Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024
Trang chủTác phẩmNhạc đànMozart: Giao hưởng số 39 giọng Mi giáng trưởng, K. 543

Mozart: Giao hưởng số 39 giọng Mi giáng trưởng, K. 543

Tác giả: Ngọc Tú (Tổng hợp)

Thông tin chung

Tác giả: Wolfgang Amadeus Mozart.
Thời gian sáng tác: Hoàn thành ngày 26/6/1788.
Độ dài: Khoảng 26 phút.
Tác phẩm có 4 chương:
Chương I – Adagio – Allegro
Chương II – Andante con moto
Chương III – Menuetto: Trio
Chương IV – Allegro
Thành phần dàn nhạc: flute, 2 clarinet, 2 bassoon, 2 horn, 2 trumpet, timpani và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Ba năm trước khi nhà soạn nhạc qua đời, Mozart đã tìm thấy niềm đam mê mới để sáng tác các bản giao hưởng vào mùa hè năm 1788. Hai năm trước đó, bản giao hưởng số 38 thành công của ông, dự báo những cách tân sẽ xảy ra với sự kịch tính, nhiều sự tương phản, thay đổi hình thức giao hưởng tiêu chuẩn với việc lược bỏ minuet, bổ sung nhiều phức điệu khiến kết cấu đầy đặn hơn. Như nhà âm nhạc học Martin Bookspan đã nhận xét: “Ông có một sự thôi thúc nội tại để tạo ra một vấn đề của cá nhân mà không quan tâm đến yêu cầu của những khách hàng quen thuộc hay công chúng. Động lực đó đi xa để giải thích phạm vi phi thường và sự khéo léo nổi bật của chúng (3 bản giao hưởng cuối cùng) mà chắc chắn không thể tìm thấy khán giả vào thời điểm đó”.

Ba bản giao hưởng số 39, 40 và 41 được Mozart tập trung sáng tác vào mùa hè năm 1788, là những kiệt tác cuối cùng của ông trong thể loại này. Chúng khác với những bản giao hưởng trước đó của ông ở sự đổi mới, cảm xúc, gia tăng sự bất hoà và nội dung sâu sắc. Tháng 6/1788, Mozart viết thư cho một người bạn: “Đúng là tôi có rất ít việc phải làm trong thành phố, và tôi không được tiếp xúc với nhiều du khách, tôi sẽ có nhiều thời gian hơn cho công việc”. Đây cũng là giai đoạn khó khăn trong cuộc đời của Mozart. Kiệt quệ về tài chính, sự nổi tiếng suy giảm, những tác phẩm của ông ít được đón nhận hơn trước. Mozart từng phải viết thư cho người bạn Michael Puchberg để hỏi xin vay tiền: “Hãy tưởng tượng hoàn cảnh của tôi: ốm đau, đầy lo lắng và đau buồn … Tôi buộc phải bán các tứ tấu đàn dây (K. 575, 589, 590) của mình chỉ để kiếm chút tiền và giải quyết các nghĩa vụ trước mắt của tôi… Bất cứ điều gì sẽ được giúp đỡ ngay bây giờ… Nếu bạn có thể cho tôi vay khoảng một hoặc hai nghìn gulden, trong một hoặc hai năm với mức lãi suất phù hợp, bạn thực sự sẽ giúp đỡ tôi”. Nhưng sau đó, sau một chuyến lưu diễn châu Âu thất bại vào năm 1789, Mozart đành thất hứa: “Tôi không muốn ở bên bạn vì tôi buộc phải thừa nhận rằng tôi không thể trả lại cho bạn những gì đang nợ bạn và tôi cầu xin bạn hãy kiên nhẫn với tôi. Tôi rất tiếc”.

Đó chính là bối cảnh cho sự ra đời của các bản giao hưởng cuối cùng này. Không có thông tin nào về việc lần đầu công diễn chúng. Nhưng nhiều khả năng chúng được biểu diễn không lâu sau khi sáng tác, một điều có thể giải thích được vì lý do tài chính của Mozart. Ông không viết ra những tác phẩm để cất đi mà phải đưa ra công chúng nhằm tìm kiếm những khoản tiền nào đó. Bản giao hưởng số 39 dường như kém khởi sắc hơn khi đặt cạnh các bản 40 và 41 nhưng đây cũng là một ví dụ điển hình về thiên tài của Mozart rằng ông không chỉ có khả năng khơi gợi ra giai điệu tuyệt vời mà còn dệt chúng bằng những mâu thuẫn rõ ràng dường như không thể kết nối một cách dễ dàng. Một điểm đáng lưu ý nữa trong bản giao hưởng số 39 này là lần đầu tiên trong thời kỳ trưởng thành, nhà soạn nhạc đã bỏ qua oboe và thay thế bằng clarinet, một nhạc cụ khá lạ lẫm vào thời điểm đó.

Phân tích tác phẩm

Chương I mở đầu với phần giới thiệu chậm rãi, trang nghiêm, đầy màu sắc, được tô điểm với những câu kèn lệnh và những nét nhạc đi xuống. Đây là một kiểu khởi đầu mới của nhà soạn nhạc. Âm nhạc bắt đầu tuyên bố các chủ đề chính tương phản, Mozart tuân thủ theo truyền thống của hình thức sonata-allegro. Sau đó, bè dây sử dụng pizzicato mang đến một khoảnh khắc tuyệt vời, lắng đọng như một tác phẩm thính phòng.

Chương II có hình thức sonata rút gọn, không có phần phát triển. Chương nhạc dường như trở thành một nhịp cầu giữa sự bình lặng trong chương I và báo trước cho chương III tươi sáng. Các chủ đề lần lượt được lặp lại. Mozart bỏ qua phần phát triển và lựa chọn thay đổi giọng cũng như màu sắc của âm thanh thay vì xử lý các chất liệu âm nhạc. Nhịp độ cũng được biến chuyển đa dạng.

Chương III đã trở về với minuet và trio truyền thống sau khi Mozart đã bỏ qua chúng trong bản giao hưởng số 38 và là chương nhạc nổi bật của tác phẩm. Đây là một điệu ländler rất phổ biến tại Áo. Màn trio có sự khoe sắc tuyệt vời của clarinet với chiếc kèn đầu tiên chơi một giai điệu đơn giản nhưng quyến rũ trên nền hợp âm rải rực rỡ của chiếc kèn thứ hai, tạo thành trio với tiếng flute du dương, mang đến sự khác biệt so với tất cả các bản giao hưởng trước đó của ông. Timpani cũng đóng một vai trò quan trọng, đóng góp vào dàn nhạc tích cực hơn hẳn những chương nhạc trước.

Chương IV chỉ có một chủ đề duy nhất như là một thang âm, được Mozart cho xuất hiện dưới hai định dạng khác nhau, tăng dần và giảm dần. Chúng mở đầu theo cùng một cách nhưng chuyển sang các hướng khác nhau khi được mở rộng. Nhà soạn nhạc đã hoàn toàn bỏ qua một ý tưởng trữ tính, mang màu sắc tương phản. Chương nhạc phát triển kịch tính và không có coda. Bản giao hưởng kết thúc với một sự bùng nổ năng lượng ở những hợp âm cuối cùng.

Trong bản giao hưởng số 39 này, đôi lúc cũng xuất hiện những khoảnh khắc bất ổn đen tối, nhưng rồi nhanh chóng bị không khi tươi sáng xua tan như để thể hiện niềm đam mê và nghị lực chiến thắng những thử thách mà Mozart đã gặp phải. Cùng với các bản giao hưởng 40 và 41, chúng là những bằng chứng cho thấy dù ở vào bất cứ hoàn cảnh bi đát nào của cuộc sống, tài năng của Mozart vẫn luôn chói sáng và tạo ra được những tuyệt tác khiến chúng ta thích thú và say mê.


(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY