Thông tin chung

Tác giả: Sergei Rachmaninov.
Tác phẩm: Symphonic Dances, Op. 45
Thời gian sáng tác:Năm 1940.
Công diễn lần đầu: Ngày 3/1/1941 với Eugene Ormandy chỉ huy Philadelphia Orchestra.
Độ dài: Khoảng 35 phút.
Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng nhạc trưởng Eugene Ormandy và Philadelphia Orchestra.
Tác phẩm có 3 chương:
Chương I – (Non) allegro (Đô thứ – Đô trưởng)
Chương II – Andante con moto (Tempo di valse) (Son thứ)
Chương III – Lento assai – Allegro vivace – Lento assai. Come prima – Allegro vivace (Rê thứ – Rê trưởng)
Thành phần dàn nhạc: piccolo, 2 flute, 2 oboe, English horn, 2 clarinet, bass clarinet, alto saxophone, 2 bassoon, contrabassoon, 4 horn, 3 trumpet, 3 trombone, tuba, timpani, triangle, tambourine, side drum, cymbals, bass drum, tam-tam, xylophone, glockenspiel, tubular bells, harp, piano và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Sau khi hoàn thành Giao hưởng số 3 vào năm 1936, Rachmaninov ngừng hẳn việc sáng tác, chán nản vì sự hờ hững của khán giả với những tác phẩm của mình. Chỉ có Paganini Rhapsody là được đón nhận nồng nhiệt còn Concerto piano số 4, Biến tấu Corelli đều là những thất bại còn Giao hưởng số 3 chỉ đạt được thành công khiêm tốn. Rachmaninov mệt mỏi với việc phải hoàn thành tốt cả 3 công việc: sáng tác, nhạc trưởng và biểu diễn piano cùng một lúc và ông gần như chỉ tập trung vào công việc chơi piano. Có lẽ Rachmaninov cũng phần nào cảm thấy mình trở nên lỗi thời – khi xung quanh đầy rẫy những nhà soạn nhạc cấp tiến mà tiêu biểu là Igor Stravinsky hay Arnold Schoenberg.

Năm 1939, khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ và lan rộng, Rachmaninov rời châu Âu lần cuối cùng, định cư tại Long Island bên cạnh những người bạn mình như vợ chồng Vladimir Horowitz, biên đạo múa Michel Fokine (vừa thực hiện vở ballet dựa trên Paganini Rhapsody của ông) và người trợ lý cũ Evgeny Somov. Đến mùa hè năm 1940, lần đầu tiên sau nhiều năm, bỗng nhiên ông cảm thấy mình không thể cưỡng lại việc sáng tác. Ngày 21/8, ông viết thư cho Eugene Ormandy: “Tuần trước tôi vừa mới hoàn thành một tác phẩm dành cho dàn nhạc mới, mà tôi tự nhiên muốn dành tặng cho ông và dàn nhạc của ông (Philadelphia Orchestra). Nó được gọi là Fantastic Dances. Bây giờ tôi sẽ bắt đầu phối khí. Thật không may, chuyến lưu diễn của tôi bắt đầu vào ngày 14/10. Tôi còn nhiều thứ phải tập luyện và liệu rằng tôi có thể hoàn thành việc phối khí trước tháng 11 hay không. Tôi rất vui nếu như trên đường trở về ông có thể ghé qua chỗ tôi. Tôi muốn chơi tác phẩm cho ông nghe”. Mặc dù vậy, bất chấp lịch biểu diễn dày đặc, Rachmaninov đã hoàn thành tác phẩm vào tháng 10/1940. Và ông cũng quyết định đổi tên tác phẩm từ Fantastic Dances thành Symphonic Dances (Những điệu nhảy giao hưởng) và từ bỏ ý định đặt tên cho 3 chương nhạc là Giữa trưa, Chạng vạng và Nửa đêm. Rachmaninov chỉ định gọi tác phẩm là Dances nhưng sợ khán giả nhầm lẫn là ông viết cho dàn nhạc jazz. Trước khi Ormandy có cơ hội xem bản nhạc, Rachmaninov đã chơi nó cho Fokine nghe, hi vọng rằng vị biên đạo múa này sẽ biến nó thành một vở ba lê khác, dù sao thì đây cũng là tập hợp của các điệu nhảy. Fokine tỏ ra rất hứng thú “đối với tôi nó có vẻ phù hợp và xinh đẹp”. Tuy nhiên, Fokine đã qua đời vào ngày 22/8/1942 khiến kế hoạch sụp đổ.

Trong Symphonic dances, lần đầu tiên Rachmaninov sử dụng alto saxophone, điều mà ông đã tham khảo từ Robert Russell Bennett, một người bạn là chỉ huy dàn nhạc Broadway. Với dàn dây, Rachmaninov đã xin ý kiến từ Fritz Kreisler. Trong buổi tập đầu tiên cùng dàn nhạc Ormandy đã than phiền về độ khó của nó. Sau khi nhận được câu trả lời từ Rachmaninov “Fritz làm điều đó cho tôi”, Ormandy đã không nói thêm gì nữa. Buổi ra mắt tác phẩm vào ngày 3/1/1941 tại Philadelphia đã thành công rực rỡ. Tuy nhiên, Rachmaninov không cảm thấy hài lòng vì Ormandy chưa có kế hoạch thu âm tác phẩm này của ông.

Ba chương nhạc của tác phẩm là ba điệu nhảy, trong đó mỗi điệu nhảy đều có dạng 3 đoạn đơn giản ABA, với phần giữa mang tính chất tương phản. Tác phẩm thể hiện rõ sự cách tân trong tư duy âm nhạc của Rachmaninov đồng thời ông cũng sử dụng lại nhiều chất liệu âm nhạc trong các tác phẩm trước đây của mình.

Phân tích

Chương I

Chương I mang tốc độ bất thường (Non) allegro. Allegro đơn giản có nghĩa là nhanh và có thể ngụ ý tâm trạng vui vẻ hoặc phấn khởi. Rõ ràng, nhà soạn nhạc muốn gửi tới một thông điệp mơ hồ hơn là tốc độ của chương nhạc. Trong mọi trường hợp, hành khúc nham hiểm này, với sự mở đầu âm thầm đầy đe doạ không phải là một chương có tốc độ nhanh hơn thông thường. Nhịp đập căng thẳng xuất hiện trên những chiếc violin, bên trên đó, bộ hơi thầm thì một hợp âm thứ ba nốt giảm dần, tạo nên chủ đề một cho chương nhạc. Dàn dây tăng tốc, mô hình ba nốt trở thành nền tảng của cả giai điệu khi được lặp lại, đảo ngược và phát triển. Chủ đề hai là một giai điệu u sầu đẹp đến nao lòng được thể hiện trên alto saxophone, thể hiện tính trữ tình đặc trưng của Rachmaninov. Sự trở lại của phần hành khúc với tốc độ nhanh xuất hiện sau đó. Chương nhạc bất ngờ xuất hiện một phần coda với một giai điệu tươi mới mang màu sắc thánh ca, xuất hiện trên piano, harp, glockenspiel, flute và piccolo. Đây là giai điệu từng được Rachmaninov sử dụng trong Giao hưởng số 1, nhưng ở một tâm trạng thanh bình hơn, mà với nó ông từng hứng chịu thất bại tồi tệ nhất trong sự nghiệp của mình. Rachmaninov cho rằng chỉ còn riêng mình có ký ức về bản nhạc vì ông đã phá huỷ tổng phổ từ lâu, với hi vọng xoá đi kỉ niệm đau buồn về quá khứ. Tuy nhiên, không lâu sau khi ông qua đời, một bản sao phiên bản dành cho 2 piano cũng như một số phân phổ được tìm thấy ở Leningrad, từ đó toàn bộ bản giao hưởng đã được dàn dựng lại.

Chương II

Chương II là một điệu waltz buồn bã ở nhịp 6/8 và càng trở nên phiền muộn và u sầu hơn khi nó tiến triển. Chương nhạc bắt đầu với tiếng trumpet chơi tắt tiếng và dàn dây chơi pizzicato. Đây hoàn toàn không phải là một điệu waltz của thành Vienna mà có tính chất và nhịp điệu ngập ngừng, gần giống với những điệu waltz nồng nàn và nhẹ nhàng của Tchaikovsky hơn. Thậm chí, với không khí gợi lên sự ma quái, âm nhạc trở nên rùng rợn gợi nhớ tới Valse triste của Sibelius hay La Valse của Ravel. Trong chương nhạc này, Rachmaninov đã chia bè dây thành nhiều bè nhỏ hơn nữa. Điệu waltz bị ngắt quãng do những âm thanh đáng ngại vang lên từ bè đồng.

Chương III

Chương III xuất hiện một chủ đề quen thuộc trong sáng tác của Rachmaninov: Dies irae. Âm nhạc dường như mô tả cuộc đấu tranh cuối cùng của con người cho sự sống và sau đó là kết thúc của nó, khi những tiếng kèn gỗ biến mất trên những nét lướt glissando của harp. Âm nhạc của sự than khóc vẫn vấn vương từ trong sâu thẳm của dàn nhạc. Nhưng nhịp độ nhanh chóng tăng nhanh đến một vũ điệu của chiến thắng. Giai điệu Dies Irae lại vang lên bằng kèn đồng, nhưng bị khuất phục với giai điệu thánh ca Chính thống giáo nhịp nhàng sôi động cất lên từ bè trầm của dàn dây và kèn gỗ. Đây là bài hát “Blagosloven Yesi, Gospodi” từ hợp xướng a cappella All-Night Vigil của Rachmaninov sáng tác vào năm 1915, kể về sự phục sinh của Đức Chúa. Ở đây, nhà soạn nhạc dường như đang hân hoan tuyên bố niềm tin của chính mình vào sự phục sinh. Chính ông đã viết “Hallelujah” lên tổng phổ. Và ở cuối bản thảo, Rachmaninov đã viết: “Con cảm ơn ngài, Đức Chúa”!

Song song với phiên bản dành cho dàn nhạc, Rachmaninov cũng tự soạn một phiên bản khác dành cho 2 piano mà ông và Horowitz đã biểu diễn cùng nhau tại một bữa tiệc ở Beverly Hill vào tháng 8/1942. Đây chính là tác phẩm cuối cùng của Rachmaninov. Ông qua đời hơn hai năm sau khi Symphonic Dances công diễn lần đầu. Symphonic Dances đã trở thành một trong những tác phẩm dành cho dàn nhạc hay nhất của Rachmaninov. Nó phản ánh âm nhạc về một cuộc đời dài và đầy biến cố, giàu sự trích dẫn và tài liệu tham khảo. Đây cũng là một thử thách thật sự về mặt kỹ thuật cho dàn nhạc và là một tác phẩm xứng đáng được tôn vinh.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)