ông kể mỗi lần xuống cơ sở phải đi cả chục cây số đường rừng, nên luôn mang theo khẩu súng trường bên mình. Cũng có lần đụng phải chúa sơn lâm trên đỉnh đèo, tí nữa thì bị nó vồ. Nhưng dù có rèn luyện thì sức trẻ của chàng trai Hà Nội cũng không trụ nổi với lam sơn chướng khí. Nhiều lần đổ bệnh nặng, có khi ốm chỉ còn da bọc xương, cơ quan phải cho ông về Hải Phòng dưỡng bệnh cả tháng trời. Sau này, những di chứng của ngã nước, sốt rét nơi thâm sơn cùng cốc vẫn mãi đeo đẳng cả đời ông.

Với người bình thường, trong hoàn cảnh ấy, hẳn sẽ cam chịu, lấy vợ sinh con lập nghiệp trên Sơn La, an bài số phận. Thế nhưng với Tô Ngọc Thanh, từ đây, chất thép trong con người bé nhỏ nhưng rất thông minh và ngang tàng đã bắt đầu một quá trình tôi luyện tự thân.

Những năm tháng trên Tây Bắc, ông tự học tiếng các tộc người thiểu số, bắt đầu thực hành nghiên cứu điền dã và sưu tầm dân ca. Cho đến nay, Tô Ngọc Thanh vẫn là chuyên gia hàng đầu về âm nhạc dân gian các tộc Tây Bắc, đặc biệt là người Thái. Điều kỳ vĩ hơn cả là giữa núi rừng âm u hiu quạnh, ông đã tìm tài liệu để mỗi tối thắp đèn dầu tự học tiếng Nga. Thế rồi bản thảo công trình nghiên cứu âm nhạc dân gian Tây Bắc dần hình thành, và được đánh máy… bằng tiếng Nga!

Cũng trên miền rừng thiêng núi thẳm, số phận đã run rủi sắp đặt cho ông gặp được người bạn đời tri kỷ. Bà là Lê Trung Chinh – con gái nhà danh gia vọng tộc Hà Nội, cháu nội bốn đời của quan Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc. Do hoàn cảnh gia đình sau năm 1954, bà cũng thoát ly lên Sơn La công tác ở Sở VH. Cặp trai tài gái sắc Hà Nội đã đến với nhau như một mối duyên tiền định, với những giai thoại lãng mạn, đẹp đến lạ lùng! Năm 1966, ông bà làm lễ thành hôn và năm 1967, cậu con trai đầu lòng Tô Ngọc Thảo đã cất tiếng khóc chào đời giữa núi rừng Tây Bắc.

Đầu năm 1972, sau 10 năm lăn lộn với núi rừng, số phận đã mỉm cười, thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà Huy Giáp trong một lần lên Tây Bắc công cán đã phát hiện ra Tô Ngọc Thanh là con trai trưởng của danh họa Tô Ngọc Vân, lập tức ra tay can thiệp để đưa ông trở lại Viện Âm nhạc.

Sang năm 1974, ông được cử sang Nhạc viện quốc gia Sofia Bulgaria làm thực tập sinh. Số phận lại tiếp tục mỉm cười, tại đây, ông được thụ giáo với GS.TS Stoijan Djudjev – học giả được coi là Béla Bartók của Bulgaria. Khi đọc bản thảo công trình của cậu học trò Việt Nam bằng tiếng Nga, vị giáo sư đã rất sửng sốt trước khối kiến thức thực tiễn nhạc dân gian đồ sộ của Tô Ngọc Thanh. Rất nhanh, khi biết học trò chỉ mới có bằng trung cấp, GS Djudjev đã cho ông học chương trình đào tạo cấp tốc các môn cơ bản của hệ đại học âm nhạc tại Bulgaria, rồi gửi những kết quả xuất sắc của kỳ thi về Việt Nam. Khi đó, được sự cho phép của lãnh đạo cấp cao, hiệu trưởng trường Âm nhạc Việt Nam là nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã đặc cách cấp bằng đại học âm nhạc cho Tô Ngọc Thanh. Và, dưới sự đỡ đầu của GS Djudjev (người thầy mà sau này ông coi như cha), Tô Ngọc Thanh tiếp tục xin ở lại Bulgaria, tìm việc lao động chân tay như rửa bát ở các khách sạn… để tự kiếm sống, hoàn thành luận án tiến sĩ vào năm 1978. Đến năm 1984, ông trở lại Bungaria thực tập, tiếp tục lái… taxi, máy xúc, chở hàng thuê kiếm tiền để hoàn thành luận án tiến sĩ khoa học vào năm 1987.

GS.TS Stoijan Djudjev thời trẻ

Tương tự như Tô Ngọc Thanh, sau những năm tháng “hạ phóng”, đi qua bao nỗi khó khăn nhọc nhằn, với tài năng và con tim nhiệt huyết, nhạc sĩ Hồng Thao cũng đã để lại cho đời những công trình đồ sộ về âm nhạc dân tộc H’Mông và đặc biệt là dân ca quan họ Bắc Ninh. Hai ông cũng viết chung cuốn sách “Tìm hiểu âm nhạc dân tộc cổ truyền” (1986).

Vậy đó, thời của những huyền thoại – câu chuyện vượt lên trên số phận, chuyển bại thành thắng của các bậc tiền bối lão thành đáng để muôn đời ghi nhớ!

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

MÊNH MANG TRỜI CHIỀU

MÙA HOA TRỞ LẠI

Hát Giang trường hận

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY