Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềBùi Trọng Hiền muốn giải oan cho các cô đầu

Bùi Trọng Hiền muốn giải oan cho các cô đầu

Tác giả: Đậu Dung

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã lôi những mảnh vụn còn sót lại của ả đào ra ánh sáng. Anh nói cuốn Ả đào – Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật có thể khiến nhiều người sốc.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và danh cầm Nguyễn Phú Đẹ – Ảnh: NVCC

Trong căn nhà nhỏ trên phố Đội Cấn (Hà Nội), giọng bà Quách Thị Hồ tịch liêu vang lên man mác “hóa vàng” thời gian.

Vừa nghe vừa phách theo, Bùi Trọng Hiền kể về hành trình 9 năm “mở khóa” kho di sản ả đào, hay còn gọi là ca trù, hát cô đầu, hát ca công, hát nhà tơ…

“Trên thế giới, chắc không có loại hình âm nhạc nào dùng danh từ chỉ người ca sĩ làm tên thể loại như ả đào. Cô đầu hay ả đào cũng là một.” – Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền

Không chỉ sốc mà còn cả nghi ngờ

* Vì sao nghiên cứu ấy có thể khiến nhiều người sốc?

– Có đào nương “nhảy dựng lên”; họ đã là NNƯT, NNND, giờ bảo họ sai đâu dễ. Nhưng cũng có những người công nhận ngay.

Chẳng hạn NSND Thanh Hoài khi nghe băng cụ Quách Thị Hồ hát, nghe tôi đếm phách và giải thích, chị nói “quá khó” và thừa nhận “lâu nay chị bắt chước luyến láy theo kiểu của bà chứ phách sao thì chịu”.

Hay kép đàn Tô Văn Tuyên (CLB ca trù Hải Phòng), có 20 năm đàn, khi tiếp cận cũng sốc và quyết định học lại từ đầu.

Tôi hiểu vì sao người ta lại phản ứng. Bản thân tôi cũng sốc khi bắt đầu.

Năm 2014, khi tham gia chấm liên hoan ca trù cùng nghệ nhân đàn đáy cuối cùng Nguyễn Phú Đẹ, nghe cụ chê thí sinh hát không có phách, tôi chẳng hiểu gì.

Một tuần sau, tôi phải khăn gói về Hải Dương học cụ. Từ đó, tôi quyết định làm một cú lối ngược, “mã hóa” hệ thống âm luật của ả đào.

* Việc bắt chước mà không hiểu khuôn thước chẳng phải là một hiện trạng hiếm gặp trong việc thực hành cổ nhạc?

– So với những loại hình khác, trong toàn bộ hệ thống tư liệu thành văn cũng như quan điểm của giới nghệ nhân, khổ đàn – khổ phách vẫn là một điều gì đó mơ hồ.

Bản thân những nghệ nhân nhà nghề cuối cùng của thế kỷ 20 như Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ, Phó Thị Kim Đức… hay than các ca nương bây giờ hát “làm gì có phách” nhưng thế nào là đúng thì không ai nói.

Xưa, các nghệ nhân được học từ bé. Lứa nghệ nhân giờ học qua loa, qua sự truyền miệng lẫn diễn dịch chưa đúng, hát một cách cảm tính mà không hiểu gì.

Có một quãng thời gian dài ả đào bị bỏ bê, thậm chí khinh miệt.

Tới 2005, làm hồ sơ di sản trình Unesco thì số nghệ nhân nhà nghề còn quá ít ỏi, lại già yếu. Cơ hội được “cầm tay chỉ ngón” của lớp đào kép trẻ là không tưởng.

* Người hát ả đào là linh hồn của loại hình này, còn âm luật giữ vai trò gì?

– Là xương sống. Ba tháng đầu tiên khi bập vào ký âm, thú thực tôi đã bị choáng ngợp vì nhận ra các cụ nhà mình ghê gớm và kỳ vĩ quá. Đó là hệ thống âm luật rất khoa học, cực kỳ tinh vi, phức tạp.

Lời nhắn nhủ của tiền nhân

* Trêu ngươi, khó nhằn, lẫn bao dị nghị nhưng trên hành trình 9 năm đó, Bùi Trọng Hiền cũng đã được ả đào “độ?

– Đúng là ả đào “độ” thật. Năm 2015, tôi bị sốc và say vì ả đào. Tôi lao vào ký âm, phân tích thâu đêm tới sáng liên tục trong mấy tháng đầu, tới khi bị xuất huyết dạ dày. Sau này, tôi còn trải qua một trận thủng dạ dày nữa. Còn sống là may mắn lắm.

Tới tháng 12-2019, hệ thống âm luật đã được giải mã. Kho tàng ngàn năm chỉ còn ngần ấy. Tôi sướng run.

* Cuộc gặp nào khiến anh xúc động?

– Lần cuối cùng gặp cụ Đẹ, cụ nắm bàn tay tôi nói: “Anh biết gì thì chỉ lại cho các em, các cháu nhé”.

Hay lần cuối cùng gặp GS Trần Văn Khê, biết tôi đang nghiên cứu ả đào, ông bảo tôi muốn lấy tư liệu gì thì lấy.

Tôi chỉ lấy một CD thôi. Sau đó, GS còn viết email động viên tôi đừng bỏ cuộc, phải cứu lấy ả đào.

Còn rất nhiều cuộc gặp khác nữa suốt 9 năm qua, tôi không sao kể hết. Thậm chí, có những “cuộc gặp tinh thần” rất đặc biệt.

Nghe cụ Đinh Thị Bản hát Cò lả, tôi nhớ mẹ tôi. Trước, cứ nghĩ mẹ hát không đúng. Cứ nghĩ, bài này phải tươi theo kiểu chèo, chứ không phải man mác kiểu ca trù thế này. Chúng ta nhầm cả rồi.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền – Ảnh: FBNV

* Có bản thu nào đã qua, không còn trở lại trong văn hóa Việt Nam? Có bản thu nào gây cảm giác “đau tim” khi những bài ca trù ngấp nghé giữa rìa vực tan biến?

– Rất nhiều. Ví dụ, trong nhạc ả đào, Tỳ bà hành có thể được xem là bài hát dài nhất thế giới (lên tới gần 100 câu). Để hát, trung bình mất 40-45 phút.

Có hai bản thu: bản dài 35 phút của bà Quách Thị Hồ và kép đàn Đinh Khắc Ban; hai là của bà Như Tuyết và kép Tư Mã dài tới 47 phút. Giờ có bói cũng không ra còn đào nương nào có nội lực sung mãn như các cụ.

Rồi bản Chừ khi được thu ngày 9-10-1959, trước giai đoạn chiến tranh phá hoại miền Bắc. Hay một đĩa nhạc khác được thu ngày 15-2-1979, đúng hai ngày sau là chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra.

Nghe anh Đinh Xuân Ninh, cán bộ của Viện Âm nhạc, kể lại lúc đó anh chị em thu thật nhanh, trong trạng thái căng thẳng để Viện âm nhạc còn kịp chuyển kho tư liệu vì sợ Hà Nội bị đánh phá…

Để khi nghe những bản thu đó, xúc động và đau tim chứ. Nếu không thu lại, không có những nhà sưu tầm giữ lại, kho tàng âm nhạc Việt Nam vĩnh viễn mất những bài ca đó…

Cuộc gặp cuối cùng với GS Trần Văn Khê – Ảnh: NVCC

Cuộc cách mạng tình dục sớm nhất thế giới?

* Trong phần 6, anh viết: “Sự hình thành hệ thống nhà hát cô đầu xứng đáng được coi như một cuộc cách mạng giới – giải phóng phụ nữ” và “ở góc độ tự do luyến ái, cũng có thể coi là cuộc cách mạng tình dục sớm nhất trên thế giới”?

– Tôi phải tra cứu rất kỹ rồi mới kết luận. Ở Mỹ, tới thập niên 1960 mới diễn ra cuộc cách mạng tình dục. Còn ở Việt Nam, đã có thời các cô đầu. Bao nhiêu năm, cô đầu bị coi là đĩ điếm rồi chịu sự miệt thị.

Nhưng trước đó là gì? Phụ nữ chưa chồng mà chửa, có con ngoài giá thú… bị trói lại, cả làng cả xã làm nhục rồi đóng bè trôi sông hoặc cạo trọc đầu bôi vôi.

Có thể, sẽ hơi quá theo góc nhìn đạo đức nhưng đặt trong bối cảnh phong kiến, mới hiểu và thông cảm được cho sự “bung” ra của các cô đầu.

Một trong những bản ký âm từ 9 năm trước, nay đã phai màu theo thời gian – Ảnh: NVCC

Lần đầu trong lịch sử, cô đầu làm chủ kinh tế, làm chủ các nhà hát, thích yêu ai thì yêu, thích ngủ với ai thì ngủ, thích lấy ai thì lấy, tự do phóng túng về luyến ái. Họ là hot girl thời đó, muốn họ làm quảng cáo cho nhãn hiệu, phải trả rất nhiều tiền.

Những cô đầu Hà Nội cũng đóng vai trò lịch sử, tiên phong cho nhiều trào lưu thời trang kiểu tân thời những năm 1920, 1930 như mặc áo dài Cát Tường, đi guốc cao gót thay cho đôi hài mỏ vịt truyền thống.

Cô đầu cũng là những nghệ sĩ đầu tiên được các hãng đĩa danh tiếng thế giới mời góp mặt.

Vũ Bằng gọi các cô đầu là “vú nuôi” của giới văn nghệ Hà Nội. Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Nam Cao, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Công Hoan… ai mà không ra vào nhà hát cô đầu. Đến hàng xóm của gia đình tôi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, cũng mê hát ả đào như điếu đổ.

* Một số tài liệu kể trong sự kiện hơn 60 ngày đêm lịch sử, các cô đầu đã tình nguyện ở lại, chiến đấu và hy sinh…

– Nhiều cô đầu, kép đàn ở nhà hát Khâm Thiên, Vạn Thái, Bạch Mai, Ngã Tư Sở… tình nguyện ở lại trong hơn 60 ngày đêm ấy, sau đó hàng trăm đào nương cùng bộ đội lên chiến khu Việt Bắc làm dân công, tham gia kháng chiến, họ lên cả Tây Tiến…

Điều gì khiến họ làm vậy? Chỉ có thể nói, đó là lòng yêu nước. Họ là một phần của lịch sử dân tộc.

Hãy trả lại công bằng cho các cô đầu. Tôi muốn giải oan cho họ. Khi viết phần này, tôi nước mắt giàn giụa vì thương các cô đầu của tôi.

(Nguồn: https://tuoitre.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY