Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024
Trang chủBài viếtKhai thác, sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian Êđê để...

Khai thác, sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian Êđê để xây dựng ngôn ngữ âm nhạc trong sáng tác của một số nhạc sĩ Việt Nam

Tác giả: Trầm Tích

Âm nhạc dân gian của các tộc người Việt Nam mà trong đó có tộc người Êđê đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền âm nhạc chuyên nghiệp của nước ta. Trong quá trình xây dựng nền âm nhạc mới, các nhạc sĩ nước ta luôn xem nền âm nhạc dân gian là kho tàng quý giá để xây dựng ngôn ngữ âm nhạc cho tác phẩm. Đa số họ thường sử dụng những nhân tố hoặc hình tượng mang bản sắc dân tộc bằng cách chắt lọc chất liệu từ âm nhạc dân gian như giai điệu, tiết tấu, hòa âm, khúc thức, thang âm, điệu thức… để xây dựng, tạo nên đường nét độc đáo điển hình mang tính dân tộc trong những tác phẩm của mình.

Nghệ thuật khai thác, sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian Êđê đưa vào các sáng tác mới của các nhạc sĩ Việt Nam từ khá lâu đã trở thành một trong những nguyên tắc thẩm mỹ quan trọng trong việc thẩm định giá trị tác phẩm âm nhạc, trong phân tích tác phẩm âm nhạc, trong lý luận phê bình âm nhạc…

1. Sử dụng dân ca

Cũng như nhiều bài hát dân ca của các vùng miền, các dân tộc khác, dân ca Êđê phản ánh sâu sắc đời sống tình cảm, đời sống tinh thần của họ, với âm hưởng độc đáo, phong phú và đa dạng các điệu hát lại có giai điệu “khác, lạ” so với giai điệu các tộc người Tây Nguyên khác, dù “khác, lạ” nhưng lại có “nét đẹp” cuốn hút, hấp dẫn, dễ thuộc, dễ nghe… nên dân ca Êđê là nguồn cảm hứng vô tận cho khá nhiều nhạc sĩ địa phương cũng như khắp cả nước khai thác, sử dụng và sáng tạo nên những tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc phong phú về mặc hình thức lẫn thể loại. Những tác phẩm âm nhạc này có dấu ấn vùng miền rõ nét hơn, gần gũi hơn khi đến với người nghe trong nước và cả người nghe quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa.

Trong quá trình khảo sát và phân tích trên những tác phẩm sử dụng chất liệu dân ca Êđê, chúng tôi tìm thấy có nhiều tác phẩm thanh nhạc cũng như khí nhạc của các nhạc sĩ thuộc nhiều thế hệ xây dựng từ nguồn chất liệu quý báu đó. Chẳng hạn như chủ đề trong các tác phẩm âm nhạc của hai cố nhạc sĩ Nhật Lai và Đàm Thanh đều được xây dựng từ nguồn chất liệu dân ca Êđê. Các nhạc sĩ này sử dụng các môtip, các hư từ “bơ hơ, ê hê…” của dân ca Êđê như các điệu hát Ei rey, K’ưt… mang tính chất dẫn đề tạo cảm xúc cho ca khúc Mặt trời Êđê, ca kịch và ca cảnh Hơ bia, Hơ on, Nữ thần mặt trời của Nhật Lai, ca khúc Con trâu của Đàm Thanh…

Đến lứa nhạc sĩ thế hệ tiếp theo khá đông đảo và cũng rất thành công khi sử dụng các điệu hát dân ca như điệu hát Ei rey, điệu hát K’ưt… hoặc phỏng lại âm điệu trong dân ca Êđê như Nguyễn Cường với H’zen lên rẫy, Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột, Phạm Tuyên với Chú voi con ở Bản Đôn, Mạnh Trí với Nhịp điệu cao nguyên, Rừng núi hát tình ca, Linh Nga Niê Kđam với Tình ca cao nguyên, Sĩ Hùng với Voi ơi vào hội, Đức Hùng với Yêu sao Đăk Lăk hôm nay, Quang Dũng với Lên cao nguyên đi anh (phổ thơ Yên Ninh)…

Hai bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Cường được xây dựng trên hai giọng trưởng khác nhau, hai số chỉ nhịp khác nhau, nhưng xét về tiết tấu chỉ có sự thay đổi đôi chút ở các nốt kép nhịp lấy đà so với nốt đơn lấy đà của bài dân ca, cao độ của hai bài rất gần nhau. Với thủ pháp nhắc lại nét giai điệu trì tục, tác giả đã tạo ra câu nhạc kết bài vui nhộn trên âm hưởng đậm nét bài dân ca Chiriria đặc sắc. Sự nhào trộn khéo léo chất liệu điệu hát Ei Rey Êđê trong H’zen lên rẫy đã làm nhiều người nhầm ca khúc này là một bài dân ca Êđê.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên phỏng lại âm điệu chất liệu dân ca bài Chiriria của điệu hát Ei Rey để viết Chú voi con ở Bản Đôn – một ca khúc cho thiếu nhi rất hay.

Nhạc sĩ địa phương Đăk Lăk Mạnh Trí dùng chất liệu các điệu hát dân ca Êđê khá nhiều trong tổ khúc giao hưởng Đam San. Ở chương Allegro Vivace, Mạnh Trí sử dụng nguyên dạng giai điệu Chiriria trong điệu hát Ei rey làm bè giai điệu cho Flute 2. Ngoài ra, hợp xướng bốn chương Ban Mê một bài ca, ca khúc Bài ca trên đồi, Bơ hơi! mùa cà phê em hát còn sử dụng chất liệu các điệu hát Êđê như Ei rey, K’ưt. Ông sử dụng nguyên câu nhạc bài Chiriria làm bè chính cho tốp nữ trong Nhịp điệu cao nguyên.

Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam đã phỏng lại âm điệu dân ca Êđê cùng kết hợp nội dung chủ đề văn học là một câu chuyện cổ dân gian Êđê để viết ca khúc Tình ca cao nguyên đi vào lòng người. Nữ nhạc sĩ độc nhất của tỉnh Đăk Lăk cũng sử dụng các điệu hát Êđê kết hợp giao thoa với các điệu hát của các tộc người Tây Nguyên khác để viết nhiều tác phẩm hay như Mưa cao nguyên, Ngã sáu tôi yêu

Nhạc sĩ Quang Dũng với ca khúc Lên cao nguyên đi anh phổ thơ Yên Ninh, cố nhạc sĩ Đức Hùng với ca khúc Yêu sao Đăk Lăk hôm nay đều xây dựng chủ đề phỏng trên âm điệu chất liệu của điệu hát K’ưt, điệu hát Ei rey Êđê một cách khéo léo làm cho tác phẩm thật gần gũi.

Thế hệ nhạc sĩ tạm xem là thế hệ thứ ba sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian Êđê trong những tác phẩm âm nhạc đương đại thành công phải kể đến Y Phôn Ksơr với Chim phí bay về cội nguồn, Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời, Đôi chân trần… Các ca khúc này phỏng âm điệu của dân ca Êđê trong cao trào trên âm hình tiết tấu đảo phách kịch tính. Trong Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời ta gặp ngay âm điệu dân ca Êđê ở đầu điệp khúc kết hợp với âm hình tiết tấu khá hiện đại.

Các tác phẩm âm nhạc khai thác chất liệu âm nhạc dân gian Êđê của thế hệ các nhạc sĩ trẻ hiện nay khá nhiều như: Nỗi nhớ cao nguyên của Tuấn Anh, Về nghe gió kể của Nguyễn Hoàng Anh Minh, biến tấu Gọi bạn của Trần Vũ… Chất liệu âm nhạc dân gian Êđê được khéo trộn trong giai điệu, chứ không rõ một bài dân ca nào. Có thể thấy việc chắt lọc chất liệu dân ca góp phần làm đậm tính dân tộc kể cả tác giả viết theo cấu trúc hoà âm phương Tây (I – VI – IV – V…). Về nghe gió kể sử dụng xen kẽ một số chất liệu dân ca, giai điệu mang đậm tính dân tộc, và bài hát được công chúng trẻ đón nhận nồng nhiệt. Ở ca khúc Cuối mùa, Trầm Tích đã sử dụng chất liệu của điệu hát K’ưt trong câu nhạc mở đầu bài theo thủ pháp mô phỏng giai điệu trên quãng khác (chủ yếu cách quãng 3), tác giả cũng rất chú ý khi sử dụng những nốt luyến láy hoa mỹ vì các nốt này được xem như “hơi” của điệu hát, cho phù hợp với hệ âm tiếng Êđê.

2. Sử dụng dân nhạc

Việc sử dụng hàng âm, điệu thức, chất liệu dân ca cũng như dân nhạc làm chủ đề, hay một đoạn, một câu, hay có khi chỉ là một vài nhân tố để xây dựng thành tác phẩm âm nhạc đương đại có hình thức, thể loại âm nhạc mang tính hàn lâm nhằm làm phong phú hơn cho kho tàng âm nhạc Việt Nam là niềm trăn trở của nhiều thế hệ nhạc sĩ nước ta.

Dân nhạc Êđê phong phú, đa dạng về bài bản, về các loại nhạc cụ, âm sắc…Vì vậy, không riêng gì dân ca, dân nhạc Êđê cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều nhạc sĩ khai thác đưa vào sáng tác mới.

Trong quá trình khảo sát và phân tích trên những tác phẩm sử dụng chất liệu dân nhạc Êđê, chúng tôi thấy nhiều tác phẩm thanh nhạc cũng như khí nhạc của các nhạc sĩ thuộc nhiều thế hệ được xây dựng từ nguồn chất liệu quý báu đó. Chẳng hạn như từ câu nhạc giai điệu tuy ít nốt của tù và (ky pah) nhưng có sức truyền cảm mạnh đã tạo cảm hứng để nhạc sĩ Nguyễn Cường viết ca khúc nổi tiếng Ơi! M’Drăk. Mô tip tù và được sử dụng làm nét nhạc mở đầu cho bài hát, từ đó tiếp tục phát triển giai điệu và tiết tấu để tạo ra một ca khúc sáng tác độc đáo trên nguồn chất liệu truyền thống dân nhạc Êđê.

Cũng có khi trong một tác phẩm mới, các nhạc sĩ sử dụng cả chất liệu dân ca và dân nhạc đưa vào trong tác phẩm của mình, chẳng hạn như Ơi! M’Drăk của Nguyễn Cường, ngoài sử dụng câu nhạc của tù và ky pah, còn sử dụng chất liệu của điệu hát Ei Rey. Trăng soi cội nguồn của Mạnh Trí phát triển trên câu nhạc đàn b’rô, kết hợp với điệu hát Ei rey và K’ưt. Cuối mùa của Trầm Tích sử dụng điệu hát K’ưt để phát triển đoạn đầu, sau đó sử dụng câu nhạc sáo đinh puôt để phát triển giai điệu đoạn kết.

Trong tác phẩm giao hưởng thơ Huyền thoại thác Trinh nữ – D’ray H’Linh Nguyễn Công Nguyễn đã sử dụng khá nhiều chất liệu tiết tấu của các bài bản chiêng Êđê khác nhau, tạo nên sự tương phản giữa các phần, các đoạn, các câu rõ rệt, nhiều đoạn cao trào diễn tả các buổi lễ hội cộng đồng thật sống động, mang đậm bản sắc vùng miền.

Nghệ thuật khai thác chất liệu những bài bản dân nhạc đưa vào các sáng tác mới trong những tác phẩm âm nhạc đương đại để đưa vào làm chất liệu cho các chủ đề, cho các đoạn chen, câu nối cũng được Trầm Tích đưa vào tác phẩm giao hưởng thơ của mình. Tác giả sử dụng nguyên xi toàn bộ giai điệu của sáo đinh puôt trên nền bộ gỗ bằng kèn basson và hautbois đi đồng âm, câu nhạc này còn được mô phỏng (canon) nhắc đi nhắc lại giai điệu trên sáo flute piccolo ở ô nhịp 13-3, để xây dựng câu kết của chủ đề chính, giai điệu sáo đinh puôt trong dân nhạc Êđê được tác giả lần nữa nhắc lại tạo nét giai điệu kết chủ đề chính.

Qua sự tìm hiểu, phân tích về một số đặc điểm âm nhạc, như thang âm, điệu thức, giai điệu, tiết tấu, nhịp điệu, cấu trúc làn điệu, bài bản dân ca, dân nhạc, dân vũ; về khai thác chất liệu âm nhạc dân gian Êđê trong những tác phẩm âm nhạc đương đại, có thể khẳng định đây là những yếu tố chủ yếu, rất quan trọng góp phần trong việc lưu giữ những giá trị văn hóa dân gian của tộc người Êđê.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY