Thứ Bảy, Tháng Năm 4, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềTHỰC HÀNH DI SẢN TRONG MÔI TRƯỜNG ĐA VĂN HÓA

THỰC HÀNH DI SẢN TRONG MÔI TRƯỜNG ĐA VĂN HÓA

Tác giả: Lê Hải Đăng

Nhận thức chung

Di sản văn hóa nhằm chỉ các dạng thức văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị lịch sử, nghệ thuật, khoa học… Nhờ đặc trưng biến đổi và có thể học tập, văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng tạo sự liên kết giữa các thực thể trên tọa độ lịch sử và không gian khác nhau. Qua đó cho thấy, chúng ta một mặt đối diện trước sự mai một của di sản văn hóa, mặt khác phải xử lý tình huống phát sinh do chuyển hóa bối cảnh.

Chuyển hóa bối cảnh

Chuyển hóa bối cảnh diễn ra trên nhiều cấp độ, rõ rệt nhất là sự thay đổi về không gian và thời gian. Cùng một di sản văn hóa, sau khi dịch chuyển trên các tọa độ địa lý đã diễn ra sự thay đổi. Ví dụ điệu Lý con sáo từ lâu đã bay khắp trời nam đất bắc; Lý ngựa ô cũng phi nước đại từ Huế vào Nam… Trong quá trình đó, chúng đã thay đổi mà giới nghiên cứu văn nghệ dân gian định dạng bằng thuộc tính dị bản. Tương tự như vậy, tín ngưỡng Tam tòa tứ phủ ở miền bắc đã sớm dịch chuyển vào miền trung và miền nam. Tại Huế, di sản văn hóa này thay đổi đáng kể thể hiện qua cấu trúc điện thờ, hệ thống đối tượng thờ tự, nhất là hình thức hát văn hay hát chầu văn, một thể loại âm nhạc gắn liền với môi trường tín ngưỡng này. Như vậy, thông qua sự dịch chuyển tọa độ địa lý – bối cảnh văn hóa đã tạo nên những thay đổi cho di sản văn hóa.

Bên cạnh đó, còn có sự thay đổi về thời gian lịch sử. Chẳng hạn một dạng thức văn hóa gắn bó lâu đời trên một vùng đất, cùng với sự dịch chuyển về thời gian làm hình thành các lớp cư dân mới, từ đó vô hình trung tạo tiền đề cho những thay đổi, như tết cổ truyền chẳng hạn. Đây là một di sản, tuy chưa được công nhận di sản, nhưng có thể nói mang tính đại diện cho cả cộng đồng người Việt, dù ở trong hay ngoài nước. Thu hẹp phạm vi trên tọa độ lịch sử, rõ ràng người Việt vẫn ăn tết theo một trục thời gian không đổi, nhưng cách thức đã khác xưa. Tính riêng tục đốt pháo thôi, tập quán lâu đời này đã lùi vào dĩ vãng gần 30 năm.

Tái cấu trúc hệ sinh thái

Trong môi trường đa văn hóa, cơ cấu dân cư phức hợp, bối cảnh xã hội thường xuyên thay đổi, văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng chắc chắn cũng diễn ra sự biến đổi. Vấn đề nằm ở chỗ, quá trình này từng diễn ra chậm chạp trong quá khứ thì ngày nay trở nên gấp gáp. Nhìn từ góc độ cá nhân, chúng ta dễ rơi vào tình trạng hối thúc trước sự thích nghi. Còn đứng ở góc độ lịch sử, sự bình tĩnh có được nhờ khoảng lùi của thời gian giúp có cái nhìn rõ rệt hơn trước những thay đổi, trong đó có biến đổi văn hóa.

Như vậy, thay đổi là một hiện tượng phổ biến. Vấn đề là thay đổi như thế nào? Có những thay đổi dẫn đến cách mạng, tựu chung thay đổi làm nên sự phong phú của đời sống. Đồng thời trong sự thay đổi nói chung, có thứ chậm chạp, có thứ nhanh chóng, như di sản văn hóa tín ngưỡng thường thay đổi chậm hơn so với nghệ thuật biểu diễn…

Xuất phát bởi nhu cầu bảo tồn, chúng ta có xu hướng níu kéo quá khứ để cho tương lai đong đầy giá trị thực tại. Trong quá trình hiện thực hóa dĩ vãng, di sản vừa tiếp tục kết nối với cuộc sống hôm nay, đồng thời vừa giúp con người hiện tại nhìn lại mình trong quá khứ. Tuy nhiên, công tác bảo tồn chỉ khiến cho di sản ở lại, chứ không thể tiếp tục nếu thiếu hoạt động thực hành. Sự khác nhau giữa “xác chết” hiện vật trong “nhà xác” bảo tàng và những thực thể sống động ngoài đời sống nằm ở chính điểm này.

Như chúng ta biết, di sản văn hóa phi vật thể đòi hỏi ký thác trên chính thực thể là những con người hôm nay. Chính vì lẽ đó, bước vào xã hội hiện đại, chúng ta phải kiến tạo môi trường văn hóa mới cho di sản văn hóa cũ neo đậu. Có thể thực thi nhiệm vụ này thông qua công cuộc tái thiết không gian văn hóa. Thực tiễn cho thấy, nhiều di sản sau khi được vinh danh lại trở nên lạc lõng, “lưu vong” trên chính quê hương mình. Chẳng hạn, việc đưa Đờn ca tài tử ra phố đi bộ, chợ hoa ngày tết. Ngược lại, hát bóng rỗi, hát chầu văn, hát xoan, hát sẩm… đưa lên sân khấu lại trở thành điểm sáng văn hóa. Vấn đề vẫn nằm ở cách thức thiết kế, tái cấu trúc không gian văn hóa, nói rộng ra là hệ sinh thái văn hóa cho di sản văn hóa thị hiện, hội nhập cuộc sống, chứ không thuần túy dịch chuyển từ điểm A đến B, C, D… Ngoài ra, trong môi trường văn hóa đa dạng, từ môi trường học tập, trao đổi, hội thảo cho đến giao lưu, hợp tác văn hóa đều có những đặc trưng riêng nhằm thiết kế ý tưởng, tái cấu trúc không gian văn hóa phù hợp. Trong quá trình đó, những người liên quan còn phải diễn giải, chú giải, thậm chí hướng dẫn người quan sát nhằm tạo nên sự kết nối. Bởi di sản văn hóa quen thuộc ở nơi này, không có nghĩa quen thuộc ở nơi khác. Di sản văn hóa thời đại trước cũng không dễ dàng đi vào nhận thức chung của thời hiện đại. Hoạt động tương tác rất cần thiết để các bên liên quan gặp gỡ, thỏa thuận lại quan niệm giá trị nhằm trao đổi, bổ sung hiểu biết, vươn tới sự đồng thuận. Ở nhiều quốc gia, vai trò người hướng dẫn được khẳng định trong các hoạt động tương tác về thính giác, thị giác. Họ thường xuyên xuất hiện ở các sự kiện văn hóa, đặc biệt là triển lãm, hoạt động biểu diễn giao lưu văn hóa nghệ thuật.

Kết luận

Trong bối cảnh thiếu sự đồng thuận về giá trị, chúng ta cần tạo môi trường cởi mở cho các bên liên quan lên tiếng, thể hiện tư tưởng, bày tỏ mong muốn… qua đó từng bước thỏa thuận lại hệ giá trị, thống nhất tiêu chí chung. Suốt thời gian dài qua, chúng ta vẫn chưa đạt được sự đồng thuận trong nhiều vấn đề liên quan đến cách ứng xử với di sản văn hóa. Mặc dù đời sống diễn ra sự thay đổi, nhưng đâu đó, bên trong quan điểm chỉ đạo từ cấp quản lý nhà nước đến chính quyền địa phương vẫn thể hiện sự bất nhất, thái độ cứng nhắc trong hoạt động quản lý. Nhà nước đã chuyển đổi cách thức vận hành từ quản lý sang kiến tạo và phát triển. Trên thực tế, cơ quan quản lý vẫn còn thói quen “nghiện” quản, thể hiện quyền lực hơn lùi lại phía sau làm hậu thuẫn cho đời sống văn hóa tiến lên phía trước. Xã hội ví như con sông có nhiều dòng chảy văn hóa đan xen nhau. Trong bối cảnh đó đòi hỏi hai bên bờ (tư tưởng, thể chế, pháp chế…) phải rộng mới có thể dung chứa nhiều yếu tố khác biệt, thích ứng trước sự thay đổi.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY