Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang chủNhân vậtNhạc sĩKỷ niệm năm tròn 100 tuổi của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu

Kỷ niệm năm tròn 100 tuổi của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

 

PHAN HUỲNH ĐIỂU – NHẠC SĨ CỦA TÌNH YÊU

Trong cuộc đời, ông là con người chân thành, nhẹ nhàng và hóm hỉnh. Trong âm nhạc, ông là con người lãng mạn, dịu dàng và nồng hậu. Nhiều người thích “bắt chước” cố nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát gọi Phan Huỳnh Điểu là “nhạc sĩ tình yêu”, vì có lẽ chẳng còn danh hiệu nào thích hợp hơn thế dành cho ông – tác giả của hàng trăm bản tình ca và hành khúc trữ tình.

Những ca khúc để đời của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đều bắt nguồn từ cảm xúc tình yêu –  một tình yêu rộng mở, bao trùm cả tình đất, tình người.

Miền đất mà ông nặng lòng thương yêu nhất vẫn là nơi quê cha đất mẹ:

Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu Hồng đào chưa nhấm đã say
…Đất Quảng Nam chưa đi đã nhớ
Chớ em nói đậm đà vừa gặp gỡ mà đã yêu
(Quảng Nam yêu thương)

Đất ấy, người ấy là nguồn cảm hứng cho lời ca đầy kỷ niệm gắn với những đoạn đời khác nhau của ông. Có một Đà Nẵng thuở xưa thơ mộng trong tiếng hò rung cả ánh trăng vàng trên sông, và một Đà Nẵng hôm nay phố phường sáng lên màu ngói mới. Có một Đà Nẵng mùa thu ra đi lãng mạn trẻ trung theo bước chân đoàn quân vệ quốc, và một Đà nẵng mùa xuân trở về hân hoan phấp phới cờ bay dọc theo sông Hàn[1]. Thành phố cùng con sông quê hương hiền hòa mịn màng cát trắng là nỗi nhớ khôn nguôi suốt đời ông:

Nhìn một cánh chim bay tôi cũng nhớ về Đà Nẵng
Bồi hồi nghe sóng vỗ tôi lại mơ thấy sông Hàn
(Hát về thành phố quê hương)

Tình đất trải rộng tới mọi vùng miền từng in dấu chân nhạc sĩ. Rất nhiều địa danh đã đi vào lời ca mang nặng niềm thương nhớ. Núi Thành đẹp một đường bay đi bốn phương trời, vui một bến cảng tầu ghe tấp nập. Vu Giang chói chang dòng điện An Điềm, dạt dào bến sông ái Nghĩa. Tây Nguyên triền miên vang vọng điệu rông chiêng. Ô Loan bao la một màu xanh in lên mặt nước. Phú Ninh mung lung màn sương buông trên hồ. Thu Bồn chơi vơi thuyền bơi trong hoàng hôn. Đambri nghìn năm rì rào thác đổ. Đa Nhim ngàn thông đưa gió. Trà Mi hương quế thơm lừng[2].

Vì yêu đất nước mà Phan Huỳnh Điểu đã “xuất thần” với Giải phóng quân trong kháng chiến chống Pháp, đã kêu gọi Ra tiền tuyến – được coi như bài Giải phóng quân 2 – trong những năm đánh Mỹ, và nhất định sẽ có một Giải phóng quân 3 lại ra đi nếu còn xuất hiện thêm bất cứ kẻ thù nào trên đất này. Vì yêu đất nước mà những chuyến công du ngắn ở nước ngoài cũng làm ông xao xuyến nhớ từ cánh chim bay, cành tre gió lung lay đến con thuyền trôi trong nắng, kéo theo tiếng hò mênh mang trên sóng[3]. Những tháng năm sống trên đất Bắc ông luôn khắc khoải “lòng hướng vô Nam”[4]. Trở về phương Nam sau ngày thống nhất, ông lại nhớ nhung xứ Bắc, nghe câu hát con sít sang sông mà say trong lòng, mà rơi nước mắt[5].

Tình chung trở nên thực hơn, truyền cảm hơn khi được gói trong tình riêng. Tình đất hòa trong tình đời, đem theo cái chân thành, đằm sâu, bền lâu của nó vào tình yêu đôi lứa:

Cuộc đời chồng thêm tuổi
Tình yêu càng mặn mà
Cây xanh rồi cây cỗi
Tình yêu vẫn không già
(Tình yêu thì thầm – thơ: Diệp Minh Tuyền)

Phan Huỳnh Điểu ngợi ca tình yêu nhuần nhụy, đằm thắm ở những con người sẵn lòng “rút ruột nhả tơ”, đan kết từng sợi thương nhớ che mưa nắng cho người mình yêu:

Rút sợi thương chằm mái lợp
Rút sợi nhớ đan vòm xanh
Nghiêng sườn Đông che mưa anh
Nghiêng sườn Tây xòa bóng mát
(Sợi nhớ sợi thương – thơ: Thúy Bắc)

          Với Phan Huỳnh Điểu, nhớ là một biểu hiện của yêu. Chỉ một ngày chưa gặp mặt đã nhớ mênh mông, huống hồ nhiều ngày nhiều đêm xa nhau trong khoảng cách không gian của hai ngả đường chiến dịch, hai đầu con sông, hai đầu đất nước, hai phương trời[6]. Chẳng gì đo được chiều dài của nỗi nhớ và chiều sâu của tình thương, vậy thì lấy hai cái “không thể đo được” ấy để đo nhau. Có nhớ mới biết yêu nhường nào, có “ở hai đầu nỗi nhớ” mới biết “yêu và thương sâu hơn” và thời gian trong cách trở chỉ càng đốt cháy ngời tình yêu đích thực[7].

Nhớ ở Phan Huỳnh Điểu không ảo não, rên rỉ, mặc dầu trong chia ly có đắng cay, đau buồn và bão tố. Ông đi từ “hình ảnh kẻ chinh phu trong lòng người cô phụ” đến tình thương cô gái hậu phương gửi theo chiếc áo cho chiến sĩ tiền tuyến[8]. Ông rung cảm cùng tình yêu của người lính trong chiến tranh, cùng mối tình của người lao động trong hòa bình. Ông hòa mình vào tình thợ xây “em hướng Đông còn anh ở hướng Tây, hai đứa cùng xây chung một ngôi nhà”, vào tình thủy văn “anh trạm đầu sông em trạm cuối sông”, và tình người đi khai hoang “em đi khơi nước dòng sông, anh khai phá đồi hoang”[9].

Nhạc sĩ rất thích những hình tượng so sánh. Ông không chỉ thổi hồn nhạc vào câu chuyện tình Thuyền và biển của Xuân Quỳnh. Hơn một lần anh và em được gắn trong hình ảnh của biển và thuyền, sóng và bờ, thuyền và bến. Em là thuyền, là bến bờ nằm nghe biển hát, là hải âu đầy sức sống, để anh là biển rộng sóng xôn xao, là sóng biếc ngày đêm lang thang khắp đại dương[10]. Nếu bến nhớ thuyền mong đợi, thì sóng cũng nhớ bờ ngày đêm không ngủ[11]. Phan Huỳnh Điểu còn lồng tình yêu thủy chung vào hình bóng cây Kơnia khiêm nhường mà mãnh liệt sức sống, vào giọt mưa dăng đầy tình thương, giọt sương long lanh nỗi nhớ, tia nắng sưởi ấm tâm hồn[12]…

Nhạc sĩ yêu những buổi chiều và càng “về chiều” của cuộc đời càng hướng nhiều hơn tới những thời khắc cuối ngày đó. Ông đón Chiều trên cầu Thăng Long, rồi lại đến với Chiều Thu Bồn (thơ: Trần Nguyên), Chiều Paris. Ông có mặt Khi chiều xuống Đa Nhim, rồi lại Lãng đãng chiều Phú Ninh, hết Tương tư chiều (thơ: Xuân Diệu), Nhớ lắm chiều nay (thơ: Đào Hồng) lại bâng khuâng với Chiều tím (thơ: Đào Hồng), Chiều quạnh hiu (thơ: Chế Lan Viên). Ông tiếc nuối: yêu nhau sao chẳng nói để chiều buồn mênh mông, và day dứt: hoàng hôn tím đỏ phương trời ấy, tím cả lòng anh một nỗi đau[13].

Chất trữ tình của Phan Huỳnh Điểu cũng luôn vương vấn với mùa thu. Ông viết Thơ tình cuối mùa thu (thơ: Xuân Quỳnh), rồi lại tiếp tục ngâm nga với Mùa thu câu cá (thơ: Nguyễn Khuyến), rạo rực nghe Tiếng thu (thơ: Lưu Trọng Lư), thì thầm Nói với mùa thu (thơ: Kim Tuấn). Mùa thu là khoảng thời gian êm đềm, buồn lắng và nên thơ nhất trong năm. Có lẽ mùa thu của đời người, hoàng hôn của đời người cũng là khoảng thời gian chín nhất, tĩnh lặng nhất để thấu hiểu những được mất sau những đoạn đời sóng gió đã qua.

Tình người trong ca khúc Phan Huỳnh Điểu còn được thể hiện ở những góc cạnh lạ nhưng rất “đời”, như lời phân bua chẳng có gì đãi khách ngoài tấm lòng “ta với ta” khi Bạn đến chơi nhà (thơ: Nguyễn Khuyến), như tiếng kêu đau đớn từ trái tim trẻ thơ khi ba mẹ ra tòa ly dị và một tổ ấm bỗng biến thành Ngã ba (thơ: Nguyễn Thị Minh Thông).

Đằm thắm nồng nàn bao nhiêu trong tình ca, thì Phan Huỳnh Điểu lại càng hồn nhiên thơ ngây bấy nhiêu trong ca khúc nhi đồng. Tình yêu dành cho con trẻ ở ông được bày tỏ qua Những em bé ngoan, Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác, Vui trung thu… Gần nửa thế kỷ qua, có ngày nào mà các bé nhà trẻ mẫu giáo lại chẳng cất tiếng líu lo: “Te tò te đây là ban kèn hơi” hay “Em được khen là em bé ngoan”[14]? Như món quà “thừa kế”, những bài ca viết cho các con còn ở tuổi thần tiên năm xưa lại trở thành bài hát “trên đầu môi” của các cháu nội ông sau này, rồi đến lượt chắt nội trong gia đình “tứ đại đồng đường” của ông dành phần: “Te tò te là bài của con!”.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, buồn vui với mọi thăng trầm trong công cuộc dựng xây đất nước, gần 80 năm gắn đời mình với sự nghiệp âm nhạc cách mạng, nhạc sĩ lão thành Phan Huỳnh Điểu đã có một gia tài ca khúc đáng tự hào. Phần thưởng quý giá nhất cho nhạc sĩ là lòng mến mộ của công chúng. Hạnh phúc lớn nhất đối với nhạc sĩ là nguồn cảm hứng trẻ trung. Công chúng thế hệ sau vẫn thân thương gọi “cụ” Phan ở tuổi cổ lai hy là “người anh em trẻ mãi không già”[15], bởi thời gian chẳng làm phai đi vẻ duyên dáng, hóm hỉnh, yêu đời ở ông và chẳng cản trở ông viết tiếp bản tình ca “Cuộc đời vẫn đẹp sao!” cho đến ngày ra đi năm 2015.

(Lược trích từ 12 chân dung nhạc sĩ trong sách “Tác giả – tác phẩm” của Nguyễn Thị Minh Châu, 2004, 2015)

~~~~~~~~~~~~~`
[1] Quảng Nam yêu thương, Đà nẵng là nối nhớ, Đà Nẵng ơi chúng con đã trở về.
[2] Bài ca Núi Thành, Hát trên sông Vu Giang, Nhớ Tây Nguyên, Ô loan – Ô loan, Lãng đãng chiều Phú Ninh, Chiều Thu Bồn, Tình ca Đambri, Khi chiều xuống Đa Nhim, Thoáng đẹp Trà Mi.
[3] Chiều Paris.
[4] Tình trong lá thiếp.
[5] Giai điệu quê mình (thơ: Thế Hùng).
[6] Anh ở đầu sông em cuối sông, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Có những nhịp cầu, Nhớ lắm… chiều nay.
[7] ở hai đầu nỗi nhớ (thơ: Trần Hoài Thu), Hành khúc ngày và đêm (thơ: Bùi Công Minh).
[8] Tiếng thu (thơ: Lưu Trọng Lư), Trong từng mối chỉ đường kim.
[9] Bóng nắng (ý thơ: Vương Tâm), Tình thủy văn (thơ: Khương Hữu Dụng), Nếu đã nói thương nhau.
[10] Nếu anh là biển rộng (thơ: Nguyễn Thị Ngọc Tú), Con sóng lẻ loi.
[11] Nhớ lắm… chiều nay…(thơ: Đào Hồng), Sóng (thơ: Xuân Quỳnh).
[12] Bóng cây Kơnia (thơ: Ngọc Anh), Mùa mưa Tây Nguyên (thơ: Nghiêm Thị Hằng), Giọt sương (thơ: Vũ Minh), Tia nắng.
[13] Sang sông (thơ: Đào Hồng). Vắng em (thơ: Trịnh Thế).
[14] Đội kèn tí hon, Những em bé ngoan.
[15] Mãi mãi là tình yêu, tr. 313. Nxb Thanh niên, 2000.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY