Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang chủTác phẩmNhạc hátHồi ức tuổi thơ về bài hát "Đêm pháo hoa"

Hồi ức tuổi thơ về bài hát “Đêm pháo hoa”

(Tác giả: Phạm Hồng Tuyến)

Năm 1972 là năm tôi nhớ mãi, mặc dù mới 4 tuổi. Giặc Mỹ đánh phá ác liệt Hà Nội nên tụi trẻ con nhất loạt phải đi sơ tán, mà toàn ngồi sau xe đạp của bố mẹ rồi hát véo von:

Bé bé bằng bông

Hai má hồng hồng

Bé đi sơ tán bế em theo cùng

Mẹ mua xe gỗ

Cho bé ngồi trong

Bao giờ chiến thắng cho bé về phố đông

Bé bé bằng bông.

Mùa hè ấy, cả nhà tôi đi sơ tán theo cơ quan bố – Đài TNVN ở Quốc Oai. Tuy sơ tán, nhưng gia đình bên nhau nên tôi thấy phấn khởi lắm. Chị Tuyền hồi đó rất thích mò cua bắt ốc, suốt ngày theo mấy anh chị trong làng, nên cả nhà hay được ăn món tươi sống. Tôi bé tí, lân la chơi với con chú chủ nhà, tha thẩn cho gà ăn, ngắm nghía các loại côn trùng. Mọi người hay kể chuyện: mấy tháng sau, khi không còn sơ tán nữa, tôi được lên ô tô đi đâu đó, bỗng nhìn thấy một con ruồi đang bậu ở cửa, tôi bèn reo lên thích thú:

– Bố mẹ ơi, con ruồi nhà chú Hạng (chú chủ nhà sơ tán) cũng theo mình đi này!!!!

Cả nhà được bữa cười hả hê. Tình hình tạm ổn, cả gia đình tôi quay về Hà Nội. Tuy nhiên đến tháng 12 thì chiến sự cực kỳ căng thẳng, lại phải đi sơ tán. Lần này mẹ đưa tôi đi Đình Dù, Hưng Yên theo trường Sư phạm, chị Tuyền đi Quốc Oai theo trường cấp 3 Đoàn Kết, bố ở lại trực chiến tại Đài TNVN 58 Quán Sứ. Bố hồi đó sống trong hầm trú ẩn, khi thì tại Đài TNVN 58 Quán Sứ, khi tạt về ông bà ngoại ở 2B Quang Trung (gần Nhà thờ lớn). Nhà tập thể 126 Đại La phải khoá cửa lại.

Trong trí nhớ lờ mờ của tôi vẫn hiện lên cảnh ngôi nhà nhỏ nơi sơ tán, có hầm trú ẩn ngay trong gian nhà chính. Đêm đêm hai mẹ con nhìn về phía xa, thấy vừng sáng rực lửa, mẹ lại bảo:

– Hà Nội đấy, nhà mình ở đấy, mong sao yên ổn mẹ con mình về với bố!

Hình ảnh và tâm tư, tình cảm ấy đã hiển hiện trong lời bài hát “Hà Nội những đêm không ngủ”, bố viết vào những ngày tháng 12 đầy khói lửa với những câu da diết, thân thương: “Ơi các chị, các em đang giờ đây tạm xa Hà Nội. Trông thấy chăng ráng đỏ rực hào quang trên thành phố của ta….”

Thế rồi một ngày, cảm nhận tình hình có vẻ bất ổn, mẹ gửi tôi cho bác chủ nhà và đạp xe về Hà Nội. Ngày hôm sau mẹ quay lại nơi sơ tán, thẫn thờ nói:

– Nhà mình bị bom rồi….

Trận bom đánh vào đài phát sóng Đài TNVN ở Đại La đã làm sập nhiều căn nhà trong khu tập thể. Một ngôi nhà bị sức ép của bom, bốc cả căn bay lên cao, rồi…. đổ sập vào nhà tôi, đè nát toàn bộ đồ đạc, trong đó có cây đàn piano. Bố mẹ đau xót nhìn thấy cả gia tài bỗng chốc tan tành, lặng người không biết nói sao.

Về sau tôi được biết, vượt lên những đau thương của cá nhân mình, bố đã viết khúc tráng ca “Hà Nội – Điện Biên Phủ” về tinh thần bất diệt của người Hà Nội trong 12 ngày đêm lịch sử, tuy nhiên khi được nhà báo phỏng vấn, ông cũng đã chia sẻ tình cảnh gia đình với hình ảnh cây đàn piano bị bom Mỹ phá tan đầy ám ảnh (đàn piano là do Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho các nhạc sĩ hội viên mượn, chứ thời đó làm sao gia đinh tôi có đủ tiền để sắm thứ nhạc cụ quý tộc ấy). Chị Tuyền từ nơi sơ tán chạy về khu tâp thể, nhìn thấy nhà mình tan hoang thì khóc tu tu, mọi người dỗ dành mãi, chị hức hức nấc lên:

– Thế là cái lịch có cô văn công… đi đời rồi!

Vậy mới thấy ngày ấy các ấn phẩm văn hoá quý hiếm thế nào, và nỗi đau của trẻ con cũng đơn giản, tội quá… Con bé 4 tuổi rưỡi là tôi thực ra chẳng hiểu hết nỗi đau của người lớn, chỉ biết khi quay lại Hà Nội thì nhà nó phải “du canh du cư” lên một căn phòng nhỏ trong cơ quan bố ở Quán Sứ.

Cuộc sống sau cuộc chiến dẫu khó khăn thì vẫn phải tiếp diễn, gia đình tôi cùng bao người Hà Nội vượt lên những mất mát đau thương để sống và hy vọng vào tương lai, đúng như bố viết ở câu cuối bài “Hà Nội những đêm không ngủ”:

Hà Nội đêm nay vẫn vang bài tình ca

Hà Nội anh hùng, thủ đô của chúng ta…

Và cái Tết Quý Sửu 1973 với màn bắn pháo hoa, tiếng nổ đì đùng, cả trời rực sắc màu tôi không bao giờ quên được. Đó là Tết hoà bình đầu tiên sau bao năm chiến tranh, người Hà Nội lục tục từ nơi sơ tán về, lũ trẻ chúng tôi lần đầu biết đến pháo hoa, ồ à nhìn những vệt sáng đủ màu sắc sỡ và ấn tượng mãi không phai mờ. Chính vì thế, khi tôi đi học lại trường mẫu giáo, bố đã viết bài hát dành cho đứa bé 5 tuổi đầy hân hoan:

Đêm pháo hoa là đêm pháo hoa

Pháo đỏ xanh, vàng tím hoa cà…

Màu ấn tượng nhất của pháo hoa chính là tím hoa cà, màu tím nhạt khá lạ, và nghe nói để tạo ra màu ấy cũng khó nữa. Tím hoa cà còn là màu đẹp nhất của váy áo tiệm Đức Hạnh trên phố Hàng Trống, em bé ngoan nào đi mẫu giáo cũng đều mong ước có được. Những chiếc váy xinh xắn với viền kẻ, cổ lá sen làm bao bé gái mê mệt và muốn được bố mẹ mua để diện đến trường.

“Đêm pháo hoa” là bài hát tôi được thu thanh đầu tiên ở Đài TNVN. Thực ra chuyện thu thanh này không có gì to tát cả, vì là bài của bố viết nên chỉ hát vài lần tôi cũng thuộc, hơn nữa (điểm này mới quyết định) nhà tôi nằm ngay trong khuôn viên Đài TNVN, mấy bước chân là tới phòng thu M (phòng thu lớn có thể thu được cả dàn nhạc giao hưởng). Ở các phòng bên cạnh có nhiều chú nhạc sĩ người miền Nam tập kết như chú Phan Nhân, Lưu Cầu, Triều Dâng… và có chú Hoàng Mãnh, người đệm piano rất xuất sắc. Vậy là con bé được “triệu tập” đi thu thanh bài hát của bố, mặc cả quần đùi áo may ô vào phòng thu (vì đang chơi ở nhà thì bị gọi mà). Ngày ấy thu thanh khó phết vì cứ hát hỏng là thu lại từ đầu, nhưng may quá bài của bố thì ngắn, chú đệm đàn quá hay nên tôi chỉ phải hát đâu có 2 -3 lần là được luôn. Ngay sau đó, bài hát được phát trên sóng Đài TNVN đi khắp nơi, giọng ca bé Hồng Tuyến được nhiều người biết đến, nhất là cái chữ “hoa” cứ doe ra, nghe rất buồn cười.

Có một chi tiết ít người biết là lúc đầu bài hát có lời: “Đêm pháo hoa mừng ngày CHIẾN THẮNG…” Đêm pháo hoa giao thừa năm 1973 như báo hiệu cho một chiến thắng to hơn nữa, và đúng vậy, 2 năm sau, Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã diễn ra với cái kết là ngày 30/4 thống nhất đất nước. Chính vì thế bố tôi sửa lời thành: “Đêm pháo hoa mừng ngày TOÀN THẮNG…”

Và lời sửa ấy đã được phổ biến sâu rộng, cho nên mới có chuyện gần 50 năm sau khi tôi được nghe lại bản thu thanh mình hát, chia sẻ với bạn bè thì rất nhiều anh chị thắc mắc: “Ơ, sao mình toàn hát là TOÀN THẮNG, hoá ra CHIẾN THẮNG à, chắc nhớ nhầm!” Nhưng đúng là đã từng có việc sửa lời cho phù hợp như thế.

(Trích sách HỒI ỨC TUỔI THƠ: BÀI HÁT LỚN LÊN CÙNG CON của tác giả – nhà báo Phạm Hồng Tuyến, con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên)

Nghe tác phẩm: https://hoinhacsi.com/dem-phao-hoa-pham-tuyen/

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY