Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Images của Debussy

(Tác giả: Cobeo tổng hợp)

Thông tin chung

Tác giả: Claude Debussy.
Tác phẩm: Images, L. 122
Thời gian sáng tác: Năm 1905-1912.
Công diễn lần đầu: Ngày 26/1/1913 tại Concerts Colonne, Paris dưới sự chỉ huy của nhà soạn nhạc.
Độ dài: Khoảng 35 phút.
Đề tặng: Riêng tác phẩm cuối cùng Rondes de printemps được Debussy dành tặng Emma, người vợ thứ hai của nhà soạn nhạc.
Thành phần dàn nhạc: piccolo, 3 flute (flute 3 kiêm piccolo 2), 2 oboe, oboe d’amore, English horn, 3 clarinet, 3 bassoon, contrabassoon, 4 horn, 4 trumpet, 3 trombone, tuba, timpani, snare drum, chimes, cymbals, tambourine, triangle, xylophone, castanets, celesta, 2 harp và dàn dây.
Cấu trúc tác phẩm: Images bao gồm 3 tác phẩm độc lập, trong đó tác phẩm thứ hai Ibéria tạo thành một bộ ba trong bộ ba:
I. Gigues
II. Ibéria
1. Par les rues et par les chemins (Qua những con phố và con đường)
2. Les parfums de la nuit (Những mùi hương đêm)
3. Le matin d’un jour de fête (Buổi sáng ngày hội)
III. Rondes de printemps (Những vũ điệu mùa xuân)

Hoàn cảnh sáng tác

Từ năm 1901-1905, Debussy đã hoàn thành tập đầu tiên của Images, gồm 3 tác phẩm dành cho piano độc tấu. Rất hài lòng với đứa con tinh thần của mình, ông đã gửi thư cho nhà xuất bản Jacques Durand: “Không hề có niềm tự hào sai lầm, tôi cảm thấy rằng ba tác phẩm này kết hợp chặt chẽ với nhau, và chúng sẽ tìm thấy vị trí của mình trong danh mục tài liệu về piano… bên trái của Schumann hoặc bên phải của Chopin”. Ngay sau đó, Debussy đã bắt tay vào sáng tác phần tiếp theo của Images, dự định dành cho 2 piano như mô tả trong bức thư nhà soạn nhạc gửi cho Durand vào tháng 9/1905. Tuy nhiên, trong một bức thư khác gửi Durand vào tháng 3/1906, Debussy đã thay đổi kế hoạch, dự định rằng đây sẽ là một tác phẩm dành cho dàn nhạc.

Images là tác phẩm cuối cùng của Debussy viết cho dàn nhạc. Bản nhạc phản ánh mối bận tâm của ông về mối quan hệ giữa thị giác và âm thanh, kiệt tác tinh xảo này gợi lên hình ảnh của Anh, Tây Ban Nha và Pháp, mời người nghe tưởng tượng ra bức tranh âm nhạc của riêng mình. Trên thực tế, Debussy đã nung nấu ý định này từ năm 1896 qua một hợp đồng ông ký với Durand vào ngày 8/7/1903. Images cho dàn nhạc của Debussy cũng bao gồm 3 tác phẩm và chúng từng được biểu diễn độc lập trước khi ra mắt cùng nhau vào ngày 26/1/1913. Sự liên kết giữa âm nhạc và hình ảnh là một trong những đặc điểm cơ bản nhất của nghệ thuật Debussy. Với Debussy, đó dường như là một điều tự nhiên. Ông là một người yêu nghệ thuật tuyệt vời và có rất nhiều họa sĩ trong số những bạn bè của mình. Nhưng cảm hứng nghệ thuật không bao giờ có nghĩa là sự thể hiện âm nhạc đơn thuần của một chủ thể được xử lý trong một bức tranh. Mối quan hệ ít trực tiếp hơn; đây là những “hình ảnh”, được nhìn hoặc mơ thấy bằng con mắt của trí óc và sau đó nhận ra bằng âm thanh chứ không phải bằng màu sắc.

Phân tích

Gigues

Gigues là tác phẩm đầu tiên trong Images nhưng trên thực tế lại là phần cuối cùng được hoàn thành. Nguồn cảm hứng cho Gigues được Debussy lấy từ một chuyến thăm nước Anh trước đó. Âm nhạc được bắt đầu một cách mơ hồ. Trên nền dàn dây chơi tắt tiếng, flute độc tấu giới thiệu motif bắt nguồn từ “The Keel Row”, một giai điệu dân gian vùng
Northumberland phổ biến ở Anh vào thời điểm đó. Ban đầu, Debussy đã dự định đặt tên cho tác phẩm là “Gigues tristes” (những điệu gigue buồn) qua bức thư gửi cho Durand vào năm 1905. Không nghi ngờ gì nữa, ý tưởng biến một điệu nhạc khiêu vũ vui vẻ thành một giai điệu u sầu đã hiện diện trong tâm trí ông nhiều năm trước khi tác phẩm thực sự được viết. Phần giới thiệu là một sự kết hợp điển hình của Debussy giữa harp, celesta và kèn gỗ. Sau đó, oboe d’amore cất lên giai điệu chính của tác phẩm, không có người đệm, được Debussy ghi chú doux et mélancholique (mềm mại và u sầu). Những kèn gỗ khác và horn chơi một biến tấu có nhịp độ nhanh hơn của giai điệu này trong khi oboe d’amore tiếp tục lặp lại phiên bản của riêng mình, sâu sắc hơn và xuyên suốt tác phẩm. Âm nhạc ngày càng trở nên kích động hơn với nhịp độ được đẩy lên, bắt đầu khi 2 bassoon chơi những mảnh giai điệu được lấy từ “The Keel Row”. Hai giai điệu, “The Keel Row” và của oboe d’amore, được phát triển trong phần còn lại của tác phẩm, tạo thành một đoạn có âm lượng tăng dần và rồi tất cả đột ngột dừng lại. Giai điệu u buồn được tái hiện, nhịp độ chậm dần, âm nhạc nhẹ nhàng hơn bao giờ hết và cuối cùng chìm vào yên lặng.

Ibéria

Trên thực tế, Debussy chưa bao giờ đến Tây Ban Nha trước khi viết Ibéria, ngoại trừ một buổi chiều, ông vượt qua biên giới khoảng 3 dặm, tới San Sebastián để xem một trận đấu bò và rồi có lẽ đã trở lại Saint-Jean-de-Luz để kịp ăn tối. Nhưng dường như, ông nhìn thấy, nghe thấy Tây Ban Nha rõ ràng hơn những du khách từng ở đó trong nhiều tuần lễ. Manuel de Falla đã nhận xét: “Debussy viết nhạc Tây Ban Nha mà không biết Tây Ban Nha, nghĩa là không biết đất nước Tây Ban Nha, đó lại là một vấn đề khác. Debussy biết Tây Ban Nha từ cách đọc của ông ấy, từ những bức tranh, từ những bài hát và từ những điệu nhảy do những vũ công Tây Ban Nha thực thụ khiêu vũ”. Tây Ban Nha luôn sống động trong trí tưởng tượng của Debussy.

Ibéria, tác phẩm trung tâm trong bộ ba Images, bản thân nó là một bộ ba. Trong chương đầu tiên “Par les rues et par les chemins”, ngay khi mở đầu, không khí của Tây Ban Nha đã được bộc lộ rõ ràng qua một hợp âm bất hoà của kèn gỗ và castanets, hầu như hiếm khi vắng bóng khỏi bức tranh này. Cả thị trấn đổ ra đường vào một buổi tối mùa hè ấm áp. Mọi người đi bộ, nói chuyện, ca hát và nhảy múa. Clarinet chơi một giai điệu khiêu vũ được nhà soạn nhạc đánh dấu là “thanh lịch và nhịp nhàng”, được hòa thanh với các hợp âm song song, một trong những kỹ thuật thường gặp của Debussy. Sau đó, giai điệu thứ hai vui tươi không kém được nghe trên horn và clarinet, sớm kết hợp với giai điệu thứ ba, ngược lại, mang tính trữ tình và biểu cảm hơn. Chủ đề đầu tiên với phần đệm castanets cuối cùng cũng trở lại được chơi trên oboe thay vì clarinet. Cuối cùng, cuộc diễu hành ồn ào đã kết thúc; mọi người trở về nhà và chương nhạc kết thúc trong âm lượng pianissimo.

Chương thứ hai “Les parfums de la nuit” được de Falla miêu tả là “sự say mê của những đêm Andalusia”. Có một số yếu tố góp phần tạo nên sự kỳ diệu của chương nhạc này: Dàn nhạc sử dụng kỹ thuật chia bè dàn dây một cách tinh vi (tại một thời điểm, riêng bè violin 1 được chia thành bảy nhóm khác nhau, tất cả đều chơi glissando). Phần celesta ở đây hoàn toàn giống với tên của nhạc cụ, thiên thần (celestial). Cùng với đó là các hợp âm “song song”, với mọi phần dịch chuyển theo cùng một quãng; kết quả là chúng ta nhận được cái gọi là “thang âm toàn phần” (Đô, Rê, Mi, Pha thăng, Son thăng, La thăng), trong đó mỗi giọng cách đúng một cung so với giọng trước đó. Thang âm này không tương thích với hệ thống giọng trưởng-thứ truyền thống vì các quãng của nó đều nhau, chúng đều quan trọng như nhau và bất kỳ nốt nào cũng có thể đóng vai trò là điểm nghỉ tạm thời hoặc vĩnh viễn. Đây là lý do tại sao âm nhạc dường như bay lơ lửng trong không trung, không bao giờ chạm đất. Oboe độc tấu chơi giai điệu chính gợi cảm của chương nhạc và nó sẽ trở lại trong phần cuối, giữa những tiếng chuông ngân xa xăm, báo hiệu mặt trời mọc.

Chương cuối “Le matin d’un jour de fête” được biểu diễn liền mạch, không bị gián đoạn với phần trước đó. Khi ngày mới bắt đầu, snare drum vang lên trên nền pizzicato mềm mại của dàn dây. Âm nhạc của đêm trở lại trong chốc lát qua một đoạn độc tấu ngắn của flute. Bè violin và viola chơi pizzicato, mô phỏng tiếng guitar. Debussy đã kết hợp những giai điệu và kết cấu khác nhau để tạo nên sự va chạm âm thanh mà chúng ta có thể nghe thấy khi đi ngang qua lễ hội. Lễ hội trở nên nhộn nhịp hơn và trong một ánh sáng rực rỡ đầy màu sắc của dàn nhạc, Ibéria đã kết thúc vui vẻ.

Rondes de printemps

Với “Rondes de printemps”, Debussy hiếm hoi trích dẫn một bài hát dân gian Pháp trong các tác phẩm của mình. Dường như ông có niềm yêu thích đặc biệt với “Nous n’irons plus au bois” (Chúng ta sẽ không vào rừng nữa), một giai điệu mà Debussy từng sử dụng trước đó trong “Jardins sous la pluie” (Nhưng mảnh vườn trong mưa) của tập tác phẩm Estampes dành cho piano độc tấu. Trong “Rondes de printemps”, giai điệu này được biến đổi theo nhiều cách khác nhau. Để minh hoạ cho tác phẩm, Debussy lại trích dẫn từ một bài hát Ý La Maggiolata (Đón tháng Năm) với những từ ngữ: “Tháng Năm muôn năm, chào đón tháng Năm với những biểu ngữ hoang dã của cậu ấy”. Mở đầu “Rondes de printemps” là một giai điệu dân gian khác của Pháp, bài hát ru “Do do l’enfant do” (Đứa trẻ) qua tiếng flute trên nền harp chơi glissando trong một nhịp điệu không đối xứng 15/8, gợi lên không khí thoáng đãng của mùa xuân. Tác phẩm mang đến một tâm trạng ấm áp và thanh bình. Và rồi “Nous n’irons plus au bois” xuất hiện trong nhiều hình thái khác nhau để rồi tan biến trong những hoạ tiết nhỏ. Riêng “Rondes de printemps”” đã được Debussy đề tặng cho Emma, người vợ thứ hai của ông.

Các tham chiếu âm nhạc dân gian xuyên suốt Imanges mang lại cảm giác về địa điểm và màu sắc của từng địa phương, tạo nên một tác phẩm vô cùng tinh xảo và hiện đại. Đây là những bức tranh thực tế mà nhà soạn nhạc đã cố gắng truyền tải những ấn tượng nhận được bằng mắt qua âm nhạc. Ông đã cố gắng kết hợp hai dạng cảm giác để có thể cường hoá chúng. Cũng giống như người họa sĩ say mê sự tương phản của màu sắc, trong trò chơi của ánh sáng và bóng tối, Debussy đã tạo nên một bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn mà ở đó, qua âm thanh mà dàn nhạc mang lại, người nghe có thể tưởng tượng ra những bức tranh của riêng mình.

Nghe tác phẩm:

 

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

MÌNH VỀ HÀ TĨNH

MẸ YÊU ƠI

HÀ TĨNH PHƯƠNG XA

SÔNG LA BUỒN

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY