Thứ Tư, Tháng Năm 8, 2024
Trang chủNhân vậtNghệ sĩNghệ sĩ đầu tiên hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” khi...

Nghệ sĩ đầu tiên hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” khi sông Bến Hải vẫn đôi bờ ngăn cách là ai?

(Tác giả: Hà Tùng Long)

Bấy lâu nay, nhắc đến bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” là người ta thường nhắc đến giọng hát ngọt ngào, da diết của NSND Thu Hiền. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, người hát ca khúc này đầu tiên là NSƯT Văn Hanh – một giọng ca ấn tượng của sóng phát thanh thời bấy giờ.

“Câu hò bên bờ Hiền Lương” ra đời trong một đêm đong đầy cảm xúc

Kể từ khi ra đời năm 1957 (thời điểm sông Bến Hải phải phân chia thành hai miền Nam – Bắc theo hiệp định Geneve 1954), bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” do nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết nhạc, Đằng Giao viết lời vẫn vẹn nguyên sức sống mãnh liệt qua thời gian. Lời ca và giai điệu của bài hát qua 66 năm vẫn làm lay động bao trái tim yêu nhạc. Mỗi dịp lễ lớn, nhất là dịp kỷ niệm ngày non sông thống nhất 30/4, ca khúc lại vang lên như nhắc nhớ về “một thời đạn bom, một thời hào hùng” của lớp lớp cha anh trong kháng chiến chống Mỹ.

Bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” ra đời năm 1957, do Hoàng Hiệp viết nhạc, Đằng Giao viết lời. Ảnh: TL.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp từng kể về hoàn cảnh ra đời của bài hát trong cuốn “Nhạc và đời” (NXB Hậu Giang 1989) rằng, năm 1956 ông từ Hà Nội vào công tác ở Vĩnh Linh, sống trong một đồn biên phòng nằm cách cầu Hiền Lương chừng trăm thước. Từng ngày, từng đêm bên dòng sông Bến Hải, ông nhìn bờ nam lòng nhớ thương da diết. Đã 9 năm xa quê nhà An Giang, ông không được gặp ba má, các anh chị em và không biết gia đình hiện giờ ở đâu?

Ông hồi tưởng ngày các má, các chị, các anh, các em thiếu nhi tiễn ông xuống ghe ra vàm sông Đốc, lên tàu đi tập kết mà không cầm được nước mắt. Ông muốn viết cái gì đó nhưng tâm trạng ngổn ngang. Thế rồi, chỉ trong một đêm, khi cảm xúc đong đầy, ông đã viết nên “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Ca khúc mở đầu với lời ca: “Ơi câu hò chiều nay, tôi mang nặng tình ai/ Nơi miền quê xa vắng em có nghe thấu cho lòng anh/Tình này ta xây đắp nên thủy chung không bao giờ phai!” cũng chính là nỗi lòng của ông lúc đó.

Nhiều năm qua, khán giả thuộc nằm lòng từng giai điệu, lời ca của bài hát qua giọng hát ngọt ngào, trong trẻo của NSND Thu Hiền. Tuy nhiên, ít ai biết được, người hát ca khúc này đầu tiên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam là NSƯT Văn Hanh. Nghệ sĩ Văn Hanh sinh năm 1927, quê quán Thượng Mỗ, Hoài Đức, Hà Nội. Ông là em ruột của NSND Thương Huyền – ca sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam suốt thập niên 50, đầu thập niên 60 và là cha đẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái.

Cảm giác như bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” viết cho mình hát

Bước qua tuổi 97, NSƯT Văn Hanh đã yếu đi rất nhiều, chân, tay, tai và mắt không còn nhanh nhạy, tinh tường như trước nhưng ký ức về ngày tháng cũ thì vẫn rất rõ trong ông. Đặc biệt, kỷ niệm với các bài hát do ông trình bày trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam từng làm say đắm nhiều thính giả yêu nhạc thuở nào như: Tình trong lá thiếp, Tiếng hát trong rừng cọ đồi chè, Đổi công tát nước, Bên kia sông Đuống, Dòng sông, Chiếc nón Huế, Câu hò bên bờ Hiền Lương… thì vẫn còn vẹn nguyên như những trang sách.

Nghệ sĩ Văn Hanh song ca với nghệ sĩ Nguyễn Thị Hồng năm 1957 tại Hải Phòng. Ảnh: GĐCC.

Nghệ sĩ Văn Hanh kể, ông gia nhập Vệ quốc đoàn năm 18 tuổi, từng là chiến sĩ thuộc Trung đội 1, đóng tại Ngã tư Cầu Giấy, từng chiến đấu đánh Pháp tại khu vực Kim Mã – Nhà Tiền… Sau đó, ông tham gia chiến đấu chống Pháp ở các đơn vị tiền thân của đại đoàn 308 và hoạt động văn nghệ nghiệp dư. Năm 1948, ông bị ốm nặng, sau khi khỏi bệnh được chuyển ngành về Chi Sở Kho thóc Thái Nguyên.

Năm 1954 tham gia công tác cải cách ruộng đất. Đầu năm 1955 ông về Đài Tiếng nói Việt Nam làm Đội trưởng Đội ca trong Ban ca nhạc của Đài. Năm 1959 ông được học tại chức với chuyên gia Liên Xô về thanh nhạc. Khi ông mới về Đài, một số nghệ sĩ đã đi Trung Quốc thu đĩa hát nên Đội ca còn rất ít người, nam chỉ có ông và nghệ sĩ Trần Thụ, nữ chỉ có 4 người: Kim Oanh, Anh Tuấn, Bùi Thị Thái (NSND PTV Tuyết Mai), Lê Thu. Sau đó mới tuyển dần thêm cho đủ dàn đồng ca rồi lên hợp xướng. Ông đã thu thanh nhiều ca khúc dưới nhiều hình thức: đơn ca, song ca, lĩnh xướng cho tốp ca…

Nhắc đến bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, lòng nghệ sĩ Văn Hanh xúc động dâng tràn. Với ông, bài hát không chỉ là một kỷ niệm đẹp mà còn gắn liền với thời thanh xuân. Ông kể, ông đến với bài hát này vừa là một sự tình cờ nhưng cũng là một cái duyên. Vào một buổi tối ngồi trong phòng một mình mãi cũng chán nên ông leo lên phòng biên tập xem có bài hát nào mới để tập hát vu vơ cho đỡ buồn. Thường ở phòng biên tập của ban âm nhạc, bao giờ cũng có một phòng để các bài hát, bản nhạc của các nhạc sỹ ở các nơi gửi về. Trong mớ giấy tờ lộn xộn, ông cầm đại một tờ lên, lần giở ra xem thì gặp đúng bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” – bài hát đầu tay của nhạc sỹ Hoàng Hiệp vừa mới gửi về được mấy hôm.

Xem qua ca từ, nốt nhạc của bài hát, ông như bị cuốn hút bởi thứ âm điệu rất đặc biệt. Ông mang đàn ra tập hát thì phát hiện bài hát này rất phù hợp với chất giọng của mình. Ông ngồi say sưa thả hồn theo bài hát cho đến lúc gà gáy báo sáng mới sực nhớ mình “quên” đi ngủ.

“Lúc đó, tôi có cảm tưởng như bài hát này nhạc sĩ Hoàng Hiệp sáng tác để dành cho riêng tôi hát vậy. Bài hát mang âm hưởng dân ca lại nuột nà với rất nhiều cảm xúc, rất phù hợp với chất giọng của mình. Ngay sáng hôm đó, tôi đã đề nghị với đồng chí phụ trách đoàn ca nhạc của đài cho tôi được thu âm bài hát và khi được đồng chí trưởng đoàn đồng ý, tôi mừng rơi nước mắt”, nghệ sĩ Văn Hanh bồi hồi nhớ lại.

Theo đúng quy trình, mỗi khi nhận được bài hát từ nhạc sĩ gửi đến, Ban biên tập sẽ gửi đến cho ban biên tập nhạc để họ soạn tổng phổ. Sau đó, ca sĩ sẽ tập hát và ráp nhạc với ban nhạc rồi mới đi thu âm. Thế nhưng với bài hát này, ông đã được phá lệ, bỏ qua khâu soạn tổng phổ mà tập hát và ráp nhạc luôn với nhạc công.

“Khi nghe tôi hát thử một vài lần, các anh trong đoàn đã gật đầu đồng ý cho phép ráp nhạc luôn với nhạc công mà không cần tổng phổ. Người đệm đàn cho tôi lúc đó là anh Hoàng Mãnh – một pianist khá nổi tiếng thời bấy giờ. Và hai anh em chúng tôi thu âm bài hát này chỉ trong vòng 4 lần là hoàn thiện, sau đó thì được Đài Tiếng nói Việt Nam phát rộng rãi khắp miền Bắc”.

Nghệ sĩ Văn Hanh là thân phụ của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái. Ảnh: GĐCC.

Sau khi bài hát được phát sóng rộng rãi trên khắp miền Bắc, Ban biên tập đã nhận được rất nhiều lời yêu cầu phát lại trong chương trình “Hộp thư yêu cầu” của Đài. Nhiều lá thư gửi về cám ơn nhạc sĩ, ca sĩ đã mang lại cho họ một ca khúc thật ý nghĩa, khiến ông vui mừng khôn tả.

Trong số những lá thư của khán giả gửi về, ông đã được Ban biên tập cho xem lá thư đầy xúc động của một cô gái miền Nam tập kết ra Bắc mà cho đến bây giờ ông vẫn còn nhớ được mấy dòng: “Khi nghe bài hát này, mấy chị em chúng tôi đã ôm nhau khóc nức nở. Càng khóc bao nhiêu, càng căm thù giặc Mỹ bấy nhiêu. Từng lời ca ngọt ngào, ấm áp mà thiết tha của ca sĩ như đưa chúng tôi trở về với những kỷ niệm của những ngày còn sống trên đất quê hương. Nỗi nhớ quê hương làm cả mấy chị em ngẹn ngào không nói được lời nào…  Thay mặt mấy anh chị em người miền Nam đang tập kết ra Bắc cám ơn Đài tiếng nói Việt Nam, cám ơn ca sĩ đã mang đến cho chúng tôi những lời ca tuyệt vời đến thế…”.

Nhiều người gọi sai tên bài hát!

Vì đây là bài hát mang âm điệu buồn mà lúc bấy giờ chiến trường lại cần những bài mang âm hưởng hào hùng, mạnh mẽ để cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân nên ông đã không được phép hát bài này trong mỗi lần biểu diễn ở chiến trường.

Nghệ sĩ Văn Hanh được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú khi đã bước vào tuổi 90. Ảnh: HTLong.

Nghệ sĩ Văn Hanh còn nhớ, lần đầu tiên ông biểu diễn bài hát này ở vườn hoa Chí Linh – Hà Nội (nay là Vườn tượng Lý Thái Tổ), lúc ông đang hát lời 2 thì thấy ở phía dưới sân khấu rất nhiều chị em khóc. Ông càng hát, họ lại càng khóc nhiều hơn. Nhìn chị em khóc, ông đã không thể cầm lòng và định không hát nữa, thế nhưng nhìn những người khác đang say sưa nghe ông hát thì ông không thể dừng lại được. Và không hiểu sao những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má ông cho đến khi ông hát xong bài hát.

Lạ thay, khi nhìn thấy nước mắt của ông, nhiều chị em đã không còn khóc nữa mà hướng ánh nhìn ngưỡng mộ về phía ông. Buổi biểu diễn hôm đó, khán giả đã yêu cầu ông hát đi hát lại bài hát này đến 3 lần. Sau mỗi lần ông hát xong là hàng tràng pháo tay giòn giã cất lên, kéo dài hàng chục phút không ngớt. Ông tâm sự: “Đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà một người ca sĩ như tôi lúc đó có được. Tối hôm đó, tôi đã không ngủ được vì quá vui sướng”.

Sau này, mỗi lần đi biểu diễn ở các tỉnh, cứ hễ lên sân khấu là khán giả lại yêu cầu ông hát bài “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Và đã một thời, cái tên Văn Hanh nổi lên như một “hiện tượng âm nhạc đặc biệt” mà trong suốt cuộc đời ca hát của mình, ông không bao giờ quên.

Theo nghệ sĩ Văn Hanh, nhiều năm nay, bài ca này bị hát sai từ “bờ” thành “bến”. Lúc nhạc sĩ Hoàng Hiệp gửi bài hát này đến Ban biên tập âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, chính ông là người đã nhìn thấy tận mắt trong bản thảo nhạc và lời của bài hát đề chính xác là “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Tựa đề đó không chỉ đúng theo cách đặt của tác giả bài hát mà còn đúng với thực tế lúc bấy giờ.

Ông nói: “Vào năm 1957, khi bài hát ra đời, đất nước ta đang bị chia cắt làm đôi lấy cầu Hiền Lương làm nơi phân chia ranh giới. Ở phía nam cầu Hiền Lương là đất của địch và ở phía bắc của cầu là đất của ta. Bởi thế, giữa hai bên chỉ có hai bờ đất nhỏ bé chạy dài dọc theo sông Bến Hải không có bến nào để thuyền bè đỗ lại như bây giờ đâu. Vậy mà bao năm qua, người ta vẫn nhầm thành “Câu hò bên bờ Hiền Lương…” thành “Câu hò bên bến Hiền Lương”.

(Nguồn: https://danviet.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY