Thứ Bảy, Tháng Năm 18, 2024
Trang chủNhân vậtNhạc sĩNhạc sĩ Xuân Hòa và những khúc hát tuổi thơ

Nhạc sĩ Xuân Hòa và những khúc hát tuổi thơ

Tác giả: Thanh Nga
Với những nốt nhạc trong trẻo, và những năm tháng viết nhạc cho trẻ thơ người nhạc sĩ ấy nói rằng mình được trẻ lại, được sống với tâm hồn thơ trẻ. Và với anh đó là quãng đời đẹp đẽ nhất, đáng sống nhất trong cuộc đời làm nghề của mình.

Từ những khúc hát tuổi thơ…

Nhạc sỹ Xuân Hòa trao giải cho học sinh trong một chương trình âm nhạc .jpg
Nhạc sĩ Xuân Hòa trao tặng giải thưởng cho thí sinh nhí trong
một cuộc thi âm nhạc. Ảnh: NSCC

Tên gọi yêu thương “Thầy Hòa Ten-lơ-man” xuất phát từ việc nhạc sĩ Lê Xuân Hòa gắn bó với Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt – Đức (TP.Vinh) – trước đây là Nhà Văn hóa thiếu nhi Ten-lơ-man (đặt theo tên Ernst Thälmann- nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đức, đất nước đã tài trợ xây dựng nhà văn hóa này) – từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước cho đến mãi sau này.

Nhạc sĩ hồi tưởng, sau khi đi bộ đội về, ông nhận công tác tại nhà văn hóa với trọng trách phát hiện, ươm mầm những tài năng âm nhạc nhí trên địa bàn tỉnh. Thời bấy giờ, Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt – Đức chưa có đội văn nghệ, chưa có dàn nhạc chuyên nghiệp đến khi nhạc sĩ Xuân Hòa về thì mới thành lập Đội Nghệ thuật Chim xanh – “thương hiệu” gắn bó cho đến tận bây giờ.

Xuân Hòa thứ hai ngoài cùng bên trái nhận giải thưởng âm nhạc .jpg
Nhạc sĩ Xuân Hòa nhận giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ảnh: NSCC

Đội Nghệ thuật Chim xanh hoạt động rất chuyên nghiệp, với những tài năng nhí nổi bật mà sau này đã chắp cánh bay xa. Nhạc sĩ là người chỉ đạo nghệ thuật cho đội, thế nên, công việc suốt ngày gắn bó với thiếu nhi. Đến nỗi, có những tuần, những tháng tập nhạc với thiếu nhi, trưa ăn cơm với các em, tối lại ráp sân khấu, ghi âm với các bạn trẻ, nhạc sĩ – người thầy như người cha, người anh của các em. Những buổi biểu diễn, nhạc sĩ Xuân Hòa vừa “cầm trịch” đội diễn, vừa chăm lo công tác hậu cần. Các em cứ ríu rít theo thầy như bầy chim non, ăn cũng gọi thầy, cãi nhau cũng mách thầy.

“Tôi còn nhớ như in kỷ niệm trước giờ diễn, tôi gọi các em tập hợp để trang điểm, vì sợ mỗi đứa chạy chơi một phương không gọi được, nên tôi chỉ trang điểm cho mỗi em nửa mặt, xong lượt mới tô vẽ nửa mặt còn lại” – người nhạc sĩ của tuổi thơ vừa cười, vừa ngân ngấn nước mắt khi nhắc lại những kỷ niệm xưa cũ.

13 năm nhạc sĩ Xuân Hòa tham gia giảng dạy ở Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt-Đức là 13 năm Đội Nghệ thuật Chim xanh luôn dẫn đầu trong các cuộc thi âm nhạc thiếu nhi toàn quốc. Ngoài ca khúc, thầy còn viết kịch hát, như vở Lễ hội trăng Rằm, Lịch sử Đội… Với nhạc sĩ Xuân Hòa, đó là quãng thời gian vô giá trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình.

Xuân Hòa trong một chương trình giao lưu âm nhạc.jpg
Nhạc sĩ Xuân Hòa (thứ hai bên phải sang) trong một chương trình
giao lưu âm nhạc. Ảnh: NSCC

Nhắc đến nhạc sĩ Xuân Hòa là nhớ ngay đến những ca khúc nổi tiếng như: Đêm liên hoan trên quê Bác, Em yêu thầy giáo của em, Đất Hồng Lam thân yêu, Bộ Ba, Tuổi 15… Ca khúc viết cho thiếu nhi của nhạc sĩ Xuân Hòa ca ngợi tình yêu quê hương, tình thầy trò, với ca từ rất dễ thuộc và giai điệu “bắt tai”.

“Hồi đó, tôi còn có những ca khúc viết cho các trường trở thành trường ca và nằm lòng trong nhiều thế hệ giáo viên, học sinh” – ông nhớ lại. Những ca khúc được ông viết tặng cho nhiều mái trường trên đất Lam Hồng, sức sống của chúng bền bỉ cùng sự phát triển của sự nghiệp trồng người, vậy nên, thương hiệu “thầy Hòa Ten-lơ-man” cứ thế được khẳng định, quý mến và trân trọng.

Với những đóng góp đáng ghi nhận về mảng ca khúc thiếu nhi, nhạc sĩ Xuân Hòa đã đạt được những giải thưởng cao quý: Trung ương Đoàn công nhận là 1 trong 3 nhạc sĩ 3 miền danh giá (miền Nam có nhạc sĩ Trương Quang Lục, miền Trung có nhạc sĩ Lê Xuân Hòa, miền Bắc có nhạc sĩ Hải Hà); Giải Nhì âm nhạc chuyên ngành toàn quốc với tác phẩm “Bộ Ba”…

Những năm tháng gần đây, nhạc sĩ Xuân Hòa không còn viết nhiều ca khúc cho thiếu nhi, song trong ông vẫn đau đáu nghĩ suy về mảng sáng tác đặc biệt này. Ông tâm tình, nhạc cho trẻ thơ phải tuân thủ quãng âm thanh hẹp hơn nhạc viết cho người lớn, lời ca ngắn gọn, súc tích, thân thuộc; đặc biệt, người viết ca khúc dành cho trẻ thơ phải hóa thân thành con trẻ, phải đồng điệu với con trẻ thì mới viết hay được, mới giúp trẻ thơ dễ nhớ, dễ thuộc và mến yêu được. Ông cũng trăn trở rất nhiều trước thực trạng thiếu và yếu mảng ca khúc dành cho thiếu nhi hiện nay, và buồn nhiều khi nghe thiếu nhi chọn nhiều bài hát người lớn để tham gia các cuộc thi âm nhạc.

… đến những ca khúc triệu view

Nhạc sĩ Xuân Hòa kể rằng, thuở nhỏ, khi còn sống cùng gia đình tại thị xã Thái Hòa, ông đã sớm làm quen với âm nhạc. Duyên cơ lúc ấy là có một người nhạc sĩ Nhật Bản về công tác trên đất Thái Hòa đã chỉ dạy cho Xuân Hòa những thanh âm đầu tiên, để rồi ông sớm say mê và tập tành viết nhạc từ những ngày còn niên thiếu. Lớn lên, gia nhập quân ngũ, nhạc sĩ Xuân Hòa lại may mắn được chung đoàn với nhạc sĩ An Thuyên, được nhạc sĩ tài danh ấy trực tiếp chỉ dạy thêm nên đã sớm định hình phong cách viết nhạc. Sau này, ngoài những tuyển tập ca khúc dành cho thiếu nhi, nhạc sĩ Xuân Hòa có một gia tài đồ sộ những bài hát trữ tình quê hương dành cho người lớn.

Những ca khúc như “Giọng Nghệ tìm về” đạt giải Nhì của Hội Nhạc sĩ Việt Nam; “Đưa em về Hà Tĩnh”, “Về xứ Nghệ cùng anh” hay “Lỡ hẹn với dòng Lam” đã nằm lòng trong đời sống âm nhạc, trong công chúng cả nước. Trong số 180 ca khúc ông viết thời gian gần đây, có tới 14 ca khúc đạt triệu view trở lên trên các nền tảng mạng xã hội. Rất nhiều ca khúc hay được các ca sĩ chọn làm tác phẩm dự thi trong các cuộc thi chuyên nghiệp.

Nhạc sĩ Xuân Hòa cho rằng, ca khúc hay thường phải nói hộ tâm tư người nghe, hoặc phải khái quát được những nét văn hóa trong đời sống thành nốt nhạc bay lên. Điển hình như ca khúc “Giọng Nghệ tìm về”, ông nảy sinh ý tứ cho những khuông nhạc khi bất chợt nghe giọng Nghệ trong một chuyến công tác nước ngoài. “Người Nghệ mình chỉ cần nghe giọng nói là đã thấy cả một bầu trời tình thân. Dù chưa từng gặp nhau bao giờ nhưng chỉ nghe tiếng thôi đã chẳng ngần ngại bắt tay làm quen rất thân tình” – nhạc sĩ Xuân Hòa cho biết. Và sau chuyến công tác ấy, bài hát khiến người Nghệ rất đỗi tự hào khi cất lên đã ra đời, ngân vang không chỉ trên sân khấu âm nhạc mà còn trong nhịp sống đời thường.

Âm nhạc trữ tình quê hương có giá trị văn hóa trường tồn và sức sống bền lâu bởi lẽ nói hộ tâm tình của người nghe, nói hộ tiếng lòng những người con xa quê và cả những người quê luôn tự hào bản sắc quê mình xứ Nghệ. Thế nên, những ca khúc “Đưa em về Hà Tĩnh”, “Lỡ hẹn với dòng Lam” của nhạc sĩ Xuân Hòa thường được cất lên trong các sự kiện đời thường, các sân khấu dân dã của người Nghệ, bởi hát lên là cảm nhận bao khúc tâm tình, những chất văn hóa rất riêng của người Nghệ.

Nhạc sĩ Xuân Hòa nói rằng, ông không muốn nói nhiều đến các giải thưởng, bởi lẽ hầu như kỳ nào đi thi cũng có giải. Theo ông, giải thưởng được công nhận của Hội Nhạc sĩ Việt Nam rất danh giá, đó là chứng nhận của những người có chuyên môn; tuy nhiên, với nhạc sĩ Xuân Hòa, giải thưởng lớn nhất mà ông nhận được chính là sự công nhận, yêu mến trong lòng khán giả. Giá trị ấy chính là điều còn đọng lại mãi với thời gian.

(Nguồn:https://baonghean.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

MÊNH MANG TRỜI CHIỀU

MÙA HOA TRỞ LẠI

Hát Giang trường hận

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY