Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024
Trang chủNhân vậtNghệ sĩĐưa jazz vào dân gian và hội họa đương đại

Đưa jazz vào dân gian và hội họa đương đại

Tác giả: Thiên An

Nhạc jazz, hội họa đương đại, văn nghệ dân gian… các môn nghệ thuật tách biệt ấy khi đem hòa vào nhau, sẽ làm nên chuyện gì? Nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc – người khởi xướng hành trình tìm đưa bản sắc Việt vào ngôn ngữ nhạc jazz – đưa ra câu trả lời.

Ở lĩnh vực âm nhạc, đặc biệt là jazz, nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc đã định hình một phong cách riêng, là sự đúc kết từ chuỗi hành trình học hỏi và được đào tạo bài bản từ các nền âm nhạc lớn của thế giới như Mỹ, Bắc Âu… Hoạt động nghệ thuật ở môi trường Việt Nam, Quyền Thiện Đắc chọn cho mình một hướng đi khác, đó là đem ngôn ngữ jazz hòa vào nhạc cổ điển, qua dân ca quan họ, đến chèo, cải lương, nhạc trẻ em và cả với hội họa đương đại.

Nhạc jazz đậm chất ngẫu hứng, những cái “phiêu” của người nghệ sĩ jazz mang lại sức hấp dẫn và định hình phong cách thể hiện, tạo ngôn ngữ riêng của từng người chơi. Nhiều loại hình âm nhạc dân gian Việt cũng được lưu lại bằng hình thức truyền khẩu, không bài bản cụ thể, có khởi nguồn từ dân ca, định dạng thành lời bài hát, rồi sau đó phát triển có nhạc cụ đi kèm, trong các dòng nhạc ấy, cũng thấy rõ tính ngẫu hứng. Đó cũng là nguyên cớ để thể nghiệm tính ngẫu hứng của jazz và ngẫu hứng dân gian, cho hòa làm một.

Nói về nguyên cớ tìm sự đồng điệu giữa jazz và âm nhạc dân gian Việt, nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc cho biết: “Ở bình diện chung, việc kết hợp jazz với yếu tố nghệ thuật, ngôn ngữ, bản sắc bản địa không mới. Các nghệ sĩ jazz ở Mỹ đã làm việc này từ hơn trăm năm trước, họ cũng kết hợp với nhiều nền âm nhạc lớn khác như Ấn Độ, tạo ra các bản phối mang tiết tấu “khủng”, phô diễn kỹ thuật thượng thừa, một nhịp chia nhỏ tối đa để tạo tính phức tạp. Có những nghệ sĩ lại chọn cách tự sáng tác, chơi lại các bản nhạc tiêu chuẩn, cổ điển đã có hàng trăm năm, mục đích thể hiện tinh thần, phong cách mới để tạo nên cái tôi riêng. Người nghe sẽ thấy ở đó kỹ thuật, hiểu biết, nền tảng văn hóa, của riêng người nghệ sĩ.

Tôi là người khá uyển chuyển khi chơi jazz, có thể theo được các phong cách Mỹ, Âu, và bây giờ cái tôi muốn đi tìm là sự kết hợp của jazz và kỹ thuật bài bản vào tính bản địa để khi chơi nhạc, ngoài phong cách và kỹ thuật, tôi muốn âm thanh sẽ gợi cho người nghe tinh thần Việt, ngôn ngữ Việt trong đó”.

Quyền Thiện Đắc học chơi nhạc cụ dân tộc để có thêm trải nghiệm cho việc kết hợp nghệ thuật dân gian vào jazz. Ảnh: CTV

Vậy là Quyền Thiện Đắc bắt đầu hành trình đi tìm sự đồng điệu của dân gian và jazz, dựa trên mạch ngẫu hứng. Người nghệ sĩ dành thời gian dài, hơn 6 năm trải nghiệm và học hỏi các nhạc cụ dân tộc, từ trống, kèn, đến các làn điệu dân ca của người Thái, dân ca Bắc bộ, đờn ca tài tử… Anh chia sẻ thêm: “Về cơ bản jazz có thể kết hợp và chơi cùng nhiều thể loại âm nhạc khác, vấn đề là sử dụng được tính ngẫu hứng của nhau, để ngẫu hứng không bị lan man, không đi quá xa với mạch chủ đạo tôi định hướng. Khi kết hợp, tôi muốn tìm ra sự hợp lý để cùng nhau đi xa hơn chứ không chỉ là việc kết hợp một cách khiên cưỡng, gán ghép.

Do vậy, khi kết hợp các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian, tôi phải nắm bắt được đâu là ý chính, điểm mạnh, và dùng ngay nó làm nguyên liệu xử lý, cho ra bản nhạc, nhưng phải làm sao để bản nhạc hình thành, vẫn là jazz đấy, nhưng không đánh mất ý đồ ban đầu là trong đó phải có chất Việt”.

Lấy nền ngẫu hứng chạm nhau là một rủi ro, bởi ngẫu hứng dựa theo cảm xúc, thiếu ổn định. Để cân bằng, nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc chọn cách xử lý: “Tôi chọn những đoạn ngẫu hứng phù hợp nhau giữa jazz và loại nhạc muốn kết hợp, dựng thành tác phẩm, có giai điệu và bố cục rõ ràng. Khi có tác phẩm rồi, có mạch dẫn dắt, các nghệ sĩ, nghệ nhân sẽ chơi dựa trên mạch đấy, ngẫu hứng có giảm thì bài nhạc vẫn đạt trên 90% chuyên nghiệp. Tôi tìm giải pháp cân đối, sao cho cường độ, phong cách phải hòa nhau, ăn ý, tự tôn nhau lên, thể hiện được nội dung tôi muốn truyền đạt, đồng thời tạo được hình ảnh thông qua bài nhạc bằng nhạc cụ để người nghe tiếp cận gần nhất cái mình nghĩ. Điều đó giúp khán giả có thêm nhiều cảm nhận mới, họ hình dung được âm thanh, hình ảnh, càng nhiều người cảm được, chứng tỏ tác phẩm có độ mở tốt, và là hướng đi đúng để tiếp tục khai thác”.

Hàng loạt thử nghiệm mang lại thành công, từ những kết hợp cùng nghệ sĩ piano Phó An My trong Cảm hứng Chiềng Đi gồm ba chương, chín đoạn, thể hiện đầy đủ những kỹ thuật, lãng mạn, đương đại của jazz khi phối cùng âm nhạc cổ điển. Rồi đến những kết hợp của jazz với nhạc trẻ em, với âm nhạc dân gian (tuồng, chèo, cải lương…), với âm thanh núi rừng Tây Bắc, hoặc với nhóm nhạc dân gian như Đàn Đó – minishow Xuyên không của Đàn Đó cùng nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc vừa tiếp diễn ngày 25 – 26.11, sau thành công của hai đêm diễn tháng 10.2023.

Nhìn xuyên suốt qua các thể nghiệm của Quyền Thiện Đắc, thấy rõ trong đó tính đồng hiện, jazz và cá tính – phong cách của người nghệ sĩ trong vai trò cầu nối, gắn kết lại những thang âm để tạo nên không gian, khung cảnh cần thể hiện.

Tận dụng lợi thế của nhạc cụ phương Tây là cây kèn saxophone, nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc sử dụng kỹ thuật và tính ngẫu hứng bổ sung vào giới hạn của nhạc cụ dân gian để cả hai cùng nương nhau, tôn nhau lên, vẫn tôn trọng những cái riêng của nhau nhưng tạo được cái chung là âm nhạc mang hơi thở bản địa.

Không chỉ dừng lại với nhạc dân gian hay cổ điển, gần đây lại thấy nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc tham gia vào hội họa cùng nhóm các họa sĩ đương đại như Nguyễn Hồng Phương, Nguyễn Đoan Ninh, Nguyễn Minh Hiếu… Quyền Thiện Đắc chơi với hội họa bởi: “Trong âm nhạc cũng có màu sắc, có độ nặng nhẹ, đậm nhạt, tối sáng, mùi vị, không gian, nhưng để diễn ra thì dài dòng. Hội họa làm được việc đấy rất nhanh nên tôi muốn tìm sự trải nghiệm khi kết hợp cùng các nghệ sĩ đương đại, cũng là để hiểu cách họa sĩ nhìn sự vật, diễn tả sự vật bằng hình họa. Còn tôi sẽ nhìn sự vật ấy và diễn tả màu sắc bằng suy nghĩ theo ngôn ngữ nhạc jazz”.

Nói về sự kết hợp của jazz, họa sĩ Nguyễn Đoan Ninh cho biết: “Âm nhạc hay hội họa, ngoài vấn đề thể hiện, nó còn là hành vi, là bản năng, là tương tác, nên khi đưa nhạc vào tranh, liều lượng thế nào, đều do Đắc tự cảm, ví dụ khi thể hiện một đề tài cụ thể, Đắc nghĩ nó thành một đoạn nhạc, tự chép ra, và đưa vào tranh, và đoạn nhạc ấy chơi được. Chúng tôi kết hợp cùng Đắc, cũng là để tìm cách nhìn mở rộng trong nghệ thuật, không hẳn ai vẽ tranh cũng phải dựa theo chuyên môn.

Hội họa giờ không còn gói gọn trong kiến thức, vẽ phải đúng, dùng màu đúng. Đắc vẽ rất bản năng, chính bản năng ấy thậm chí có lúc làm bạn ấy run sợ, ngại ngùng khi bắt đầu, nhưng khi chạm vào rồi lại thể hiện rất nhanh. Nhất là những tác phẩm mang cảm xúc thực gắn với các đề tài xã hội, trải nghiệm bản thân…”

Tiếp tục chuỗi hành trình sáng tạo, kết nối trong nghệ thuật, Quyền Thiện Đắc tâm sự: “Nhạc jazz có độ mở lớn, tôi muốn đi tìm sự hợp lý để các dòng nhạc không chỉ riêng dân gian, mà ở cả các nền văn hóa, vùng miền, dân tộc khác khi kết nối vào jazz vẫn thấy trong đó sự hòa hợp thú vị”.

(Nguồn: https://baomoi.com/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY