Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024
Trang chủTác phẩmNhạc đànRavel: Concerto piano cho tay trái

Ravel: Concerto piano cho tay trái

Tác giả: Ngọc Tú (tổng hợp)

Thông tin chung

Tác giả: Maurice Ravel.
Tác phẩm: Concerto piano cho tay trái, giọng Rê trưởng
Thời gian sáng tác: Cuối năm 1929 cho đến mùa thu năm 1930.
Công diễn lần đầu: Ngày 5/1/1932 với Paul Wittgenstein độc tấu dưới sự chỉ huy của Robert Heger và Vienna Symphony Orchestra.
Độ dài: Khoảng 20 phút.
Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng nghệ sĩ piano Paul Wittgenstein.
Cấu trúc tác phẩm: Tác phẩm có 1 chương duy nhất.
Thành phần dàn nhạc: Piano độc tấu, piccolo, 2 flute, 2 oboe, English horn, piccolo clarinet, 2 clarinet, bass clarinet, 2 bassoon, contrabassoon, 4 horn, 3 trumpet, 3 trombone, timpani, triangle, snare drum, cymbals, bass drum, tam-tam, wood block, harp và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Chưa đầy một tháng sau khi thế chiến thứ nhất bắt đầu, nghệ sĩ piano người Áo 26 tuổi Paul Wittgenstein đã tham gia quân ngũ với tư cách sĩ quan quân đội Áo-Hung. Ngày 23/8/1914, ông được giao nhiệm vụ đi do thám trong trận chiến Lemberg, Galicia. Wittgenstein đã bị quân Nga bắn vào cùi chỏ bên phải. Được đồng đội hỗ trợ đưa vào bệnh viện nhưng cánh tay phải của ông đã phải cắt cụt. Bệnh viện dã chiến này sau đó đã bị quân Nga chiếm giữ và Wittgenstein bị bắt làm tù binh. Sau khi chiến tranh kết thúc, Wittgenstein được trao trả về nước và mặc dù chỉ còn cánh tay trái, ông vẫn muốn tiếp tục sự nghiệp biểu diễn piano của mình.

Là thành viên của một gia đình giàu có và danh giá tại châu Âu, điều kiện của Wittgenstein cho phép ông đặt hàng nhiều nhà soạn nhạc hàng đầu thời đó như Richard Strauss, Sergei Prokofiev hay Benjamin Britten sáng tác những tác phẩm dành riêng cho tay trái biểu diễn piano. Trong đó, Concerto piano cho tay trái của Ravel là tác phẩm nổi tiếng và tuyệt vời nhất. Ravel gặp Wittgenstein vào tháng 3/1929 và hoàn thành tác phẩm vào tháng 9/1930. Ở tuổi 55, Ravel đang ở trên đỉnh cao của danh vọng và quyền lực. Thử thách cho công việc sáng tác một bản concerto piano chỉ sử dụng một tay đã hấp dẫn ông. Ravel giải thích: “Một hạn chế nghiêm trọng của hình thức này đặt ra một vấn đề khá khó khăn cho người sáng tác. Hơn nữa, những nỗ lực để giải quyết vấn đề này là cực kỳ hiếm hoi. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi khó khăn không bao giờ tương xứng với niềm vui được đối đầu với nó và, nếu có thể, vượt qua nó. Đó là lý do tại sao tôi đồng ý với yêu cầu của Wittgenstein để soạn một bản concerto cho anh ấy. Tôi thực hiện nhiệm vụ của mình với lòng nhiệt tình.”

Và với tác phẩm độc đáo của mình, Ravel đã thực sự vượt qua thử thách mà ông đã tự đặt ra cho bản thân. Concerto piano dành cho tay trái được những nhà phê bình âm nhạc ca ngợi là kỳ diệu, dù chỉ sử dụng một tay nhưng sự phong phú về màu sắc và lối chơi không khác gì một tác phẩm đầy đủ cho cả hai tay. Bản concerto piano cũng thể hiện tài năng tuyệt vời của Ravel đối với việc phối khí, âm sắc của toàn bộ tác phẩm thiên về màu tối, phù hợp với quãng âm của bàn tay trái trên phím đàn. Dàn nhạc ngân vang, tạo ra hiệu ứng đáng kinh ngạc với những sự kết hợp bất thường của nhạc cụ và những đoạn nhạc có âm lượng crescendo và decrescendo là vô cùng hấp dẫn. Ngoài vẻ quyến rũ gợi cảm, concerto piano này còn là một trong những sáng tác sâu sắc nhất của Ravel, một minh chứng cho sức mạnh sáng tạo của con người để vượt qua những thử thách tưởng chừng như không thể.

Phân tích

Về mặt cấu trúc, tác phẩm có một chương duy nhất với hai phần rõ ràng. Phần đầu tiên bắt đầu với những hợp âm rải chậm rãi, thì thầm của double bass, đệm cho tiếng contrabassoon độc tấu u ám. Sau đó, một nét nhạc mang phong cách jazz được horn chơi dựa trên ba nốt nhạc của một thang âm giảm dần. Phần còn lại của tác phẩm được phát triển hữu cơ dựa trên hai ý tưởng chính này. Âm nhạc tiếp tục được củng cố với một giai điệu được dẫn xuất từ nét nhạc mang phong cách jazz lúc trước, trên trumpet và trombone, một đoạn nhạc crescendo được xây dựng để mở ra một lối vào kịch tính cho nghệ sĩ piano, người sẽ chơi một đoạn độc tấu dài với nhịp điệu chấm dôi. Dàn nhạc sẽ đáp lại bằng một phiên bản giai điệu lớn của riêng mình, giai điệu này sẽ vang lên và mất dần. Và rồi, một bản độc tấu piano khác giới thiệu một giai điệu mới, đẹp đẽ đến nhức nhối bắt nguồn từ giai điệu jazz trước đó. Đoạn độc tấu dài của piano với nhịp điệu chấm dôi cũng xuất hiện trở lại nhưng lần này được luân chuyển từ nhạc cụ này qua nhạc cụ khác của dàn nhạc trong khi piano chịu trách nhiệm tô điểm thêm cho kết cấu bằng những nét nhạc lướt nhanh.

Một đoạn crescendo được xây dựng để bắt đầu cho phần thứ hai nhanh hơn của bản concerto piano: đó là một hành khúc. Những ý tưởng rời rạc xuất hiện phần đệm hành quân, cho đến khi piano giới thiệu một giai điệu mới, mang tính khiêu vũ. Sau một đoạn nhạc cao vút, réo rắt của piccolo, flute và harp, giai điệu khiêu vũ được kết hợp tài tình với giai điệu mang phong cách jazz ở phần đầu tiên, tiết lộ rằng thực chất chúng là chủ đề và chủ đề đối âm. Hai chủ đề này tăng cường sức mạnh của cảm xúc và rồi được chơi với âm lượng giảm dần để trở lại với giai điệu réo rắt trước đó. Âm nhạc trở nên nhanh hơn, tạo nên sự trở lại tuyệt vời của giai điệu với nhịp điệu chấm dôi của phần một trong toàn bộ dàn nhạc. Chúng tan biến thành đoạn mở rộng cuối cùng cho piano, một cadenza, dựa trên giai điệu jazz, chủ đề trữ tình thứ hai của phần một và giai điệu với nhịp điệu chấm dôi. Piano độc tấu sau đó trở về với giai điệu jazz trong khi dàn nhạc cũng tái hiện giai điệu với nhịp điệu chấm dôi, xây dựng thành một chuỗi các nét hoa mỹ, đưa bản concerto kết thúc trong kịch tính.

Bản thân Wittgenstein không tỏ ra quá hứng thú với những tác phẩm ông đã đặt hàng, bao gồm cả concerto piano này. Wittgenstein coi đó là một tác phẩm lớn nhưng khi lần đầu nhìn thấy nó, ông không cảm thấy hấp dẫn: “Tôi không bị bản nhạc làm choáng ngợp. Tôi luôn mất một khoảng thời gian để chơi một tác phẩm khó. Tôi cho rằng Ravel đã thất vọng nhưng tôi xin lỗi vì tôi không biết cách giả vờ.” Trong một buổi gặp gỡ thân mật, Wittgenstein, Ravel và Marguerite Long ăn tối cùng nhau tại Vienna. Wittgenstein đã trình diễn tác phẩm này với một chiếc đàn piano thứ hai đảm nhận phần dàn nhạc. Wittgenstein đã thay đổi khá nhiều phần độc tấu của mình và Long nhận thấy Ravel vô cùng tức giận. Long đã thất bại trong việc giữ hai người cách xa nhau, Ravel tiến đến gần Wittgenstein và nói: “Nó hoàn toàn không phải như vậy!” Wittgenstein trả lời, với tư cách nghệ sĩ piano, ông biết mình phải làm gì. Còn Ravel thì bảo, với tư cách một nhà soạn nhạc, ông biết ông đã làm những gì. Để cố gắng bình tĩnh lại, Ravel đi bộ về khách sạn trong cái lạnh buốt giá. Sau đó ông yêu cầu Wittgenstein ký một thoả thuận rằng sẽ phải chơi tác phẩm theo đúng như những gì nó được viết ra nhưng Wittgenstein đã từ chối. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của Long, Ravel đã đồng ý chỉ huy tác phẩm cho Wittgenstein trong buổi công diễn bản concerto piano lần đầu ở Paris vào tháng 1/1933. Bất chấp những rắc rối xuất hiện khi tác phẩm vừa mới ra mắt, ngày nay Concerto piano dành cho tay trái của Ravel luôn nằm trong danh mục những bản nhạc thường xuyên được biểu diễn và là tác phẩm piano dành cho tay trái nổi tiếng nhất.

(Nguồn: nhaccodien.vn)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY