Thông tin chung

Tác giảFrédéric Chopin.
Tác phẩm: Sonata cello giọng Son thứ, Op. 65
Thời gian sáng tác: 1845-1847.
Độ dài: Khoảng 30 phút.
Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng nghệ sĩ cello người Pháp Auguste Franchomme (1808-1884).
Tác phẩm có 4 chương:
Chương I – Allegro moderato (Son thứ)
Chương II – Scherzo – Trio (Rê thứ – Rê trưởng)
Chương III – Largo (Si giáng trưởng)
Chương IV – Finale: Allegro (Son thứ – Son trưởng)

Hoàn cảnh sáng tác

Có lẽ không một tác phẩm nào lại chiếm của Chopin nhiều thời gian đến vậy. Cuối năm 1845, Chopin gửi từ Paris một bức thư về quê nhà, thông báo: “Con đang cố gắng từng chút một bản sonata cello của con với Franchomme và… ồ, con không biết liệu có in nó kịp trong năm nay không”. Gần một năm sau, từ Nohant, Pháp, một bức thư khác cho thấy tác phẩm vẫn chưa hoàn thành, chứ đừng nói đến việc xuất bản: “Về bản sonata cello của con, có lúc hạnh phúc, có lúc không. Con ném nó vào một góc, rồi lại nhặt nó lên”. Công việc sáng tác tác phẩm này của Chopin đầy những do dự và nghi ngờ, rất nhiều những khó khăn và cân nhắc được thể hiện bằng gần 200 trang phác thảo, chưa kể bản thảo 30 trang. Chỉ đến mùa hè năm 1847, bản sonata cello mới được hoàn thành, ông đưa nó cho nhà xuất bản Breitkopf ở Leipzig và đã có thể thông báo thành quả cho gia đình. Trên thực tế, đây là quãng thời gian khó khăn của Chopin. Mối quan hệ của ông với George Sand đang căng thẳng và căn bệnh lao khiến sức khoẻ ông suy giảm nghiêm trọng.

Cello có lẽ là nhạc cụ yêu thích thứ hai của Chopin sau piano. Ông có đến 3 tác phẩm viết cho cello và piano (chưa kể đến 1 trio dành cho piano, violin và cello). Trong số những tác phẩm này, Sonata cello là tác phẩm duy nhất mà cello đạt được sự cân bằng, nếu như không muốn nói là có đôi chỗ lấn lướt, so với piano. Nhiều nhà phê bình âm nhạc đã nhận xét rằng chính việc định hình mối quan hệ, tìm kiếm sự hài hoà giữa hai nhạc cụ cũng như khai thác các thế mạnh của cello đã khiến Chopin mất rất nhiều thời gian. Thời gian là người kiểm duyệt tốt nhất và kiên nhẫn là thầy giáo tốt nhất. Sau gần hai năm vật lộn với tác phẩm, sonata cello đã trở thành một tuyệt tác, là tác phẩm quy mô lớn thành công hiếm hoi của Chopin. Phần dành cho cello đa dạng, nhiều thách thức về mặt kỹ thuật và không hề thiếu những giai điệu đẹp cân bằng với phần piano điêu luyện – điều dễ hiểu trong các sáng tác của Chopin. Các chất liệu âm nhạc được chia sẻ đều cho hai nhạc cụ.

Phân tích

Chương I

Giai điệu piano u sầu mở đầu chương I như báo trước một câu chuyện dài và phức tạp, hoà âm phong phú và mãnh liệt, giới thiệu một phần của chủ đề chính. Cello làm gián đoạn, giới thiệu toàn bộ chủ đề đầu tiên và cả hai nhạc cụ cùng nhau chia sẻ những giai điệu du dương, lên đến cao trào là sự hoán đổi chủ đề hào hùng. Sự phấn khích tạm thời lắng lại, nhường chỗ cho chủ đề hai đơn giản nhưng đẹp và đầy suy tư, ngắn gọn chỉ trong 10 nốt nhạc. Được bảo vệ một cách thiêng liêng, chủ đề này không được phát triển thêm và chỉ xuất hiện trong hình thức nguyên bản. Âm nhạc tiếp tục một cách hân hoan, mang đến những giai điệu mới cho cả cello và piano cho đến khi đạt tới một cao trào khác thì hai nhạc cụ chơi một thang âm nhanh theo hướng ngược nhau. Phần trình bày được lặp lại và phần phát triển tiếp tục được bắt đầu trên một đoạn piano độc tấu. Chương nhạc dường như không được viết ở thể sonata hoàn chỉnh vì phần tái hiện không có chủ đề một mà thay vào đó là chủ đề hai trầm ngâm. Chương nhạc kết thúc trong những hợp âm mạnh mẽ của hai nhạc cụ.

Chương II

Chương II giọng Rê thứ sở hữu một chủ đề tràn đầy năng lượng với những nốt nhanh liên tục, đặc biệt khi chơi trên piano. Khúc scherzo được viết khá độc đáo khi xen giữa những câu nhạc trữ tình là những hợp âm sấm sét và những đoạn đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện. Phần Trio ở giọng Rê trưởng là một đoạn nhạc có thể hát lên được (cantabile), cello chiếm ưu thế với phần đệm giống như harp của piano. Nhìn vào đây, chúng ta thấy được phảng phất hình ảnh của Dvořák hay Tchaikovsky nhiều năm sau. Một thế giới đầy suy tư của những hồi ức thuần khiết, thánh thiện.

Chương III

Trọng tâm của tác phẩm có lẽ là chương III Largo tuyệt vời, ngắn gọn và yên tĩnh. Thật khó để miêu tả được vẻ đẹp của viên ngọc này. Tiết tấu chậm, ở nhịp 3/2 bất thường, giai điệu đơn giản nhưng đầy trầm ngâm và say mê. Âm nhạc như hướng đến tương lai nhưng mang theo những dư âm của quá khứ. Những âm thanh cuối cùng như truyền đi một lời tiễn biệt.

Chương IV

Chương IV mở đầu ở giọng Son thứ được viết theo hình thức rondo, chủ đề chính kịch tính và phức tạp. Trong cuộc đối thoại này, vai trò của hai nhạc cụ là cân bằng. Tính chất trong chương nhạc được phát triển dần dần. Khi câu chuyện mở ra, căng thẳng gia tăng, chủ để chính được biến đổi liên tục. Âm nhạc lắc lư theo tiết tấu sôi động, mang âm hưởng của một điệu tarantella. Phần coda thậm chí còn có nhịp điệu nhanh hơn, với những đoạn khoe kỹ thuật của cả hai nhạc cụ, âm nhạc chuyển sang giọng Son trưởng tươi sáng hơn, khép lại bản sonata cello không thể ấn tượng hơn.

Trình diễn và đón nhận

Tháng 4/1847, Chopin và người bạn cũng là người được đề tặng bản sonata, nghệ sĩ cello Auguste Franchomme đã trình diễn lần đầu tác phẩm trong một buổi hoà nhạc có tính chất riêng tư. Ngày 16/2/1848, trong buổi biểu diễn cuối cùng của Chopin tại Paris, cả hai chơi 3 chương cuối của bản sonata. Sonata cello cũng là tác phẩm cuối cùng được xuất bản khi Chopin còn sống.

Dù ngày nay được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Chopin nhưng trong thế kỷ 19, tác phẩm đã hầu như bị ngó lơ. Nhiều nghệ sĩ đã phàn nàn rắng đây là một tác phẩm “không giống với Chopin”. Buổi công diễn đầu tiên chỉ với 3 chương cuối cũng được lý giải rằng chương đầu đã không thuyết phục được những người bạn lắng nghe hôm đó. Bản sonata cello chỉ được đón nhận khi được nhà âm nhạc học người Ba Lan Zdzisław Jachimecki đưa ra vào năm 1927, ông đánh giá âm nhạc trong sonata cello đi trước thời đại khá đáng kể và qua đó giới thiệu với thế giới một Chopin khác biệt với những gì thế giới đã từng biết. Được sáng tác trong giai đoạn khó khăn trong cuộc đời, tác phẩm gây xúc động mạnh, khiến khán giả thích thú với vẻ đẹp hiếm có và sự ngọt ngào cũng như cay đắng qua từng nốt nhạc.

(Nguồn:https://nhaccodien.vn/)