Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềBộ phận làm nên danh xưng gánh hát

Bộ phận làm nên danh xưng gánh hát

(Tác giả: Lê Hải Đăng)

Trong dân gian, danh xưng gánh hát vốn được sử dụng để định danh một tổ chức nghệ thuật. Cách định danh này dựa trên một phương tiện quan trọng mà gánh đóng vai trò chuyên chở. Theo đó, gánh nhằm chỉ chiếc đòn tre nâng đỡ hai đầu. Trong ngữ cảnh văn hóa truyền thống ấy, gánh (hát) đã thay đổi tính chất, từ danh từ sang động từ, rồi đến thuật ngữ chuyên dụng nhằm chỉ cơ cấu, tổ chức nghệ thuật. Vấn đề là, gánh tuy rất quan trọng, nhưng bộ phận mà nó nâng đỡ ở hai đầu còn quan trọng hơn. Bộ phận ấy là gì? Đó chính là những chiếc rương, thùng gỗ đựng trang phục, đạo cụ…

Tìm hiểu các loại hình ca kịch truyền thống người Hoa trên đất Nam bộ, như Việt kịch của người Quảng Đông, Triều kịch của người Triều Châu cho thấy, nửa đầu thế kỷ 20 có rất nhiều gánh hát di chuyển bằng tàu thuyền từ miền Nam, Trung Quốc hay Hong Kong sang Việt Nam, khu vực Chợ Lớn và các tỉnh miền Tây Nam bộ lưu diễn. Bấy giờ, người Việt Nam quen gọi các gánh hát đó là gánh Thùng xanh, Thùng đỏ, Thùng đen… nhờ đặc điểm nhận dạng của những chiếc rương đựng trang phục, đạo cụ. Loại rương này thường làm bằng gỗ, hình chữ nhật, kích thước, trọng lượng vừa phải có thể gánh trên vai.

Trong cơ cấu tổ chức Việt kịch, một loại hình ca kịch truyền thống của người Quảng Đông mà người Việt quen gọi là hát Hồ Quảng, mỗi loại rương phân chia dựa vào dụng cụ đựng bên trong. Rồi người ta lại tiếp tục phân tách vai trò người phụ trách nhằm quản lý, như “Y tương bá phụ”, ông bác chuyên trách thùng quần áo, “Tạp tương Á thúc”, chú Hai cai quản thùng đạo cụ…

Qua đó thấy rằng, danh xưng gánh hát tuy đi ra từ một bộ phận giản đơn, nhưng lại phản ánh một tổ chức khá phức tạp. Như chúng ta biết, gánh hát phân chia rạch ròi các vai trò, từ diễn viên, nhạc công, đạo diễn, thầy dạy cho đến người lập kế hoạch, viết đề cương, biên kịch, hóa trang, tạp vụ, mại hý hay hành giang (người tìm đối tác, tạo cơ hội biểu diễn), kế toán, thủ quỹ, giặt giũ quần áo, đầu bếp, tiêu công (người bẻ lái), cuối cùng là Y tương bá phụ (chuyên trách trang phục), Tạp tương – quản lý đạo cụ, kiểm tra sân khấu…Trong đó, rương đựng trang phục, đạo cụ quyết định nội dung, thể tài vở diễn. Chỉ cần nhìn vào “nội dung” chiếc rương có thể đoán biết vở diễn sắp diễn ra. Việt kịch (Quảng Đông), Triều kịch (Triều Châu) hay Quỳnh kịch (Hải Nam)… đa số đưa những tích xưa lên sân khấu. Người Việt Nam bộ tuy không phải ai cũng hiểu phương ngữ các cộng đồng người Hoa sở tại, nhưng vẫn theo dõi sát tình tiết, diễn biến vở kịch nhờ tính liên thông văn hóa.

Năm 2022, tôi có dịp trở lại Đại học Nghệ thuật Quốc lập Đài Bắc sau 3 năm dịch bệnh. Giáo sư Lý Tịnh Huệ, nguyên chủ nhiệm Khoa Âm nhạc học Truyền thống đích thân dẫn vào Kho lưu trữ của trường tham quan, trong đó có các bản thảo, gồm chữ nhạc, kịch bản chép tay, trang phục, đạo cụ, đặc biệt là những chiếc thùng xanh đã ngả màu thời gian. Tất cả được bảo quản cẩn thận, từ vật liệu những chiếc hộp đựng bản nhạc, kịch bản không có chất axit ăn mòn hiện vật cho đến yêu cầu duy trì nhiệt độ ổn định, công tác bảo dưỡng… Riêng trang phục diễn viên vẫn gấp gọn cẩn thận, giáo sư Lý Tịnh Huệ nói nhà trường không dám mở ra, vì không biết cách gấp lại. Khối tài sản này phần nhiều do nghệ sĩ tiền bối quyên tặng. Những chiếc rương xếp chồng lên nhau, có cái nằm lẻ loi một mình. Chứng kiến kỷ vật một thời, tôi như chạm vào tư liệu lịch sử trong cuộc đối thoại yên lặng đi xuyên thời gian.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY