Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024
Trang chủTác phẩmNhạc đànGiao hưởng số 3 "Organ" của Saint-saëns

Giao hưởng số 3 “Organ” của Saint-saëns

Tác giả: Mai Hạnh

“Bố mẹ đưa tôi đi xem một buổi hòa nhạc giao hưởng, và mẹ tôi ôm tôi vào lòng ở chỗ gần cửa. Cho đến lúc đó tôi chỉ nghe được những tiếng violin lẻ loi và âm thanh của những cây đàn ấy khiến tôi thấy không vừa tai chút nào. Nhưng ấn tượng về dàn nhạc thì hoàn toàn khác, và khi tôi đang thích thú lắng nghe một đoạn nhóm bốn bè đàn chơi thì đột nhiên có tiếng rền vang từ mấy cây kèn đồng – trumpet, trombone – và cymbals.

Tôi hét lớn:

‘Hãy bảo các ông ấy thôi đi ! Họ làm con không nghe nổi nhạc’. Và người ta phải lôi tôi ra ngoài”.

Saint-Saëns – nhạc sĩ xuất sắc người Pháp đã phản ứng như thế khi lần đầu tiên đến nghe một dàn nhạc giao hưởng, như lời ông kể trong hồi ký. Thế nhưng khi lớn lên và học tập trở thành một nhà soạn nhạc thì các sáng tác của ông đạt tới đỉnh cao về phối khí dàn nhạc, với âm hưởng của các bộ cực kỳ chi tiết và phong phú; đặc biệt âm sắc của kèn đồng, bộ gõ được vận dụng triệt để và đẹp lộng lẫy. Ta có thể cảm nhận được sự hoàn hảo này trong Giao hưởng số 3 mà Saint Saens viết năm 1886, cũng là bản giao hưởng được ông coi là tổng kết sự nghiệp của mình.

“Monsieur Saint-Saëns là một trong những người sở hữu khả năng tổ chức âm nhạc đáng kinh ngạc nhất mà tôi từng biết. Ông ấy là một nhạc sĩ được trang bị mọi loại vũ khí, là bậc thầy trong nghề mà không ai khác có thể làm được như ông… Ông ấy chơi với dàn nhạc như thể đang chơi piano. Người ta không thể nói gì hơn”.

Saint-Saëns rất đa tài, bên cạnh danh tiếng là một nhà soạn nhạc cấp tiến, còn là một nhà sư phạm nhiệt thành, hiểu biết đa lĩnh vực từ ngôn ngữ xưa, thiên văn, khảo cổ, triết học, khoa học và cũng là một người ham mê dịch chuyển khám phá thế giới. Và không chỉ chơi piano thành thạo, ông cũng là người làm chủ cây đàn organ ống. Tất cả những yếu tố tài năng lẫn đam mê đa dạng này ở con người ông có lẽ đều thể hiện trong tác phẩm của ông. Bản giao hưởng số 3 của Saint-Saëns không chỉ được khai thác bởi biên chế dàn nhạc lớn, có phạm vi cường độ, biến động sắc thái linh hoạt, mà còn đặc trưng ở cách tác giả đưa tiếng đàn organ vào, vì thế tác phẩm còn được gọi là Giao hưởng Organ.

Người ta có thể nghe thấy trong Giao hưởng Organ của Saint-Saëns cả tính hào hùng của Beethoven, và cả hơi thở sôi động của thời đại mới khi nghệ thuật châu Âu sắp sửa tiến đến những thanh âm bùng nổ, xa rời truyền thống của Stravinsky. Ngay sau khi hoàn thành và ra mắt bản giao hưởng mới, Saint-Saëns đã quyết định dành tặng nó cho Franz Liszt, người lúc đó đã là một tượng đài vỹ đại.

Bản giao hưởng được chia thành hai chương, ở mỗi chương đều có những phân đoạn riêng rẽ có thể nhận ra dễ dàng bởi nhịp độ nhanh – chậm khác nhau:

I. Adagio – Allegro moderato – Poco adagio

(chậm – nhanh vừa – khá chậm)

II. Allegro moderato – Presto – Maestoso – Allegro

(nhanh vừa – rất nhanh – uy hùng – nhanh)

Những căng thẳng, mơ hồ bao trùm chương đầu tiên cần một cách xử lý dứt điểm để giải toả sức ép tâm lý, và đàn organ trong chương 2 đóng vai trò đưa ra tiếng nói lớn nhất, chắc chắn nhất, khơi dậy câu trả lời có lẽ vốn đã nằm sâu trong lòng người nghe từ lâu, là sự quyết liệt và lý trí tận cùng.

Một lần nữa, ta lại thấy bóng dáng Beethoven thấp thoáng khi nhận ra mình đang được tác giả “lôi” từ trong đường hầm u tối nào đó ở đầu tác phẩm đến lối thoát bừng sáng ở cuối bản nhạc, giống như cảm giác khi nghe Giao hưởng số 5 Định mệnh của vị nhạc sĩ người Đức kia vậy.

Saint-Saëns nói về tác phẩm để đời Giao hưởng số 3 của mình:

“Tôi đã cống hiến tất cả những gì tôi có thể cống hiến. Những gì tôi đã đạt được ở đây, tôi sẽ không bao giờ đạt được nữa”.

Nghe tác phẩm:

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY