Thứ Sáu, Tháng Năm 17, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềĐờn ca tài tử xuyên biên giới

Đờn ca tài tử xuyên biên giới

Tác giả: Lê Hải Đăng

Năm 2023 đánh dấu sự kiện Đờn ca tài tử Nam bộ – Việt Nam được Unesco công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (05/12/2013 – 05/12/2023). Rất nhiều hoạt động đã diễn ra trong khuôn khổ chào mừng, kỷ niệm sự kiện này. Điều đáng kể là tại một quốc đảo xa xôi, Khoa Âm nhạc Truyền thống, trường Nghệ thuật Quốc lập Đài Bắc, Đài Loan cũng tổ chức một buổi hòa nhạc Đờn ca tài tử với sự góp mặt của thầy cô giáo, sinh viên trong khoa, trong đó có nghệ sĩ đàn tỳ bà Tô Vân Hàn kết hợp cùng nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải từ Việt Nam. Nghệ sĩ Huỳnh Khải là người trực tiếp hướng dẫn sinh viên các bài bản Đờn ca tài tử, bên cạnh sự hỗ trợ của nghệ sĩ Tô Vân Hàn và các sinh viên từng tham gia học tập, biểu diễn ở Việt Nam trước đây.

Khi tham gia hoạt động này, tôi đã hỏi sinh viên về mối liên quan của nó với sự kiện kỷ niệm 10 năm ngày Đờn ca tài tử Việt Nam được Unseco công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại? Các em nói không hề hay biết. Đó mới là điều đáng nói. Và như các hoạt động nằm trong kế hoạch đào tạo âm nhạc truyền thống Đài Loan, một số quốc gia Đông Nam Á, âm nhạc Tài tử Việt Nam từng bước được đưa vào giảng dạy, thực hành. Nó tạo nên mối duyên lành góp phần gắn kết hai nền văn hóa.

Trước năm 2013, nghệ sĩ Vương Thế Vinh, một bậc thầy về đàn tỳ bà thế giới, giảng viên Khoa Âm nhạc Truyền thống, trường Nghệ thuật Quốc lập Đài Bắc đã dẫn các học trò, như nghệ sĩ Y Văn, Tử Tình sang Việt Nam học tập, thực hành âm nhạc Tài tử. Bấy giờ, Đờn ca tài tử vẫn chưa được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vương Thế Vinh vốn là một nghệ sĩ lớn. Bên cạnh sự nghiệp biểu diễn, ông cũng tham gia trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nên nhiều thế hệ học trò xuất sắc, góp phần nâng cao tầm vóc của một nghệ sĩ. Về cả hai phương diện biểu diễn và sư phạm, Vương Thế Vinh đã mở ra một lối đi riêng trên con đường âm nhạc. Sau này, nhiều học trò của ông vẫn tiếp tục đi theo con đường ấy. Thay vì phương Tây hóa âm nhạc châu Á, Vương Thế Vinh đã tìm về tinh hoa âm nhạc truyền thống các quốc gia đồng văn, trong đó có Việt Nam. Trên cơ sở các nhạc khí cùng họ, ông tái thiết phả hệ của nó, rồi kết lại thành một mạng lưới, như chương trình Nghìn năm tỳ bà chẳng hạn. Ở chương trình này, nghệ sĩ Vương Thế Vinh và các cộng sự đã làm cuộc đối thoại xuyên không gian – thời gian để các đàn tỳ bà vốn có quan hệ họ hàng với nhau thể hiện thuộc tính tương đồng và dị biệt trong ngôn ngữ âm nhạc. Về không gian, nghệ sĩ Vương Thế Vinh sử dụng các loại đàn tỳ bà Trung Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, về thời gian, các kiểu đàn đặc trưng thay đổi qua từng thời kỳ lịch sử có cơ hội gặp gỡ nhau nhằm góp tiếng nói vào cuộc đối thoại. Nghìn năm tỳ bà quả là một ý tưởng độc đáo, thể hiện tư duy hệ thống, mang tầm chiến lược. Xuất phát từ một nghệ sĩ xuất chúng, Vương Thế Vinh đã tìm tòi, thể nghiệm sáng tạo qua việc tiếp thu âm nhạc truyền thống các nước châu Á một cách đa dạng. Trong các chuyến công du dọc ngang nhiều vùng văn hóa, Việt Nam cũng nằm trong hành trình đó mà Đờn ca Tài tử là một điểm dừng chân thú vị. Tại đây ông đã thâu nhiếp tinh hoa âm nhạc truyền thống Nam bộ, lối đàn chân phương hoa lá, các thủ pháp hoa mỹ, ngẫu hứng thêm hoa… và đặc biệt là cách thức thể hiện tinh tế, ý nhị mang thẩm mỹ phương Đông. Theo nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải, Vương Thế Vinh là nghệ sĩ ngoại quốc đầu tiên đàn ba bản Nam (Nam xuân, Nam Ai, Nam đảo) đạt cảnh giới. Cho đến hiện nay, ông vẫn là người ngoại quốc duy nhất làm được việc đó. Sở dĩ nhắc đến nhân vật này là vì tính chất Duyên khởi của một hiện tượng. Hiện tại âm nhạc Tài tử đã được truyền dạy, truyền bá trên quốc đảo Đài Loan. Nó như một hạt giống lành mà người có công gieo trồng là nghệ sĩ Vương Thế Vinh.

Tối ngày 11 tháng 12 năm 2023 tại phòng hòa nhạc Mã Thủy Long của Khoa Âm nhạc Truyền thống, trường Nghệ thuật Quốc lập Đài Bắc, một hòa nhạc Đờn ca tài tử do sinh viên cùng giảng viên biểu diễn, đặc biệt có sự tham gia của nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải đến từ Việt Nam. Trong khuôn khổ buổi biểu diễn quy mô nhỏ nhằm kết thúc khóa học Master class về âm nhạc truyền thống Việt Nam, nhưng bài bản lựa chọn thể hiện đầy đủ các cung bậc cảm xúc của Đờn ca tài tử, từ hơi bắc, nam, lễ, oán đến hơi quảng với hai hình thức hòa đờn và hòa ca. Khán thính giả tham dự đa số đều là giới tri âm, mộ điệu, như nhà nghiên cứu Lý Tịnh Huệ, nhà soạn nhạc Thái Lăng Huệ, giáo sư Giản Tú Trân chủ nhiệm khoa, nhà nghiên cứu Lý Tú Cầm, thạc sĩ Y Văn, Tử Tình, những người đầu tiên sang Việt Nam học tập, tìm hiểu âm nhạc tài tử, nghiên cứu sinh Quan Quân…, một chương trình âm nhạc xuyên quốc gia thể hiện quá trình giao lưu văn hóa như nối dài chuỗi sự kiện kỷ niệm 10 Unesco công nhận Đờn ca tài tử Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY