Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềVề phê bình âm nhạc

Về phê bình âm nhạc

Một trong những điều giúp phát triển nghệ thuật và văn hoá là phê bình nghệ thuật. Ở Việt Nam thiếu một nền phê bình chuyên nghiệp, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển. Các bài viết khen trên báo không phải là bài phê bình mà chỉ là một bài viết làm hài lòng nghệ sĩ, nếu không phải là một bài viết PR. Chúng ta ai cũng biết hầu như không có một buổi biểu diễn hoàn hảo, các bản thu live của các nghệ sĩ huyền thoại cũng có nhiều lỗi nếu chúng ta mở tổng phổ ra nhìn.

Việc nhận được lời phê bình sẽ giúp cho các nghệ sĩ nhận ra khiếm khuyết và khắc phục. Việc chỉ ra sai lầm không nhất thiết phải đi kèm việc hướng dẫn khắc phục, một nghệ sĩ cần phải tự mình nhận ra điều đó, việc có người chỉ ra những điều thiếu sót là một sự may mắn đối với bất cứ nghệ sĩ nào. Dĩ nhiên nghệ sĩ thường dễ tự ái với các lời phê bình. Nhưmg một nghệ sĩ lớn và từng trải sẽ hiểu bất cứ một ý kiến nào cũng chỉ là ý kiến cá nhân, 9 người 10 ý. Và một kiến thì không thể đánh gục được một nghệ sĩ. Và ai cầu thị sẽ luôn biết cách tiếp thu ý kiến một cách đúng mực, những nghệ sĩ trưởng thành nhanh nhất là những người luôn tìm kiếm những lời nhận xét thẳng thắn để cải thiện năng lực của bản thân. Còn dĩ nhiên những ai thích ru ngủ trong những lời khen thì sẽ luôn chỉ dừng lại ở một điểm cao nhất định. Việc dũng cảm nhìn vào những lời chê bai mạnh mẽ càng khẳng định được tính cách và sự độc lập của 1 nghệ sĩ lớn trong tương lai. Những nghệ sĩ không chấp nhận được sự góp ý thường khó phát triển tốt hơn mức hiện có dù có thể có năng lực, thậm chí bình phẩm ngược lại người phê bình. Những nghệ sĩ như vậy khó có thể thành công hoặc trở thành nghệ sĩ lớn. Nghệ sĩ piano nổi tiếng Khatia Buniatishvili từng bị tạp chí “The Guardian” cho 2 sao về buổi trình diễn tác phẩm “Những bức tranh trong phòng triển lãm” với tiêu đề “chơi hấp tấp, non nớt”. Đây là câu cuối của bài phê bình “Tin tốt là cây đàn piano vẫn còn nguyên vẹn; tin xấu là đối với câu hỏi liệu Buniatishvili có thể trở thành một nghệ sĩ nghiêm túc hay không, ban giám khảo vẫn chưa đồng tình.” Cô trả lời lại bài phê bình ngay sau đó bằng một post dài trên Twitter, dĩ nhiên thái độ của cô sau này được đánh giá là thiếu chuyên nghiệp với một nghệ sĩ lớn vì như đã nói ở trên, góc nhìn của mỗi người với tác phẩm là khác nhau, một nghệ sĩ khó có thể làm hài lòng tất cả khán giả và nghệ sĩ nên tập trung vào âm nhạc của mình hơn là tranh luận với nhà phê bình. Và thật ra album Kaleidoscope sau này của cô thu lại tác phẩm này cũng không được đánh giá cao.

Việc chỉ khen xã giao, ngại mất lòng vô hình chung đã làm chậm sự phát triển của năng lực biểu diễn chung của các nghệ sĩ Việt Nam, bao gồm cả những người sáng tạo. Trong lịch sử âm nhạc cổ điển, rất nhiều tác phẩm lớn khi ra đời đã phải nhận nhiều lời chỉ trích thậm tệ trước khi ra một phiên bản hoàn chỉnh thành công. Các nghệ sĩ nên vui mừng vì có những khán giả am hiểu, nhận thức được giá trị nghệ thuật khi họ biểu diễn tốt, cũng như mạnh mẽ phê phán khi màn biểu diễn bị thất bại. Pavarotti từng bị khán giả Scala boo (la ó) khi hát bị crack trong vở Don Carlo tại La Scala năm 1992, sau đó ông đã trả lời phỏng vấn về việc này: “Nhưng nếu bạn làm sai điều gì đó, [người hâm mộ] có thể phản đối – họ có thể la ó bạn. Họ sống để đi xem opera hàng đêm và họ dành hết tình yêu của mình cho vở opera. Họ nghĩ rằng họ là người phán xét cuối cùng về những gì xảy ra ở đó, và họ nghĩ rằng họ có quyền tán thưởng hoặc la ó. Và nếu bạn muốn biết ý kiến của tôi thì họ đúng đấy.” Một tenor nổi tiếng khác là Franco Bonisolli đã hỏng nốt Đô khi hát “Di quella pira” tại Barcelona năm 1983, tuy nhiên sau khi bị khán giả la ó, ông đã quay trở lại sân khấu ngay lập tức và trình diễn một nốt Đô tuyệt đẹp khiến cả khán phòng Bravo vang dội. Bản thu vở diễn này vẫn giữ lại cả hát nốt Đô này. Cả 2 trường hợp trên là ví dụ cho những thái độ đúng mực của nghệ sĩ lớn, trường hợp đầu ông chấp nhận những sai sót của mình và tôn trọng ý kiến của khán giả, trường hợp sau nghệ sĩ nhận ra lỗi của mình và ngay lập tức sửa sai để thể hiện ra đẳng cấp của mình.

Một hiểu lầm sai nữa là nghệ sĩ coi thường đánh giá của những người nghe nhạc so với những người học lý luận vì cho rằng họ thiếu chuyên môn. Họ đã bỏ qua một sự thật cơ bản khán giả là đối tượng quan trọng trong môi trường nghệ thuật, họ mới là người trả tiền vé và mua đĩa cho các nghệ sĩ. Một câu nói thường được trích dẫn về quyền tự do ngôn luận “Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó” (câu này của Beatrice Hall chứ không phải Voltaire). Nhiều người nghe nhạc có thể còn có kinh nghiệm và nghe nhiều hơn các nghệ sĩ. Và vì họ đã trả tiền để xem tác phẩm, họ có quyền đánh giá về buổi trình diễn, người nghệ sĩ có thể đồng ý và không đồng ý. Ở một số trường nhạc, các kỳ thi còn bổ sung trong hội đồng một người nghe nhạc để đánh giá màn trình diễn của thí sinh, vì nếu anh không thể thuyết phục được khán giả thì anh cũng không đạt tiêu chuẩn.

Một bài phê bình đúng sẽ có khen và có chê hợp lý, và cách nhìn nhận về một bài phê bình là nhìn ra được những điểm tích cực và đón nhận bài phê bình như một lời góp ý để các nghệ sĩ có thể hoàn thiện. Và mục đích của 1 bài phê bình không phải để khen ngợi hay chê bai mà để phân tích giá trị của một tác phẩm mới hay một buổi diễn. Và tất cả những lời đánh giá đều là mang tính thiên kiến của một cá nhân giữa nhiều người khác cho dù người viết là ai. Hi vọng các buổi diễn ở Việt Nam sẽ có thêm nhiều bài phê bình thẳng thắn từ các khán giả, và các nghệ sĩ sẽ ngày càng cởi mở đón nhận ý kiến từ các bạn yêu nhạc để càng hoàn thiện và phát triển tốt hơn nữa.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY