Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang chủTác phẩmNhạc hátRu mãi ngàn… xuân

Ru mãi ngàn… xuân

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

Lời ru này không dành cho một giấc ngủ, cũng không chỉ cho một mùa xuân, mà cho cả ngàn xuân. Ru ngàn năm rồi lại ru thêm ngàn năm nữa, ru trên ngàn năm rồi lại ru thêm ngàn đời nữa. Cứ thế miệt mài ru, ru mãi ru hoài…

Hát ru gắn với bình minh của đời người, với mùa khởi đầu của một vòng sinh tử. Mẹ ru con, bà ru cháu, chị ru em… Còn Trịnh Công Sơn ru ai – ru em, ru người, ru đời, ru tình hay tự ru mình?

Đối tượng được ru không phải là em bé nằm nôi. Em đương độ xuân thì vừa bước vào tuổi biết yêu và được yêu. Em đã thoát ra khỏi hình bóng một người tình cụ thể, để trở thành biểu tượng tình yêu qua vài nét phác họa đặc trưng trong ca từ Trịnh Công Sơn: dòng tóc buồn, phiến môi mềm, dáng trôi dài, má hồng, bàn tay năm ngón xuân gầy.

Em cũng là biểu tượng của xuân, với xuân nồng, lá xanh, mưa ru, kết nụ. Song những ngón tay mảnh mai không còn đơn thuần là hình ảnh tượng trưng cho tuổi xuân, bởi bàn tay em – hay bàn tay tạo hóa? – kết nụ đâu chỉ cho một mùa mà cho trọn một đời, nuôi hết trăm năm hữu hạn một kiếp rồi còn trôi mãi ngàn năm vô tận vạn kiếp luân hồi. Một đời quá ngắn ngủi như “mùa xanh lá vội”, nhưng lời ru còn vang vọng ngàn đời cho tình xuân vĩnh cửu.

Mùa xuân của Trịnh Công Sơn không ồn ào, hân hoan. Một mùa như mọi mùa cứ lặng lẽ đến theo quy luật muôn đời. Mùa xuân không hòa vào trạng thái chung của không gian hội hè đình đám, mà lắng sâu trong tâm thức, rất riêng rất khác thường qua cách biểu hiện đầy ẩn dụ mang hơi hướng triết lý về phận người.

“Mùa xuân vừa đến xin mãi ăn năn mà thôi”.

Xuân được hát lên với nỗi niềm ăn năn hình như chỉ thấy trong nhạc Trịnh.

Ăn năn hối lỗi để tự tha thứ cho mình, để gột rửa mọi lầm lạc cho thần khí trở lại trong lành thanh tịnh. Giận hờn cũng quên, buông bỏ hết cho nhẹ lòng, không còn nợ mình nợ ai nữa. Xuân là lúc để lại phía sau những muộn phiền được mất, ta tự làm mới chính ta trong chu kỳ hồi sinh, lại đâm chồi kết nụ khởi đầu một sức sống mới.

Đa nghĩa, mộng mị, có lúc dị thường, nhiều ẩn ý như thách đố…, lời ca của Trịnh Công Sơn có thể mang đến cho mỗi người những cảm nhận và cách lý giải khác nhau. Chuyển tải lời ca giàu hình ảnh và chất thơ ấy là giai điệu dịu dàng, giản đơn, không vướng bận vào những suy tính học thuật. Nhạc dẫn giải lời một cách tự nhiên, không làm sao nhãng sự chú ý vào cảm thụ vẻ đẹp là lạ, thực thực hư hư trong ngôn từ.

Nhắc lại vốn là yếu tố giúp âm nhạc dễ nhớ dễ thuộc. Giai điệu lặp lại hoặc cả đoạn nhạc, hoặc một âm hình tiết tấu hay chỉ một nốt nhạc tạo nên chuỗi âm cùng cao độ. Nguyên tắc của cấu trúc ba đoạn đơn có tái hiện (aba’) là nhắc lại đoạn đầu. Phần tái hiện nhắc lại gần như nguyên xi cao độ phần trình bày, chỉ đảo vị trí hai nốt nhạc của các từ “trên mùa” và “cho vừa” để hợp dấu giọng các từ “giận hờn” và “vào trời”. Sau đó tất cả còn được “tua” lại lần nữa với lời ca thứ hai: “Ru mãi ngàn năm từng phiến môi mềm…”.

Tiết tấu lặp lại theo chu kỳ – một nét đặc trưng trong nhạc Trịnh – tình cờ lại trùng hợp với hát ru. Một âm hình tiết tấu gồm ba móc đơn và nốt đen chấm dôi ứng với bốn từ “ru mãi ngàn năm” được duy trì suốt bài, khởi nguồn từ đoạn a, liên tiếp hơn ở đoạn b và chiếm lĩnh hoàn toàn đoạn kết (coda): “Còn lời ru mãi/ vang vọng một trời…”. Dù vẫn trung thành tuyệt đối với âm hình tiết tấu chính, nhưng đoạn kết lại cuốn theo đợt sóng giai điệu hoàn toàn mới, phóng khoáng hơn ở âm khu cao, càng thêm bồng bềnh chấp chới vì xuất hiện biến âm.

Có thể miêu tả đường nét giai điệu của cả bài như sau: âm hình tiết tấu và khoảng âm rộng nhất được “tung ra ” ngay từ phần trình bày (đoạn a); sang phần phát triển (đoạn b) với lời thủ thỉ dỗ dành “thôi ngủ đi em…”, giai điệu lắng dần xuống theo các âm trùng; nếu đoạn b chạm đáy, thì mấy nhịp kết lại lên đỉnh, có vẻ hơi ngược lẽ thường vì đoạn giữa đóng vai trò phát triển lại chìm xuống âm khu thấp nhất, tới nốt trầm nhất, còn đoạn kết lại bay bổng lên nốt cao nhất, để thả về trời lời ru ngàn đời.

Ru em từng ngón xuân nồng được nhiều ca sĩ chuyên và không chuyên lựa chọn bởi bài hát vốn được yêu thích lại không cần đến kỹ thuật thanh nhạc cao siêu, cũng không cần hòa âm phối khí cầu kỳ. Cách biểu hiện cường điệu phức tạp nhiều khi lại phá vỡ vẻ đẹp mong manh trong nhạc Trịnh. Gần sáu thập niên qua, kể từ khi ra đời giữa những năm 60, bài hát này cũng như nhiều ca khúc khác của Trịnh Công Sơn đã gắn với tên tuổi ca sĩ Khánh Ly. Cho đến nay có lẽ vẫn chưa ai thể hiện Ru em từng ngón xuân nồng một cách ám ảnh, rất mộc, rất riêng như Khánh Ly.

Kết nối vốn là bản chất của âm nhạc. Xuân cũng là một mùa kết nối. Sẽ còn rất nhiều ca sĩ muốn thử sức mình trong vai trò kết nối giữa nhạc sĩ họ Trịnh với người nghe qua lời ru độc đáo này. Sẽ còn nhiều thế hệ người nghe được thưởng thức xuân qua bài hát không những gắn kết người với người, tâm với tâm, mà dường như còn nối dài thực tại tới… hư vô.

15-02-2022

Nghe bài hát:

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY