Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềHướng tới tác phẩm để đời

Hướng tới tác phẩm để đời

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

Thế nào là tác phẩm để đời?

Tất nhiên là phải hay, nhưng “hay” còn tùy thuộc thị hiếu nên có vô số cách đánh giá khác nhau, có thể trái ngược nhau. Hay, cũng như khái niệm “ngon” theo khẩu vị người này có thể lại là “dở” với người khác. Hay hoặc ngon với ta lúc này nhưng lúc khác lại thấy chán do sở thích có thể thay đổi theo môi trường, độ tuổi, trạng thái tinh thần và tình cảm… Tần số lặp lại quá dầy cũng hóa nhàm. Vay mượn cái hay của người khác hoặc lặp lại chính mình thì chẳng còn thấy hay ho nữa.

Một tác phẩm để đời chắc chắn phải hay với nhiều người ở các lứa tuổi khác nhau, với nhiều tộc người ở các thời đại khác nhau… Tóm lại đó phải là tác phẩm có tính nhân văn về nội dung và giá trị nghệ thuật trong biểu hiện. Những kiệt tác của nhân loại xưa nay ít nhiều đều như thế.

Sở hữu tác phẩm nhân văn và giá trị nghệ thuật cao là ước ao không chỉ của cá thể sáng tạo, mà còn của cả quốc gia, cả dân tộc. Muốn đạt được tác phẩm như thế phải có điều kiện gì? Tôi chỉ xin góp đôi điều từ góc nhìn hạn hẹp cá nhân trong lĩnh vực âm nhạc.

Về yếu tố chủ quan: chủ thể sáng tạo nhất định phải có tài năng và cảm xúc – có tài mà thiếu cảm xúc, hoặc cảm xúc dồi dào mà ông giời chẳng mảy may thương xót ban cho chút ít tài hoa thì khó mà tạo nên bản nhạc ra hồn. Đủ cả tài và cảm rồi còn cần cái trí nữa, đó là kinh nghiệm và kỹ năng làm nghề, là tri thức và văn hóa, nói nôm na là vốn sống và vốn nghề. Thiếu cái trí làm vốn, bạn có thể thành công nhờ bản năng trời cho ngay từ nhạc phẩm đầu tay, nhưng khó khăn lớn dần với những sáng tác tiếp theo và không thể vượt khỏi chính mình ở mốc khởi đầu để tiến xa hơn. Mọi thứ mau chóng cạn kiệt bởi thiếu hiểu biết, thiếu học hỏi và tích lũy để chuyển hóa bản năng thành kỹ năng.

Người sáng tạo đẻ trứng vàng có khi chỉ nhờ thôi thúc bên trong và viết ra chỉ cho riêng mình. Rồi từ nhu cầu vì bản thân cần biểu cảm và diễn đạt tâm tư lại nảy sinh mong muốn được sẻ chia được đồng cảm. Mong muốn cứ lớn dần thành khát vọng chứng tỏ mình, khát vọng được người khác ghi nhận. Lúc này, yếu tố chủ quan đã hướng tới môi trường khách quan.

Về yếu tố khách quan: môi trường sáng tạo là nơi dung dưỡng chủ thể sáng tạo và tiếp nhận thành phẩm sáng tạo. Môi trường bắt nguồn từ chất lượng giáo dục. Gần đây cộng đồng mạng liên tiếp đăng tải một nhận định được cho là của Nelson Manela:

“Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên.

Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục ấy.

Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục ấy.

Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy.

Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy.

Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy.

Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.

Không khó nối tiếp ý trên bằng nguy cơ hủy hoại nhân cách bắt nguồn từ các thảm họa văn hóa. Song từ mệnh đề mang màu sắc nghiệt ngã về tính quyết định của giáo dục trong sự sinh tồn quốc gia, tôi muốn lật sang hướng tích cực với những gì liên quan đến sáng tạo nghệ thuật. Thay vì dùng lời phản biện dễ bị quy là đụng chạm vấn đề nhạy cảm, xin được diễn giải theo cách dễ chấp nhận hơn về một tương lai mà ta phải hướng tới.

Một nền giáo dục nhân văn sẽ tạo nên những công dân có nhân cách, trong đó có những tác giả đủ điều kiện phát huy khả năng sáng tạo để đạt tới tác phẩm giá trị lâu bền, có những người thưởng thức với mặt bằng dân trí đủ tốt để thúc đẩy chất lượng sáng tạo. Cụ thể hơn, nền giáo dục nhân văn là điều kiện cần cho tài năng nảy mầm, được phát hiện kịp thời và được chăm sóc đúng cách. Quy trình này được đảm bảo bởi những nguyên tắc từ lâu đã thiếu vắng: khơi gợi và khích lệ trí tưởng tượng, tôn trọng và phát huy sức sáng tạo cá nhân, rèn luyện tư duy độc lập và kỹ năng làm việc theo nhóm.

Môi trường lý tưởng cho sáng tạo được hình thành qua các biểu hiện sau: độ tin tưởng vào chủ thể sáng tạo, đủ để họ được hưởng khoảng tự do cần thiết trong sáng tác; sự khích lệ đúng mức đúng lúc đúng người trong đầu tư sáng tác và quảng bá tác phẩm; sự minh bạch công tâm, dám nói “không” với nếp nghĩ thâm căn cố đế của cơ chế “xin cho” trong xét giải thưởng và phong tặng danh hiệu… Sự tin tưởng, khích lệ và ghi nhận xứng đáng, hợp tình hợp lý khiến người sáng tạo có trách nhiệm hơn, càng cố vươn tới gần hơn những giá trị nghệ thuật đích thực.

Vẫn còn đôi chút băn khoăn cho tương lai cần có khi soi ngược về quá khứ. Tại sao nhiều tác phẩm kinh điển thế giới lại là của tác giả trẻ hoặc không qua đào tạo bài bản, hoặc sáng tác trong cuộc sống bần hàn. Tại sao các nhạc sĩ đầu đàn của nền nhạc mới Việt Nam hầu hết thành danh một cách hồn nhiên ở tuổi đôi mươi chưa kịp tích lũy kinh nghiệm và phần lớn họ trưởng thành do tự học chứ không hề có bằng cấp âm nhạc, còn hoàn cảnh sống thì chẳng mấy ai dư dả. Tại sao trong môi trường khách quan nhiều bất trắc như chiến tranh, thiên tai, đại dịch, khủng hoảng kinh tế lại nhiều bài hát hay hơn lúc đời sống xã hội bình ổn? Phải chăng môi trường tốt cũng chẳng thực sự cần thiết để tạo nên tác phẩm giá trị? Vậy thì cứ để mặc mọi thứ như thế đi, cần gì phải bày đặt gây dựng môi trường này nọ.

Thêm nữa, tác phẩm cũng có số phận của nó. Bài hát thường thôi nhưng ra đời đúng thời điểm, đáp ứng đúng yêu cầu chính sách của giai đoạn nào đó hoặc đánh trúng thị hiếu đương thời thì được quảng bá tức thì và được đón nhận nồng nhiệt đến mức dẫn đến nhiều ngộ nhận. Lại có tác phẩm giá trị nghệ thuật cao nhưng không hợp thời, không được phép sử dụng, không được công chúng đương thời biết đến. Có sáng tác đi trước thời đại phải chờ nhiều năm sau, thậm chí nhiều đời, nhiều thế kỷ sau mới nổi tiếng. Mùa xuân đầu tiên – Văn Cao phải sau 20 năm mới đi vào đời sống xã hội. Trong lịch sử âm nhạc thế giới cũng không ít kiệt tác được nhân loại ngưỡng mộ sau khi tác giả qua đời, như Giao hưởng bỏ dở – Schubert, Hồ Thiên nga – Tchaikovsky…

Nếu không quan tâm đến chủ thể và môi trường sáng tạo, thì vẫn có trường hợp thành công như từng có trong quá khứ nhờ cú hích hay cú sốc bất ngờ do biến động xã hội hay sự cố trong cuộc sống của tác giả. Song, tội gì bị động chờ “cú hích tự nhiên”, một khi có thể chủ động tạo nên những “cú hích nhân tạo” cho những thành quả mong muốn. Bao nhiêu tác phẩm âm nhạc kinh điển đã ra đời theo đặt hàng của cá nhân hay tổ chức nào đó. Những “đơn đặt hàng” xứng đáng đúng đối tượng là cái cớ thúc đẩy tác giả “nhả tơ”. Với tốc độ thay đổi khó lường, thế giới phẳng ngày càng rộng mở đang tác động trực tiếp đến văn nghệ sĩ, khiến ta không thể không xem xét và điều chỉnh sao cho những tác động ấy tăng thêm phần tích cực, giảm bớt tính tiêu cực, nếu như ta thực sự muốn tác phẩm nghệ thuật vươn tới giá trị lâu bền.

Nỗ lực tự thân của mỗi cá thể sáng tạo là điều hiển nhiên. Mỗi tác giả tự tìm ra cách phù hợp để tự hoàn thiện trong quá trình sáng tạo. Những gì thuộc cá nhân, mỗi người tự lo liệu được. Vẫn chưa đủ! Cái khó đồng thời có tính quyết định ở đây chính là sự phối hợp ở tầm vĩ mô. Gây dựng môi trường sáng tạo thuộc trọng trách của giới quản lý, chỉ họ mới có thể tạo được sự tương tác hợp lực đồng bộ giữa các ngành liên quan đến dây chuyền sáng tạo nghệ thuật âm nhạc: giáo dục – đào tạo, sưu tầm – nghiên cứu, sáng tác – biểu diễn, báo chí – truyền thông, in ấn – xuất bản, lý luận – phê bình…

Chỉ khi thấu hiểu vai trò và giá trị của văn học nghệ thuật, biết rõ hoàn cảnh sống và những trăn trở của văn nghệ sĩ, sẵn lòng đồng hành cùng họ, thì người quản lý mới có thể giữ vai trò “bà đỡ mát tay” cho những sáng tác giàu tính nhân văn và giá trị nghệ thuật.

Xin mở ngoặc một chút: chú trọng tính nhân văn là cách mở rộng tầm nhìn tới nhân loại trong xu thế hòa nhập toàn cầu. Nếu chỉ nhằm vào giá trị tư tưởng với những chuẩn mực chính trị, thì ta tự hạn chế trong tầm quốc gia, may lắm chỉ tới được các nước có cùng thể chế chính trị. Điều này chắc hơi khó nghe với những người cầm cân nảy mực quen đề cao tác phẩm chỉ theo tiêu chí chính trị bất chấp giá trị nghệ thuật.

Lại xin mở ngoặc về một quan điểm được giới văn nghệ sĩ tâm đắc: “Càng nhiều nghệ sĩ có thể sống khoẻ thì đời sống tinh thần và khả năng sáng tạo của nhân loại lại càng được nâng cấp hơn, đi xa và đi nhanh hơn. Sự sáng tạo sau rốt mới là thứ kiến tạo tương lai, không phải tiền bạc hay kiến thức sách vở” (Osho).

Không trọng dụng và tôn vinh sáng tạo cá nhân, thì dù có đổ bao nhiêu trăm nghìn tỉ vào chấn hưng văn hóa văn nghệ vẫn khó mà gây dựng nổi một môi trường tốt. Nếu may mắn vẫn xuất hiện kiệt tác, thì đó đâu phải nhờ tác động của số tiền đầu tư khủng kia. Lúc đó quy lỗi tại ai và do đâu? Một câu hỏi chắc khó đặt ra, để tránh câu trả lời mà dường như ai cũng có thể nhận thấy.

4-10-2023

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY