Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024
Trang chủTác phẩmNhạc đànBruckner: Giao hưởng số 4

Bruckner: Giao hưởng số 4

Tác giả: Ngọc Tú (tổng hợp)

Thông tin chung

Tác giả: Anton Bruckner.
Tác phẩm: Giao hưởng số 4 giọng Mi giáng trưởng “Lãng mạn”, WAB. 104
Thời gian sáng tác: Phiên bản đầu tiên được Bruckner hoàn thành năm 1874 nhưng sau đó, ông tiếp tục sửa chữa nhiều lần. Phiên bản cuối cùng được hoàn thành năm 1888.
Công diễn lần đầu: Ngày 20/2/1881 với Hans Richter chỉ huy Vienna Philharmonic.
Độ dài: Khoảng 65 phút.
Cấu trúc tác phẩm:
Tác phẩm có 4 chương:
Chương I – Bewegt, nicht zu schnell (Cảm động, không quá nhanh) (Mi giáng trưởng)
Chương II – Andante, quasi allegretto (Đô thứ)
Chương III – Scherzo: Bewegt (Cảm động) – Trio: Nicht zu schnell (Không quá nhanh) (Si giáng trưởng)
Chương IV – Finale: Bewegt, doch nicht zu schnell (Cảm động nhưng không quá nhanh) (Mi giáng trưởng)
Thành phần dàn nhạc: 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 4 horn, 3 trumpet, 3 trombone, tuba, timpani và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Phần lớn trong số 11 bản giao hưởng của Bruckner được chính tác giả sửa đổi nhiều lần trong nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc đời ông và bản số 4 cũng không phải ngoại lệ. Có khoảng 30 phiên bản khác nhau về các bản giao hưởng của ông. Ngay sau khi hoàn thành phiên bản đầu tiên của Giao hưởng số 3 vào cuối năm 1873, Bruckner bắt tay ngay vào một bản giao hưởng mới, được gọi là Giao hưởng số 4 và có tên là “Lãng mạn” – bản duy nhất có tên gọi do chính nhà soạn nhạc đặt. Trên thực tế đây là bản giao hưởng số 6 theo thứ tự sáng tác (2 bản đầu không được đánh số) và là bản đầu tiên được viết ở giọng trưởng. Phiên bản đầu tiên của Giao hưởng số 4 được hoàn thành vào tháng 11/1874 nhưng Bruckner không sắp xếp được một buổi trình diễn ra mắt. Vienna Philharmonic đã đưa bản giao hưởng mới vào tập luyện nhưng cuối cùng đã kết luận là “không thể chơi được” – điều khiến ông vô cùng chán nản.

Vì vậy, năm 1878, Bruckner có lần chỉnh sửa lớn đầu tiên đối với tác phẩm. Ông đã viết chương III Scherzo, một “cảnh săn bắn”, hoàn toàn mới và chương IV “lễ hội dân gian” được sửa chữa nhiều đến mức hầu như không thể nhận ra. Phiên bản này về sau được gọi là bản 1878/1880. Với phiên bản mới này, cuối cùng Vienna Philharmonic dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Hans Richter đã đồng ý chỉ huy ra mắt tác phẩm vào ngày 20/2/1881. Đây cũng là lần đầu tiên giới thiệu một bản giao hưởng mới của Bruckner không phải do chính nhà soạn nhạc chỉ huy và đánh dấu thành công đầu tiên của ông. Sau nhiều năm chịu đựng tiếng la ó và lăng mạ (chúng ta nhớ lại buổi ra mắt bản giao hưởng số 3 ngày 16/12/1877, cả đám người cười cợt chế giễu ông và khi kết thúc tác phẩm, chỉ còn lại 10 người, là học sinh và người hâm mộ ông (trong đó có Mahler), trong khán phòng), cuối cùng Bruckner cũng nhận được những tràng pháo tay thực sự. Ông đắm mình trong sự ấm áp lạ lẫm. Trước sự ngạc nhiên và thích thú của bản thân, Bruckner được mời đứng dậy sau mỗi chương nhạc. Sau khi đêm diễn kết thúc, với sự hồn nhiên, chân thật của mình, Bruckner đã tặng Richter một đồng xu và nói: “Hãy cầm lấy và mua cho mình một cốc bia”. Cảm động trước tình cảm chất phác của nhà soạn nhạc, Richter đã đeo đồng xu bên mình như một kỷ niệm.

Xét về tổng thể các bản giao hưởng, âm nhạc của Bruckner là tuyệt đối, giống với thẩm mỹ của người tiền bối vĩ đại Beethoven. Bản giao hưởng Lãng mạn của ông cũng giống như “Đồng quê” của Beethoven, dù vẫn được coi là âm nhạc chương trình nhưng không cần những mô tả văn học hay hình ảnh đính kèm, bản thân giá trị nội tại của tác phẩm cũng đã vô cùng tuyệt vời.

Phân tích

Chương I

Chương I được chính Bruckner viết mô tả: “Thành phố thời trung cổ – Rạng đông – Buổi sáng gọi âm thanh từ những ngọn tháp trong thành phố – Cổng mở ra – Các hiệp sĩ trên những con ngựa kiêu hãnh xông ra, phép thuật của thiên nhiên bao trùm họ – rừng cây rì rào – chim líu lo – và vì vậy bức tranh Lãng mạn phát triển xa hơn nữa…”. Âm nhạc cũng rất phù hợp với lời dẫn của Bruckner: phía trên dàn dây chơi tremolo, tiếng horn độc tấu chơi chủ đề bình minh, một ý tưởng du dương ban đầu sẽ được dàn nhạc phát triển trong phần còn lại của chương nhạc. Phát triển một cách tự nhiên, âm nhạc tăng dần âm lượng thành một tuyên bố mạnh mẽ với phần kèn đồng – những hiệp sĩ lao ra khỏi cổng thành. Sau một hơi thở, một chủ đề mới trữ tình xuất hiện trên bè violin – phép thuật của tự nhiên. Giai điệu được truyền cảm hứng từ tiếng chim kohlmeise (bạc má lớn). Chủ đề cưỡi ngựa trở lại như sấm chớp rồi sau đó lặng dần, nhường chỗ cho “rừng cây rì rào”, khép lại nửa đầu chương I. Hoà âm chợt trở nên tối tăm khi chủ đề bình minh bị chuyển đổi khó khăn thành chủ đề cưỡi ngựa. Bật ngược trở lại, chủ đề này đối chọi với chủ đề gốc và cuối cùng chiếm ưu thế, dẫn tới một đoạn chorale nghiêm nghị, nguyện cầu trên kèn đồng. Âm nhạc trở nên mềm mại hơn cho đến khi chủ đề bình minh trở lại, giờ đây được chơi trên flute. Sau màn tái hiện của các chủ đề khác, một coda lớn dựa trên chủ đề bình minh dường như mở ra những viễn cảnh mới.

Chương II

Với nhiều nhà nghiên cứu, chương II chậm gợi nhắc đến không khí của một buổi lễ tôn giáo (khá tương đồng với chương II bản giao hưởng số 4 “Italian” của Mendelssohn). Tuy nhiên, nhận xét của riêng Bruckner gợi ý lên nguồn cảm hứng thế tục hơn. Trong một bức thư, ông miêu tả chương nhạc là “bài hát, lời cầu nguyện, serenade” và theo như một đồng nghiệp của ông kể lại, Bruckner đã nói: “Trong chương II, một chàng trai yêu điên cuồng muốn trèo vào phòng người yêu qua cửa sổ, nhưng không thể vào được”. Chương nhạc bắt đầu với một bài hát không lời đầy nội tâm qua bè cello ở giọng tối Đô thứ. Một đoạn nhạc cho dàn dây giống như lời cầu nguyện sau đó được chuyển thành một giai điệu dài với phần đệm pizzicato của viola, giống như đàn lute – giả định như một khúc serenade cho tuổi trẻ. Âm nhạc được tiếp thêm động lực ở phần phát triển, dẫn tới sự trở lại của chủ đề cello mở đầu. Lần này, lời cầu nguyện được thay thế bằng sự thay thế rời rạc hơn để chuyển tới khúc serenade trên viola và phần coda mở rộng của chương nhạc xây dựng nên một cao trào đầy cảm xúc mãnh liệt trước khi dần biến mất.

Chương III

Bruckner miêu tả chương III là một cảnh đi săn, phù hợp với tiếng kèn đồng vang vọng mở đầu chương nhạc. So với phiên bản đầu tiên năm 1874, chương III scherzo này hoàn toàn mới, hướng ngoại và tươi sáng hơn. Kèn đồng tham gia nhiệt tình vào cuộc đi săn. Trong phần Trio tương phản, thư giãn, chúng ta nghe thấy đâu đó sắc thái của Schubert trong một điệu nhảy ländler quyến rũ với clarinet và oboe, sau đó là bè violin 1 với những giai điệu đồng quê, thánh thiện được Bruckner gọi là “Điệu nhảy giữa bữa ăn của người thợ săn trong rừng”. Chủ đề “săn bắn” trong khúc scherzo ban đầu trở lại trong phần cuối chương nhạc.

Chương IV

Chương IV bí ẩn hơn nhiều. Bruckner không đưa ra những chỉ dẫn gì cho chương nhạc này. Sau này khi được hỏi, Bruckner khá vô lý khi trả lời là đã quên mất. Các phiên bản trước của chương này có ghi chú một số gợi ý như “Regenwetter” (thời tiết ẩm ướt) hay “Volksfest” (lễ hội) nhưng những chất liệu âm nhạc trong đó khá khác biệt với phiên bản này nên không rõ ý tưởng ban đầu của Bruckner có còn tồn tại hay không. Chương nhạc mở đầu với một không khí mơ hồ qua tiếng horn solo trên nền clarinet trong chùm ba, một phản chiếu mờ ảo với chủ đề bình minh trong chương I. Trở nên nhanh hơn, âm nhạc mạnh dần dẫn tới chủ đề chính u ám, khắc nghiệt được chơi fortissimo bằng cả dàn nhạc. Chủ đề tươi sáng, bình minh của chương I trở lại. Một chuỗi những giai điệu trữ tình, hân hoan tiếp nối cho đến khi một chủ đề mới đột ngột bùng nổ. Âm nhạc lặng dần khi phần phát triển bắt đầu. Motif chùm ba bắt đầu chương nhạc trở lại nhưng ở dạng nghịch đảo: đi lên thay vì đi xuống. Các chủ đề trữ tình được phát triển nhiều hơn dẫn tới một đoạn nhạc dữ dội dựa trên một vài mảnh ghép của chủ đề khắc nghiệt đầu chương. Kiệt sức, âm nhạc sụp đổ, cho đến khi chủ đề chính hùng vĩ trở lại trong một hình thức mở rộng. Sau một khoảng lặng kịch tính, những chủ đề trữ tình được tái hiện dẫn đến một trong những coda xuất sắc nhất trong lịch sử các bản giao hưởng. Các hình thức tăng và giảm của motif mơ hồ mở đầu chương nhạc được kết hợp khi âm nhạc có cường độ tăng dần. Bản giao hưởng đạt cao trào và kết thúc khi chủ đề bình minh trong chương I trở lại.

Giao hưởng số 4 của Bruckner sở hữu một vẻ đẹp hùng vĩ và nên thơ, kết hợp giữa những giai điệu trữ tình mang phong cách Schubert với hoà âm mãnh liệt của Wagner, người mà ông tôn thờ và những cao trào sấm sét như âm hưởng của organ, nhạc cụ mà ông thành thạo nhất. Mặc dù đạt được thành công vang dội, nhưng Bruckner vẫn không ngừng chỉnh sửa tác phẩm. Có thể không phải vì ông thiếu quyết đoán mà bản thân Bruckner tin rằng âm nhạc của mình có thể thay đổi theo thời gian. Người ta tính tổng cộng bản giao hưởng số 4 này của Bruckner có tới 7 phiên bản khác nhau. Phiên bản cuối cùng được ông hoàn thành vào năm 1888. Trong số 7 phiên bản này, phiên bản 1878/1880 đề cập ở trên, sau này được nhà âm nhạc học Leopold Nowak biên tập lại là phiên bản nổi tiếng và được trình diễn nhiều nhất.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY