Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềHội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh - Dấu ấn những...

Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh – Dấu ấn những chặng đường

Tác giả: Minh Anh

Thực hiện Nghị Quyết Đại hội Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, được sự chỉ đạo của Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Âm nhạc nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Lý luận, Phê bình và Đào tạo Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Hội Âm nhạc Thành Hồ Chí Minh – Dấu ấn những chặng đường”.

Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo Thành phố; Ban Chấp hành Hội Âm nhạc Thành phố cùng đông đảo những người hoạt động âm nhạc trên các lĩnh vực: sáng tác, biểu diễn, lý luận và đào tạo.

Hội thảo nhằm tổng kết lại chặng đường hơn 40 năm của Hội Âm nhạc Thành phố; Ghi nhận những thành tựu, những tên tuổi và cả những đóng góp của các thế hệ những người làm công tác âm nhạc; đồng thời thông qua hội thảo tập hợp ý kiến đóng góp xây dựng của những người hoạt động âm nhạc nhằm đổi mới và làm tốt hơn vài trò của tổ chức Hội nghề nghiệp trong đời sống tinh thần của người dân Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước nói chung.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Thọ Truyền – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trong bài phát biểu đã nhấn mạnh: “Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, trải qua chặng đường 42 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ lãnh đạo, hội viên của Hội Âm nhạc đã đạt được nhiều thành tích rực rỡ, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của nền Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm các bài hát của các nhạc sĩ lão thành đã kêu gọi thúc giục các tầng lớp nhân dân lên đường đấu tranh để giành độc lập tự do cho dân tộc… đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng các bài hát đã phát huy lòng tự hào yêu nước, xây dựng và phát triển đất nước,.. âm nhạc có một chức năng đặt biệt là chạm nhanh, mang yếu tố tích cực đến trái tim của người nghe, vì vậy nó phát huy vai trò của nó trong việc vận động, tuyên truyền các đường lối chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và nhà nước đến với nhân dân một cách tích cực, nhanh chóng đễ tiếp thu.
Cho đến nay Hội Âm nhạc Thành phố luôn khẳng định vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc phát triển nền văn hoá, văn nghệ Thành phố lành mạnh, phong phú và đa dạng… được thể hiện cụ thể qua những chương trình hành động mà nhiều năm qua Hội Âm nhạc Thành phố đã thực hiện. Hội thảo khoa học này nhằm tổng kết hoạt động của Hội, ghi nhận những thành tựu đã đạt được.Tôi cho rằng đây là hoạt động rất thiết thực và có ý nghĩa”.

Gần 20 tham luận tại Hội thảo cùng nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết của các nhạc sĩ cho thấy sự tâm huyết của các văn nghệ sĩ với hoạt động của Hội Âm nhạc Thành phố nói riêng và Hoạt động và sự phát triển của Âm nhạc Thành nói chung trong dòng chảy của âm nhạc nước nhà. thông qua những tham luận: Đội ngũ Hội viên ngày càng lớn mạnh của GS.TS Thế Bảo; Những nhạc sĩ đặt nền móng cho Hội Âm nhạc Thành phố của Nhạc sĩ Văn Thành Nho; Hội Âm nhạc Thành phố – Ngôi nhà của chúng ta của Thạc sĩ Nguyễn Cẩm Lệ; Sắc thái mới của sự tiếp mới dòng nhạc thời chiến ở Thành phố Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Đào Văn Sử; 10 năm nhạc Cách mạng xuống phố của NSƯT Nguyễn Thị Quỳnh Liên; Đưa Âm nhạc cổ điển – thính phòng đến gần với công chúng của nhạc sĩ Trần Hữu Bích; Biểu diễn sưu tầm nghiên cứu âm nhạc và những bài báo, tham luận từ những người đồng hành cùng Hội và đất nước của Thạc sĩ Lưu Hữu Chí; Âm nhạc Giao hưởng Thành phố từ sau 1975 đến nay của ThS. Nhạc sĩ Nguyễn Hải; Hoạt động của Hội Âm nhạc Thành phố từ lúc hình thành và phát triển của ThS. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên; Nhạc Dân tộc ở Thành phố Hồ Chí Minh của PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm; Đội ngũ Lý luận – Phê bình âm nhạc ở Thành phố Hồ Chí Minh khoảng trống và khoảng cách của PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm; Hoạt động của Hội Âm nhạc thời kỳ 1975 – 1995 của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện; 42 Năm Hội Âm nhạc Thành phố đồng hành cùng đất nước của Nhà lý luận Nguyễn Trung; Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Âm nhạc của nhạc sĩ Đỗ Anh Tuấn; Nhạc trẻ – làn gió âm nhạc mới ở Thành phố Hồ Chí Minh những năm đầu đất nước hòa bình thống nhất của nhạc sĩ Khánh Vinh; Tác động của công nghệ số với việc sáng tác và phố biến ca khúc thiếu nhi của  nhạc sĩ Đinh Hoàng Vũ…

Trong bài tham luận của mình, GS.TS Trần Thế Bảo nhấn mạnh: “… Nhìn lại hơn 40 năm qua, Hội âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh đã có bước tiến dài trong công tác kết nạp hội viên mới thêm nhiều hội viên trẻ. Và chính họ là lực lượng đóng góp về số lượng cũng như chất lượng trong các chuyến đi thực tế sáng tác về cuộc sống mới, về biển đảo, biên phòng cùng các đề tài thành phố đổi mới, đề tài về Bác Hồ kính yêu, Đảng quang vinh…Tre già măng mọc, thế hệ nhạc sĩ trẻ tiếp bước theo sau có nhiều sự sáng tạo và tiếp thu công nghệ nên âm nhạc cũng có nhiều chuyển biến mới. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến các nhạc sĩ như: Thế hệ 7x: nhạc sĩ Hoài An, Quốc An, Nguyễn Quang Vinh, Đinh Quang Minh, Bảo Huy, Yên Lam, Vũ Quốc Việt, Vũ Công Minh… Thế hệ tiếp theo 8x thì có nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung,  Nguyễn Hồng Thuận, Lê Anh Tú, Đinh Hoàng Vũ, Xa Doãn Hồng Lợi, Phạm Phương Duy, Ngô Duy Thanh, Hải Quân, Lê Đức Pháp… và lớp nhỏ nhất của Hội sau này là 9x có nhạc sĩ Hoàng Luân, Anh Thư, Hà Anna, Thùy Dương… Vẫn còn nhiều nhạc sĩ trẻ là hội viên Hội Âm nhạc tạo được một đội ngũ kế thừa, sáng tác hay, biểu diễn giỏi được nhiều giải thưởng Trung ương, Thành phố và các Tỉnh thành bạn. Luôn tự hào tiếp bước thế hệ nhạc sĩ cha anh đi trước và phát huy tinh thần sáng tạo, năng động để cùng xây dựng Hội ngày càng uy tín.  Hội Âm nhạc Thành phố với thế hệ trẻ hiện nay luôn có những sáng tạo mới được thể hiện qua các chương trình được áp dụng công nghệ số vào công tác quảng bá tác phẩm, không những thế Hội còn tạo điều kiện hỗ trợ thực hiện audio (hòa âm, ca sĩ, phòng thu, quay hình…) cho các nhạc sĩ chưa có điều kiện kinh phí thực hiện tác phẩm của mình, nhằm mục đích đưa tác phẩm “ Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh – Dấu ấn những chặng đường” của hội viên đến gần hơn công chúng. Hàng năm mỗi khi xuân về là chương trình “Uống nước nhớ nguồn” mang đậm tính nhân văn, tôn sư trọng đạo mà Hội phát động nhằm chăm lo cho thế hệ đi trước đã làm ấm lòng và thấm thêm nghĩa tình của các thế hệ trong mái nhà chung Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh”.

Nói về Âm nhạc Giao hưởng Thành phố từ sau 1975 đến nay, ThS. Nhạc sĩ Nguyễn Hải Giảng viên Khoa Sáng tác – Chỉ huy – Âm nhạc học, Nhạc viện Thành phố Hồ khẳng định: “… Có rất nhiều các tác phẩm khí nhạc của các nhạc sĩ Thành phố Hồ Chí Minh được ra đời từ sau năm 1975 cho đến nay nhưng nổi bật nhất vẫn là các tác phẩm ở thể loại giao hưởng. Ở thể loại giao hưởng 1 chương có: concerto cho đàn tranh và dàn nhạc giao hưởng  Quê tôi giải phóng (1985),  Đất và hoa (1994 Quang Hải), concertino cho piano và dàn nhạc giao hưởng (1983 Ca Lê Thuần), ballade cho dàn nhạc giao hưởng  Niềm tin gửi lại (1996 Trí Thanh), ouverture Mùa xuân thế kỷ (2002), Thác đổ (2003 Hoàng Cương), giao hưởng thơ (poem symphony)  Ký ức Đồng khởi (1982 Võ Đăng Tín)… Ở thể loại giao hưởng nhiều chương có:  concerto No 1 và No 2 cho piano và dàn nhạc giao hưởng (Quang Hải), tổ khúc giao hưởng (suite) Hội được mùa (1988 Lê Khiêm), concerto cho piano và dàn nhạc giao hưởng (1985 Thế Bảo), ballet Ngọc trai đỏ, Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga (Ca Lê Thuần), giao hưởng No 5 Mẹ Việt Nam (1994), giao hưởng No 6 Sài Gòn 300 năm (1998), giao hưởng No 7  Chuyện nàng Kiều (2000), giao hưởng No 8 Đất nước quê tôi (2003), giao hưởng No 9 Cửu Long dậy sóng (2012) Nguyễn Văn Nam); concerto cho violon, oboe và dàn nhạc giao hưởng (2013 Hoàng Cương), giao hưởng Mẹ và đất nước (1996, Đặng Văn Bông), giao hưởng Miền Đông thành đồng (2015, Vĩnh Lai), giao hưởng No 1 (2008 Trần Thanh Hà), tổ khúc (suite) Dòng chảy (2013 Trần Mạnh Hùng), ballet Kiều (2022 Việt Anh)… Các tác phẩm ở thể loại giao hưởng của các nhạc sĩ thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ này mang một nội dung đa dạng: ca ngợi quê hương, đất nước, truyền thống vẻ vang của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến, ca ngợi công cuộc xây dựng, tái thiết đất nước và thành phố sau chiến tranh, ca ngợi người Mẹ Việt Nam anh hùng, gương các anh hùng, liệt sĩ… Điều dễ nhận thấy trong các tác phẩm ở thể loại giao hưởng của các nhạc sĩ thành phố Hồ Chí Minh đó là việc sử dụng chất liệu thiên về dân ca Nam Bộ. Đây là việc làm không mới, bởi dân ca Nam Bộ đã được sử dụng ở trong nhiều tác phẩm khí nhạc của các nhạc sĩ trong cả nước, ngay từ tác phẩm giao hưởng đầu tiên của Việt Nam là giao hưởng No 1 của nhạc sĩ Hoàng Việt, ông đã đưa dân ca Nam Bộ vào trong tác phẩm của mình. Tuy nhiên với các tác phẩm ở thể loại giao hưởng của các nhạc sĩ thành phố Hồ Chí Minh sau năm 1975, việc sử dụng chất liệu dân ca Nam Bộ được nâng lên ở một “tầm vóc” mới, có tính sáng tạo, mới mẻ hơn, là sự kết hợp giữa ngôn ngữ dân tộc và hiện đại”.   

Là người gắn bó với Hội Âm nhạc Thành phố, ThS. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Âm nhạc Thành phố nhớ lại những năm cuối thập niên 80, các sân khấu ca nhạc của thành phố hầu như bị lũng đoạn. Các ca sĩ đua nhau những bài ca hải ngoại hoặc nhạc nước ngoài; Giới thông tấn báo chí còn phanh phui trường hợp một hãng băng đĩa lậu… ông viết: “…Trước tình hình cung (nhạc sĩ sáng tác) mà không có cầu (tổ chức biểu diễn) 8 ủy viên Ban chấp hành Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh khóa II gồm các nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Từ Huy, Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thiện và Nguyễn Văn Hiên đã thống nhất thành lập Nhóm nhạc sĩ “Những Người Bạn”. Sau khi ra mắt vào buổi sáng chủ nhật 08/3/1992 tại khuôn viên tòa soạn báo Tuổi Trẻ thu hút đông đảo thanh niên đến tham dự, nhóm đã tiếp tục tổ chức sân khấu ca nhạc tại Nhà Văn hóa Thanh niên với tên gọi CLB Nhạc sĩ mà mọi người vẫn quen gọi Quán Nhạc sĩ. Chính tại nơi đây hàng trăm tác phẩm của nhóm nhạc sĩ Những Người Bạn đã được giới thiệu rộng rãi đến công chúng yêu nhạc. Sân khấu ca nhạc của nhóm “sáng đèn” suốt các đêm trong tuần với nhiều chủ đề cho từng đêm: Thứ Hai với chương trình “Một thời Áo trắng” dành cho lứa tuổi hồng Sinh viên Học sinh với phần biểu diễn của các ca sĩ chuyên nghiệp, Thứ Ba đến Thứ Sáu là các chương trình “Nhạc tiền chiến” và nhạc của các nhạc sĩ trong nước. Riêng đêm Thứ Bảy và Chủ nhật dành riêng cho các ca khúc của Nhóm “Những Người Bạn”. Ngoài ra, nhóm còn tổ chức các chương trình đến với Sinh viên Học sinh trên địa bàn thành phố và các chuyến lưu diễn xuyên Việt đến với thành phố biển Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng và các trường đại học, trung học chuyên nghiệp ở Hà Nội và Thái Nguyên… Nhóm “Những Người Bạn” đã hoạt động hai mươi năm một cách tích cực, góp phần không nhỏ của trào lưu nhạc pop rock, nhạc trữ trình đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của nhiều thế hệ với hàng trăm tác phẩm của các nhạc sĩ trong nước qua biểu diễn.

Tại Hội Thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm – Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Thành phố nhấn mạnh : “…Bên cạnh những nghiên cứu, lý luận cập nhật với đời sống, phục vụ chuyên môn âm nhạc, Hội đã tổ chức các hội thảo “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác âm nhạc”, kết hợp với Nhà thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Âm nhạc dành cho Thiếu nhi ở Thành phố Hồ Chí Minh”… Sau Hội thảo, Ban Lý luận, Phê bình và Đào tạo của Hội vẫn hy vọng sẽ tiếp tục nhận được những ý kiến của các nhạc sĩ lão thành, các thầy cô, anh chị, các nhạc sĩ để hướng đến một hoạt động tập trung của Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng và khẳng định vai trò, vị trí của Hội trong đời sống âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước… Hướng đến kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước và định hướng công nghiệp Văn hóa trong phát triển chung của đất nước.

Một số hình ảnh tại Hội thảo

(Nguồn: https://www.vcpmc.org/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY