Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024
Trang chủTác phẩmNhạc đànSchumann: Fantasie, Op. 17

Schumann: Fantasie, Op. 17

Tác giả: Ngọc Tú (tổng hợp)

Thông tin chung

Tác giả: Robert Schumann.
Tác phẩm: Fantasie, Op. 17
Thời gian sáng tác: Năm 1836. Được sửa đổi vào năm 1839.
Độ dài: Khoảng 30-32 phút.
Đề tặng: Schumann đề tặng tác phẩm cho Franz Liszt.
Cấu trúc tác phẩm:
Tác phẩm gồm 3 chương:
Chương I – Durchaus fantastisch und leidenschaftlich vorzutragen; Im Legenden-Ton (Thực hiện một cách hoàn toàn tuyệt vời và say mê; Trong sắc thái của một huyền thoại), Đô trưởng
Chương II – Mäßig. Durchaus energisch (Vừa phải. Khá năng động), Mi giáng trưởng
Chương III – Langsam getragen. Durchweg leise zu halten (Tiến hành một cách từ từ, Giữ im lặng trong suốt quá trình), Đô trưởng

Hoàn cảnh sáng tác

Sự thất vọng đóng một vai trò quan trọng trong các tác phẩm dành cho piano độc tấu của Schumann trong những năm 1830. Tất nhiên điều này bắt nguồn từ sự cấm đoán của ông Friedrich Wieck đối với tình yêu của Schumann dành cho con gái mình, Clara. Là một nhà soạn nhạc tài năng nhưng không hề sung túc, Schumann đã nỗ lực bất thành trong việc thuyết phục ông Friedrich và bắt buộc phải tạm rời xa Clara trong một khoảng thời gian dài. Chán chường, Schumann đã dồn hết tâm huyết vào những tác phẩm của mình, như để trút hết tâm tư tình cảm vào đó, đồng thời hi vọng chúng được xuất bản, qua đó có được thu nhập để trang trải cuộc sống cũng như mong đợi sẽ trở nên giàu có.

Ngày 17/3/1838, Schumann viết thư cho Clara: “Anh nghĩ đó là thứ xúc động hơn bất kỳ thứ gì anh từng viết – một lời than thở sâu sắc dành cho em”. Schumann đang đề cập đến Ruines (Tàn tích), tác phẩm một chương được ông sáng tác vào năm 1836 khi phải chia xa Clara. Tuy nhiên, cuối năm đó, có một chiến dịch gây quỹ để xây dựng tượng đài Beethoven ở Bonn. Là một người tôn sùng Beethoven, Schumann đã quyết định sáng tác thêm hai chương nữa nhằm mục đích biến tác phẩm thành một sonata piano và bán chúng. Sau khi hoàn thành, Schumann đã đưa bản nhạc có cái tên rất dài Obolen auf Beethovens Monument: Ruinen, Trophaen, Palmen, Grosse Sonate f.d Piano f. Für Beethovens Denkmal (Đồng Obol (tiền cổ Hy Lạp) trên tượng đài Beethoven: Tàn tích, Chiến tích, Cây cọ, Bản sonata piano lớn dành cho tượng đài Beethoven) cho nhà xuất bản không mấy nổi tiếng Kirstner với gợi ý rằng có thể in 100 bản bán để gây quỹ xây tượng đài. Tuy nhiên Kirstner đã từ chối. Schumann tiếp tục gửi tác phẩm cho Haslinger nổi tiếng hơn vào tháng 1/1837 nhưng kết quả vẫn như vậy. Cuối cùng, tháng 5/1837, nhà soạn nhạc tìm đến với Breitkopf & Härtel. Tựa đề của bản nhạc được sửa thành Tàn tích, Khải hoàn, Chùm sao. Tuy nhiên, phải đến tận tháng 5/1839, Breitkopf & Härtel mới xuất bản tác phẩm. Toàn bộ tên gọi kèm theo đã bị xoá bỏ, tiêu đề của bản nhạc chỉ đơn giản là Fantasie.

Fantasie được Schumann đề tặng cho Liszt, người đã phúc đáp lại vinh dự này trong bức thư ngày 5/6/1839: “Fantasie dành tặng cho tôi là tác phẩm thuộc dạng đỉnh cao nhất – và tôi thực sự tự hào khi anh dành nó cho tôi khi đề tặng tôi một bản nhạc tuyệt vời như vậy. Vì vậy, tư tưởng của tôi là làm việc với nó, đắm chìm vào nó để tạo ra hiệu quả tối đa có thể”. Bất chấp việc toàn bộ tựa đề ban đầu bị Breitkopf & Härtel loại bỏ, Schumann, một trong những nhà soạn nhạc thi ca nhất vẫn yêu cầu giữ lại những câu thơ của Friedrich Schlegel như để minh hoạ cho tác phẩm của mình:

Vang vọng qua tất cả các nốt nhạc
Trong giấc mơ muôn màu của trái đất
Có một nốt ngân dài yếu ớt
Cho người lắng nghe trong bí mật

“Nốt ngân dài yếu ớt” ở đây phải chăng chính là Clara? Schumann chỉ đưa ra gợi ý như vậy mà không chú thích thêm bất kỳ điều gì. Tuy nhiên, dựa vào bối cảnh sáng tác của tác phẩm cũng như những bức thư qua lại của hai người thì thật khó đưa một kết quả khác. Và dù cho bất kỳ nguồn gốc cũng như cảm hứng của tác phẩm là như thế nào đi chăng nữa, Fantasie vẫn luôn là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất trong kho tàng dành cho piano độc tấu của Schumann nói riêng và thế giới nhạc cổ điển nói chung. Mặc dù có ba chương, Fantasie không hẳn là một sonata như cái tên Schumann đặt ban đầu mà nó sở hữu một dòng chảy của riêng mình. Bất chấp việc chương I có hình thức sonata-allegro lỏng lẻo, Schumann để cho cảm xúc tuôn trào với một trí tưởng tượng phong phú, phá vỡ rào cản của những khuôn mẫu xưa cũ, đắm chình trong suy tư của riêng mình. Fantasie, đúng với tên gọi của nó là một bản nhạc tự do ngẫu hứng nổi bật, đầy chất thơ. Tình yêu trong cuộc sống và lòng ngưỡng mộ Beethoven đã tương tác và hoà hợp với nhau một cách kỳ lạ trong tác phẩm này.

Phân tích

Chương I mở đầu với những quãng tám mạnh mẽ giọng Đô trưởng ở cường độ fortissimo được chơi giảm dần trên tay phải, thường được gán là “chủ đề Clara” vì nó sẽ xuyên suốt tác phẩm. Âm nhạc đam mê và mãnh liệt bất chợt chuyển sang dịu dàng, chủ đề thứ hai ở giọng Rê thứ xuất hiện. Và rồi tại Im Legenden-Ton, đóng vai trò như phần phát triển trong hình thức sonata, như một sự tưởng nhớ Beethoven, không khí trở nên trang trọng hơn ở giọng Đô thứ và rồi sau đó, tâm trạng được thay đổi nhanh chóng. Tinh thần Florestan ngự trị chương nhạc. Schumann tiếp tục tôn vinh Beethoven khi trong phần coda, những nét nhạc du dương được ông trích dẫn từ bài hát cuối cùng trong tập An die ferne Geliebte (Gửi người yêu phương xa) của Beethoven: “Hãy nhận lấy những bài ca này, em yêu, mà anh đã hát cho em”. Không khó để nhận ra ẩn ý ở đây của Schumann, thêm một bằng chứng nữa khẳng định “nốt ngân dài yếu ớt” trong những câu thơ của Schlegel chính là Clara. Cùng với đó, những quãng tám mở đầu chương nhạc chưa bao giờ vắng bóng – Clara không khi nào rời xa trong tâm trí Schumann.

Chương II là một hành khúc giọng Mi giáng trưởng ở hình thức rondo. Âm nhạc gợi lên không khí của chương đầu tiên, nhưng dường như đòi hỏi một nền tảng kỹ thuật vững vàng hơn ở người biểu diễn khi nó dữ dội và chứa đựng nhiều chất liệu tương phản. Dường như bao năm xa cách đã đưa cảm xúc của Schumann trở nên mong manh hơn bao giờ hết thông qua nhịp điệu thay đổi liên tục, đứt quãng. Trong phần coda xuất hiện một chuỗi các bước nhảy dựng tóc gáy theo các hướng ngược nhau như để kiểm tra thần kinh và trình độ điêu luyện ở nghệ sĩ piano. Nhận xét về chương nhạc, Clara trả lời Schumann: “Nó khiến em nóng ran khắp người”.

Chương III trở về giọng chủ Đô trưởng với tinh thần Eusebius hiện diện. Âm nhạc như một bài ca không lời, trở nên chậm rãi, trầm ngâm trong một khung cảnh mộng mơ với thời gian dường như trôi lơ lửng khi Schumann chuyển hướng sang những giọng xa như La giáng trưởng và Rê giáng trưởng. Niềm đam mê dường như kín tiếng hơn nhưng không vì thế mà thiếu đi sự mạnh mẽ. Những tiếng thở dài, thì thầm và niềm khao khát nhức nhối như bộc lộ tâm hồn của Schumann đang ở nỗi thương nhớ tột cùng. Dường như tượng đài Beethoven vẫn lẩn khuất đâu đây trong tâm trí Schumann khi có một chút gì đó trong chương II Concerto piano số 5 “Emperor” và chương II Allegretto của bản Giao hưởng số 7. Nỗi buồn nhường chỗ cho sự dịu dàng tinh tế khi một điệu waltz xuất hiện. Với trí tưởng tượng phong phú, dường như Schumann và Clara đang khiêu vũ. Âm nhạc tăng tốc trong phần coda và rồi trở về Adagio để kết thúc trong ba hợp âm Đô trưởng trầm lắng, bình yên nhưng vẫn còn chút gì đó vương vấn, đượm buồn.

Fantasie in C là một bức thư tình đầy lãng mạn trong âm nhạc, là đỉnh cao của niềm đam mê, kỹ thuật điêu luyện và sự tinh tế. Tuy nhiên, Fantaise không được biết đến trong nhiều năm. Liszt, người được đề tặng và có đủ nền tảng kỹ thuật để vượt qua những thách thức của chương II đã từ chối biểu diễn tác phẩm trước công chúng dù vẫn dạy nó cho những học trò của mình, như một sự đảm bảo rằng Fantasie sẽ không bị quên lãng. Năm 1853, để đáp lại, Liszt đã dành tặng Schumann bản Sonata piano của mình. Bản thân Clara cũng chỉ trình diễn tác phẩm vào năm 1866, 10 năm sau khi Schumann qua đời. Còn tượng đài Beethoven đã được khởi công nhờ vào sự hào phóng của Liszt, người đóng góp phần lớn kinh phí. Nó được khánh thành vào năm 1845 nhưng Schumann đã vắng mặt ngày hôm đó vì bị ốm.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY