Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024
Trang chủNhân vậtNhạc sĩLuôn ưu tiên âm nhạc truyền thống!

Luôn ưu tiên âm nhạc truyền thống!

Tác giả: Hương Sen (thực hiện)

Với niềm đam mê, tâm huyết, trách nhiệm với nghệ thuật truyền thống, nữ nhạc sĩ trẻ Đinh Khánh Ly say mê sáng tạo với âm nhạc dân gian. Cô đã sử dụng âm hưởng nhạc dân gian sáng tác nhạc cho nhiều bộ phim, cũng như thực hiện nhiều dự án góp phần bảo tồn và lan tỏa dân ca ví – giặm, ca trù, hát xẩm…

Tạo góc nhìn mới mẻ, dễ tiếp cận

– Điều gì khiến chị lựa chọn âm nhạc dân gian trong các sáng tác của mình?

Nhạc sĩ Đinh Khánh Ly

– Âm nhạc dân gian là kim chỉ nam trên con đường hoạt động nghệ thuật của tôi. Khi theo học nhạc cụ dân tộc tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tình yêu dòng nhạc dân gian trong tôi ngày càng được bồi đắp. Âm nhạc khắc họa từng hơi thở trong đời sống sinh hoạt của người Việt, là bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi muốn đóng góp một phần nhỏ bé để bảo tồn và lan tỏa di sản này.

– Giữ vai trò sáng tác, sản xuất và hòa âm, album “Tinh hoa đạo học” Vol.1 mới đây của chị nhận được phản hồi tích cực từ du khách trong trải nghiệm tour đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trở thành tác phẩm đầu tiên dành cho di tích quốc gia đặc biệt này. Cảm xúc của chị ra sao?

“Tôi làm nhạc không theo “thời cuộc” hay các làn sóng thị trường, mà muốn tìm nét mới trong âm nhạc dân gian. Rất may mắn, con đường nghệ thuật của tôi được nhiều người khích lệ và ủng hộ. Các anh chị trong nghề giúp tôi hiện thực hóa ước mơ thủy chung với con đường âm nhạc truyền thống, bền bỉ với lý tưởng của riêng mình” – Nhạc sĩ Đinh Khánh Ly

– Tôi khá bất ngờ khi là nhạc sĩ đầu tiên sáng tác cho Văn Miếu – Quốc Tử Giám. “Tinh hoa đạo học” là sản phẩm âm nhạc với 6 bản hòa tấu 5 nhạc cụ dân tộc gồm trống đồng, sáo, nguyệt, nhị, đàn tranh (thập lục), tương ứng với các lớp không gian của di tích. Qua từng khúc nhạc, tôi muốn gửi gắm tâm huyết, đam mê, ý thức, trách nhiệm của một nghệ sĩ trẻ được trao truyền, lan tỏa âm nhạc truyền thống.

Ở góc độ cá nhân, tôi nhận thấy âm nhạc dân gian đối với nhiều người vẫn là một dòng nhạc khó tiếp cận. Vì vậy, qua đây muốn mang đến các bản phối gần gũi hơn, hòa quyện âm nhạc truyền thống với EDM, Epic, World Music và những dòng chảy của âm nhạc thế giới. Từ đó mang đến tác phẩm có tính giao thoa, cộng hưởng và tạo góc nhìn mới mẻ cho công chúng.

– Là nghệ sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc dân gian, chị có nghĩ đó là con đường khó khăn?

– Tôi luôn tâm niệm rằng đam mê ở đâu thì lựa chọn và sự nghiệp của mình sẽ ở đó. Có rất nhiều con đường khó đi ở nhiều ngành nghề khác nhau chứ không chỉ riêng âm nhạc. Nhưng tôi tin rằng dám nghĩ, dám sống và hết mình với đam mê, lựa chọn dòng nhạc phù hợp với mình thì sẽ có những thành quả xứng đáng. Đó cũng là quá trình để tôi rèn luyện và thử thách cái tôi nghệ thuật cho riêng mình.

Tôn vinh văn hóa, lịch sử bằng âm nhạc

– Nhiều người nhận xét chị rất có duyên với các dự án nhạc phim. Trong các dự án này, chất liệu âm nhạc dân tộc có được sử dụng không?

– Tôi may mắn vì được đồng hành sản xuất âm nhạc cùng các dự án phim về danh nhân, văn hóa, lịch sử, như phim tài liệu nghệ thuật “Đại thi hào Nguyễn Du” (đạo diễn Nguyễn Văn Đức); phim “Bình minh phía trước” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng), “Đệ nhất sắc hương” (đạo diễn Lê Đức Tiến); nhạc phim hài Tết “Ai là chưởng lễ” (đạo diễn Trung Trần); phim quảng bá bức tranh kinh tế – văn hóa – xã hội tỉnh Quảng Ninh “Bình minh đang lên” (đạo diễn Bùi Hoài Thanh); hay phim 3D Mapping “Tinh hoa đạo học” (đạo diễn Trương Quốc Toàn) như vừa nói ở trên…

Nhạc sĩ Đinh Khánh Ly biểu diễn tại Lễ ra mắt album “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Đối với tôi, sáng tạo nghệ thuật không có giới hạn về thể loại nhưng với các dự án đòi hỏi có bản sắc riêng, tôi sẽ luôn ưu tiên âm nhạc truyền thống với âm hưởng dân gian Việt Nam.

– Và không gian sáng tạo với âm nhạc dân gian của chị không dừng ở nhạc phim? 

– Âm nhạc dân gian với tôi luôn luôn là mảnh đất màu mỡ, khó có thể khai thác hết. Tôi đã thực hiện dự án phối mới dân ca ví – giặm xứ Nghệ và bảo tồn xẩm, ca trù cổ với sự đồng hành của các nghệ nhân dân gian. Theo tôi, ba yếu tố quan trọng nhất để theo đuổi âm nhạc là đam mê, cảm xúc và trách nhiệm của lớp nghệ sĩ trẻ. Đam mê và cảm xúc giúp tôi thăng hoa trong âm nhạc và tạo nên các tác phẩm mới.

Ở vai trò nghệ sĩ trẻ, tôi cũng muốn đóng góp một phần công sức để bảo tồn và lan tỏa các giá trị âm nhạc truyền thống, đồng thời gìn giữ và tôn vinh văn hóa, lịch sử bằng âm nhạc. Đó là lý do mà nhiều năm qua tôi đi sâu vào âm nhạc dân gian và thực hiện nhiều dự án bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc truyền thống, đưa những di sản nghệ thuật dân tộc đến gần hơn với công chúng.

– Sau những thành công bước đầu, chị mong muốn điều gì cho âm nhạc dân gian, truyền thống?

– Bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống nói chung và âm nhạc dân gian nói riêng là một quá trình lâu dài, bền bỉ và cần sự kế thừa của thế hệ này qua thế hệ khác. Tôi mong các nghệ sĩ trẻ có cùng tình yêu, tâm huyết và đam mê với dòng nhạc chung tay góp tâm tài để âm nhạc truyền thống ngày càng phát triển, đến gần hơn với công chúng và ghi dấu ấn riêng trên bản đồ âm nhạc thế giới.

– Xin cảm ơn chị!

(Nguồn: https://daibieunhandan.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY